Ngày đó, tôi là một người lính trẻ 24 tuổi cấp bậc Hạ sĩ nhất tùng sự tại Ban Hành Chánh Trung Tâm Quản trị Trung ương, KBC 4204. Ba tôi là Bùi Dzinh, một sĩ quan cao cấp của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc cuối cùng là đại tá tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh. Ông đã bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng của Trung tướng Dương Văn Minh tước đoạt binh quyền và sa thải khỏi Quân đội Việt Nam Cộng Hòa vì lý do phản đảo chánh ngày 1-11-1963 nhằm cứu Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Gia đình ba mẹ tôi cùng tất cả các con đã ở lại sau ngày 30-4-1975 là vì Ba tôi không muốn đi ra nước ngoài. Còn nhớ hồi cuối tháng 3 và đầu tháng 4, sau khi Cam Ranh rồi Phan Rang thất thủ, nhà tôi có nhận được lá thư của đại tá Lý Trọng Song, tùy viên quân sự Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Anh (em ruột mẹ tôi) từ Luân Đôn gửi về, kèm theo bản tin ngắn cắt từ một tờ báo Anh ngữ, nhận định tình hình miền Nam Việt Nam rất bi quan. Cậu ấy khuyên ba mẹ tôi nên thu xếp cho con cái ra nước ngoài.
Mẹ tôi theo đó đã sửa soạn đồ dùng cá nhân cho từng đứa con để chuẩn bị di tản như hồi Việt Cộng tấn công dịp Tết Mậu thân 1968. Lúc ấy, các em tôi, bảy đứa, dìu dắt nhau về trung tâm Sài Gòn. Ba mẹ chất đầy đủ vật dụng và bế thằng Út mới chưa đầy năm vào chiếc Renault, lái vào tá túc ở nhà cậu tôi là đại tá Song trong cư xá sĩ quan Chí Hòa; căn nhà ở hồ tắm Cộng Hòa giao cho tôi và Cường, em kế tôi giữ, với một khẩu carbine M.2 và một thùng đạn 500 viên.
Tuần cuối tháng 4, một người lính của Trung tướng Trần Văn Trung (Tổng cục trưởng Cục Chiến tranh Chính trị) đến nhà thăm hỏi tình hình. Ba tôi bảo không muốn đi đâu cả, rồi ông nói thêm rằng mình đã từng du học Pháp và Mỹ, biết hoàn cảnh xã hội của họ phức tạp, nên không muốn cho con ra nước ngoài. Thế rồi mọi chuyện xảy đến. Ngày ông Dương Văn Minh thay thế Tổng thống Trần Văn Hương là 28-4-1975. Có tin “Big Minh” (biệt danh của ông Minh) muốn mời Ba tôi cùng cựu Thiếu tướng Lâm Văn Phát thành lập Sư đoàn Bảo vệ Thủ đô Sài Gòn. Nhưng ba tôi không nhận lời. Ngày 29-4, trong bữa cơm chiều, tôi nhìn ra đường Phạm Hồng Thái, thấy các binh sĩ Nhảy dù đang đi bộ hàng dọc với ba lô súng đạn đầy đủ, từ dưới ngã tư Bảy Hiền về hướng ngã ba Ông Tạ trong cơn mưa nhẹ.
Thêm một lần, tôi lại hỏi:
Thưa Ba, con thấy lính Nhảy dù đang di chuyển từ dưới ngã tư Bảy Hiền ngang qua nhà mình về hướng ngã ba Ông Tạ, nghĩa địa Đô Thành để vô trung tâm Sài Gòn và có thể họ sẽ ra bến tàu (tôi đoán). Vậy mình có nên di tản gia đình đến bến Bạch Đằng ngay bây giờ không?
Ba tôi không trả lời câu hỏi, chỉ bảo: “Ăn cơm xong con cứ về đơn vị; ở nhà có ba lo”.
Tối hôm đó, 29-4-1975, tôi trở vào đơn vị là Trung tâm Quản trị Trung ương ở đường Tô Hiến Thành thuộc Quận 3, Sài Gòn; đối diện trại Đào Bá Phước của Bộ chỉ huy Binh chủng Biệt động quân, lãnh súng đạn ứng chiến cùng đồng đội. Tuy đơn vị chúng tôi trực thuộc Phòng Tổng quản trị Bộ Tổng tham mưu, nhưng trú đóng trong địa bàn của Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô Sài Gòn, nên trách nhiệm phòng thủ của chúng tôi là từ phía sau lưng giáp với nghĩa địa Đô Thành bọc vòng cư xá sĩ quan Chí Hòa, dọc theo đường Bắc Hải ra Nhà Dây thép gió, ngã ba đường Lê Văn Duyệt đối mặt với trại Nguyễn Trung Hiếu của Tiểu đoàn 1 Nhảy dù. Đoạn đường Tô Hiến Thành ra đến đường Lê Văn Duyệt ngã ba Hòa Hưng thuộc về trách nhiệm của các chiến hữu Biệt động quân còn lại ở trại Đào Bá Phước.
Đêm ấy, tôi nhận cuộc điện thoại chót trước 20 giờ của người bạn học là cô Phạm Ngọc Lan, sinh viên năm thứ ba ban Công pháp Đại học Luật khoa Sài Gòn (con Hải quân trung tá Phạm Trung Giám), từ trong cư xá sĩ quan Hải quân ở bến Bạch Đằng. Cô ấy gọi hỏi thăm tình hình. Tôi mạnh mẽ trả lời rằng mình ở lại để làm “chứng nhân lịch sử”. Khuya hôm đó, đoàn tàu Hải quân Việt Nam Cộng Hòa do Phó Đề đốc Lâm Ngươn Tánh chỉ huy đã tách bến Sài Gòn về hướng vịnh Subic, Phi Luật Tân.
Ngoài nón sắt cá nhân, mỗi người lính được phát một khẩu carbine M2 với vài kẹp đạn, ngoài ra thêm vài quả lựu đạn MK3. Nghĩ lại mà buồn, từ sau Hiệp định Paris tháng 1-1973, ngoài việc rút dần lính Mỹ thì viện trợ cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa bị Chính phủ Mỹ cắt giảm dần, từ đó vũ khí quân trang hư hỏng chỉ được “một đổi một” chứ không cấp thêm. Cho nên trong những năm cuối cùng của cuộc chiến, bên Quân nhu – Tiếp liệu thâu hồi xe cộ, áo quần, súng đạn – chẳng hạn như súng cá nhân M16, xe Jeep… để bổ sung thay thế cho các đơn vị tác chiến bị hư hỏng. Thế nên sau đó một cuốc xe Jeep phải đón ít nhất ba vị sĩ quan cao cấp chứ không mỗi người một chiếc như trước. Em của mẹ tôi, trung tá Lý Trọng Lễ, K.4 trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt đi làm bằng xe Honda 67 riêng; mỗi ngày từ hồ bơi Cộng Hòa vào Trại Trần Hưng Đạo, chứ không có tài xế đưa đón bằng xe riêng như lúc cậu làm tỉnh trưởng Khánh Hòa năm 1970-1971.
Trở lại tình hình của đơn vị. Vào khoảng quá nửa đêm 29-4, có những loạt đạn nổ từ phía ngoài nghĩa địa Đô Thành Chí Hòa (nay là công viên Lê Thị Riêng). Khi một quả B.40 phá thủng bức tường đơn vị thuộc Khối Điều hành nằm sát vòng rào nghĩa địa thì sự hốt hoảng trong đơn vị bắt đầu. Một số quân phạm đang chờ phân phối bổ sung đi các đơn vị đã lợi dụng sự náo loạn và gây mất trật tự, bất tuân thượng lệnh; có những hành vi la ó, chửi bới, rồi chuồn khỏi doanh trại. Sau khi một số lính đào tẩu, anh em binh sĩ cơ hữu và thặng số còn lại đã tạm ổn định tinh thần, duy trì được kỷ luật, tiếp tục ghìm súng canh chừng Việt Cộng, mặc dù thỉnh thoảng vẫn còn những tiếng chửi rủa mắng mỏ văng vẳng trong đêm tối.
Tờ mờ sáng 30-4, sau khi chúng tôi nấu nước uống trà và cà phê xong, có lịnh tập hợp điểm danh quân số. Lúc đó mới biết vài sĩ quan chỉ huy đã không còn có mặt trong doanh trại nữa! Chúng tôi hoang mang chờ nhật lệnh của Trung tá Bùi Thanh Quý, chỉ huy trưởng Trung tâm Quản trị Trung ương, và trong tư thế tiếp tục ứng chiến. Mãi gần trưa, khoảng 10g, nghe radio phát thanh lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng. Thế là hết! Đời binh nghiệp gần bảy năm của tôi chấm dứt. Tôi mang súng đạn trả lại kho vũ khí rồi cởi bỏ quân phục, phóng Honda chạy ra khỏi cổng doanh trại. Đến đầu ngã ba Lê Văn Duyệt-Tô Hiến Thành, gần rạp xinê Thanh Vân, thì bị kẹt đường, do lúc ấy Trung đoàn Gia Định của Việt Cộng với khăn rằn, mũ tai bèo xen lẫn nón cối và dép lốp đang đi dọc hai bên lề tiến vào trung tâm Sài Gòn, về hướng trại Lê Văn Duyệt và ngã sáu Dân Chủ. Tôi trở đầu xe chạy ngược theo đường Tô Hiến Thành, băng ngang cư xá sĩ quan Chí Hòa, rẽ ra trường đua Phú Thọ, theo đường Nguyễn Văn Thoại về đến nhà thờ Chí Hòa.
Dọc đường, em tôi là Cường, chung đơn vị với tôi, hỏi:
“Mình đi đâu bây giờ hả anh?”
“Muốn đi đâu cũng được nhưng trước tiên là phải về nhà xem tình hình gia đình ra sao vì khuya hôm qua, sau đợt pháo của Việt Cộng, đường dây điện thoại đã bị cúp! – tôi đáp ngay.
Khoảng nửa tiếng sau, hai anh em chúng tôi về đến nhà thì bất ngờ quá, ngoài gia đình tôi ra còn có cả bà nội. Thì ra cô Báu (chồng là thiếu tá Nguyễn Ngọc Cử đang chỉ huy một tiểu đoàn Địa phương quân thuộc Tiểu khu Long An) đã đưa bà lên nhà tôi lánh nạn từ tối hôm qua. Thế là tạm ổn. Ba mẹ và mọi người bình an. Nhà cửa không bị trúng đạn. Sau một lúc định thần, tôi ra xem phía trước mặt nhà về bên phải thì thấy sát cây điệp trước nhà ông Tôn và nhà Đức Khiêm số 203, cách nhà tôi ba căn, đã trúng đạn pháo kích đêm trước. Hàng dây điện thoại khu này, do đó, bị các nhánh cây đổ cắt đứt từ khuya hôm qua. Nghe mọi người kể chuyện một xe lam tản thương từ dưới ngã tư Bảy Hiền tối qua, khi chạy đến khúc đường giữa hẻm vào cư xá Tự Do và đường vào nhà thờ Chí Hòa, bị trúng đạn pháo kích. Tôi đến gần hiện trường, thấy vài mảnh vải còn vướng mắc trên dây điện và những mảnh đạn rải rác chung quanh. Thi thể người bị nạn đã thu dọn, chỉ còn trơ lại xác chiếc xe cháy đen.
Trưa 30-4-1975, cả nhà quây quần dùng cơm trưa, chuyện trò bên cạnh chiếc radio Sony chạy pin phát thanh liên tục, lặp đi lặp lại lời kêu gọi đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Thỉnh thoảng chèn vào bản Nối vòng tay lớn qua tiếng hát Trịnh Công Sơn và các bản Tiến về Sài Gòn, Giải phóng miền Nam của Huỳnh Minh Siêng (tức nhạc sĩ Lưu Hữu Phước)… Xế trưa, khoảng 15g, chúng tôi nghe có tiếng ồn ào đập cửa quát tháo trước mặt nhà. Một giọng nói vang lên của người chỉ điểm: “Đó, đó! Đây là nhà tên đại tá ngụy quân”.
Tôi thấy một đám đông, người dân lẫn bộ đội, mang cờ sao vàng trên nền vải nửa xanh nửa đỏ. Dẫn đầu là một đàn ông, mặc đồ đen mang băng vải màu đỏ bên tay trái, tay phải cầm khẩu Colt 45, chĩa thẳng vào chúng tôi. Ông ta yêu cầu mở cửa sân trước nhà cho bộ đội chính qui, khoảng một chục người cầm AK47 và B40, lưng mang balô còn cắm lá cây, cùng nón cối có giấy trắng quấn vòng quanh. Nón viết những dòng chữ mà tôi còn nhớ, đại ý ghi những điều chính phủ Lâm thời Mặt trận Giải phóng miền Nam cam kết “đối xử nhân đạo và bảo vệ tài sản tính mạng nhân dân”…
Tất cả cùng xông vào đứng chật mặt tiền nhà tôi. Người mặc đồ đen cổ quấn khăn rằn có mang băng đỏ ở cánh tay, cùng một bộ đội mang cấp úy có một vạch kèm hai sao nhỏ, đi thẳng từ trước đến phía sau nhà, rồi lên hai tầng lầu. Sau một lúc quan sát, họ nói với ba tôi: Cho họ trú đóng một A (một tiểu đội) thuộc Trung đoàn Gia Định. Dĩ nhiên ba mẹ tôi phải chấp nhận cho họ ở, cùng với nhiều vũ khí và đồ đạc, lương khô, và cả củi dựng dọc hai bên tường nhà.
Họ ở chung nhà mãi đến cuối tháng 5, khi nhà chúng tôi có tang. Em trai thứ bảy là Bùi Xuân Hòa, học sinh lớp 8 trường Thánh Tâm (nay là trường Tân Bình), qua đời vì bệnh sau thời gian chữa trị ở bệnh viện Grall (Đồn Đất). Họ chuyển sang đóng nhà bên cạnh, sát vách nhà tôi. Gia chủ nhà hàng xóm này (ba má chị Oanh, Thi, Huyền, Thăng… hiện định cư ở Mỹ) đã ra đi trước ngày 30-4. Căn nhà này đã được giao cho người em chủ nhà từ bên hẻm Cây Điệp – phở Cường đến ở, nhưng chỉ vài ngày sau thì bị “Bộ đội 30” phát hiện. Họ trục xuất người em và tịch thu căn nhà làm nơi đóng quân. Thời gian sau, căn nhà mang số 213 Cách Mạng Tháng Tám này trở thành trụ sở Công an phường 3, quận Tân Bình (nay là phường 7).
Chuyện đáng nhớ về tiểu đội lính Bắc Việt trú đóng tại nhà tôi: hầu hết họ là thanh niên trẻ ở vùng thôn quê Nam Định, Thái Bình… Họ đã ở đây trọn tháng Năm. Để nấu ăn, họ chẻ củi tại chỗ. Cứ mỗi khi nghe tiếng chẻ củi, vì sợ hỏng nền nhà, mẹ tôi lại phải lấy bớt một bếp dầu hôi, mang ra cho họ dùng! Lúc rảnh rỗi, vài “chú bộ đội” đã nhặt được đâu đó vài quyển Playboy của “đế quốc Mỹ”. Họ lén lút chuyền nhau, ra nấp phía sau hè trong vườn nhà tôi, kín đáo coi các ảnh phụ nữ lõa thể. Có lần vô tình bị Cường – em trai tôi – bắt gặp.
Cuối năm 1979, khi cùng mẹ tôi ra Bắc thăm nuôi cha tôi, Cường – em tôi – bất ngờ gặp lại anh Dương, một trong những bộ đội tá túc tại nhà tôi sau 30-4-1975. Hai người nhận ra nhau tại ga xe lửa Hà Nội. Dương cho biết từ sau 2-9-1975, các anh được phục viên, về lại miền Bắc, và nay để kiếm sống, Dương phải đi bán hàng rong (bán thuốc và nước chè) ở nhà ga.
46 năm rồi, tôi vẫn ngậm ngùi nghĩ về những ngày ấy: những ngày mà tôi chỉ thấy tương lai mù mịt cho bản thân, cho gia đình và nhiều gia đình Ông Tạ…
Bùi Dzũng, Lyon (Pháp), ngày 22-4-2021