Phần nhật ký không đề rõ tên người viết, xuất hiện trong những ngày nhắc lại biến cố 30 Tháng Tư. Đọc qua có thể thấy đó là một người miền Nam đi theo Cộng sản, tập kết và trở thành cánh quân đầu xâm nhập vào Sài Gòn. Những gì anh kể là phần lịch sử còn đóng kín, mà một ngày nào đó, rồi sẽ mở ra cùng những điều rất khác với sự tuyên truyền của chế độ CSVN hôm nay.
Những trang trống: Nhật ký của tôi bỏ trống ba ngày: 28, 29 và 30 tháng Tư năm 1975.
Sáu giờ chiều ngày 28-4 nhóm tác chiến của chúng tôi tách ra khỏi các đơn vị khác, áp sát quốc lộ 4 rồi thay trang phục của quân lực Việt Nam Cộng Hòa và bỏ khăn bịt mặt. Tôi nhét khẩu K63 vào ba lô của mình, để vào trong một chiếc ba lô khác của quân đội Sài Gòn, cầm thêm một khẩu AR15. Chúng tôi lao thật nhanh lên quốc lộ 4 rồi từ từ đi về phía Sài Gòn. Tôi ngạc nhiên về bề rộng của quốc lộ 4. Khi nhìn thấy những tòa nhà cao tầng ở phía Sài Gòn, tôi nghĩ ngay “mình đang đánh lại một nền văn minh cao hơn”.
Thật sự thì mấy ngày trước đó tôi không hề nghĩ ngợi hay dự kiến điều gì. Với tôi, mọi suy nghĩ hay dự kiến lúc đó đều không thực tế. Ra trận thì sống chết hoàn toàn chỉ là may rủi. Tôi sống theo kiểu trai thời loạn, đến đâu hay đến đó thôi. Nhưng khi đi ngang xa cảng Phú Lâm, nhìn nhà cửa và nghe những người dân hai bên đường nói chuyện thì tôi bắt đầu suy nghĩ. Thái độ và giọng nói của họ nghe thật hiền lành thân thương. Họ đang vô cùng sợ hãi. Tôi nhớ đến những người miền Bắc XHCN, tính cách và lối sống của họ ở những nơi mà tôi đã sống qua 18 năm. Tôi nghĩ “mình đang là kẻ cõng rắn cắn gà nhà”.
Đêm hôm đó chúng tôi ngủ nhờ trong một nhà dân bên đường Kinh Dương Vương.
Sáng 29-4 tôi tách khỏi nhóm tác chiến, đi lang thang trên những con đường ở quận 6. Buổi trưa tôi ngồi nhậu với một nhóm tàn quân, im lặng nghe họ giãi bày tâm sự. Càng nghe những người dân và những người lính Việt Nam Cộng Hòa nói chuyện với nhau tôi càng buồn, càng cay đắng. Tối hôm đó tôi ngồi ngủ dựa lưng vào vách tường một căn nhà gần bùng binh Phú Lâm vì nghĩ rằng mình không có tư cách gì để bước vào xin ngủ nhờ ở bất cứ một gia đình nào.
Sáng hôm sau (30-4) tôi đi theo đường Hồng Bàng, ngang qua trường Đại học Y khoa, tiến về phía trung tâm Sài Gòn. Mọi con đường đều vắng người. Khi tôi đến ngã ba Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và Lý Thái Tổ thì bỗng nhiên có những tiếng hô lớn “đầu hàng rồi, đầu hàng rồi…” và người dân bắt đầu đổ ra đường, nhảy nhót như điên, la hét vang trời.
Tôi lách qua họ tiếp tục đi về phía trung tâm. Có người chồm tới áp sát mặt vào mặt tôi la lên: “Ném súng và thay đồ rồi trốn ngay đi!”. Tôi mặc kệ họ, cứ lặng lẽ đi tiếp. Đến đường Lê Văn Duyệt, rẽ qua Hồng Thập Tự thì bên này đường Lê Văn Duyệt dân chúng đông nghẹt, còn bên kia (khu vực Tao Đàn và dinh Độc Lập) vẫn chưa có ai dám bén mảng vào.
Tôi vứt khẩu AR 15, tháo ba lô trên vai xuống, mở sẵn nắp rồi xách bằng tay trái để nếu cần thì rút khẩu K63 ra cho nhanh rồi bắt đầu đi trên con đường Hồng Thập Tự vắng ngắt không một bóng người.
Tôi đi lặng lẽ trong nỗi cay đắng càng lúc càng dâng trào. Khi đến trước cửa Bộ Tài Chánh, nhìn qua bên kia đường thấy hàng rào bằng gang đúc của dinh Độc Lập thì hình ảnh của thời thơ ấu của tôi hiện lên ngay trước mắt. Hồi đó mẹ tôi đã từng dẫn tôi đến đây. Lúc đó mẹ tôi và tôi ăn mặc lịch sự, sang trọng. Những người đi bộ xung quanh đây cũng đều ăn mặc lịch sự, sang trọng. Tại sao số phận lại bắt buộc tôi sau hai mười năm ra đi rồi trở về nơi đây với vũ khí trong tay, đi trên con đường vắng ngắt, giữa tiếng súng nổ vang trời?
Trong đời tôi không có ngày nào buồn bằng ngày hôm ấy: Ngày 30 tháng Tư năm 1975. Không một người nào chứng kiến cảnh trạng bên hông dinh Độc Lập giống như tôi nhìn thấy trong ngày hôm ấy. Và vào thời điểm đó, tôi dám chắc rằng, cả dân tộc này, có người vui mừng có người sợ hãi, chứ không có một người nào cảm thấy cay đắng như tôi.
Thôi. Nghĩ về ngày 30-4 một lần này nữa thôi. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua rồi.
__________
Sau khi bài viết này được đăng, chúng tôi đã biết được chính xác tên người bộ đội, tác giả bài viết này. Với thông tin của nhà báo Quỳnh Anh (người từng tham gia cuộc thi Ký ức Tháng Tư của SGN tổ chức năm 2021 và giành giải khuyến khích với bài Những chiếc đầu đen ám ảnh hơn nửa thế kỷ), chúng tôi được biết nhân vật bộ đội viết bài này là ông Trương Công Dũng. Cô Quỳnh Anh từng tiếp xúc trực tiếp với nhân vật này. Ông Dũng hiện sống tại Sài Gòn và thường xuyên viết trên trang cá nhân rất nhiều bài lên án chế độ cộng sản. Bài viết mà SGN đăng lại ở trên đã được ông Dũng đăng trên trang cá nhân vào năm 2021. Những ngày gần đây, bài viết này được chia sẻ nhiều, đều không dẫn nguồn và SGN cũng dẫn lại từ đó. SGN xin thưa lại cho rõ và thành thật xin lỗi ông Trương Công Dũng cũng như độc giả.
SGN, 30/4/2022