Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 10

Trong trận đánh lớn này, không những Quốc Dân Quân phá được vòng vây mà còn giải phóng được hai huyện Xuân Ninh và Xuân Lạn, gần một nửa tỉnh Móng Cái. Từ đó hai bên Việt Minh và Việt Quốc lấy sông Trà Cổ làm biên giới. Vì sông Trà Cổ không rộng, có chỗ chỉ vài trăm thước, nên Quốc Dân Quân và bộ đội Việt Minh đóng ở hai bên sông thường bắc loa giấy đánh võ miệng.

Tình hình tạm thời lắng dịu được hơn nửa tháng. Thật ra đó chỉ là sự yên lặng trước một trận bão, vì bên ta đang âm thầm mở một cuộc tấn công lớn để giải phóng toàn tỉnh Hải Ninh tức Móng Cái. Bộ tư lệnh đệ nhất chiến khu ra lệnh tuyển mộ thêm tân binh và tăng cường việc huấn luyện tác chiến cho các đơn vị. Quân số lên tới hơn ba trăm, nhưng thời ấy được gọi là một tiểu đoàn. Về võ khí đã mua được thêm sáu khẩu đại liên “Sủi Lồng Ký” cộng với bốn khẩu đại liên Hotchkiss sẵn có, bốn mươi tám trung liên vừa 24/29 của Pháp vừa “Đầu Bạc” Brengun của Anh, một súng cối 81 ly, vài chục tiểu liên báng sắt và hơn hai trăm súng trường đủ loại, đa số là Fusil Indochinois nòng dài của Pháp.

Vào năm 1946, một số võ khí như thế được coi là hùng hậu. Nếu so với súng của Quốc Dân Quân tại Vĩnh Yên, Đệ tam khu Việt Nam Quốc Dân Đảng thì hỏa lực mạnh gấp năm lần. Thời đó, đại chiến thế giới thứ hai vừa chấm dứt, Việt Minh, Việt Nam Quốc Dân Đảng ở miền Bắc và Nam bộ mới nổ dậy cùng với những lực lượng võ trang Cao Đài, Hòa Hảo nên súng rất hiếm.

Ở nhiều nơi, một tổ tam-tam chỉ có một khẩu súng Mousqueton cho một người, còn hai người kia dùng mã tấu hay tầm vông vót nhọn gọi là Bạch Binh. Ngay tại chiến khu Đông Triều của Việt Minh ở sát Móng Cái, có một trung đoàn của Vệ Quốc Quân và vài ba trăm du kích nhưng thật ra chỉ có chừng bốn trăm súng trường tạp nham đủ loại, còn trung liên rất ít, đại liên chỉ một hay hai khẩu.

Theo cung của tù binh ta bắt được thì Bộ quốc phòng Việt Minh lúc ấy do “Thượng tướng” Chu Văn Tấn làm bộ trưởng, vừa tăng cường cho chiến khu Đông Triều một số súng máy, không rõ là đại liên hay trung liên và bao nhiêu khẩu. Hầu hết các đơn vị võ trang của chiến khu Đông Triều đã được điều về mặt trận Móng Cái, đóng ở hữu ngạn sông Trà Cổ. Như vậy trận đánh lớn nhất thời 1945-1946 ở miền Bắc Việt Nam giữa quân đội của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Minh xảy ra tại Móng Cái, lên tới cấp trung đoàn (danh xưng thời ấy), với sự tham gia của một nghìn chiến binh, kể cả hai bên.

Anh Khải đã trở về Hải Phòng, còn tôi ở lại Móng Cái theo chỉ thị của anh Nguyễn Văn Lực (bí thư đệ nhất khu bộ), công tác trong tỉnh đảng bộ, sau đó được bầu làm bí thư tỉnh bộ Móng Cái. Anh tư lệnh Vi Văn Lưu và tôi đã thảo luận rất kỹ về trận đánh có tính cách quyết định này. Cả hai chúng tôi và bộ tư lệnh đều đồng ý giữ hoàn toàn bí mật mọi sự di chuyển của Quốc Dân Quân từ thành Móng Cái ra bờ sông Trà Cổ. Để thêm yếu tố bất ngờ, số Quốc Dân Quân thường trú trên tả ngạn sông Trà Cổ được rút bớt mỗi ngày trước sự quan sát không ngừng của các đơn vị Vệ Quốc Đoàn đóng ở bờ sông bên kia. Cuộc đấu khẩu bằng loa bên ta cũng thưa thớt dần.

Dạo ấy ở Móng Cái không có xe hơi hay xe gắn máy, mọi di chuyển đều bằng xe đạp hay đi bộ. Từ thành Móng Cái ra đến bờ sông Trà Cổ, nếu đi bộ nhanh phải mất gần bốn tiếng đồng hồ. Theo kế hoạch quân ta sẽ chỉ xuất phát ra khỏi thành lúc trời đã tối, khoảng hơn 7 giờ và phải tới bờ sông trước 11 giờ để bố trí ở những vị trí đã qui định và khai hỏa đúng 12 giờ đêm. Cũng theo ước lượng của bộ tư lệnh, Quốc Dân Quân, phải chiến đấu dưới hỏa lực mạnh của Việt Minh ít ra là hai tiếng đồng hồ mới chiếm lĩnh được bờ sông bên kia. Quốc Dân Quân sẽ lội bộ sang sông vì chỗ ấy nước không sâu lắm.

Anh tư lệnh Vi Văn Lưu tức Vệ An Quốc và tôi cùng một số anh em trong ban tham mưu sẽ lên Hổ Sơn quan sát trận đánh. Như đã nói ở trên, Hổ Sơn là cột cờ của thành Móng Cái, giống như cột cờ của thành Hà Nội. Cột cờ này được xây theo hình lục lăng, đường kính độ năm hay sáu mét, có cầu thang để lên tới ngọn, cao khoảng hai mươi mét, có bục bằng đá để quan sát qua các cửa sổ khá lớn.

Khoảng 11 giờ rưỡi tối ngày 12 tháng 6 năm 1946, chúng tôi đã đứng trên đỉnh Hổ Sơn để chờ giờ G, tức là 12 giờ đêm, quân ta sẽ khai hỏa. Vì đài quan sát của Hổ Sơn khá cao như đã nói, mà Hổ Sơn lại được xây trên đỉnh một ngọn đồi thấp ở trong thành Móng Cái nên có thể quan sát khá xa, hết tầm con mắt. Đêm hôm ấy là một đêm không trăng, tối trời. Đứng trên Hổ Sơn nhìn ra chỉ thấy bóng tối gần như dày đặc. Lâu lâu ở những xóm làng xa xa có một vài đốm lửa, có lẽ là đèn dầu hỏa ở nhà dân, le lói một lát rồi lại tắt ngấm. Anh tư lệnh chỉ tay về phía bên phải và bảo tôi trận đánh sẽ diễn ra về phía ấy.

Đúng 12 giờ đêm, không sai một phút, trong đêm tối đen, bỗng như có một con rồng lửa uốn khúc theo sông Trà Cổ – các ổ súng máy của phía bên ta đã khai hỏa. Lửa từ nòng súng đại liên “Thủy Long Cơ” và những trung liên khạc ra sáng chói liên miên, không dứt. Vì quá xa nên chỉ nghe tiếng súng mơ hồ, nhưng lửa từ nòng súng và đạn lửa bắn lên không trung chằng chịt như pháo bông. Càng lúc hỏa lực càng dày đặc, không cần ống nhòm, mắt thường cũng nhìn rõ con rồng lửa chạy dài nhiều cây số trên bờ Bắc của con sông. Tôi không nhận rõ được hỏa lực của Việt Minh bắn trả như thế nào vì lửa đạn lẫn lộn vào nhau. Khoảng một giờ sau đột nhiên các tia lửa tắt ngấm và cũng không còn nghe tiếng súng.

Ngày hôm sau được nghe báo cáo, tôi mới rõ sau một giờ bắn súng máy liên tục, các ụ súng bằng tre có phủ đất của Việt Minh ở bờ phía Nam sông đều bị bắn nát. Lúc đầu bọn Vệ Quốc Đoàn còn bắn trả khá mãnh liệt, nhưng chỉ nửa giờ sau, tiếng súng kháng cự của chúng thưa dần rồi im bặt. Quốc Dân Quân liền thi nhau nhảy xuống nước vượt sông. Vì sông Trà Cổ chỉ rộng độ hai trăm mét và nhiều chỗ nông không cần phải bơi cũng lội qua được nên bên ta chiếm bờ phía Bắc dễ dàng vì Việt Minh đã “chém vè,” bỏ chạy thoát thân. Trong đêm tối ta chỉ bắt được vài tù binh.

Mờ sáng hôm ấy tin từ mặt trận về cho biết quân ta đã tiến về phía Nam, cách sông Trà Cổ hơn mười cây số. Lực lượng phòng thủ của Việt Minh đã bị quân ta đánh tan. Chúng đang rút chạy về Hà Cối. Bên ta không một chiến sỹ nào bị hy sinh, chỉ có năm, bảy người bị thương nhẹ. Địch chết và bị thương khá nhiều chưa kiểm tra được.

Anh Vi Văn Nguyễn, con trai tư lệnh Vi Văn Lưu (sau này là đại tá trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa) và em gái của anh đi cùng với tôi và một đoàn anh chị em cán bộ cứu thương tức tốc ra tiền tuyến để mang quà tặng các chiến sỹ. Chúng tôi phải đi bộ vì lúc ấy ở Móng Cái chỉ toàn đường đất nhỏ hẹp, khó đi xe đạp bởi rất gập ghềnh.

Trời sáng rõ thì đoàn cán bộ, có một thiếu tá trong quân đội quốc gia Trung Hoa xin tháp tùng xem mặt trận ra đến bờ sông Trà Cổ. Không còn vết tích gì của cuộc giao tranh tối hôm trước, và vắng tanh không một bóng người. Đi thuyền qua sông Trà Cổ, lên bộ đi độ nửa giờ thì đến một nghĩa địa, đoàn cán bộ tiếp tục đi lên thì thấy làng Trà Cổ, toàn là nhà hai tầng xây bằng bê tông vì làng này làm bát rất giàu. Vừa đến giữa làng thì từ lầu hai của mấy ngôi nhà quét vôi trắng bỗng có tiếng súng Nhật bắn tỉa vào đoàn cán bộ.

“Tắc… bùm, tắc… bùm!”

Đạn của Nhật là đạn đum-đum, nổ hai lần. Bị đánh bất ngờ, mọi người vội nằm rạp xuống, bò trở lại bờ sông. Không ai có súng trường để bắn trả vì toàn là cán bộ dân sự. Chỉ có tôi mang theo khẩu súng ngắn Browning và ông thiếu tá Trung Hoa có cây “poọc-hoọc”, tức súng ngắn bắn tự động Mauser.

Tuy vậy chúng tôi cũng bắn bừa vào phía mấy tòa nhà lầu, nhưng vì là súng ngắn nên chẳng ăn thua gì, và cũng không thấy địch nắp sau các cửa sổ. Bò dần lui đến bãi cát nghĩa địa thì mọi người đã có chỗ nấp sau các gò mả. Đạn của Việt Minh nổ tung ngay trên các gò mả, làm tung cát và cỏ xuống đầu mọi người. Rất may chúng bắn nửa giờ mà không ai bị trúng đạn cả, và địch cũng không đuổi theo, chỉ nấp trong nhà bắn ra.

Có lẽ nhờ những phát đạn của khẩu súng lục Browning và Mauser nên chúng không dám đuổi theo. Về đến Móng Cái mới biết đó chỉ là các tên du kích còn sót lại bắn ra. Vì chúng chưa bao giờ bắn đạn thật nên chẳng bắn trúng được ai và nhát gan không dám đuổi theo. Nếu gặp bộ đội chính quy chắc anh em cán bộ không thể sống sót.

Thế là toàn bộ tỉnh Móng Cái, thị xã và ba quận (huyện) nay đã sạch bóng quân thù.

CÒN TIẾP

____________

Gió lốc – hồi ký chính trị

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: