Khúc chiêu niệm Tháng Tư

(NViet)

Ca khúc ra đời không nhằm để chinh phục đỉnh cao nghệ thuật, mà như để giữ lại linh hồn dân tộc trong những năm tháng đen tối nhất của lịch sử. Âm nhạc miền Nam nói chung – và đặc biệt là nhạc lính miền Nam Việt Nam nói riêng – là một dòng nhạc như thế. Nó không huy hoàng như kèn đồng duyệt binh, không oanh liệt như sử ca trên sân khấu cách mạng. Nó đến từ đêm rừng, từ vọng gác, từ hầm trú pháo, nơi người lính ôm chặt cây súng bằng tay này, và giữ chặt trái tim con người bằng tay kia.

Hẳn, từng có người cho rằng nhạc lính (miền Nam) là ủy mị, làm mềm lòng chiến sĩ, là tiếng khóc rưng rức giữa một thời đại cần máu nóng và hô vang khẩu hiệu. Nhưng thật ra, chỉ trong cái “ủy mị” ấy, chúng ta mới nghe được tiếng thở dài của một chàng trai mười chín, tiếng hồi chuông nguyện cầu của một bà mẹ bên đèn dầu, và ánh mắt người tình tiễn đưa không một lời hứa hẹn ngày về.

Và có khi, tất cả chỉ gói tròn trong lời nguyện ước “Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn…”

Đó không phải là tiếng nức nở sau cùng, mà là lời nguyện chân thành của một người lính, khi trong tim vẫn còn le lói ánh sáng của tình yêu, của ký ức, của nhân bản – giữa những ngày mà bóng chết phủ kín chân trời.

Đó không phải là sự đầu hàng, mà là khát vọng được làm người, được buông súng để ôm lấy quê hương đã rách tươm trong bom đạn, được trở về với mái tóc mềm, ánh mắt ướt, với xóm làng và bao tấm lòng còn sót lại giữa cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Những ca khúc như “Người ở lại Charlie”, “Trên đầu súng”, “Một mai giã từ vũ khí”… không làm suy kiệt tinh thần chiến đấu – ngược lại đã làm thăng hoa phẩm giá của người lính, không phải là công cụ chiến tranh, mà đích thực là những chứng nhân lịch sử, từ bóng đen chiến tuyến trở thành ánh lửa nhân văn giữa đêm dài dân tộc.

Âm nhạc miền Nam, trong thời chiến, vừa là khúc ca của một miền đất – vừa là tiếng vọng của một linh hồn thổn thức tình tự con người. Nó gợi nhớ đến tiếng chuông chiều chùa làng, ngân vọng trên cánh đồng hoang sau mùa gặt chiến tranh – một tiếng chuông thương xót và thức tỉnh, thấm sâu vào lòng người như hơi thở của đất mẹ.

Và rồi, cuối cùng, khi tất cả những tình khúc chia tay, những lời nhắn gửi qua thư lính, khắc khoải từ núi rừng đến biển đảo đã lặng xuống – chỉ còn lại hai tiếng thì thầm: VIỆT NAM!

Việt Nam, ở đây, không còn là một địa danh hay một chính thể. Việt Nam là vết thương chưa lành. Là giấc mơ chưa kịp chạm tới. Là linh hồn bất diệt của những người lính không ngày trở về.

Đừng hỏi tại sao miền Nam “thua cuộc” – hãy hỏi: ai đã “cuồng thắng” trong một trận tuyến máu xương của đồng bào mình?

Đừng dùng chiến thắng để viết lại đạo lý – mà hãy nghe những khúc nhạc buồn để nhớ lại chúng ta đã từng là anh em, cùng một giòng máu, cùng một tiếng mẹ ru trên vành nôi.

Trong không gian hậu chiến, nơi mọi thứ bị xóa nhòa bởi bụi thời gian và cát chính trị, âm nhạc miền Nam vẫn cất tiếng – như một dòng suối nhân bản dưới những nấm mộ không tên, dưới lằn ranh bị xóa giữa Bắc và Nam, giữa thắng và bại, giữa những ai còn sống và người đã chết.

Vì ở đoạn cuối của chiến tranh, không còn ai thắng. Chỉ còn tình yêu là sống sót. Và âm nhạc – bấy giờ – là di chúc!

Xin được khép lại Khúc Chiêu Niệm Tháng Tư cuối cùng này, bằng hai tiếng VIỆT NAM – không phải như một danh xưng, mà như một lời cầu nguyện tha thiết gửi vào đất trời:

cho tất cả những người đã đi qua cuộc chiến,

với một trái tim còn nguyên vẹn tình người,

và một khúc ca vang vọng mãi…

“Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời

Việt Nam hai câu nói bên vành nôi

Việt Nam nước tôi

Việt Nam Việt Nam tên gọi là người

Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời

Việt Nam đây miền xinh tươi

Việt Nam đem vào sông núi

Tự do công bình bác ái muôn đời

Việt Nam không đòi xương máu

Việt Nam kêu gọi thương nhau

Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu

Việt Nam trên đường tương lai

Lửa thiêng soi toàn thế giới

Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời

Tình yêu đây là khí giới

Tình thương đem về muôn nơi

Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người

Việt Nam! Việt Nam!

Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo