Hồi ký một quân nhân VNCH đi tù “cải tạo” ở trại Ba Sao – Nam Hà

Tin thông báo học tập cải tạo sau 30-4

Sau 1975, rất nhiều câu chuyện kể về đời đi tù cải tạo cộng sản, nhưng không phải ai cũng đủ sức để nhìn lại, nhớ lại ngục tù ấy, ghi lại thành sách chi tiết về mình, về bạn tù. Dưới đây là một phần hồi ký của một quân nhân VNCH, vẫn ấp ủ một ngày nào đó sẽ xuất bản trọn vẹn – bởi ông vẫn còn kẹt lại ở trong nước. Mời quý vị đọc để nhớ, hiểu thêm phần nào tâm trạng của những người lính miền Nam bị đày ải giữa vòng vây thù địch như thế nào. Tên nhân vật trong phần trích, tạm thời được thay đổi để giữ an toàn cho tác giả.

Thế là ra Bắc đi tù cho biết với người ta…

Có điều, sau nhiều năm Minh mới nhận ra… Trước kia, anh thường mơ về mẹ, về những người thân, mơ về tuổi thơ với hào nước có cá lia thia, có bắt dế ven đường… Nhưng chẳng hiểu sao, trước ngày bị đưa ra Bắc và cả khi sống sót trở về, anh không thể mơ được một giấc mơ nào từ lành đến dữ… Chẳng có thứ gì khác xuất hiện trong mộng ngoài bối cảnh và chi tiết của tù với tù. Hóa ra, với cách giam giữ của cộng sản, ngay cả giấc mơ thì hỡi ôi, cũng đã bị cầm tù!

Trở lại chuyện tù lưu đày xứ Bắc. Xe di chuyển không băng ngang Hà Nội nhưng ngang Hải Dương, xe đoàn tách ra làm vài tốp… Một số quay ngoắt lên mạn ngược. Năm xe chở đầy tù, đa phần từ K3 Long Khánh hướng về Nam. Khi xe băng qua một cầu phao, một ai đó thốt lên: “Cầu phao Phủ Lý…”.

Nhưng rồi xe di chuyển thêm đến một đoạn đường quanh co, một bên là vực… Có người liếc nhanh bảng chỉ đường rồi thì thào: “Chết cha… Qua Tàu!”. Sau này mới biết trong lúc nhập nhoạng, anh ta đọc nhầm bảng Chi Nê-Hòa Bình thành China!

Vừa đến trại, dưới ánh đèn pha rọi thẳng vào mặt, từng tốp bị đọc tên và theo hướng dẫn của bọn cai tù đưa vào phòng giam. Những phòng giam mới quét vôi còn nồng và hai dãy, hai tầng… Tầng dưới là bục xi măng còn bên trên bằng gỗ. Nền xi măng lạnh toát nên ai cũng muốn trèo lên nằm trên. Sau này, khi giành nhau nằm phía dưới bệ xi măng, nghĩ lại chuyện ngày đó, không ai không đỏ mặt…

Nằm co quắp vì lạnh, chẳng ai ngủ được dù trải qua chuyến hành trình dài đầy mệt mỏi. Ai cũng lo lắng và bỡ ngỡ khi thấy “cắc ké kỳ nhông” có phải vương hầu khanh tướng gì ở miền Nam đâu mà cũng bị đưa ra Bắc? Mỗi phòng nhồi đến cả 6,7 chục mạng. Ai cũng than trời mà không hề biết rằng chỉ vài ngày nữa thôi, họ sẽ phải bị nhồi nhét trong cũng căn phòng ấy với nhân số gấp đôi, hoặc thậm chí hơn thế!

Sáng hôm sau, chỉ hơn năm giờ, tiếng kẻng báo thức vang lên…

Vài tên tù hình sự miền Bắc gánh nước nóng đến tận phòng phát cho mỗi người được hơn nửa lít. Ai cũng nhanh chóng đánh răng rửa mặt và thêm chút an tâm. Gì thì gì, ngay cả đánh răng, rửa mặt, làm vệ sinh… cũng phát nước nóng khi sợ dân Nam không quen khí hậu lạnh miền ngoài, còn gì đáng trông đợi hơn?

Và sau đó cả ngày, không có miếng nước uống nào được cấp phát. Bèn kêu rêu thì có ngay câu trả lời của gã tù hình sự vốn dĩ là tướng cướp thành Nam, bây giờ là đội trưởng bếp trại khiến tất cả đều ngỡ ngàng: “Nước uống sáng nay phát rồi, tiêu chuẩn mỗi ngày có thế thôi…”. Hóa ra, thứ mỗi sáng âm ấm ấy, là nước uống!

Hơn tám giờ, bắt đầu tập trung ở sân trại làm thủ tục nhập trại… Đến lúc đó, tất cả tù nhân miền Nam đều có dịp nhìn quanh và cứ ngỡ mình đang ở xứ sở của Tề Thiên Đại Thánh khi thấy bao quanh trại là những ngọn núi nhọn hoắc và mây lờ mờ quyện lấy các mõm đá tai mèo… “Cứ như phim thần thoại… Đây là đâu nhỉ?” Một ai đó, hẳn cả đời ở miền Tây chưa thấy núi nào ngoài núi Chứa Chan Gia Lào, buột mồm nói.

Một cán bộ nữ, khi tù khai địa chỉ, lên giọng phàn nàn: “Ngụy quân ngụy quyền chúng mày chỉ độc rườm rà, rắc rối…”. Đó là khi anh ta khai hộ khẩu vợ con gia đình ở “Huỳnh Tịnh Của-Gia Định”. “Vẹm cái” trừng mắt nhắc nhở: “Chúng mày ngu thế, chỉ cần nói ‘Huỳnh Tịnh’ là biết nó đương nhiên là ‘của’ xứ Gia Định rồi, việc gì phải rắc rối, chẳng lẽ Huỳnh-Tịnh ‘của’ Mỹ à?”.

Người bị mắng đỏ mặt tía tai lui xuống, tưởng mình đang ở xứ sở nào khác xứ Việt Nam ta! Cũng từ đó, tù miền Nam lưu đày ra xứ Bắc hiểu luôn một chân lý: Chớ có mà cãi… nếu không muốn thiệt thân.

Trong các tác phẩm tấu hài hiện nay, có một thứ thuổng ra từ hiện thực của tù VNCH ở xứ Bắc thiên đường xã nghĩa. “Hồ Văn Tẻn đâu?”. Mụ vẹm phụ trách hồ sơ hét lên như cố tạo ấn tượng quyền lực với cánh tù đang co ro trước mặt. Vài lần hét… như đã hết khí lực, mụ cúi xuống dò lại lần nữa. Thoắt mụ đỏ mặt… “Họ và Tên” trở thành Hồ Văn Tẻn, hài hước và khó tin nhưng… có thực. Thế mới đểu!

Thủ tục xong cũng hơn 3 giờ chiều. Tất cả được cấp cho mùng mền, chiếu và hai bộ quần áo tù một dài một ngắn. Trại có một giếng lớn, tựa giếng làng miêu tả trong sách cụ Toan Ánh, và tắm… Khu đối diện, gọi là khu A có vẻ kín cổng cao tường và canh gác cẩn mật hơn. Sau này Minh mới biết khu này để giam các vị đại tá VNCH và các bộ trưởng, dân biểu, nghị sĩ miền Nam. Huỳnh Thiện Hùng, lôi trong gói quà gia đình gởi do xe tải chở ra, có một trái mít mốc meo, tách lấy một hột quyết định trồng trong khuôn viên phòng giam.

Anh đùa: “Có trái ăn thì về…”. Ai cũng cười. Có kẻ sầm mặt mắng anh: “Cái miệng ăn mắm ăn muối, mít trồng cầu ba đến năm năm mới có trái… Chú mày nói kiểu đó, tụi mình ngày nào mới về?”. Hùng xịu mặt khi nhận ra kẻ ấy nói đúng.

Có điều chẳng ai ngờ, cây mít Hùng trồng ở phòng 8 khu B, trại A, Trại Nam Hà Ba Sao KBTB63NH, lại chẳng những tù có trái ăn mà thậm chí hột của nó, tiếp tục trồng lại ăn được luôn cả trái của đời con cháu nó… Thế mới đểu!

Ngay hôm sau, tất cả tù mới được quy tập lên hội trường để nghe trưởng trại nói chuyện và sau đó có “cán bộ giáo dục” từ Bộ Nội vụ ở tận Hà Nội về “đả thông tư tưởng” trước khi “cố gắng học tập tốt lao động tốt” mà về với… ông bà! Giám thị trưởng là một tên trung tá có gương mặt một sát thủ, tên là Xuyên.

Gã vẫn có tật, không phải, gọi là bệnh mới đúng, hệt như các đồng đội, đồng chí của mình… Gã nói rất nhiều dù chẳng hiểu mình đang nói gì và cũng không tin lắm vào điều mình nói… Nói có sai, mà thường thì sai bét be, bố thằng tù nào dám cãi… Chắc gã nghĩ thế nên khẳng định trước hàng quân như đinh đóng cột, đầy quyết tâm như đang đấu tố địa chủ thời cụ Năm Cát Hanh Long: “Đảng và Nhà Nước đưa các anh ra đây, để được gần ánh mặt trời ấm áp, để cùng nhau góp sức cải tạo cánh đồng đã hoang hoá gần tám chục năm nay… để có thành quả mà về với gia đình…”.

Một ai đó thốt lên, nhỏ nhưng rõ mồn một: “Gần mặt trời quá, chết thiêu chắc luôn!” Và cũng hướng ấy, một giọng Bắc di cư còn rõ hơn: “Ở ngoài Bắc, đất hẹp người đông mà có đất bỏ hoang cả thế kỷ… bắt tụi mình khai phá thì toi mẹ nó rồi!”. Trung tá Xuyên đỏ mặt tía tai, nhìn về phía ai đó đã phát ngôn phạm thánh và phạm thượng… Vô ích, chẳng ai dại làm kẻ anh hùng vào thời khắc này. Bọn lính lác, cán bộ tôm tép nịnh bợ bèn nhao nhao lên: “Thằng nào phát biểu đó. Đập bỏ mẹ nó đi, bọn ngụy ác ôn này…”.

Vẫn chẳng ai trong đám tù miền Nam lên tiếng nhưng môi ai cũng dường như mỉm cười. Gã thượng tá Thuần, đại diện Bộ Nội vụ ghé tai nói nhỏ với trung tá Xuyên. Gã gật đầu rồi rời bục diễn giả hầm hầm bỏ đi… Gã thượng tá ngay lập tức lên tiếng khỏa lấp bằng một loạt bài thuộc lòng về chiến thắng vĩ đại và cuộc kháng chiến thần thánh đã đem đến kết cục trái ngược đầy ngọt ngào chen lẫn cay đắng cho kẻ nói và người nghe.

“Các anh về, cán bộ sẽ phát giấy viết cho các anh, viết thu hoạch…” Ngài thượng tá cố ôn tồn nói.

“Thu hoạch là cái gì cán bộ?” Tân, trung úy CSDC mới được cử làm trưởng phòng của Minh hỏi.

“Thì khai lý lịch, khai những tội lỗi đã gây ra với dân tộc với đất nước với đảng… Có gì nói cho bằng hết, càng thật thà khai báo càng nhanh được nhà nước khoan hồng…”

Thuần nói, nhưng ánh mắt của lão lóe lên tia nhìn hí hửng, kiểu ánh nhìn của một gã lừa đảo mới may mắn bắt gặp được vài kẻ dại khờ. Chắc kỳ này ở tù lâu đây, ai cũng nghĩ vậy nên gần như toàn bộ chìm vào giấc ngủ nhanh chóng. Tuy vậy vẫn có người ngủ mớ, khóc thút thít, thở dài, nghiến răng kèn kẹt hoặc rên hừ hừ như đang bước vào luyện ngục…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: