1975, nước mắt dọc đường chạy xa khỏi quê hương

Phụ nữ và trẻ em dắt díu nhau chạy loạn.(Bettmann / Gettty Images)

Mấy ngày nay rảnh quá ngồi soạn mớ thư từ cũ lại tòi ra quyển nhật ký viết lúc 20 tuổi. Giở ra đọc lại thì bắt gặp những trang viết kể về những ngày cuối tháng 3/1975. Sau chín năm (1984), ký ức còn mới rợi nên mình nhớ khá chi tiết và ghi chép lại. Đọc lại mà thấy tức cười cho cái tuổi vừa ngô nghê, vừa bà cụ non của tụi mình hồi đó. Rồi giật mình sao không khí giông giống những ngày phong toả vì đại dịch: trường học đóng cửa vô thời hạn, đường phố vắng người qua lại (vì giới nghiêm). Mình trích một đoạn ngắn trong cuốn nhật ký ghi chép lại chuyện xưa.

Những ngày lo sợ của 1975
“Mình còn nhớ rõ chương trình truyền hình những ngày ấy thật là buồn thảm làm sao, toàn những tin chiến sự nóng bỏng và chương trình văn nghệ tổng động viên thay thế cho những mục thường ngày. Thình lình, báo chí đăng tin: “Họ đã vào thành phố Ban Mê Thuột” miêu tả những sự kinh hoàng, rối loạn tột độ của người dân ở đây trước súng đạn dữ dội, ác liệt của cả hai bên.

Mình có đọc bài phóng sự kể về cô gái nọ đang tắm bỗng nghe súng đạn nổ ran, kinh hoàng, cô cứ để nguyên như vậy mà chạy ra ngoài như một kẻ mất trí; rồi chuyện của những đoàn người dài dằng dặc tiến về đồng bằng vừa đói khát, vừa bị thương vong. Lúc đó, mình thấy hoảng sợ vô cùng. Mặc dù ở BMT đã lâm vào tình trạng rối rắm như vậy, ở Đà Nẵng của mình vẫn còn yên tĩnh. Một sự yên tĩnh gượng gạo.

Có 1 đêm, có tiếng cú kêu ở trên cây dương liễu góc nhà bà Khuê làm mọi người xôn xao bàn tán về điềm gở này.

Tụi mình vẫn đi học bình thường. Lên trường, tụi mình cứ tụm lại một góc mà thì thầm bàn tán những chuyện “quan trọng” của người lớn. Mình còn nhớ con Thu Hương làm ra vẻ hệ trọng báo cho tụi mình biết: “V.C sắp vô đây rồi. Tao nghe ông ở gần nhà nói có ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch bên họ”. Nghe cái tên lạ hoắc đó, tụi mình cứ tưởng tượng rằng đó là 1 người trung niên, khoảng 40 tuổi, có nước da ngăm đen và chắc chắn là có một vết sẹo chạy ngang mặt. Người đó sẽ bắt tụi con nít mình ra ở riêng và cho ăn cơm với muối. Còn Cẩm Nhung thì nói:
– Ba tao dấu đồ dưới giếng. Đợi khi nào hòa bình sẽ về lấy. (Xời ơi, đúng là con nít, tự nhiên đi khai nơi ba mình giấu đồ mà có lẽ là vàng bạc của cải).
Mình còn nhớ lúc đó tụi mình đã cười ồ lên và nhao nhao phản đối:
– Còn lâu mới có hòa bình. Ba tao nói nói dễ gì mà hòa bình ngay. Chiến tranh đã diễn ra gần 30 năm rồi cơ mà (ây dà, toàn các bà cụ non)
Lệ Thanh lúc đó mới lên tiếng:
– Hòa bình, ba tao đưa cả nhà về lại ngoài đó.
Vậy là xoay ra bàn chuyện hòa bình:
– Hòa bình, ngủ không phải gài cửa phòng ăn trộm.
– Mẹ tao nói hòa bình xong sẽ có nhiều ma nổi lên lắm vì ma sợ súng đạn, nên bây giờ im rồi, ma sẽ có dịp đi chơi.
Lúc đó mình đã rùn vai, le lưỡi:
– Eo ơi, vậy thì tao chẳng thích chút nào. Đi ra đường cứ gặp ma tùm lum chắc tao chết quá.

Vì trường mình hết 98% là Bắc di cư nên lớp mình cũng vậy. Tụi bạn mình đứa nào cũng mơ ước hòa bình. Bàn tán đã, tụi nó lại ngồi mơ tưởng tới ngày hòa bình, ba nó sẽ đưa cả nhà về quê hương miền Bắc trên chuyến tàu xuyên Việt. Ở tuổi tụi nó (sinh năm 1963, 1964, 1965), chưa đứa nào thấy miền Bắc cả. Miền Bắc ngọt ngào trong trí tưởng tượng của tụi nó. Đứa nào cũng thả hồn đắm chìm theo những suy nghĩ, tưởng tượng ước mơ hòa bình để được về thăm quê cha đất tổ có Hà Nội 36 phố phường, có Hà Đông quê hương áo lụa, có giàn thiên lý của Duyên Anh, có cầu mơ nho nhỏ, có sông Thái Bình ngọt ngào, đầm ấm.

Nhìn những cặp mắt bâng khuâng của tụi nó, mình và một vài đứa bạn Huế, Sài Gòn đã thầm ganh tỵ sao không là người Bắc để khoe ngày về, khoe những ước mơ với bạn bè, để có được một ước hẹn của ba mẹ, anh chị trong 2 tiếng: Ngày về.

Vào lớp học, soeur Báu đọc chính tả cho tụi mình viết: Chiến tranh – đó là đầu đề của bài chính tả. Mình không nhớ rõ từng câu văn nhưng đại khái như thế này: Đêm hôm ấy, mặt trăng nhô lên. Không phải là 1 màu xanh mát hay màu vàng dìu dịu mà là màu đỏ như máu. Dân làng xôn xao bàn tán về điềm gở này. Hai tiếng chiến tranh vang lên nơi miệng họ & dần dần lan đi xa. Mọi người im lặng, chờ đợi. ..

Khi viết xong bài đó, không khí lớp có vẻ trầm lắng khác thường. Tụi mình không còn hồn nhiên nói chuyện như mọi hôm nữa. Trong đôi mắt của mỗi đứa có 1 cái gì rưng rưng và lo sợ. Soeur Báu cũng im lặng khác thường.

Trưa hôm đó, mình nghe tin :”Họ vào Huế”. Từng đoàn người từ Huế kéo vào, lau nhau, ngơ ngác. Họ ở tạm nhà bà con, ở tạm trong các trường học. Việc học phải ngừng lại để có chỗ cho họ ở. Nhìn đám người rách rưới, bẩn thỉu lộ vẻ mệt mỏi, tuyệt vọng, mình thấy kinh khủng quá (đến lúc đó mình cũng chưa hình dung nổi là chỉ hơn một tuần sau đó, mình cũng y hệt như họ).

Có những ông bà già còm rọm ngồi trông những đứa bé nước mắt, nước mũi dàn dụa trên má để ba mẹ chúng nấu ăn giữa trời hay trong một túp lều tạm bợ. Cứ tiếp tục từng đoàn, từng đoàn người kéo vô. Họ đi còn đông hơn cả năm 1972 nữa.

Thành phố đầy rẫy người, đồ đạc. Trong các trường học, bàn ghế ngổn ngang, những vệt đen kéo dài lem luốc trên các bức tường, trẻ con khóc đòi ăn. Một vài người im lặng, nhẫn nhục, còn lại họ kể lể, khóc lóc vì có người thân bị pháo chết dọc đường hoạc bị kẹt lại ở Huế. Hình như đó là những ngày 20, 21 thì phải.

Có một hôm Lệ Thanh rủ mình đến thăm cô nhi viện ở Huế chạy vào. Nó chỉ cho mình xem một con bé Mỹ lai trắng mà mẹ nó muốn xin về làm con nuôi. Nhìn con bé khoảng 3, 4 tuổi với mái tóc vàng sáng, cặp mắt xanh, nước da trắng hồng rất dễ thương, mình hối thúc con Thanh về nói mẹ nó đến xin gấp kẻo họ xin. Dọc đường về mình cũng định sẽ nói má lên xin 1 đứa về nuôi. Không phải là mình có lòng từ tâm, từ thiện gì đâu mà vì mình thích làm những việc giống Lệ Thanh…”

Nước mắt rơi dọc trên đường chạy
Ngày 20, ông chú của ba từ trần sau cơn đột quỵ. Ba má phải qua Đà Nẵng đưa đám. Má mình đã gởi dì Nhơn một số chén dĩa sứ hàng Nhật. Ba má có vẻ lo lắng thật sự.

Ngày 22/3 cậu Khôi dẫn chị Thông, Huyền và Tí qua nhà mình ở. Tam Kỳ cũng biến động ghê lắm. Mình nhớ có một buổi chiều, mình dẫn chị Tí đi chơi trong cư xá. Chợt nghe tiếng còi tan sở hụ, chị Tí hét lên kinh hoàng và cuống quýt chạy đường này đường nọ. Mình phải chạy lại ôm cứng lấy chị và giải thích cho chị hiểu. Thì ra chị tưởng tiếng còi báo động. Cư xá trầm lặng hơn bao giờ hết. Những chiều tan sở, đường xá cũng vắng tanh.

Bác Bé cứ chạy đi chạy về từ nhà này sang nhà nọ để rõ những chuyện sẽ xảy ra. Má không cho tụi mình đi chơi đâu cả. Định lên nhà Lệ Thanh và đến trường lấy học bạ nhưng mình sợ lỡ đi rồi, ở nhà ba má chạy thì sao. Mình cứ tha thẩn ra vô và cảm thấy nhớ bạn, nhớ soeur Báu, nhớ trường kinh khủng.

Má đã nhờ chị Thông may cho mỗi đứa một cái đãy trong đựng 2 bộ quần áo, 500đ, 2 bịch gạo sấy phòng khi thất lạc. Còn quần áo đi đường ba đã viết tên, năm sinh, con ông và bà, địa chỉ của tụi mình lên đó. Không khí chung quanh có vẻ căng thẳng lắm rồi. Cậu Khôi đã dẫn mấy chị qua lại nhà dì Nhung vì ba má mình có ý định chạy di tản rồi. Mình và tụi em cứ hồi hộp, trông chờ mau đến ngày đi để “được hưởng” cái không khí chạy loạn lạ lẫm như thế nào.

Báo chí lại đăng tin những tỉnh miền Nam đã vào tay “họ”. Phước Long, Bình Tuy … Đọc báo, thấy Phước Long có lẽ là đáng kinh hoàng nhất. Nhìn trên bản đồ, mình thấy Phước Long còn xa, rất xa tỉnh mình lắm. Hồi hộp, đợi chờ và lo sợ. Nghĩ lại, bây giờ mình vẫn còn thấy rờn rợn trước bầu không khí ảm đạm úp chụp lên đầu mọi người lúc đó. Chỉ tội nghiệp cho người dân Huế. Chưa kịp hoàn hồn và lại sức, lại phải chuẩn bị hành lý để tiếp tục dấn thân vào sự khổ cực, kinh hoàng một lần nữa.

Nhà mình đã chuẩn bị hành lý xong xuôi. Mình xếp thêm vào túi đồ quyển vở Luận Văn của mình (quyển vở mà mình quý nhất) và một vài quyển Thiếu Nhi để xem dọc đường. Chờ đợi, đợi chờ … Cũng là cái phòng ngủ như mọi hôm mà sao bây giờ mình thấy ảm đạm và buồn tênh. Chương trình truyền hình cũng buồn tẻ quá.

Đêm 25/3, tụi mình đang ngủ thì nghe có tiếng đập cửa gấp rút. Té ra là bác Bé. Bác qua hối má mình thu xếp và đi nhưng ba còn ở trong sở, má chưa quyết định được chi cả. Tụi mình hớn hở vì sắp được đi xa một chuyến và dọc đường chắc sẽ có những chai nước giải khát rồi ăn tiệm như chuyến đi Tam Kỳ năm ngoái. Mặc bộ đồ “lý lịch”vào, trông ngóng. .. Suốt đêm không đứa nào ngủ được. Viễn cảnh về một chuyến đi xa làm tụi mình háo hức, hồi hộp lạ (!).

Sáng 26/3 ba đem xe về và chở cả nhà đi. Mình lưu luyến nhìn lại tất cả đồ vật của căn nhà. Quần áo vẫn còn ở nguyên trong tủ. Trong tủ lạnh vẫn còn nhiều thức ăn, trong buồng kho: mắm muối dự trữ còn nhiều. Tất cả vẫn đều ở nguyên một chỗ. Và cả nhà ra đi với 1 vài xách đồ, một túi gạo sấy. .. Căn nhà vẫn còn hơi hướng của con người, vẫn bình thản như mọi ngày. Ly sữa uống dở của mình còn đặt trên bàn. Bây giờ nhắc lại mình vẫn thấy buồn tiếc làm sao. Một nửa gia tài ở lại. Tưởng tượng khi ra đi mà đồ vật vẫn còn ở nguyên lại, ai mà không thấy não lòng cơ chứ. Thôi nhé! Vĩnh biệt căn phòng ngủ ấm cúng. Vĩnh biệt phòng khách giản dị, đơn sơ. Vĩnh biệt cái tủ lạnh mà mình chuyên môn chộp đồ ăn. Vĩnh biệt vài bụi cỏ xác xơ lơ thơ trước nhà. Vĩnh biệt cư xá!

Ba cho nhà bác Bé đi chung xe để ra cảng. Khi cả nhà đã ngồi lên xe, con chó Bi-Đên từ đâu chạy tới vẫy vẫy đuôi tỏ ý muốn trèo lên nhưng hết chỗ rồi. Con chó sủa ăng ẳng. Bác Bé khóc. Xe chạy, Bi-Đên đứng nhìn theo. Tội nghiệp nó. Không biết sau đó, nó sẽ ra sao.

Trời ơi, đến cảng, mình thấy người đông như kiến. Không biết người ở đâu tới mà nhiều dễ sợ. Nhà mình lau chau một bầy con nít (7 đứa, đúa nhỏ nhất mới 2 tuổi), đã vậy ông Tuyên ở gần bên còn gửi bà vợ mới sinh được hai ngày và đứa con 1 tuổi rưỡi.

Ngong ngóng chờ tàu nhưng người đông như kiến khiến nhà mình không thể xuống được. Tiếng ồn ào, la hét, cãi cọ dội bên tai mình. Người ta tranh giành nhau thí mạng. Thỉnh thoảng một vài tiếng “tõm” ghê rợn lại vang lên. Đó là những kẻ xấu số trước tiên. Vì xô đẩy, chen lấn nhau quá nên những người đứng sát mé cảng bị rớt xuống biển. Mới đầu người ta còn chép miệng tỏ vẻ thương hại người chết nhưng sau rồi cũng quen.

Biết chắc chắn không thể đi được, ba dẫn cả nhà vào một căn nhà trống gần đó nghỉ trưa. Chị Lụa (là chị giúp việc) nói má để chị về nhà coi thử nấu một ít xôi vịt đem lên. Vì ở nhà còn nhiều nếp và mấy con vịt nữa. Tụi mình đã đói ngấu, mắt hau háu trông chị Lụa lên. Trưa, chị Lụa lên và đem theo một bao xôi nếp thơm, béo ngậy nhưng má chưa cho ăn. Cả nhà lại lục tục kéo ra cảng. Thừa cơ lộn xộn, một tên ma lanh nào đó chớp bao xôi làm tụi mình tức cành hông.

Lúc đó ba có vẻ lo lắm. Mình không nhớ được 1 ai đó, có phải là bác Du hay là một ông bạn nào của ba đã nói ba để ông đưa mình và Bé Ba xuống trước. Ba gủi hai đứa cho ông. Lúc hai đứa được đưa xuống ca-nô, mình lo sợ kinh khủng và gần khóc vì sợ cả nhà bị kẹt lại là tụi mình sẽ bị thất lạc. Ca-nô loanh quanh con tàu mà không cách nào lên được. Vậy là trở về. Mình thở phào nhẹ nhõm. Ba lại phải loay hoay kiếm tàu. Nhưng tàu ít mà người nhiều nên rốt cuộc chỉ chen lấn một cách vô ích. Ba lại phải dẫn cả nhà về sở ba ngủ đỡ. Cu Tí (ba tuổi) mè nheo làm má bực mình. Cả đêm ngủ không yên giấc. Thỉnh thoảng lại phải lồm cồm bò dậy để đi ra cảng vì có tin “Có tàu”.

Sáng 27/3, ba lại dẫn cả nhà ra bãi và ở tạm trong 1 dãy nhà dài không có vách ngăn. Cu Tí vô tình đứng trên ổ kiến lửa ở bãi cỏ xanh trước nhà nên bị đốt và la hét om sòm. Ba chạy lại dỗ. Thấy ba lo lắng, hoảng sợ thật là tội.

Lúc đó ba vừa chạy đi đâu một lát, má và tụi mình nằm nghỉ trong căn nhà la liệt những người, thình lình “họ” pháo kích. Mỗi khi có tiếng đề-pa “cạch”, ông Ký lại hét lên: “Nằm xuống”. Mọi người kinh hoàng, run rẫy. Tiếng rên rỉ, tiếng khóc, tiếng cầu kinh Chúa, kinh Phật, tiếng than van tạo thành một hợp âm buốt cả óc. Có một bà nào đó nằm ở gần nhà mình vừa tốc bao quần áo của nhà mình, nhà bà ta che phủ lên người, vừa khóc, rồi cầu kinh, rồi lại kêu trời, kêu cha mẹ náo động cả lên. Mình và chị Lụa tức cười quá cứ cười rúc rich hoài làm má la cho một trận. Mấy đứa em mình cũng thích thú trước cái cảnh đáng tức cười đó cũng vừa lấy mùng mền dúi lên người, vừa cười.

Pháo một chặp thì ngừng. Mọi người thở phảo. Dù vậy, trên nét mặt họ cũng vẫn còn in nét kinh hoàng. Lại lục tục kéo ra cảng. Rồi lại những tiếng “tõm” ghê rợn vang lên. Nhà ông Vinh Ma-rốc ở trong cư xá có hai đứa con đều bị rơi xuống biển. Người từ Đà Nẵng (thời đó người ở quận Ba cứ gọi bên kia sông là Đà Nẵng) lại ùn ùn kéo qua đông nghịt và chết cứng tại chỗ, không thể đi được. Tiếng la hét, than khóc rền rĩ như ở địa ngục. Sẵn có bao sữa đủ các loại của bà Tuyên mang theo cho đứa con mới sinh, tụi mình ăn cho đỡ đói. Bột sữa làm nhem nhuốc bảy khuôn mặt trông thật là hề.

Ba đã vất chiếc máy ảnh và thay bộ quân phục bằng đồ civil (dân sự). Chờ tàu dài cả cổ. Người lại ùn ùn kéo đến. Chưa bao giờ mình thấy người đông đến như vậy. Đầu người đen sẫm làm thành một khoảng đen khổng lồ. Một ngày trôi qua. Đêm xuống. Ngủ đang ngon giấc thì bị ba kêu dậy vì tìm ra chỗ có tàu. Cả nhà đi về môt góc cảng. Lạ thật, chỗ này đến bây giờ mà vẫn còn vắng tanh. Có lẽ đây là một chỗ kín mà dân thường không biết được. Đến tàu của ông trung tá Nhơn. Có lẽ vì sợ người ta ùa xuống tàu đông quá, ông ra lệnh xịt nước vào đoàn người mới đến. Thế rồi không hiểu vì sao tụi mình cũng lên được.

Trên sàn tàu người nằm la liệt. Chỗ đó lại tối mù mờ và do đó càng thấy buồn thảm hơn. Thỉnh thoảng, một vài tiếng ho khù khụ của những người già, tiếng oe oe lạc điệu của những đứa trẻ càng làm tăng thêm cái vẻ ảm đạm của con tàu. Mình than thở:
– Tàu chi mà buồn quá.
Má la:
– Có tàu đi là may lắm rồi còn ưng chi nữa.

Một bầu không khí nặng trĩu. Người trên tàu hình như cũng mệt mỏi lắm rồi nên không buồn nhìn lên khi nhà mình kéo xuống. Nằm chưa yên chỗ, không hiểu răng nhà mình lại bị đuổi xuống. Vậy là lục tục kéo đi, nặng trĩu đối với ba má nhưng rất là mừng được thoát khỏi cái cảnh buồn bã đối với mình. Bây giờ nghĩ lại mình thấy mình thật là dại dột. Giá như lúc đó mà đi được thì bớt khổ đến chừng nào và má cũng không bị mất bao đồ quý, ba cũng đỡ phải tốn tiền thuê ghe, thuê tàu.

Cả nhà lại lục tục kéo đến sở ba và trải drap ra ngủ. Mấy đứa tụi mình thèm ngủ đến ríu cả mắt lại. Ngày hôm ấy, người từ Đà Nẵng kéo qua càng đông. Xe Honda, Vespa, xe Jeep, Dog, xe hơi… đủ các loại xe và đồ đạc ngổn ngang, la liệt trên bến cảng.

(còn tiếp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: