Gia đình ông Ngô Đình Diệm từng bị bôi nhọ như thế nào?

Gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm

Khó có thể nói Tổng thống Ngô Đình Diệm hoàn toàn vô can trước những biến động kinh khủng dẫn đến sự sụp đổ nền Đệ nhất VNCH vào tháng 11-1963 nhưng chắc chắn rằng những cáo buộc bôi nhọ về tư cách đạo đức liên quan cá nhân ông Diệm và gia đình ông nói chung là những bịa đặt rẻ tiền. Trong một thời gian dài, nhiều người vẫn tin vào những dối trá ấy.

Từ “chuyện tình bà Nhu”…

Những câu chuyện về cố Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm từng là đề tài được bàn nhiều tại miền Nam ngay sau khi chế độ ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Sau 1975, nhiều tướng tá VNCH lưu vong cũng viết nhiều về đề tài này. Có người, như tướng Trần Văn Đôn và tướng Đỗ Mậu, đã không dè dặt trong việc chỉ trích nặng nề chế độ Ngô Đình Diệm và đặc biệt nhân vật gây tranh cãi số một Trần Lệ Xuân. Tuy nhiên, trong tất cả tài liệu trên, chưa tài liệu nào cho thấy bà Ngô Đình Nhu “trắc nết” như được miêu tả đốn mạt trong các bài viết từng xuất hiện ào ạt trên báo chí trong nước.

Trong bài viết đề tựa “Bí mật về nơi nhuốm máu chuyện tình bà Trần Lệ Xuân”, tác giả viết:

“Căn phòng của phu nhân Toàn quyền Đông Dương, sau năm 1958 đã trở thành phòng riêng của “bà cố vấn” Trần Lệ Xuân. Năm 1962, biết Cố vấn Ngô Đình Nhu phải lo tập trung đối phó với các tướng tá nhằm bảo vệ quyền bính cho dòng họ thì Lệ Xuân đã bí mật bay lên Đà Lạt sau khi gọi điện cho người tình là Trung tướng Trần Văn Đôn. Sau khi nhận điện, từ Sài Gòn, Tướng Đôn cấp tốc phóng xe lên theo. Một cuộc trăng hoa ngây ngất đã xảy ra tại nơi này. Trong lúc cả hai đang quấn chặt lấy nhau và chìm đắm trong lạc thú ái ân thì bỗng cánh cửa phòng bị đạp tung. Một người đàn bà đẫy đà là vợ của Tướng Đôn bước vào. Tiếng súng nổ. Lệ Xuân gục xuống, máu loang thấm đỏ cả drap giường. May mà viên đạn chỉ mới ghim vào bả vai trái. Tướng Đôn vội vùng dậy can ngăn, người đàn bà nọ mới chịu quay ra xe hơi cùng với một trung đội lính rằn ri chạy một mạch về Sài Gòn. Sau vụ “xì căng đan” đó, để tránh lời đàm tiếu “độc mồm độc miệng” của thiên hạ, Ngô Đình Nhu đã phải cắn răng thu xếp cho Lệ Xuân đáp máy bay sang Manila (Philippines) để mổ vết thương, gắp đạn ra và coi như không có chuyện gì”…

Đọc đoạn trên có thể thấy chẳng chi tiết được kể nào đưa ra mà có dẫn nguồn, nếu không nói tác giả chỉ bịa đặt và dựng đứng câu chuyện. Cần nhấn mạnh, dù bà Trần Lệ Xuân cùng vai trò của bà trong hậu trường chính trị Đệ nhất VNCH như thế nào thì tư cách đạo đức của bà là điều không có gì để thắc mắc nghi vấn. Nguồn gốc danh gia vọng tộc chắc chắn là rào cản lý trí không bao giờ cho phép bà Nhu sống bậy, cho dù tính cách bà cực kỳ mạnh mẽ khác thường. Bà Nhu xuất thân từ dòng tộc như thế nào? Thử nghe những gì được thuật từ chính ông Diệm.

Mùa xuân 1943, vài ngày sau Tết, gia đình ông Diệm quần tụ. Cuộc gặp, dưới sự chủ trì của cụ bà Ngô Đình Khả, chỉ thiếu ông Ngô Đình Thục và bà Ngô Đình Thị Giao. Nội dung là bàn về cuộc hôn nhân của ông Nhu với bà Trần Lệ Xuân. Hầu hết ý kiến, đặc biệt cụ bà Khả, đều phản đối. Phần mình, ông Diệm trình bày với cụ Khả: “Mẹ cô Lệ Xuân, bà Thân Thị Nam Trân, là con gái của cụ cố (thượng thư – MK chú thích) Thân Trọng Huề. Mọi người đã biết chuyện con làm tổn hại gia đình nhà Thân Trọng như thế nào khi con bỏ tù một trong những người cháu của cụ ấy. Ấy thế họ vẫn tốt với con. Họ không xem con là kẻ thù. Gia đình Thân Trọng là danh gia. Cụ ngoại của cô Lệ Xuân là bà Như Phiên, em của các vua Kiến Phước (nay thường gọi là “Kiến Phúc” – MK), Hàm Nghi và Đồng Khánh, và là cô của vua Khải Định”. Ông Diệm nói tiếp: “Mẹ đã yêu cầu chúng con xem xét gia đình cô ấy. Con có thể nói thế này. Ông Trần Văn Chương, cha cô ấy, là con của cố Tổng đốc Trần Văn Thông…”. (Trích từ “A Lifetime in the Eye of the Storm”; chương 12 “LOVE AND POLITICS”, Kindle Location 3584; tác giả Andre Nguyen Van Chau).

Bất luận nhiều tai tiếng trong việc can thiệp chính trường nhưng có điều chắc chắn rằng bà Trần Lệ Xuân không hề bê bối tư cách đạo đức cá nhân

Một người gốc gác như vậy có thể buông tuồng được chăng, đặc biệt khi sống trong một gia đình nghiêm cẩn như nhà ông Diệm? Báo chí Sài Gòn sau ngày đảo chính ông Diệm 1963 từng lôi ra vô số “bí mật cung đình” “triều Ngô” nhưng chưa ai dám đến mức dựng lên những chuyện đại loại bà Nhu làm tình với tướng Trần Văn Đôn mà một “nhà báo” tên Nguyễn Thanh Hoàng miêu tả như thể mình là nhân chứng thấy tận mắt trong loạt hồ sơ về bà Trần Lệ Xuân đăng trên một tờ báo trong nước cách đây vài năm. Các bài báo sau 1975 thậm chí còn bịa đặt “chuyện tình” giữa bà Nhu với Tổng thống Diệm. Đây là một dối trá đầy ác ý. Trong quyển “Làm thế nào để giết một tổng thống” (Lương Khải Minh, Cao Thế Dung, phát hành tại Sài Gòn 1971), tác giả kể:

“Một lần khác, vào đầu năm 58 khi chế độ Ngô Đình Diệm đang vào thời kỳ cực thịnh, một buổi tối bà Nhu bận đồ ngủ, mặc áo choàng vào phòng ông Tổng thống để kiện cáo một vài chuyện lặt vặt, ông già Ẩn khép cửa đi ra. Bỗng ông Tổng thống quát tháo rầm rĩ, bấm chuông gọi ông Ẩn và ông Bằng mắng vu vơ trước mặt bà Nhu. Từ buổi đó, biết ý ông Tổng thống nên mỗi lần bà Nhu vào phòng Tổng thống thì ông Ẩn hay ông Bằng phải có mặt hoặc sĩ quan tùy viên… Một lần khác bà Nhu vào kiện cáo chuyện gia đình dòng họ, Tổng thống Diệm vẫn yên lặng lắng nghe rồi nói: “Thím cứ về đi rồi tui tính cho”. Bà Nhu không chịu lại la lớn tiếng. Bất thần ông Tổng Thống cầm chiếc gạt tàn thuốc lá ném về phía em dâu…”.

Cũng cần nhắc lại, trong quyển “Finding the Dragon Lady: The Mystery of Vietnam’s Madame Nhu” (được dịch và phát hành trong nước với tựa “Quyền lực Bà Rồng” nhưng sau đó bị thu hồi) của tác giả Monique Demery (thạc sĩ Đông Á học Đại học Harvard, người trực tiếp phỏng vấn bà Nhu lần đầu tiên sau gần 20 năm bà cố vấn sống hoàn toàn khép kín), cũng không có bất kỳ chi tiết nào về lối sống “dâm đãng” và “trụy lạc” của bà Nhu cả.

Đến việc “anh em triều Ngô” tham nhũng…

Những chuyện như gia đình ông Diệm-Nhu giàu có nhờ tham nhũng cũng bịa đặt. Trong bài “Những thủ đoạn làm giàu của anh em Ngô Đình Diệm”, có đoạn:

“Tuy Thục và Cẩn đã giàu có nhưng khối tài sản của họ chưa thấm tháp gì so với tài sản của vợ chồng Ngô Đình Nhu. Cặp vợ chồng ông cố vấn, ngoài việc buôn bán ma túy và kinh doanh sòng bạc để lấy tiền phục vụ cho mạng lưới gián điệp thì còn nhiều phương pháp “làm tiền” rất phong phú mà toàn những chiêu siêu lợi nhuận. Theo cuốn Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân, riêng trong năm 1955, vợ chồng Nhu đã cắt xén ngay một lúc 22 triệu dollar trong số tiền viện trợ. Vụ này sau bị một nhà báo tố cáo làm lùm xùm một thời gian trên công luận khiến Washington phải triệu cả đại sứ Mỹ ở Sài Gòn về xét hỏi.

“Nguồn viện trợ Mỹ là một cái mỏ để vợ chồng Nhu đào với mỗi lần thu được hàng triệu dollar. Lệ Xuân cũng như hai người anh, em chồng, rất tham lam; không bỏ qua một cơ hội kiếm tiền nào. Lợi dụng quyền thế của gia đình, Lệ Xuân và tay chân tổ chức những vụ buôn lậu lớn lao vàng ngọc, giấy bạc… trên đường bay Sài Gòn-Hong Kong. Một hoạt động khác nữa là xuất cảng cao su do Lệ Xuân phụ trách và đám thủ hạ ở Nha thương cảng thi hành mỗi lần đem lại cho Lệ Xuân hàng trăm triệu Frances. Số tiền này được che mắt bằng cách chuyển cho 300 sinh viên ma ở Pháp qua sự sắp đặt gian lận của tòa đại sứ Việt Nam cộng hòa ở Pháp trong nhiều năm liền. Tất cả những tiền bạc mà vợ chồng Nhu thu được từ các hoạt động bất chính ấy đều được gửi vào các ngân hàng ở Thụy Sĩ, Pháp, Italia, Anh…

Suốt 9 năm làm tổng thống, ông Ngô Đình Diệm là tấm gương của sự liêm khiết và chính trực

“Sau khi anh em họ Ngô bị diệt, dân chúng vẫn kháo nhau về sự giàu có của vợ chồng Nhu nhưng con số cụ thể bao nhiêu thì khó nói chính xác. Tuy vậy, trong bài báo Pháp nhan đề “Phong kiến và mại bản ở miền Nam Việt Nam” được trích dẫn trong cuốn Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân, ký giả nói: “Đứng đầu là đệ nhất phu nhân mà số tiền bạc đã gửi ở ngoại quốc đã lên đến hàng tỷ, được công nhận vào hàng ngũ tỉ phú quốc tế sắp hạng thứ tư, không kém gì các ông vua dầu hỏa, xe hơi… ở Mỹ”.

Như bài viết về “chuyện tình bà Nhu”, bài viết vừa trích dẫn nói đến sự tham nhũng tư túi của gia đình ông Diệm nói chung, đặc biệt vợ chồng ông bà Ngô Đình Nhu, dĩ nhiên là bịp. Trong quyển “Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm”, ông Nguyễn Hữu Duệ, nguyên thiếu tá Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, thuật về ngôi biệt thự của vợ chồng ông Nhu tại Đà Lạt:

“Cụ Lại Mấn (thân sinh của cụ Lại Tư, Phó Chủ tịch Quốc hội) là nghị viên tỉnh Thái Bình, bạn thân của ba tôi (cũng là nghị viên của tỉnh Hưng Yên cùng thời với cụ), kể cho ba tôi nghe. Đây là ngôi nhà đầu tiên của vợ chồng ông Nhu, xưa nay ông bà chưa có cái nhà nào, suốt đời đi ở nhờ. Ngày ở ngoài Bắc thì ở nhờ nhà ông bà Trần Văn Chương là cha mẹ của bà Nhu. Tại Huế thì ở nhà ông bà Cả Lễ, anh rể và chị ruột của ông Nhu. Vào Sài Gòn thì ở nhờ nhà của địa phận Vĩnh Long mà Đức Cha Thục làm Giám mục. Có một thời ở Đà Lạt thì ở nhờ nhà bác sĩ Đôn, là thân phụ của trung tướng Trần Văn Đôn. Ông Nhu thời Pháp làm cũng khá lương, nhưng không đủ tiền mua nhà, và cũng đổi chỗ ở nhiều lần…”.

Tổng thống Ngô Đình Diệm trong chuyến kinh lý Hoa Kỳ gặp Tổng thống Dwight D. Eisenhower, 1957

Và nói về sự cần kiệm liêm khiết của ông Diệm, tác giả Nguyễn Hữu Duệ kể:

“Lúc nào cửa phòng làm việc của Tổng thống cũng mở, có cận vệ gác ngay cửa. Ông làm việc và ngủ ngay trong phòng làm việc, có một chiếc phản gỗ không có nệm cho ông ngủ. Suốt gần chục năm trời, ông sống như vậy”…

“Tôi cũng nhớ một hôm ở Đà Lạt, ông (Diệm) bảo tôi cho gọi đại úy Đẳng lên cho ông nhờ một việc. Đại úy Đẳng là sĩ quan quân cụ ở Sài Gòn theo lên Đà Lạt để bảo trì những khẩu súng săn của cựu hoàng Bảo Đại. Khi gặp Đại úy Đẳng, ông móc túi lấy hộp thuốc lá ông dùng hằng ngày, và hỏi: Anh xem có thể sửa cái hộp thuốc này được không, sao nó không đóng lại được. Tôi ngạc nhiên nhìn vào cái hộp thuốc đã quá cũ và sây sát nhiều…”

Về ông Nhu, tác giả Nguyễn Hữu Duệ viết: “Riêng ông cố vấn Ngô Đình Nhu, có trung tá Phạm Thư Đường là chánh văn phòng, có sĩ quan tùy viên là đại úy Hạp, cận vệ lo an ninh cho ông mỗi khi ông cần. Ông làm việc gần như suốt ngày tại văn phòng của ông. Nhiều khi tôi thấy đèn ở văn phòng còn sáng đến quá nửa đêm. Ông sống rất giản dị, ăn mặc xuề xòa. Mỗi khi anh em gặp ông chào, ông đều mỉm cười, gật đầu đáp lễ. Nhiều lần ông đi săn, thì đi bằng máy bay Air Việt Nam, chỉ có một vài anh em tháp tùng. Ông chả bao giờ dùng máy bay riêng của Tổng thống, cũng không bao giờ dùng phòng danh dự”…

Tổng thống Ngô Đình Diệm trong chuyến kinh lý thăm Philippines ngày 29-3-1958

Trong hồi ký “Đời một phóng viên và những ngày chung sống với chí sĩ Ngô Đình Diệm”, ký giả Văn Bia viết thêm:

“Tôi cứ tưởng ông Diệm gốc gác gia đình quan lại thượng lưu phải giàu có, tiền đốt tôi chết queo cũng chưa hết. Song ông luôn luôn xài tiền thật tiện tặn kỹ lưỡng. Suốt thời gian tiếp xúc với ông, tôi chỉ thấy ông chi tiền ra mua có hai thứ là thuốc Bastos và hột vịt lộn. Ông thuộc loại “kẹo” (hà tiện-MK) có hạng. Cái mũ feutre (nón nỉ) đã sờn viền ông còn đội đi kinh lý lúc làm Tổng thống, thấy đại úy Bằng thường cầm cho ông, cũng là cái nón tôi đã có lần đụng tới cả chục năm trước. Không biết khi xuất ngoại ông có đội theo hay không mà lúc trở về nước vẫn thấy còn cái nón đó. Nhiều khi sai tôi lo việc cho ông, chạy như chong chóng, ông không hề thưởng tôi một đồng xu nào. Tiền lẻ còn dư thối lại tôi đem về đưa cho ông, lần nào ông cũng nhận lại hết ráo. Quà cưới Tổng thống Diệm gởi đến cho tôi trước ngày vợ chồng tôi thành hôn năm 1960, không đắt giá lắm, tôi nghĩ do tiền túi Tổng thống xuất. Nhà dòng Chúa Cứu thế từng cứu tử hay cưu mang ông như ông công khai nhìn nhận, khi làm Tổng thống, ông vẫn không dám xuất công quỹ, chỉ đền ơn bằng một tháng lương của ông”…

Khó có thể kể hết những bài viết bôi nhọ bẩn nhằm vào ông Diệm trên báo chí trong nước  sau 1975. Điều đáng nói là một trong những tác giả rất “nhiệt tình” tham gia vào trò bôi bẩn là một người từng có tên tuổi trong làng báo VNCH! Tất cả cho thấy không chỉ tư cách đạo đức của một người làm báo mà còn cả “tư cách” của cả một hệ thống báo chí luôn hả hê bôi nhọ về những người “thua cuộc” trong khi giấu như bưng những tệ hại về đạo đức của các lãnh tụ thuộc “phe mình”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: