Giờ phút cuối của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm

Bài biên khảo của tác giả Phạm Phong Dinh về cái chết của hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu có thể nói là khá chi tiết, tóm gọn trong gần 13,000 chữ. Vì khuôn khổ có hạn, xin phép được gửi đến quý vị phần súc tích nhất, cũng là câu hỏi thường nghe từ nhiều thế hệ trẻ người Việt hôm nay, vốn không có nhiều cơ hội tiếp cận với các tư liệu lịch sử miền Nam. Nhân ngày giỗ thứ 59 của hai chí sĩ họ Ngô, xin hãy cùng đọc lại những gì đã qua trong lịch sử của nền Cộng hòa Việt Nam.

*****

Đúng 1 giờ ngày 1.11.1963 tiếng súng của quân đảo chánh bắt đầu nổ. Một lực lượng nhiều tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến làm nỗ lực chính khai tử nền Đệ Nhất Cộng Hòa, cùng với những lực lượng hỗ trợ hỏa lực như Thiết Giáp, tăng viện chiến trường như Nhảy Dù, bao vây Sài Gòn như Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Đại Tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Nhảy Dù đã khẳng khái khước từ tham gia đảo chánh, ông suýt bị hạ sát ngay tại Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng được Trung Tướng Trần Thiện Khiêm can thiệp cứu thoát và cho người giam lỏng ông.

Với lòng trung thành ấy, ông có đủ phẩm chất được Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng tin tưởng giao cho ông tiếp tục chỉ huy binh chủng Nhảy Dù sau ngày 1.11.1963. Có lẽ trường hợp Đại Tướng Viên là một sự kiện kỳ lạ và độc nhất trong hàng tướng lãnh, một con người trung thành với Tổng Thống Diệm lạc lõng giữa đám Tướng, Tá phản loạn. Tuy vậy, ngày 28.4.1975, khi Tướng Minh nhận bàn giao chức vụ tổng thống từ Tổng Thống Trần Văn Hương, nhớ lại nỗi oan khuất và cái chết thảm của Tổng Thống Diệm, Đại Tướng Viên đã xin từ nhiệm, quyết không chịu cúi lòn dưới trướng của Minh.

1 giờ 05 phút. Quân Cọp Biển TQLC đã chiếm được Tổng Nha Cảnh Sát và Đài Phát Thanh Sài Gòn không gặp sức kháng cự đáng kể, Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt bị tràn ngập. Hôm trước, vị Chỉ Huy là Đại Tá Lê Quang Tung đã bị hạ sát bằng súng lục tại nghĩa trang sau khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu cùng với anh ông là Trung Tá Lê Quang Triệu, vì cả hai thề giữ lòng trung thành với Tổng Thống Diệm. Tư Lệnh Hải Quân, Đại Tá Hồ Tấn Quyền cũng mất mạng. Mất người tư lệnh, các chiến sĩ áo rằn Lực Lượng Đặc Biệt cam chịu tan rã.

4 giờ 30 phút. Suốt ba tiếng đồng hồ, tiếng súng giao tranh giữa hai lực lượng trung thành và đảo chánh nổ dòn dã khắp thủ đô. Dân chúng náo động, xôn xao và chờ đợi tin tức từ Đài Phát Thanh Sài Gòn. Người ta nhớ lại ba năm trước, cũng vào thời điểm này, ngày 11.11.1960 Đài Phát Thanh Sài Gòn cũng đã phát thanh lời hiệu triệu của quân đảo chánh, cùng những bài nhạc hùng quân đội. Nếu một bài nhạc hùng phát lên trong lúc này, thì đó là dấu hiệu của một cuộc đảo chánh khác.

Quả thật như thế, sau vài phút phát thanh một bản nhạc quân đội, dân chúng thủ đô và hầu hết các tỉnh Miền Tây qua các làn sóng tiếp vận đã được nghe lời hiệu triệu của Trung Tướng Dương Văn Minh như sau: “Đồng bào thân mến, kể từ giờ phút này, Quân Đội nhất quyết đứng lên để giải thoát đồng bào ra khỏi ách thống trị độc tài… Ngày mà đồng bào chờ đợi đã đến, toàn thể Quân Đội nhận định, với chế độ hiện hữu, công cuộc chống Cộng và kiến quốc của toàn dân sẽ không có hiệu quả…”.

Tướng Minh còn đọc tiếp, với chủ trương tuyệt đối tránh đổ máu, Hội Đồng Tướng Lãnh đã chấp nhận cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ chức và rời khỏi Việt Nam ngay lập tức. Ông loan báo sẽ có lời từ giã của ông Diệm trên đài phát thanh với tư cách một công dân bình thường.

Từ dinh Gia Long, Tổng Thống Diệm gọi cho đại sứ Hoa Kỳ, ông Henry Cabot Lodge, vừa nhậm chức tại Sài Gòn chỉ mới hồi tháng 8.1963. Chân ướt chân ráo sang Sài Gòn, Cabot Lodge đã rủ rê Trung Tướng Minh, lúc này là Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thống, đang ngồi chơi xơi nước và gãi… rốn, đi đánh tennis, rồi nhỏ to thủ thỉ những chuyện tày đình. Cũng cùng thời gian đó, Trung Tá CIA Lucien Conein đến gặp Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tham Mưu Trưởng quân đội để nghe Đôn xác định kế hoạch đảo chánh đã được soạn thảo và sẵn sàng thi hành.

Gần ngày đảo chánh, Conein có xách một cặp táp chứa 40 ngàn Mỹ kim, khoảng hơn hai triệu đồng Việt Nam, trao cho ông Đôn, có lẽ để chi dùng chuyện cần thiết. Số tiền này sau ngày 1.11.1963, các tướng phản loạn đã chia nhau mỗi người một ít. Trời ơi, gần hai ngàn năm trước Judas bán Chúa chỉ với 30 mươi đồng bạc, hai ngàn năm sau, các Tướng bán vị nguyên thủ quốc gia VNCH cho ngoại bang chỉ với 40 ngàn Mỹ kim. Một con số nhơ nhuốc, mà mỗi khi nhắc lại, hẳn những tướng đảo chánh phải cúi đầu hổ thẹn.

Cuộc nói chuyện với Cabot Lodge đã diễn ra trong một bầu không khí rất lạnh nhạt và đểu cáng từ phía người Mỹ:

Tổng Thống Diệm: Đang có một cuộc đảo chánh chống lại chính phủ, ông đại sứ có hay biết gì về việc này không và tôi muốn biết thái độ của Hoa Kỳ.

Cabot Lodge: Tôi nghĩ rằng tôi không được thông báo tin tức đầy đủ để có thể trả lời câu hỏi của Ngài. Tôi có nghe thấy những tiếng súng nổ, nhưng không rõ thực hư. Vả lại bây giờ là 4 giờ rưỡi sáng Hoa Thịnh Đốn, chính quyền Mỹ có lẽ không thể đưa ra được một ý kiến về vấn đề này.

Tổng Thống Diệm: Nhưng chắc chắn Ngài cũng có những ý niệm đại khái về vấn đề này. Dù sao, tôi cũng là một vị quốc trưởng, tôi đã cố gắng làm hết bổn phận.

Cabot Lodge: Dĩ nhiên Ngài đã làm bổn phận của Ngài. Không ai có thể lấy đi cái công của Ngài đối với tất cả những gì Ngài đã làm. Nhưng bây giờ tôi lo ngại cho sự an toàn của Ngài. Tôi được báo cáo rằng những kẻ đảm trách những việc đang xảy ra đề nghị để cho Ngài và em Ngài bình yên ra ngoại quốc nếu Ngài từ chức. Ngài có nghe biết chuyện đó không?

Tổng Thống Diệm: Không.

Cabot Lodge: Vâng, nếu tôi có thể làm được điều gì cho sự an toàn của bản thân Ngài, xin Ngài cứ gọi tôi.

Tổng Thống Diệm: Tôi đang tìm cách lập lại trật tự, Ngài có số điện thoại của tôi.

Tổng Thống Diệm cúp máy không muốn nói chuyện thêm nữa. Một con cáo già trong ngành nói láo như Cabot Lodge mà lại quá hớ hênh và ấu trĩ khi ở đầu cuộc đàm thoại chối leo lẻo không biết gì về cuộc đảo chánh, nhưng sau đó ông ta đã “nghe báo cáo” nói về ý định của các tướng phản loạn sẽ để cho ông Diệm và ông Nhu ra đi. Một sự việc tầy trời như thế mà Cabot Lodge nhẩn nha nói rằng Hoa Thịnh Đốn hãy còn… ngủ. Cứ giả sử lúc ấy, ngay giây phút đó, một toán VC xông vào tòa đại sứ Mỹ, để coi Henry Cabot Lodge có són trong… quần và khẩn cấp gọi về Hoa Thịnh Đốn la làng lên kêu cứu hay không, hay là cứ để cho Kennedy ngủ chán chê đã.

Một kẻ sĩ đầy hào khí và lòng tự trọng như Tổng Thống Ngô Đình Diệm đời nào người chịu hạ mình van xin sự sống từ bọn người ngoại chủng bất nhân, bất nghĩa và bất trí ấy. Anh Hùng Tử, Khí Hùng Bất Tử. Qua những giây phút đàm thoại ngắn ngủi với Cabot Lodge, Tổng Thống Diệm biết chắc người Mỹ đã nhúng tay vào âm mưu ghê tởm này. Chúng có thể giết được cái xác trần của người, chứ làm sao chúng xóa đi được thanh danh, cái phần linh hồn tinh túy của một người lãnh đạo chân chánh Việt Nam. Tôi tiến hãy theo tôi, tôi lùi hãy bắn tôi, tôi chết hãy trả thù cho tôi. Người đời sau càng phỉ nhổ Kennedy và Cabot Lodge bao nhiêu, càng trân trọng tôn vinh Tổng Thống Diệm bấy nhiêu.

Trong thời gian đó, Đài Phát Thanh Sài Gòn chính thức loan báo thành phần tướng lãnh và sĩ quan tham dự cuộc binh biến: Các Trung Tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Nguyễn Ngọc Lễ, Trần Văn Minh; các Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Mai Hữu Xuân, Trần Tử Oai, Lê Văn Kim, Phạm Xuân Chiểu, Tôn Thất Đính, Nguyễn Văn Là, Trần Thiện Khiêm, Trần Ngọc Tám và Nguyễn Giác Ngộ; các Đại Tá Đỗ Mậu, Nguyễn Khương, Dương Ngọc Lắm, Nguyễn Văn Thiệu; các Trung Tá Lê Nguyên Khang, Khổng Văn Tuyên, Đỗ Ngọc Nhận và Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Thiệt.

7 giờ 30 phút tối. Tướng Minh gọi điện thoại vào Dinh Gia Long xin nói chuyện với Tổng Thống Diệm, nhưng ông Diệm từ chối, Minh càng tức uất, sát khí đã bốc ngùn ngụt trong đầu ông ta.

8 giờ tối. Ông Cao Xuân Vỹ, một nhân vật lãnh đạo cao cấp của Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa, đã tìm đâu ra được một chiếc xe màu đen cũ, có lẽ là chiếc Traction, chạy vào sau khuôn viên Dinh Gia Long rước Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Chính Trị Ngô Đình Nhu vượt qua được vòng vây quân đảo chánh. Hai anh em ông Diệm đã theo một đường hầm bí mật thoát ra ngoài. Chiếc xe cũ mèm không ai buồn để ý đến hóa ra lại vô cùng đắc dụng.

Ông Vỹ chở Tổng Thống Diệm chạy vào Chợ Lớn trú ngụ trong nhà thương gia Mã Tuyên, một người Tàu có nhiều mối giao hảo tốt với gia đình ông Diệm. Được tin Tổng Thống Diệm đã tìm được chỗ ẩn lánh an toàn, các chiến sĩ thuộc Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống tổ chức vị trí kháng cự ở Dinh Gia Long và Thành Cộng Hòa, thề tử thủ và trung thành với chế độ đến cùng. Quân đảo chánh gặp rắc rối to, các tướng lãnh chủ chốt như Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim và Tôn Thất Đính sợ xạm cả mặt.

Tuy là trong một tình trạng căng thẳng ghê gớm như thế, những chiến sĩ đôi bên chỉ chĩa súng lên trời nổ lóc bóc ầm ĩ nghe cũng kinh khủng, xe tăng bao vây coi bộ hầm hừ dữ lắm, thiết giáp bên trong vòng rào dinh tổng thống cũng chĩa ra nghênh chiến. Tình thật thì chẳng người lính nào nỡ hạ súng xuống bắn vào những người cùng chung màu áo treillis. Cho nên khi cuộc đảo chánh thành công, con số thiệt hại nhân mạng thật ít ỏi, ngoại trừ một vài trường hợp rủi ro.

Đến giờ phút này Tổng Thống Diệm vẫn còn hy vọng vào lực lượng cứu nguy từ Quân Khu II Cao Nguyên. Ông đã liên lạc được với Trung Tướng Nguyễn Khánh kêu gọi ông đem quân về giải vây. Tướng Khánh lừng khừng trả lời, rằng ông muốn lắm nhưng đã trễ mà đường về thì xa diệu vợi. Thật tình thì Tướng Khánh đánh hơi thấy gió đã đổi chiều, nên 4 giờ sáng ngày 2.11.1963 ông đã đánh điện về Sài Gòn ủng hộ quân đảo chánh.

Vẫn không có báo cáo lạc quan nào từ phía Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù và Thiết Giáp, các tướng đảo chánh lệnh cho Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh tiến lên làm nỗ lực chánh tấn công Dinh Gia Long. Ngay từ đầu cuộc động binh, Đại Tá Thiệu thừa khôn ngoan, ông chùng chình án binh bất động, không muốn tay vấy vào chàm, từ tận thâm tâm ông còn nhớ rằng mình vẫn là một đảng viên Đảng Cần Lao của chính quyền (Nền Đệ Nhứt Cộng Hòa có hai lực lượng chính trị chánh phụ thuộc vào chính quyền là Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia và Đảng Cần Lao. Đảng Cần Lao là sáng kiến tư duy của ông Ngô Đình Nhu, được xem như một cái đối trọng của Đảng Lao Động của Cộng Sản Hà Nội).

Nhận lệnh, Đại Tá Thiệu điều động quân bộ binh “đánh” vào chiến lũy của Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống. Vẫn chẳng ăn cái giải gì, vì đôi bên làm sao nỡ lòng bắn nhau. Súng vẫn nổ rền trời suốt đêm.

0 giờ 10 phút. Bộ Chỉ Huy của quân đảo chánh đặt tại đường Phạm Ngũ Lão, sau bến xe buýt Sài Gòn, quyết định tổ chức một cuộc hành quân liên binh đại qui mô. Nhiều chiến xa và thiết vận xa từ mạn Chợ Lớn theo đường Trần Hưng Đạo ầm ầm tiến ra Sài Gòn. Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến được điều động dọc theo hai bên đường chạy theo chiến xa. Khi đến Công Trường Diên Hồng, tất cả đều dừng lại để chiến xa và M113 chuẩn bị đội hình tấn công.

4 giờ sáng. Chiến xa và các đơn vị bộ binh tiến về hướng dinh Gia Long theo những ngã Pasteur, Công Lý và Lê Thánh Tôn. Máy phóng thanh của quân đảo chánh không ngớt kêu gọi Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống đầu hàng.

5 giờ sáng ngày 2.11.1963. Buổi sáng sớm, sau khi đã cùng ông Nhu sang Nhà Thờ Cha Tam cầu nguyện lần cuối cùng, Tổng Thống Diệm quyết định bỏ cuộc. Ông cảm thấy cô đơn và mệt mỏi lắm rồi. Điều mà Người còn có thể làm được là gọi điện lệnh cho Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống buông súng để tránh thương vong cho các chiến sĩ trung thành của ông. Tổng Thống Diệm gọi điện thoại cho Tướng Minh loan báo ý định đầu hàng, với điều kiện cùng ông Nhu được ra ngoại quốc. Tướng Minh chấp nhận ngay, không phải vì lòng từ tâm, mà là muốn bắt được Tổng Thống Diệm càng sớm càng tốt, khỏi lo hậu họa về sau. Khi hai anh em ông Diệm đã nằm trong tay Tướng Minh rồi thì… cuộc báo oán trả hận sẽ dễ dàng biết bao nhiêu.

6 giờ 30 sáng. Tướng Minh chỉ định Tướng Mai Hữu Xuân, Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Đại Tá Nguyễn Văn Quang, Thiếu Tá Dương Hiếu Nghĩa, Đại Úy Nguyễn Văn Nhung lên 2 chiếc xe Jeep và một chiếc thiết vận xa M113 đi đón anh em Tổng Thống Diệm. Sự có mặt của Xuân dường như là để giám sát, bảo đảm công tác mật được hoàn thành. Tướng Đôn chuẩn bị một căn phòng tươm tất để anh em Tổng Thống Diệm tạm ngơi nghỉ. Đến Nhà Thờ Cha Tam, Đại Úy Nhung thô bạo chĩa súng vào Tổng Thống Diệm và ông Nhu buộc lên xe thiết giáp. Ông Nhu phản đối, đòi Nhung phải lễ độ với vị nguyên thủ, Nhung sừng sộ đấm ông Nhu một cái vào mặt, xô hai anh em ông vào lòng xe, rồi dùng dây thô bạo trói quặt tay hai người ra phía sau lưng.

Trong khoảng 8 giờ – 9 giờ sáng, đoàn xe áp tải anh em Tổng Thống Diệm chạy đến gần đường rầy xe lửa, khoảng đường Phan Thanh Giản – Ngã Bảy Lê Văn Duyệt. Lợi dụng có một đoàn xe lửa đang ầm ầm chạy cắt ngang, Nhung bất ngờ móc súng bắn lén Tổng Thống Diệm và ông Nhu từ phía sau, súng kê vào màng tang phải Tổng Thống Diệm và sau ót ông Nhu. Hai cái xác oan khuất ngã nằm dài sóng soãi trên nền chiếc xe thiết giáp, một dòng máu đỏ tuôn ướt đẫm đầy mặt Tổng Thống Diệm. Vẫn chưa thỏa mãn cơn cuồng sát, Nhung rút lưỡi lê đâm thêm trên lưng ông Nhu nhiều nhát nữa. Khi đoàn xe chạy vào Bộ Tổng Tham Mưu, nơi đặt bản doanh của bộ chỉ huy đảo chánh, Đại Úy Nhung bước ra đứng nghiêm chào Tướng Minh đang nôn nóng đứng chờ: “Mission accomplie” (sứ mạng hoàn thành).

Những nhân vật liên can đến cuộc áp tải và hạ sát Tổng Thống Diệm và ông Nhu đều được thăng một cấp. Tuy rằng với công trạng giết chúa ấy, Đại Úy Nhung được vinh thăng Thiếu Tá, nhưng chưa đủ thời gian để tiêu hóa cuộc vinh quang thì Nhung đã bị chính quyền Quốc Trưởng Nguyễn Khánh bắt nhốt vào quân lao trong Bộ Tổng Tham Mưu, sau tháng 1.1964, khi ông Khánh đã làm “cách mạng” lật đổ ông Minh rồi cho ông ta đi Thái Lan. Tự biết tội nghiệt đã nhiều và hãi sợ lưỡi gươm công lý, Nhung cởi giây giày tự thắt cổ chết.

10 giờ 45 phút. Trung Tướng Minh ra lệnh cho Đài Phát Thanh đọc một bản tin ngắn, loan báo anh em Tổng Thống Diệm đã tự tử.

Chỉ một khoảnh khắc ngắn sau, Tổng Thống Hoa Kỳ Kennedy ở Hoa Thịnh Đốn đã nhận được tin cái chết thảm thương của Tổng Thống Diệm. Mặt trắng bệch như một cái xác chết, Kennedy lặng lẽ đi vào văn phòng riêng đóng cửa, tự ngăn cách với thế giới bên ngoài. Phó Tổng Thống Lyndon Johnson, một người có rất nhiều cảm tình với nền Đệ Nhất Cộng Hòa và Tổng Thống Diệm, sau này đã kêu lên khi hồi tưởng lại giây phút ghê tởm đó: “Chúng ta đã nhúng tay vào vụ giết ông Diệm”. Có phải chăng hung bạo và tàn nhẫn với bạn đồng minh, hèn nhát khiếp nhược trước “kẻ thù” là bản chất của những người làm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Câu trả lời này ngày nay đã được giải đáp thật rõ ràng, chúng ta không cần phải dẫn giải thêm nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: