Giá như mọi xã của Việt Nam Cộng Hòa đều là tấm khiên thép bảo vệ quê hương tự do như nghĩa quân xã Kỳ Bình trước giặc Cộng sản thì chúng ta không phải cứ đến ngày 30-4 lại mang đầy kỷ niệm buồn, tiếc nuối.
– Ánh ở đâu?
– Dạ, con ở Tam Kỳ
– Chỗ nào ở Tam Kỳ?
– Con nói Tam Kỳ để dễ nhận biết, chứ con ở xã Tam Thành. Giờ thuộc về huyện Phú Ninh, khi tách thị xã Tam Kỳ tách làm hai hồi năm 2005
– Vậy trước năm 1975, xã đó ở tên là gì?
– Dạ xã Kỳ Bình
– Nghĩa quân xã Kỳ Bình là số 1!
Đây là câu chuyện lần đầu của tôi với một phó giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy tại khoa Vật Lý, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM hồi năm 2009 ở Sài Gòn. Ông vốn quê thuộc quận Lý Tín, một quận giáp ranh với quận Tam Kỳ. Tôi sang Mỹ được gặp nhiều vị trước năm 1975 từng có kinh nghiệm ở tỉnh Quảng Tín mà khi nói về nghĩa quân Kỳ Bình, quận Tam Kỳ, họ vẫn giữ lòng ngưỡng phục. Người trẻ hơn, anh Diệp Quỳnh sinh năm 1962, quê xã Kỳ Long, cùng quận Tam Kỳ. Sau năm 1975 nhà cầm quyền đổi tên thành xã Tam Dân. Anh vốn là giáo viên toán. Thời đồng lương không đủ sống, phải bỏ dạy để mưu sinh bằng nghề khác trước khi sang Mỹ. Câu chuyện của hai con người xa xứ như thêm một lớp keo thân tình sau lời nhận xét “Nghĩa quân xã Kỳ Bình là số 1”.
Những con người ở nhiều độ tuổi, khác nhau công việc, không sinh ra ở Kỳ Bình vẫn còn chung lời tán tụng danh tiếng về nghĩa quân của một xã sau gần nửa thế kỷ bị bên thắng trận tìm cách vùi vào quên lãng. Dù nghĩa quân xã Kỳ Bình, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín, không được lưu danh bằng những trang sử, bài báo, nhưng trong người dân, nó chưa hề bị phôi phai của thời oanh liệt chiến công mà địch quân chưa nếm được mùi chiến thắng.
Những nông dân cầm súng của xã Kỳ Bình không thể quyết định toàn cuộc chiến, nhưng họ đã giữ vững bình yên quê hương suốt thời khói lửa trong sự cay đắng của kẻ thù. Tôi kiểm chứng lịch sử bên thắng cuộc qua câu chuyện nghĩa quân. 46 năm chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ có bao điều để luyến tiếc, kỷ niệm của nhiều triệu người. Tôi đầy băn khoăn khi viết về nghĩa quân một xã trong tầm vóc to lớn của nỗi mất mát chung của nhiều người. Tôi không có kinh nghiệm để nói về những trận đánh lớn, cũng không thể nói về cuộc đời binh nghiệp đầy oai hùng, hay sự hoang mang của lòng người trước tin tức chiến sự vào năm 1975.
Một đứa sinh ra sau cuộc chiến, tình cảm tôi có được với “chế độ cũ” đều hình thành qua vào những câu chuyện về lực lượng nghĩa quân ở quê nhà. Tình cảm này ngược với những gì mà sách vở, nhà trường, hệ thống chính quyền tại địa phương cố nhồi nhét vào trong tâm hồn trẻ thơ của chúng tôi. Các câu chuyện về lực lượng nghĩa quân Kỳ Bình với tôi như một kiểm chứng sau các bài lịch sử khô khan, nhạt nhẽo, đầy màu hồng – ta thắng địch bại.
Bên ngoài trang sách, tôi vẫn nhớ, vài ba người hùa theo bên thắng cuộc cố “tiêm” vào đầu trẻ con, ông kia, bác nọ là “ác ôn” để trẻ con phải biết căm thù, hay ít ra suy nghĩ xấu về họ, hoặc xa lánh. Những con người thật mà tôi vẫn gặp lúc đi đường, dưới đồng, trên rẫy. Trước mắt tôi họ cũng là những nông dân chân chất, e dè của người thua cuộc như ba tôi, cậu tôi, những người hàng xóm chung quanh. Những chứng nhân thời cuộc đang bị nỗi sợ của bên thua cuộc bao phủ khiến họ không dám công khai nói đến chiến công. Bởi nó như một sự sỉ nhục cho bên thắng cuộc không có được thứ men say trọn vẹn.
Xã Kỳ Bình, không phải nơi xảy ra những trận đánh lớn như Phước Long, Charlie, Khe Sanh, Tân Cảnh… để sách báo phải nói đến, lưu vào thi ca, nhờ đó nhiều người có thể tìm được một chút manh mối của thời cuộc còn sót lại đâu đó. Nhưng nghĩa quân xã Kỳ Bình xứng đáng để viết ra để nhắc nhớ một thời của quê hương, về một lực lượng dễ bị lãng quên, trong tình cảm rất gần về những điều đã qua. Tỉnh Quảng Nam có 65 ngàn liệt sĩ thuộc bên thắng cuộc. Tỉnh có liệt sĩ theo cộng sản nhiều nhất Việt Nam. Đa phần chết trong cuộc chiến ý thức hệ 1954-1975. Đây cũng là tỉnh có nhiều “Mẹ Việt Nam Anh hùng” nhất.
Tiểu đoàn 70, thuộc tỉnh đội Quảng Nam của quân đội cộng sản được thành lập vào năm 1962. Đơn vị này gây ra nhiều khó khăn, mất mát cho các lực lượng Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh tại tỉnh Quảng Tín. Đây chính là đơn vị đã gây những trận đánh lớn như trận Núi Thành (năm 1965), trận Đồng Dương (năm 1965), và đột kích, tấn công hàng loạt các đồn, điểm đóng quân, cao điểm. Trong hai mươi năm gìn giữ tự do tại quê nhà, nghĩa quân xã Kỳ Bình phải đối mặt với tiểu đoàn 70 cùng du kích Cộng Sản từ vùng khác tràn vào. Đã có nhiều lúc họng súng của giặc tóe lửa trong đêm.
Tuy nhiên, tiểu đội 70 được phong tặng anh hùng của quân đội Cộng Sản và du kích giống như những con mèo trong đêm vẫn không thể tìm nổi một chiến công trước nghĩa quân xã Kỳ Bình. Nghĩa quân xã Kỳ Bình luôn là cái “gai trong mắt” của các lực lượng Cộng Sản muốn “nhổ” đi. Tất cả đều thất bại cho đến trước ngày miền Nam tự do rơi vào tay giặc. Một trong những trận, tôi được nghe kể nhiều, xảy ra đầu mùa hè khoảng năm 1970, khi một tiểu đoàn phối hợp quân chính quy của lực lượng Cộng Sản tấn công vào làng Khánh Mỹ, nơi đóng quân chính trung đội nghĩa quân chủ chốt của xã Kỳ Bình.
Với quân số đông hòng đánh úp, tiêu diệt gọn nghĩa quân để tìm một chiến thắng tuyệt đối. Đêm trước trận tấn công của các lực lượng Cộng Sản, ông Lê Phái, trung đội trưởng, liên trung đội nghĩa quân xã Kỳ Bình, đã cho di chuyển ba trung đội. Khi địch quân vào làng, ông cắt đường liên lạc. Do lạ địa hình, không có nội ứng từ các cơ sở ngầm, quân Cộng Sản bị rối loạn trận địa, tự bắn vào nhau. Khi địch quân ngấm đòn, nghĩa quân từ các hướng bắt đầu tấn công, cùng với sự yểm trợ pháo binh từ trung đoàn 5 thuộc Sư đoàn 2 bộ binh, quân đoàn 1 từ Tuần Dưỡng, khiến đối phương thiệt hại nặng nề.
“Sáng ra thấy xác và súng Việt Cộng nằm khắp nơi”, câu nói tôi nghe nhiều người nói khi kể về trận đánh này. Ông Bùi Minh Triết, sĩ quan đóng trại trung đoàn 5, hiện sống tại California nhớ lại. Hơn 40 quân Việt Cộng đã bỏ mạng. Theo ông Triết, trận tấn công này do tiểu đoàn 70 phối hợp với một đơn vị của sư đoàn 3 (Sư đoàn Sao Vàng) của quân đội Việt Cộng thực hiện. Trận thắng này còn là kết quả trong suốt cuộc chiến mà ý thức hệ Cộng Sản đã không thể gầy dựng cơ sở hoạt động tại địa phương. Xã Kỳ Bình không phải vùng da beo, nơi mà ngày thuộc Quốc gia và đêm thuộc Cộng Sản.
Sau năm 1975, người ta biết được trong xã vẫn có đảng viên Cộng Sản nhưng chỉ là cơ sở chết, không hỗ trợ được cho du kích bên ngoài. Cụm từ “Gia đình có công với cách mạng” là “hàng hiếm” tại quê nhà sau năm 1975. Tất cả trong sự quyết đoán, khả năng lãnh đạo của Liên trung đội trưởng Lê Phái và sự đồng lòng của nghĩa quân xã Kỳ Bình. Xã Kỳ Bình vẫn còn đó, nhưng bên thắng cuộc như muốn quên đi. Phải chăng đó là điều mà sau năm 1975 bị đổi tên thành xã Tam Thành?