Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 19

Chương VII – Lưu vong (Kỳ 4)

Trước tiên tôi viết thư về Quảng Châu Vân, mời anh Bùi Xuân Giao lên ở với tôi tại một căn phòng tôi thuê ở Kowloon (Cửu Long), tôi kèm Anh văn cho anh, cho tới khi anh kiếm được việc làm. Tiếp đó là anh Nguyễn Văn Ba rời Quảng Châu Vân đến ở nhà tôi. Anh Phùng Hữu Lễ lên sau cùng và tự tìm được việc làm ngay tại Ngân hàng Bỉ.

Thời gian đầu chúng tôi mất hoàn toàn mất liên lạc với đảng bộ Quốc Dân Đảng ở nội địa Trung Hoa. Mãi cuối năm 1948, tôi mới gặp lại hai anh Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam tại Hương Cảng cùng với anh Trương Bảo Sơn và một nhân vật chính trị mới nổi là ông Lưu Đức Trung, phát ngôn viên của cựu hoàng Bảo Đại, lúc ấy đang điều đình với Pháp về nền độc lập của Việt Nam.

Một điều đáng tiếc là giữa hai anh Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh đang có sự bất hòa. Lúc mới tới Hương Cảng, tôi có gặp anh Đỗ Đình Đạo tại nhà ông Nguyễn Xuân Đài, nhưng ngày hôm sau anh Đạo lên Quảng Châu ở với anh Nguyễn Tường Tam. Vì hai lãnh tụ Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Tường Tam không ngồi lại được với nhau, nên anh em đảng viên đang sống lưu vong tại Trung Hoa cũng một phần nào bị phân hóa.

Cuối Đệ Nhị Thế Chiến, cuộc hòa giải giữa chính phủ Trung Hoa và Trung Cộng do Tướng MacArthur làm trung gian tan vỡ. Tổng thống Tưởng Giới Thạch ra lệnh cho Quốc Quân tấn công và chiếm Diên An, thủ đô của Trung Cộng. Thật ra Diên An không có vẻ gì là một thủ đô, vì đó chỉ là một vùng đồi núi với những hầm đào sâu vào trong núi để làm đại bản doanh của Mao Trạch Đông và nơi đóng quân của Đệ Bát Lộ Quân mà thôi.

Khi Quốc Quân tiến vào thì Mao Trạch Đông cùng với Chu Đức, Chu Ân Lai đã rút lên miền Đông Bắc để cố thủ. Tuy thế các báo Tàu ở Hương Cảng vẫn coi là một chiến thắng vang dội và chạy những hàng tít lớn như “Quốc Quân thu phục Diên An”. Trong khi đó Liên Xô tái võ trang cho Trung Cộng rất hùng hậu bằng cách trao cho Đệ Bát Lộ Quân của Mao Trạch Đông các kho võ khí của Nhật, sau khi Nhật đầu hàng, mà lẽ ra Liên Xô phải trao cho chính phủ Tưởng Giới Thạch.

Từ đầu năm 1948 quân Trung cộng bắt đầu phản công, đánh bại nhiều binh đoàn của quân đội quốc gia Trung Hoa và tràn xuống miền Nam. Nhiều đại đơn vị của Quốc Quân đầu hàng vì thiếu tiếp tế hoặc vì bất mãn với cung cách điều khiển cuộc chiến tranh, như trường hợp tướng Phó Tác Nghĩa không đồng ý với việc Tổng thống Tưởng Giới Thạch ngồi ở Bắc Kinh mà nhiều khi trực tiếp điều khiển một trận đánh, can thiệp vào quyền chỉ huy của các tướng đang cầm quân ở mặt trận.

Tình thế ngày càng trở nên nguy ngập, nội bộ Trung Hoa Quốc Dân Đảng lục đục, Tổng thống Tưởng Giới Thạch buộc phải từ chức; Lý Tế Thâm, một nhân vật thuộc phái “Quảng Tây”, lên làm quyền tổng thống. Chính phủ Trung Hoa Quốc Gia, tuy vẫn lớn tiếng hô hào kháng Cộng, nhưng thực tế đang chuẩn bị rút sang đảo Đài Loan. Đến đây có một chuyện hài hước không ai có thể tin được, nhưng hoàn toàn có thật, báo chí tại Hương Cảng đều đăng tải.

Nguyên do là tại vùng Thập Vạn Đại Sơn, một vùng núi non hiểm trở, có một đám giặc cỏ trấn đóng, gọi là giặc cỏ nhưng ở Trung Hoa hồi bấy giờ, những đám giặc như thế thường đông tới vài ba chục ngàn người, trang bị võ khí khá tối tân, có cả trọng pháo, được tổ chức thành sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn… Những tên chỉ huy tự xưng là đại tướng, thống tướng…

Đám giặc này nghe tin quân đội quốc gia Trung Hoa sắp rút sang Đài Loan, bèn gửi một bức thư cho Tổng thống Tưởng Giới Thạch, lúc này đã trở lại cương vị tổng thống, sau khi Lý Tế Thâm từ chức, trong thư, tên “đại tướng tổng tư lệnh” đề nghị sẽ bảo vệ cho ba triệu quân quốc gia đi qua vùng hắn chiếm đóng được an toàn, nếu chính phủ Trung Hoa chịu cho hắn năm triệu Mỹ kim, bằng không, hắn sẽ tiêu diệt. Lẽ tất nhiên, thư này không bao giờ được trả lời!

Từ trước tới nay, chính phủ Trung Hoa vẫn thường ngầm giúp đỡ các nhà cách mạng Việt Nam, tuy nhiên sự giúp đỡ này về mặt tinh thần nhiều hơn, còn về vật chất, tài chính thì rất ít. Nay trước tình thế nguy ngập, những nhà lãnh đạo, đặc biệt các tướng chỉ huy những tỉnh tiếp giáp với Việt Nam, tìm gặp và ủng hộ cho các nhân vật này thành lập những tổ chức chính trị, hoạt động công khai, mục đích đưa những tổ chức ấy vào để có danh nghĩa vô Việt Nam.

Một tướng lãnh cao cấp từng nổi tiếng trong cuộc chiến tranh kháng Nhật là Tây Nam Tướng Quân Bạch Sùng Hy, tổng chỉ huy quân đội Trung Hoa vùng Quảng Tây, đã mở nhiều cuộc tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo cách mạng lưu vong như Hoàng Nam Hùng; lãnh tụ Lực lượng Phục Quốc, Vũ Hồng Khanh; Tổng bí thư Việt Nam Quốc Dân Đảng; Lưu Đức Trung tức Cao Thái Sơn, Chủ tịch Việt Nam Phản Công Liên Minh; cựu phát ngôn nhân của cựu hoàng Bảo Đại, Vũ Đình Huyên; Tổng tư lệnh Việt Nam Hải Ngoại Đoàn tại Quế Lâm, thủ phủ tỉnh Quảng Tây và Nam Ninh gần biên giới Việt Nam, khi quân Trung Cộng tràn xuống miền Nam Trung Hoa.

Đến giữa năm 1949, quân Trung Cộng tiến nhanh như vào chỗ không người, nhiều khi chúng đi bằng xe lửa, gây nhiều sự bất ngờ như trường hợp thành phố Quảng Châu chẳng hạn. Sáng hôm ấy, mấy anh em chúng tôi đang ở trong trụ sở của Mặt Trận Việt Nam Phản Công Liên Minh tại Quảng Châu, ra một trà thất gần đấy uống trà như thường lệ.

Ở tiệm trà ra, nhân tiện, tôi ghé ra nhà ga xe lửa gần đấy để xem quang cảnh nhà ga ra sao. Vừa tới nơi, tôi tá hỏa tam tinh khi thấy tình trạng vô cùng rối loạn. Phòng bán vé không còn một bóng người, hành khách đang đua nhau trèo qua hàng rào sắt để vào sân ga, chuyến tàu đi Hương Cảng chật ních người, hai đầu toa thiên hạ đứng chen chúc, rất nhiều người leo lên cửa sổ rồi nhào đại vào trong toa, trên đầu trên cổ các người khác.

Hỏi ra mới biết, đây là chuyến xe lửa cuối cùng chạy xuống Hương Cảng, vì quân Trung Cộng chỉ còn cách Quảng Châu có năm mươi dặm. Tôi rất đỗi ngạc nhiên, bởi mới sáng nay tôi nghe đài vô tuyến truyền thanh loan tin Cộng quân mới chiếm một thị trấn nhỏ cách thành phố Quảng Châu khoảng bảy trăm dặm (sau này tôi mới biết tin đồn Cộng quân đã tiến tới ngoại ô Quảng Châu là thất thiệt). Tôi hoảng hốt, không kịp quay về trụ sở để lấy quần áo, leo lên cửa sổ một toa xe lửa, lao mình vào trong toa.

Về tới Hương Cảng được vài ngày, tôi nhận được điện của Tổng Bí Thư Vũ Hồng Khanh yêu cầu tôi đáp máy bay đi Quế Lâm ngay để dự cuộc họp khẩn cấp với Tướng Bạch Sùng Hy. Có lẽ dân Hương Cảng lúc ấy ít người dám đi vào nội địa Trung Hoa nên chuyến máy bay của hãng Cọp Bay sáng hôm đó chỉ lơ thơ có mấy người.

Khi máy bay xuống thấp để đáp xuống phi trường Quế Lâm, tôi trông thấy trên phi đạo còn có rất nhiều máy bay chiến đấu Bearcat, có lẽ những máy bay này không kịp cất cánh và sẽ vào tay Trung Cộng. Viên phi công của chiếc máy bay tôi đang đi thông báo Cộng quân đang pháo kích trường bay, nên máy bay chỉ đậu mười phút rồi sẽ bay đi Nam Ninh ngay.

Trong mười phút ngắn ngủi này, hành khách, có vé cũng như không có vé, tranh nhau lên máy bay, đến nỗi phi hành đoàn phải xô đẩy họ, không cho lên máy bay. Phần lớn hành khách là những viên chức cao cấp của chính quyền địa phương cùng với gia đình họ. Họ mang theo đủ thứ, kể cả các lồng gà, lồng chim, chó, mèo, thôi thì đủ thứ lôi thôi lếch thếch.

Tới Nam Ninh, một thành phố nhỏ hơn Quế Lâm, mặc dù chính phủ Tưởng Giới Thạch đang di tản sang Đài Loan, dân chúng vẫn còn treo cờ Thanh Thiên Bạch Nhật, cờ quốc gia Trung Hoa, để đón Chủ tịch Quảng Tây Hoàng Húc Sở và đoàn tùy tùng của ông.

Trong cuộc hội nghị giữa Tướng Bạch Sùng Hy và Chủ tịch Hoàng Húc Sở với lãnh tụ các đảng cách mạng quốc gia Việt Nam, Tướng Bạch Sùng Hy tuyên bố ông sẵn sàng giúp võ khí và quân trang, quân dụng cho những vị này thành lập quân đội về đánh Pháp, giải phóng miền Bắc Việt Nam, thành lập chính phủ Việt Nam tự do, đối lập với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Cộng Sản Việt Nam và chính quyền của cựu hoàng Bảo Đại do Pháp tạo ra. Vì lẽ hiện nay giữa Trung Hoa Quốc gia và Pháp vẫn còn quan hệ ngoại giao nên việc này phải giữ kín, cho đến khi nào bắt tay vào hành động mới công bố được.

Tuy nhiên Tướng họ Bạch không cho biết bao giờ sẽ hành động mà cũng không cho biết chi tiết về kế hoạch này. Trong cuộc họp kể trên tại tổng hành dinh của Tướng Bạch Sùng Hy ở Nam Ninh, các lãnh tụ cách mạng Việt Nam cũng đồng ý thành lập một mặt trận chính trị thống nhất lấy tên là Việt Nam Quốc Gia Cách Mạng Phản Công Liên Minh với chủ tịch là Lưu Đức Trung, phó chủ tịch Hoàng Nam Hùng, quân sự ủy viên trưởng Vũ Hồng Khanh, ủy viên ngoại giao Lý Hồng Giang tức Phạm Thái, ủy viên nội vụ kiêm tư lệnh dân quân Vũ Đình Huyền và một số ủy viên khác.

Vì lẽ cần phải đề cao Mặt Trận này mà trên thực tế được xem như là một chính phủ Việt Nam lưu vong, trên giấy tờ gửi cho các cơ quan ngoại quốc và báo chí, ủy viên ngoại giao được đổi thành bộ trưởng ngoại giao. Và cũng trên thực tế này, việc tổ chức một đạo quân cách mạng Việt Nam trên lãnh thổ Trung Hoa không phải là một chuyện dễ, mặc dù được Tướng Bạch Sùng Hy hứa cung cấp vũ khí, bởi lý do đơn giản là tìm đâu cho ra số người cầm súng. Trong hàng ngũ các đảng, phái chỉ có cán bộ, còn đảng viên, từ khi phải rút sang Trung Hoa những năm 1946, 1947, đều tản ra các vùng quê, tìm cách sinh sống.

Ngay Việt Nam Quốc Dân Đảng là đoàn thể có đông đảng viên nhất trên lãnh thổ Trung Hoa, nhưng sống rải rác ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông nay tập hợp lại cũng rất khó khăn, vì ở Trung Hoa thời bấy giờ, việc thông thương chỉ trông vào đường bộ, mà đường xá lại quá ít, nhiều chỗ không thể lưu thông bằng xe mà phải đi bộ lại thêm giặc cướp như ong.

Như trường hợp anh Tùng Vĩnh Thạnh, một trong những cán bộ ưu tú của Việt Nam Quốc Dân Đảng, anh là sinh viên Đại học y khoa Hà Nội, chiến đấu chống Pháp và Việt Minh tại mặt trận Phong Thổ, sang Trung Hoa anh được cử đi học tại Đại học quân sự Hoàng Phố ở Thành Đô, Tứ Xuyên. Khi vừa tốt nghiệp, anh cũng như các sinh viên khác như các anh Trịnh Danh, Nguyễn Duy Di, Đỗ Đức Tâm…, trên hai mươi người, được điều động về Nam Ninh và Côn Minh, Vân Nam.

Anh đi nhờ được một đoàn xe quân sự của quân đội quốc gia Trung Hoa. Chẳng may cho anh, đoàn xe này giữa đường bị một toán thổ phỉ tấn công. Binh sĩ trên xe đánh tan đám giặc cỏ này, nhưng anh Tùng Vĩnh Thạnh bị trúng đạn lạc chết. Tôi đi đón xác anh và vì trời tối, nhà chức trách thành phố Nam Ninh không cho phép mang xác vào thành phố, đành phải để xác anh ở một bãi cỏ, bên vệ đường. Đêm hôm ấy tôi mang chiếu ra nằm, canh xác anh!

Thời gian trôi qua, không thấy Tướng Bạch Sùng Hy triệu tập cuộc họp nào nữa, ai nấy đều phân vân, chẳng hiểu ra sao. Một đêm, anh Vũ Hồng Khanh nằm chung giường với tôi tại một căn nhà của một ông bạn người Trung Hoa. Thao thức không ngủ được, anh bảo tôi:

-Nếu cứ kéo dài như thế này, mình tính sao đây?

Tôi cũng chẳng biết phải giải quyết như thế nào? Thật ra không ai có thể giải quyết được, vì lẽ tất cả mọi phương tiện đều nằm trong tay các tướng lãnh Trung Hoa, những đảng phái cách mạng quốc gia Việt Nam hiện đang chờ đợi ở Nam Ninh, không có tiền, không có súng, cả đến phương tiện vận chuyển cũng không có. Rồi một hôm, tôi nhớ là gần tới lễ Giáng Sinh, tình hình bỗng trở nên sôi động…

CÒN TIẾP

____________

Gió lốc – hồi ký chính trị

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: