Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 2

Một buổi tối khoảng chín giờ ngày 9-3-1945, tôi đang ăn cơm với gia đình ở làng Thanh Trì, bỗng nghe thấy nhiều tiếng nổ rất lớn từ phía thành phố Hà Nội, cách nhà tôi độ ba hay bốn cây số. Tôi vội chạy ra bờ sông Hồng Hà, nhìn lên trời để tìm máy bay vì hồi ấy máy bay Mỹ thường bay tới thả bom các trại lính Nhật ở Hà Nội. Không thấy máy bay đâu, mà chỉ thấy những viên đạn đỏ rực bay như pháo bông trên bầu trời Hà Nội và cả bên phía Gia Lâm. Bấy giờ xen lẫn với những tiếng nổ lớn, có cả tiếng súng liên thanh bắn từng tràng, tưởng như không bao giờ dứt. Mới đầu chúng tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng ít phút sau anh cả tôi nói:

-Chắc “hội kín” nổi lên đánh Pháp!

Tôi thầm mong họ chiến thắng. Mấy giờ đồng hồ trôi qua, tiếng súng thưa dần và khoảng nửa đêm thì im bặt. Một số người, kẻ đi xe đạp, người đi bộ, từ Hà Nội theo con đê chạy về làng Thanh Trì. Hỏi thăm thì họ cũng chẳng biết ai đánh ai. Thấy súng nổ thì chạy thục mạng ra khỏi thành phố. Có một thầy đội xếp, tức lính cảnh sát người Việt, bỗng nói to:

-Pháp đánh Nhật!

Sáng hôm sau tôi phóng xe đạp lên Hà Nội, thấy nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm. Ngoài đường rất ít người, chỉ thấy những xe vận tải chở đầy lính Nhật phóng rất nhanh. Lát sau, bỗng có một người bán báo đi xe đạp qua miệng rao:

-Báo Đông Pháp ơ! 

Tôi gọi lại mua một tờ. Hôm nay báo chỉ có một trang và chỉ chạy một hàng chữ lớn, in đậm: “Tại Hà Nội Quân Pháp Đã Đầu Hàng”. Thì ra Nhật đảo chánh Pháp, chỉ trong một đêm, chính quyền bảo hộ Pháp sụp đổ tan tành. Suốt từ Sài Gòn đến Hà Nội, quân Pháp đã bị bắt làm tù binh. Viên toàn quyền Pháp Decoux và tướng tổng tư lệnh Pháp Mordant bị quân Nhật bắt ngay từ giờ đầu của cuộc đảo chánh.

Đến khoảng 10 giờ sáng, thấy đã yên, người ta đổ ra đường đông nghẹt. Ai cũng xôn xao bàn tán và mừng rỡ ra mặt vì nền thống trị của thực dân Pháp từ gần tám mươi năm qua, nay không còn nữa. Hãy vui mừng cái đã, còn ý đồ của Nhật ra sao, chưa cần biết. Đến gần trưa khi đi ngang qua phố Tràng Thi, tôi thấy có vài chục người tụ tập ở trên bao lơn một tòa nhà lớn ở góc đường. Lúc ấy đang có một số thanh niên và sinh viên dùng micro động viên đồng bào.

Người đang nói tự giới thiệu mình là sinh viên trường thuốc. Đại ý anh hô hào đồng bào hãy hăng hái tham gia cách mạng để bảo vệ đất nước… Thoạt đầu số đồng bào đứng ở dưới đường có vẻ ngỡ ngàng, sau đó họ vỗ tay tuy chưa nồng nhiệt lắm. Cũng không có gì lạ về thái độ này vì từ mấy thế hệ rồi, có bao giờ họ nghe những danh từ như độc lập, cách mạng đâu. Nóng máu, tôi gác xe đạp bên lề đường, rồi tìm cầu thang chạy lên bao lơn. Lúc ấy có độ mười anh sinh viên đang đứng bao quanh máy vi âm. Thấy các anh có vẻ thân thiện nên khi anh sinh viên đang nói chuyện với đồng bào vừa dứt lời tôi tiến đến máy vi âm và nói:

-Cho tôi nói.

Mấy anh vui vẻ gật đầu, có lẽ cho tôi là một sinh viên ở một phân khoa nào khác. Tôi vừa cất lời:

-Giặc Pháp thực dân đã đầu hàng!

Đồng bào tụ tập ở dưới đường vỗ tay rầm rầm, có người vừa vỗ tay vừa nhảy lên, khí thế vô cùng hăng hái. Tất nhiên, ở tuổi hai mươi tôi cũng không thể nói hay hơn các anh sinh viên có mặt trên bao lơn, nhưng tôi gãi đúng vào chỗ ngứa của đồng bào đang căm thù thực dân Pháp đến tột độ. Cuộc nói chuyện vừa chấm dứt, những anh sinh viên bắt tay tôi rối rít.

Một anh hơi lớn tuổi tự giới thiệu (tôi không nhớ được tên) là tổng thư ký hội sinh viên y khoa, mời tôi chiều hôm sau tới dự lễ truy điệu anh Trần Văn Nhung, sinh viên trường Luật vừa từ trần đêm hôm qua khi anh cùng một số sinh viên khác tháp tùng quân đội Nhật, trèo qua tường thành ở gần cửa Nam vào tấn công quân Pháp cố thủ trong thành. Độ một tháng sau tôi được tin anh sinh viên tổng thư ký trường thuốc này bị Việt Minh thủ tiêu khi anh đến một chỗ hẹn ở gần chùa Láng, Hà Nội, để gặp đại diện của Mặt Trận Việt Minh bàn chuyện hợp tác.

Một hôm vào khoảng đầu tháng 4-1945, tôi lên gặp anh Nguyễn Ngọc Sơn tại trụ sở Việt Nam Quốc Dân Hội ở Yên Phụ, gần bờ sông Hồng Hà. Lúc này anh Sơn và một số cán bộ kỳ cựu của Việt Nam Quốc Dân Đảng như anh Nguyễn Thế Nghiệp, Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân đã ra bán công khai.

Tuy nhiên chỉ lấy danh hiệu là Việt Nam Quốc Dân Hội, có lẽ để tránh phương hại đến những tổ chức của Việt Nam Quốc Dân Đảng trên đất Trung Hoa bởi lẽ các tổ chức ở hải ngoại này của Việt Nam Quốc Dân Đảng tất nhiên đứng về phe đồng minh của ngũ cường, Mỹ, Anh, Nga, Pháp, và Trung Hoa chống Nhật Bản, trong khi Việt Nam Quốc Dân Hội hoạt động trong nước Việt Nam đang do Nhật chiếm đóng. Trong khi một số đảng phái chính trị được Nhật nâng đỡ, công khai đi với Nhật như Đại Việt Quốc Xã, sau là Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, Đại Việt Dân Chính thì Việt Nam Quốc Dân Hội hoạt động kín đáo, chủ yếu là móc nối lại các cơ sở cũ bị Pháp khủng bố từ 1930 và tổ chức những chi bộ mới.

Sau ngày chính quyền Pháp bị Nhật lật đổ, tôi năng gặp anh Nguyễn Ngọc Sơn hơn. Anh cho tôi xem một bản chép tay về Tam dân chủ nghĩa của Trung Hoa Quốc Dân Đảng được dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên lúc này anh rất bận rộn, nên không có nhiều thì giờ để giảng giải cho tôi hiểu nhiều hơn nữa về tôn chỉ và mục đích của Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng anh đã xem tôi là một thanh niên cảm tình viên của đảng.

Một ngày nọ, anh nhắn một người quen bảo tôi lên gặp anh ở trụ sở của “Việt Nam Quốc Dân Hội” ở Yên Phụ. Tôi vừa tới, anh hỏi tôi có muốn đi xa hoạt động không. Lúc này cũng như hầu hết thanh niên khác, tôi nghỉ ở nhà không đi học, nên tôi vui vẻ trả lời là tôi sẵn sàng. Anh Sơn cho tôi biết anh cần một người liên lạc đi Huế để đưa tay một phong thư của anh viết cho một chiến hữu hiện đang làm việc tại Sở trước bạ Huế. Anh nhấn mạnh nhiệm vụ của tôi là đưa tận tay thư của anh cho anh Châu, tên người bạn của anh.

Anh cũng nói rõ anh hy vọng sau khi nhận được thư anh Châu sẽ đưa tôi đi bắt liên lạc với những đồng chí cũ của Việt Nam Quốc Dân Đảng trong khu vực Huế hoặc Đà Nẵng, Hội An. Anh cho biết thêm anh Châu là một bạn học cũ của anh nhưng không phải là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng mà là đảng viên của Cộng Sản Đệ Tứ Quốc Tế, một người Trốt-kít.

Anh nói: “Tuy anh Châu với tôi không phải là người cùng đảng, nhưng cùng một chí hướng chống Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế, nhất là những ngày chúng tôi bị giam ở Côn Đảo, phải đương đầu với bọn Cộng Sản Đệ Tam như Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và tên phản bội Trần Huy Liệu”. Trần Huy Liệu nguyên là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị Pháp bắt sau vụ khởi nghĩa Yên Bái, đưa ra Côn Đảo. Tại đây Liệu bị bọn Cộng Sản Đệ Tam móc nối, bỏ Việt Nam Quốc Dân Đảng theo cộng sản. Năm 1945, sau khi cộng sản “cướp chính quyền” ở Hà Nội, Trần Huy Liệu được Hồ Chí Minh chỉ định làm Bộ trưởng Bộ tuyên truyền. Công tác đầu tiên của Trần Huy Liệu là vào Huế tiếp nhận ấn, kiếm của Hoàng đế Bảo Đại.

Anh Sơn nói thêm từ năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại thì một số đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng bị Pháp xử tử hay bị tù đày, số khác bị lưu đày biệt xứ hoặc thay họ đổi tên, bỏ quê hương đi nơi khác sinh sống nên tới nay anh không còn liên lạc được với một đồng chí cũ nào ở Huế. Nên anh phải nhờ đến người bạn cũ là anh Châu làm giúp việc này.

Anh căn dặn tôi nếu không gặp được những đồng chí cũ của anh hay những người tuy trước đây chưa phải là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng tỏ ra có cảm tình với đảng, tôi cần phải thiết lập sự liên lạc cho chặt chẽ, rồi trở về báo cáo cho anh biết. Không thể gửi thư qua bưu điện rất dễ bị thất lạc vì hồi ấy đường xe lửa giữa Hà Nội và Huế bị cắt đứt ở nhiều chỗ do máy bay của Mỹ thường ném bom cầu và đường sắt. Xe đò thì chạy cầm chừng vì nhiều chỗ phải “tăng bo”, nghĩa là xe đậu ở bờ sông rồi hành khách phải xuống thuyền qua bờ bên kia, lên một xe đò khác. Khi gặp những chỗ đường sắt bị phá hủy, cũng phải làm như vậy. Không kể xe phải chạy bằng than vì không có xăng, nên rất chậm.

Để có bạn đồng hành, tôi rủ anh Dương Văn Hồ, một bạn học cũ, cùng đi. Anh Hồ không phải là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng là bạn thân của tôi nên vui vẻ nhận lời. Anh đâu ngờ vì chuyến đi này mà anh phải chết thảm khốc, bị Việt Minh thủ tiêu ngay sau khi anh đi Huế về. Quê anh ở làng Mễ Trì thuộc tỉnh Hà Đông. Khoảng tháng 7 năm 1945, khi tôi đang hoạt động ở Huế, anh nóng ruột vì cụ thân sinh anh đang đau nặng từ mấy tháng nay nên từ biệt tôi trở về Bắc. Cạn tiền, anh Hồ phải vừa đi bộ, vừa đi xe đò, mất đúng một tháng mới về tới quê anh. Lúc ấy tại làng Mễ Trì, mấy tên Việt Minh đã nổi lên nắm chính quyền.

Trong số các tên này, có vài tên là bạn học của anh nên biết rõ anh đi Huế cùng với tôi, hoạt động cho Việt Nam Quốc Dân Đảng. Bởi thế khi anh mới về nhà được vài ngày, săn sóc người cha già bị bệnh nặng thì bị công an xã bắt giam vì tội “Việt gian”. Chúng hỏi cung anh từ sáng sớm đến chiều, không cho anh uống một hớp nước hay ăn một chút gì lót lòng. Đến gần tối, tên công an hỏi cung anh có việc phải ra phòng ngoài gặp một tên cán bộ xã. Tuy anh Hồ đã bị trói chặt vào cột nhà, nhưng sợ anh la lên nên tên công an xé một vạt áo của anh tống vào cổ họng anh. Anh bị nghẹn thở, chỉ mấy phút sau anh ú ớ vài tiếng trong họng rồi tắt thở. Khi tên công an Việt Minh trở lại anh đã chết từ lâu rồi.

CÒN TIẾP

___________

Gió lốc – hồi ký chính trị

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: