40 năm GHPGVNTN trong âm mưu bức tử: Tuệ Sỹ, Tù Đày và Quê Nhà

Trong các nhà tu hành trẻ tuổi hồi thập niên ’70, khuôn mặt của Tuệ Sỹ, vóc dáng của một hiền giả, nhìn vào, nói tới, là nhìn vào, nói tới một tinh thần, một phong cách xán lạn. Hồi ấy, ảnh hưởng truyện kiếm hiệp Kim Dung còn mạnh, Võ Lâm Ngũ Bá từ Anh Hùng Xạ Điêu thấy xuất hiện ngoài đời. Những phụ nữ tác xác được gọi là Kim Bà Bà, ghen tuông lườm nguýt thành Triệu Minh, Chu Chỉ Nhược, đào hoa vợ nọ con kia thành Đoàn Chính Thuần. Ngốc Tử gặp may thành Đoàn Dự. Hèn hạ nịnh nọt len vào chốn cao sang thành Vi Tiểu Bảo. Năm vị anh hùng trấn võ lâm, đem vào gia phả Vạn Hạnh, có Trung Thần Thông Vương Trùng Dương Thượng Tọa Minh Châu, Viện trưởng; Bắc Cái Hồng Thất Công Bùi Giáng; Nam Đế Ngô Trọng Anh; Tây Độc Phạm Công Thiện, và Đông Tà Tuệ Sỹ.

Những lần lui tới Vạn Hạnh, tôi tiếp xúc với hầu hết chư vị tăng ni ở đây, người nào trong mắt nhìn của một ký giả, tôi cũng có thể đùa rỡn, ngoại trừ Đông Tà. Trong Ngũ bá Vạn Hạnh, tôi kính trọng thầy Minh Châu, anh Ngô Trọng Anh, giao du với Tây Độc Phạm Công Thiện, nhưng với Đông Tà Tuệ Sỹ, lòng tôi cứ trùng xuống, nói năng nhẹ đi, và cái nhìn của tôi không còn sắc cạnh nữa. Đi tu như Sân Đại đức, tôi dư sức thành chánh quả. Hành thiền như Si phương trượng, tôi không có hạnh Bồ tát, song cũng không hèn mà không trụ trì nổi một cảnh chùa nhỏ ven sông. Tuệ Sỹ vượt lên trên những tăng chúng thường gặp. Con người ấy là con người thật, và còn vượt hơn cả cái thật của con người. Con người ấy, tuy vậy, một lần giận tôi, ngồi mãi ở Tòa soạn Thời Tập mà nói, chỉ vì tôi đã đăng một bài thơ anh dịch chưa xong, mà coi như xong rồi.

Lúc ấy, cùng với các anh Đỗ Khánh Hoan, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu, Cao Huy Khanh, Lê Tài Điển, và Trùng Dương, Tuệ Sỹ đứng trong bộ Biên Tập của Thời Tập, hậu thân của Khởi Hành các năm trước.

Khoảng 1984, lúc ở Hoa Kỳ, nghe tin Hà Nội vây hãm chùa Già Lam, nghìn trùng xa cách, tôi biết ngay Tuệ Sỹ lâm nạn. Ngày 30 Tháng Chín, 1988, vị chân tu ấy bị họ lên án tử hình, cùng học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát, các cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phan Văn Trí, Tôn Thất Kỳ, và 17 vị khác thuộc Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam và Lực Lượng Việt Nam Tự Do. Tôi nhờ giáo sư Đỗ Đình Tuân dịch cho một bài thơ của bạn tôi qua tiếng Anh, Mười Năm Cuộc Lữ, thực hiện ngay một bản tin bằng tiếng Anh, và mang lên đọc trong một Đại hội của Văn Bút Hoa Kỳ ở Los Angeles. Tôi đọc nguyên văn bản của Tuệ Sỹ, và anh Trịnh Y Thư sau đó đọc bản dịch Anh ngữ. Văn Bút Quốc tế qua tài liệu do bà Jeanne-Leedom Arckeman, lúc ấy là Chủ tịch Văn Bút Hoa Kỳ ở Miền Tây chuyển lên giùm, đã can thiệp tích cực vào vụ chùa Già Lam. Cũng vụ này, Tạp Chí Văn Học làm một số đặc biệt vào ba tháng sau, và tôi đã dành lấy việc trình bày cái bìa, và làm ba đoạn thơ cảm khái, với nhan đề Trí, Tuệ.

Nhà Lý Văn Lang Công Uẩn ôi!
Bao nhiêu thế kỷ đã qua rồi?
Thăng Long rồng hiện xem bờ cõi
Cửa mở Già Lam thả phượng chơi.
Mỏng mảnh như mây gió thổi về
Vén tầm vô hạn xuống bờ mê
Gác chuông Trí, Tuệ kinh vừa giảng
Dưới đáy trần gian quỉ kéo đi.

Vẫn tiếng sông sầu róc rách trôi
Bến Vàng lớp lớp mộng lôi thôi
Vung tay Sỹ hận hề, tung sách
Chữ nghĩa nghìn trang, Trí vá trời.
(Viên Linh, Văn Học, số 35.12.1988 – tr18)

Trong cuộc sống xô bồ với giấy mực của tôi, Tuệ Sỹ như một băng hồ. Băng hồ ấy có thể đóng đá, song lại bốc hơi. Hơi ấm của băng hồ. Nói nhỏ nhẹ, nói như viết, anh không nói thừa. Anh cũng không cao giọng, dù trong lòng không vui.

– Anh đọc lại đi. Tôi đã dịch xong đâu.

Tuệ Sỹ ngồi im, hai tay đặt lên hai thành ghế, cả người lọt thỏm trong chiếc ghế gỗ màu gụ của Tòa soạn Thời Tập, cũng là văn phòng nhà in Phúc Hưng của anh em chúng tôi ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn.

– Tôi nghĩ xong rồi. Xong rồi anh mới đưa tôi đăng chứ?

– Tôi đưa anh đọc.

– Tôi thấy hay thì đăng.

Câu này hình như làm cho tác giả TRIẾT HỌC VỀ TÁNH KHÔNG giận. Một lần nữa anh bảo tôi đọc lại đi, xem có phải là thơ không, mà tôi đem đăng lên Thời Tập.

Trong quan điểm một Chủ bút, tôi vẫn chủ trương thơ của các tác giả vô danh, thì phải hay mới đăng được, còn bài của những người có tên tuổi, thì có làm sao, tôi vẫn đăng, trừ phi nguệch ngoạc quá tay (vì các tác giả có tên tuổi sẽ chịu trách nhiệm về bài viết của họ, còn với tác giả vô danh, người chịu trách nhiệm chính là người chọn bài đăng.) Cho nên nếu lấy thơ loại B mà ký Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, tôi vẫn đăng. Và bài Vua Tần Uống Rượu Tuệ Sỹ dịch thơ Lý Hạ, không lý gì tôi không đăng. Khoảng 1973, 74, Tuệ Sỹ đã rất có uy tín.

Đọc lại, quả có thấy thiếu vần. Đoạn một, tôi nói có thể coi là có vần trắc, do hai chữ cực và chữ biếc, nghe tương tự đồng âm. Đoạn hai chắc chắn có vần, do hai chữ tình ở câu trên, và sênh ở câu dưới. Đoạn ba tôi đồng ý không có vần, nhưng nối với đoạn hai, thì chữ canh đi với chữ sênh, coi là đồng âm. Đoạn bốn tôi đồng ý không có vần, nhưng không sao. Còn hai câu kết…

Tuệ Sỹ giận lắm. Tôi thấy hai bàn tay anh nổi xanh trên tay ghế. Anh nói gì đó không còn nhớ nguyên văn, song đại ý là như thế mà coi là có vần được à. Tôi nói như không có vần thì có điệu, coi như thơ tự do. Toàn bài, đối với anh chưa hoàn tất, nhưng đối với tôi, tôi thấy hay. Tôi thấy anh tức giận thực sự, ngồi im bặt thật lâu.

Nguyễn Đức Sơn từng nổi giận tại Tòa soạn Thời Tập, la hét như người kinh phong, đi qua đi lại, hai đầu gối nhấc cao, làm cho tà áo lam gẫy khúc, khi tôi đăng thơ anh dọc theo chiều gáy tờ báo, nghĩa là phải quay 90 độ mới đọc được, song Tuệ Sỹ giận thì như mặt hồ đóng băng. Im lặng. Tĩnh chết. Một lúc sau anh đứng dậy ra về, không nói gì hết. Giận vậy thôi, trước là Khởi Hành (1969-1972) và sau là Thời Tập (1973-1975) vẫn là hai tờ tạp chí đăng tải nhiều sáng tác nhất của Tuệ Sỹ, trong có ít nhất là hai bài thơ hay: Sơ Huyền (Tang thương một giải tóc thề), Mơ Tuổi Vàng (Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ / bài thơ làm Bùi Giáng choáng váng) và ba truyện ngắn, tùy bút xuất sắc: Truyện Chuyến Xe Đò Cao Nguyên về một “cuộc lữ nhỏ” trên đường Pleiku; truyện Sư Thiện Chiếu về “cuộc lữ lớn” của một nhà sư dựng nước; hay Quỉ Thi của Lý Hạ…

Nhà Đại Đức về rồi, tôi ngồi đọc lại bài Vua Tần Uống Rượu, quả có thấy là chưa hoàn tất, nhưng nhất định hay thì vẫn hay. Tháng Tư 1998, tôi lên Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ sao lại bài này, lúc về lại California thì bị mất cắp ở phi trường Fort Worth, Texas. Tháng Mười Hai 1998, tôi trở lại Hoa Thịnh Đốn sao chép một lần thứ hai, và bản sao thu nhỏ như phía trên. Với tôi giờ này đọc lại, vẫn thấy hay như thường.

Dịch thơ, là dịch cho nổi ý tác giả; dịch đúng vần mà không đạt ý thì đâu phải là dịch hay? Đó là thơ mình mượn ý của người. Tần Vương kỵ hổ du bát cực mà dịch là Vua Tần cưỡi cọp chơi tám cực thì hay quá rồi còn gì nữa. Vừa đối chữ, vừa chỉnh thanh. Kiếm quang chiếu không không tự bích. Ánh kiếm chỉ trời trời tự biếc thì hết ý, ai có thể dịch hay hơn? Hai chữ không không dịch thành hai chữ trời trời, đâu phải ai cũng dịch được? Hy Hòa xao nhật pha lê thanh dịchHy Hòa rung mặt nhật rộn tiếng pha lê thì đúng nghĩa, tuy rằng phải thêm chữ mặt và chữ rộn.

Câu dưới, Kiếp hôi phi tận mà dịch là Kiếp tro bay hết thì còn gì hay hơn? Cổ kim bình thì ta không cần dịch cũng được, cứ để cổ kim bình, ai mà không biết? Nhà tu này thật khó tính.

Để xem trong những bài khác, Tuệ Sỹ dịch như thế nào.

Bài Thu Lai của Lý Hạ:

Đồng phong kinh tâm tráng sĩ khổ
Suy đăng lạc vĩ đề hàn tố
Thùy khan thanh giản nhất thiên thơ
Bất khiển hoa trùng phấn không đố
Tư khiên kim dạ trường ưng trực
Vũ lãnh hương hồn điếu khách thơ
Thu phần quỉ xướng bảo gia thi
Hận huyết thiên niên thổ trung bích

Tuệ Sỹ dịch nghĩa:

Gió heo may rợn hồn tráng sĩ
Lạnh se da, dế rỉ đèn lu.
Dở trang bóng chữ lờ mờ
Mấy rây mọt phấn ơ hờ điểm hoa.
Buồn ray rứt kéo ra ruột thẳng
Khóc người thơ, mưa lạnh hồn ma
Tanh hôi giọng quỉ trên gò
Máu hờn thiên cổ xanh mồ cỏ thu.
(Tuệ Sỹ, Thời Tập, 1973)

Như dịch giả ghi chú, đây chỉ là dịch nghĩa. Dịch giả dùng thể song thất lục bát, hai câu bảy, rồi một câu lục một câu bát. Câu thứ ba có hai chữ tuyệt vời: Bóng Chữ. Phải chăng nhà thơ Lê Đạt ở Hà Nội đã đọc bài này trước khi in tập thơ Bóng Chữ cách đây vài năm?

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu…
(Tuệ Sỹ, Mười Năm Trong Cuộc Lữ)

Cho tới nay, kể cả những bài thơ đầu tiên đăng trên Tạp chí Tư Tưởng, năm 1970, Tuệ Sỹ chỉ mới cho phổ biến được khoảng dưới 10 bài thơ. Thời gian ở tù, ông có chuyển ra ngoài một số bài, song ít người được đọc.

Dâng nhúm cơm tù phạm
Cúng dường Đấng Tối Cao
Cõi Đời đằm máu hận
Nâng chén nước mắt trào.
(Tuệ Sỹ, Cúng Dường)

Thơ Tuệ Sỹ giai đoạn đầu cho người đọc thấy một pha trộn kỹ thuật của người đã đọc nhuần nhuyễn VĂN TẾ THẬP LOẠI CHÚNG SINH của Nguyễn Du và CUNG OÁN NGÂM KHÚC của Nguyễn Gia Thiều. Cũng có cả CHINH PHỤ NGÂM của Đặng Trần Côn. Đó là những Truyện Thơ. Thơ có chuyện để kể.

Các nhà thơ Miền Nam thập niên ’70 ít người dùng đến thể thơ truyện, như tám chữ hay song thất lục bát; Tuệ Sỹ dùng một đôi lần thể song thất, phần lớn dùng thể tám chữ. Trong 10 bài đã phổ biến của ông, ta hãy đọc:

Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
(Không Đề – Tạp chí Tư Tưởng bộ mới, số 8, 12.1970)

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu.
(Mười Năm Trong Cuộc Lữ, Tư Tưởng)

Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
(Tôi Vẫn Đợi)

Chuyện đã kể rồi hồng hoang lững thững
Vẫy tay chào nối gót chẳng buồn trông
(…)
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi (trên) đồi hoang.
(Mơ Tuổi Vàng, Khởi Hành)

Thơ tám chữ, bản chất là thơ kể. Bài thơ tám chữ được nhắc nhở nhiều nhất thời Tiền chiến là bài Nhớ Rừng của Thế Lữ:
Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
(Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh Hoài Chân, Hoa Tiên, 1968)

Sau 1954, Đinh Hùng là vua thơ tám chữ ở Miền Nam:
Lòng đã khác, ta trở về Đô Thị
Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa.
(Bài Ca Man Rợ)

Ta thường có từng buổi sầu ghê gớm
Ở bên Em-Ôi biển sắc rừng hương!
(Kỳ Nữ)

Trong lớp các thi sĩ lúc ấy, Tuệ Sỹ nổi lên với những bài thơ tám chữ mênh mang, kể những chuyện từ tâm thức hồng hoang xáo trộn với thời thế nhiễu nhương, trong đó những hình ảnh bát ngát nhất là núi rừng, dòng sông cạn, triều dâng, nước chảy, nước lũ, bờ bến lạ, ghềnh đá dựng, suối trăng, tóc xa xưa, tóc huyền, tóc vào thu, tóc cũ, tóc trắng, nói mộng, viễn mộng, cuộc lữ… Nếu thơ Phạm Thiên Thư đầy màu xanh hoa vàng của một thiên nhiên êm đềm thì thơ Tuệ Sỹ phiêu hốt hùng vĩ với màu đá, màu rừng già khô lạnh, thác ghềnh, và một mái tóc sơ huyền. Đó là những thiên nhiên khác.

Thơ tám chữ không ẻo lả như lục bát. Tuệ Sỹ nhỏ người, mà rất cứng cỏi. Lời thơ ông không là lời nói suôn sẻ, êm tai, mà là khối tâm sự ngổn ngang. Trước hết, nghĩ về mình, có thể ông nghĩ như sau:
Như cánh hải âu cuối trời biển lộng
Bồng bềnh bay theo cánh mỏng ngàn đời…

Cánh hải âu ấy hay bay lượn trên một bờ biển hoang vu, tìm nét hồng trong đá xám, kiếm huyền nhiệm trong biểu dâu hưng phế:
Chiều lắng đọng thênh thang ghềnh đá dựng
Những nỗi buồn nhân tế cũng phôi pha.
Màu nhiệm nào đằng sau bao hủy diệt
Mà nụ hồn vừa nở thắm ven khe.

Nếu cho mình là cánh chim, thì cánh chim Tuệ Sỹ thấy thiên nhiên đất trời vô cùng khắc nghiệt:
Hàng thạch thảo dọc thiên đường tàn úa
Tháng ngày qua thoáng hắt bóng trên đồi
Con chim sớm bay tìm từng hạt lúa…

Một buổi sáng nghe chim buồn đổi giọng
Người thấy ta xô dạt bóng thiên thần.

Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương sinh ngày 15 Tháng Hai, 1943 tại Paksé, Lào, nguyên quán Quảng Bình, Trung phần, Việt Nam, qui y Phật từ thuở đồng nhi, tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học Sàigòn năm 1964 và Viện Đại Học Vạn Hạnh năm 1965, phân khoa Phật học. Được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận Triết học có giá trị hết sức cao, như ĐẠI CƯƠNG VỀ THIỀN QUÁN, TRIẾT HỌC VỀ TÁNH KHÔNG (Sunyavada), (An Tiêm Saigon, 1970). Rất giỏi chữ Hán, rành chữ Pháp, chữ Anh, đọc được chữ Pali và chữ Phạn. Ông cũng đọc hiểu tiếng Đức, nghiên cứu kỹ Heideger và Hoelderlin. Cuốn THIỀN LUẬN nổi tiếng của D.T Suzuki bản Việt ngữ là do ông dịch.

Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa, đọc và nghiên cứu Tô Đông Pha từ nguyên tác, để lại một tác phẩm chan hòa tính thơ: TÔ ĐÔNG PHA, NHỮNG PHƯƠNG TRỜI VIỄN MỘNG (Ca Dao Saigon, 1973). Những lúc rảnh, ông chơi dương cầm. Ông làm nhiều thơ, viết một số truyện ngắn đặc sắc, phần lớn đăng trên Tạp chí Khởi Hành (1969-1972) và Thời Tập (1973-1975), khi đứng tên trong Bộ Biên Tập tạp chí này. Ông cũng là Chủ bút Tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Vào ngày 1 Tháng Tư, 1984, Thượng Tọa Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ cùng giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 19 tăng ni, sĩ quan cũ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, bị kết án mưu võ trang lật đổ chính quyền và trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày cuối Tháng Chín, 1988, ngày 30 ông bị lên án tử hình cùng giáo sư Lê Mạnh Thát. Cộng sản nói có tìm thấy võ khí trong chùa Già Lam.

Do sự tranh đấu tích cực của các cơ quan Nhân quyền Quốc tế, trong có Hội Ân Xá Quốc Tế và Văn Bút Thế Giới, cũng như Ủy ban Tranh đấu cho Quyền Làm Người Việt Nam v.v., Hà Nội phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai, đem giam Tuệ Sỹ tại trại A.20 tại Phú Yên. Tháng Mười, 1994, cùng 200 tù nhân, ông tham gia biểu tình đòi gặp phái đoàn Liên Hiệp Quốc và thực hiện các quyền khác, nên bị Hà Nội đày ra Bắc.

Những lời tuyên bố của người tù lương tâm Tuệ Sỹ, tại tòa án, cũng như khí phách kiên cường lúc trong tù, là gương sáng chói lọi, và niềm tự hào của Phật giáo: “Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc”. (trích theo Hòa Thượng Thích Mãn Giác). Năm 1998, Hà Nội thả Thượng tọa, cùng với một số người khác. Trước đó, ông tuyệt thực trong tù. Trước khi thả, họ muốn Tuệ Sỹ ký vào lá đơn xin khoan hồng để gởi lên ông Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Tuệ Sỹ trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. Họ nói không viết đơn thì không thả. Tuệ Sỹ không viết, và tuyệt thực. Họ phải thả ông, sau 10 ngày tuyệt thực. Hôm đó là ngày 1 Tháng Chín 1998.

Sáng hôm sau, lúc 10 giờ 45, Thượng tọa Tuệ Sỹ được đưa lên tàu hỏa về Nam. Thượng tọa ngồi suốt 36 tiếng đồng hồ trên tàu thì không thể chịu đựng thêm, vì rất yếu sau 10 ngày không ăn ở trong tù. Ông xuống Nha Trang, vào Phật học viện Hải Đức.

Thượng tọa Tuệ Sỹ tuyệt thực một mình, không có tổ chức, báo chí không biết. Ông tuyệt thực “để khẳng định mình”. Như ông nói. Ít lâu sau, Hà Nội lại ra lệnh ông phải về chốn cũ, là chùa Già Lam ở Gia Định, chứ không được ở lại Hải Đức. Ông từ chối, viết một lá thư gửi nhà cầm quyền Hà Nội, nói một là ở Hải Đức, hai là vào tù trở lại. Tin này có loan trên báo chí hải ngoại.

Trước sau, tác giả Những Phương Trời Viễn Mộng đã bị giữ trong nhà tù Cộng sản 14 năm. Giữa Tháng Tư 1999, Hòa thượng Quảng Độ đề cử Thượng tọa Tuệ Sỹ làm Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo.

Hình bóng thiên nhiên khắc nghiệt, mà hình bóng con người cũng không hơn. Chia xa, mất hút. Kể cả con người ấy là mẹ:
Mẹ già thôi khóc cho thân phụ
Lại khóc cho đời ta phiêu linh

Con người trong thơ Tuệ Sỹ không được thể hiện bằng vóc dáng, dung nhan, cặp môi, khoé mắt, tiếng cười, giọng nói. Con người trong thơ Tuệ Sỹ chỉ là mái tóc. Có cả năm bảy mái tóc trong tâm thức Ðông Tà:
Tang thương một giải tóc huyền
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu.
Gởi thân gió cuốn sa mù
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng
Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu
Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu
(Sơ Huyền, Khởi Hành)

Xưa xanh lên tóc huyền sương nặng
Trong giấc mơ lá dạt xa bờ.
(Mùa Mưa Cao Nguyên, Khởi Hành)

Bờ bến lạ chút tự tình với bóng
Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm
Nào đâu nữa tóc em như gió cuốn
Người ra đi tâm sự với hoàng hôn

Tượng đồng tạc bóng cô liêu
Trời xanh tóc trắng bao nhiêu chuyện rồi
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
(Không Ðề, Tư Tưởng)

Mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ phải chăng là bờ môi nhục cảm trong thơ Xuân Diệu, vì Xuân Diệu không sợ tiếp xúc; phải chăng là con mắt đắm đuối của Hàn Mặc Tử, vì Hàn Mặc Tử không thể đụng chạm; hay đó là bàn tay trong thơ Lưu Trọng Lư, vì Lưu Trọng Lư ngại chia phôi?

Mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ phải chăng là bờ vai của Huy Cận, vì Huy Cận muốn tựa đầu; là xiêm áo của Bích Khê, vì Bích Khê suốt đời mong một dáng tầm xuân, một tấm thân kiều diễm? Mái tóc của Tuệ Sỹ phải chăng là bàn chân của Ðinh Hùng, vì Ðinh Hùng luôn luôn quì dâng, sùng bái? Là lưng mềm của Vũ Hoàng Chương, bởi Vũ Hoàng Chương thích riết đôi tay, tiến đôi chân? Mái tóc ấy là gì? Một thục nữ? Một giai nhân? Những câu hỏi ấy đêm nay tôi chẳng thể trả lời, chỉ biết mái tóc trong thơ Tuệ Sỹ chưa chắc là có thật, mà có thật; chưa hẳn là không, mà vẫn không. Mái tóc ấy, biết đâu chẳng phải là một phương trời viễn mộng, cái viễn mộng thanh cao của một thị giả thích ngắm nhìn đất đỏ, áo xanh, cỏ vàng, đêm đen, nụ hồng, và tóc? Mái tóc ấy nhất định là người, song là ai? Hay chẳng là ai cả, mà chỉ là những đổi thay trong Cuộc Lữ, từ lúc mưa xanh tới nắng hạ, từ hồng hoang tới tàn úa thiên đường?

Và, tâm thức ấy, vì sao lại nhìn thấy tù ngục, như trong bài Tôi Vẫn Ðợi:
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng.

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm Lịch Sử
Dài con sông tràn máu lệ Quê Cha…

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương
Người ở lại với bàn tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương.

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi khép lại hàng mi về cõi mộng
Như sương mai như bóng chớp mây chiều.

Bài thơ trên quả là Một lần định như sao ngàn đã định. Ðịnh từ một Cái định của ngàn sao, của không hư. Của 14 năm tù đày. Cho Quê Hương và Ðạo Pháp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: