Những ngày lang thang

Viết để nhớ ngày 30 Tháng Tư đen…
Ảnh: pexels-matej

Dù bây giờ đã qua hết những ngày tất tả ngược xuôi lo chạy gạo bữa đói bữa no, lăn lóc chợ trời nhục nhã ê chề tấm thân; những ngày dầm mưa dãi nắng lặn lội đi thăm nuôi nhưng những kỷ niệm buồn sâu thẳm vẫn còn đậm nét trong lòng tôi mãi mãi mỗi độ Tháng Tư về.

Sau khi hai đứa con ra đi được hai ngày, tôi được tin chuyến tàu bị bể. Tôi vừa bàng hoàng vừa cầu xin đó không phải là sự thật. Nếu quả đúng như vậy liệu tôi có còn đủ sức chịu đựng hay không vì chồng tôi đang còn ở trong trại cải tạo. Nóng ruột quá, tôi bèn rủ một em học trò cũ lên nhà bà chủ tàu để dò hỏi tin tức. Khi đi thì hăng hái như vậy nhưng gần đến ngõ rẽ đi vào nhà, tôi không còn can đảm tiếp tục bước nữa. Tôi ngồi lại một mình dưới gốc cây vừa niệm Phật vừa cầu xin, mắt không rời theo dõi vào con ngõ sâu hun hút đó.

Càng chờ ruột gan càng nóng như lửa đốt, không chịu nổi nữa, tôi đi liều vào. Vừa đến nơi hai chân tôi đã muốn khuỵu xuống, một bầu không khí im lặng nặng nề, hai người ngồi như hai pho tượng; sau đó em học trò mới xin lỗi là đã để tôi chờ lâu quá vì em không đủ can đảm ra báo hung tin. Chuyến tàu đã bị công an rượt đuổi khi ra đến cửa biển và đã bị bắt! Cổ họng tôi khô đắng, mắt mở trừng trừng. Hai thầy trò thất thểu ra về, không ai nói với ai lấy một lời.

Tôi tưởng mình không còn nước mắt để khóc, vậy mà trên đường về tôi đã khóc như mưa như gió. Cả hai đều khóc vì người cháu của em học trò cũng cùng đi với con tôi trong chuyến này. Đêm hôm đó, ôm chiếc gối vào lòng, tôi ngồi dựa tường suốt đêm, chưa bao giờ tôi cảm thấy bơ vơ đến tận cùng như vậy. Nhà chỉ còn ba mẹ con mà cháu út lại còn quá nhỏ. Qua cơn đau, dần dần tôi lấy lại can đảm cho chính mình phải cắn răng mà chịu để vượt qua mọi khó khăn trước mắt, bây giờ chỉ còn tôi là cột trụ chính của gia đình, tôi mà gục ngã thì ai sẽ dang tay cứu vớt chúng tôi đây?

Thế là 4 giờ sáng hôm sau, tôi cương quyết tìm đường đi thăm con vì hôm ấy là sinh nhật thứ 12 của đứa con gái. Tôi vội vã làm một ít thức ăn để lại nhà cho con. Tội nhất là đứa út mới 4 tuổi, mỗi lần đi thăm nuôi phải gởi nhờ nhà hàng xóm, còn quà của con gái tôi là một giỏ bánh kẹo. Đi suốt một ngày trời không ăn uống, không nghỉ ngơi, đến gần chiều vẫn chưa tìm ra chỗ giam. Dọc đường cứ dò hỏi những người lơ xe đò. Họ chỉ đâu, tôi đi đó. Cuối cùng mới tìm ra được trại giam ở giữa chốn đồng không mông quạnh, bốn bề lồng lộng gió. Nôn nóng đi tìm thăm con cho được nhưng khi đến nơi rồi mới bắt đầu run. Thế nào họ cũng sẽ đặt câu hỏi vì sao tôi biết nơi này mà đến? Sau khi tìm cách đối phó, năn nỉ mãi ông trưởng trại mới chịu cho tôi được gặp con vì chưa đến ngày thăm nuôi.

Tôi hồi hộp chờ đợi, nhìn qua khung cửa sổ sau lưng ông ta, trên con đường đất đằng xa tít dưới nắng chiều thoi thóp, hai anh em lê từng bước một. Trời ơi! Đứa con gái xác xơ hốc hác, hai mắt bị nhậm đỏ; đứa con trai thì tiều tụy thảm thương. Tôi phải cắn chặt răng để nước mắt khỏi trào ra. Tôi chỉ trao vội vàng giỏ bánh kẹo, một ít thuốc men còn tiền thì họ giữ lại. Thất thểu ra về, lòng tôi tan nát, khao khát muốn ôm các con vào lòng dù chỉ trong phút chốc mà đành chịu! Mới mấy hôm mà các con tôi sa sút mau quá. Con đường trước mặt tôi còn lắm chông gai, nặng nề vô kể, liệu đôi chân tôi có đứng vững được hay không?

Sau một tháng bị giam giữ, con gái tôi được thả về trước. Mới một tháng không thấy ánh đèn thị thành vậy mà khi về đến xa cảng thấy cả một thành phố rực sáng, con tôi đã òa ra khóc nức nở! Thôi thì dù sao đi nữa tôi cũng nhẹ bớt gánh nặng đè lên đôi vai. Ngày đi buôn chợ trời, tối về phải kèm cho con học để theo kịp bài vở ở trường.

Một thời gian sau, họ đưa con trai tôi về giam ở gần Sa Đéc. Tôi rất mừng vì đường đi thăm nuôi sẽ đỡ vất vả hơn. Mỗi lần đi thăm quá sức cực khổ, chen chúc giành giựt mà cũng chỉ mua được giá vé chợ đen dù rằng đã đi lúc 3 giờ sáng. Nhiều lúc chỉ bám vào hông xe mà đứng, hai vai mang đầy hai giỏ thức ăn nặng trĩu, sinh mạng rẻ như bèo!

Lần này đi thăm nuôi, cứ yên chí đi và về chỉ trong một ngày nên tôi không dự trữ thức ăn cho các con ở nhà. Không ngờ khi đến nơi, đọc được một tờ thông báo cho biết họ đã đưa tù nhân về một trại giam khác ở vùng Đồng Tháp Mười, sau khi đã kêu án ba năm tù. Tôi dọ hỏi dân chúng ở gần đó, họ cho hay cứ hai người còng chung tay lại và đã đưa đi hồi 2 giờ sáng. Tôi nhất quyết đi tìm vì nếu phải đợi đến nửa tháng sau mới được đi thăm nuôi lại, con tôi sẽ lấy gì mà ăn?

Vậy là tiếp tục cuộc hành trình, lần mò qua đò qua sông, họ chỉ cho tôi hãy tìm cách về đến Cao Lãnh rồi sau đó sẽ có tắc ráng là phương tiện di chuyển duy nhất để vào trong trại giam. Lặn lội ngược xuôi khi đến nơi thì đã hết đò vì mỗi ngày chỉ có một chuyến thôi. Cho đến bây giờ, mỗi lần nghe tiếng lá cây rạt rào trong gió là tôi lại nhớ đến bến đò hiu hắt năm xưa với hình ảnh một ông già mù ngồi kéo cây đàn cò não nuột dưới gốc cây bàng xơ xác lá!

Dân hàng quán ở hai bên cũng xúc động cho hoàn cảnh của tôi nên chỉ dẫn tôi đến trình diện công an phường gần đó rồi nhờ họ giới thiệu phòng trọ cho mà ngủ qua đêm. Gọi là phòng trọ, nhưng trời ơi, khi đến nơi mới thấy khiếp đảm, xây xẩm cả mặt mày! Họ chỉ cho tôi một căn phòng ở tầng trệt nhỏ xíu, dơ dáy không thể tưởng được, mùng màn cũ rích, với một cái giường tre ọp ẹp. Tôi không dám đặt lưng xuống, chỉ lấy cái áo mưa lót mà ngồi; đến khi buông mùng xuống tôi muốn chết khiếp luôn, rệp bu đen cả cái mùng! Thế là tôi đành ngồi bó gối suốt đêm, không dám nhúc nhích vì sợ đụng cái mùng là rệp bu tới. Trong khi đó, dưới chân, chuột chạy rần rần. Chúng cứ muốn chui vào lục lọi các giỏ thức ăn. Thật chưa bao giờ tôi mong cho trời mau sáng từng giây từng phút như cái đêm hãi hùng đó.

Tắc ráng là một chiếc đò rất hẹp, lót ngang bằng những thanh gỗ nhỏ, phải ngồi co chân lại mới đủ chỗ. Đã vậy, khi chạy trong kinh lạch nhỏ, gặp lúc nước rút, càng khổ thân. Hành khách phải tuột xuống lội sình từng bước, còn con đò phải neo lại chờ con nước lên mới tiếp tục chạy được. Đò nhỏ nhưng chở nhiều, có đoạn phải ra sông lớn thật nguy hiểm. Do đó, cứ mỗi chuyến đi, tôi phải dặn dò đủ thứ đứa con trai còn ở lại nhà. Lỡ tôi “đi luôn” không về thì sao?

Ngồi bó gối hơn nửa ngày trời, tứ chi ê ẩm. Con đường vào Đồng Tháp Mười quá gian truân, vậy mà chỉ gặp thăm con được nửa giờ. Thăm xong rồi mới thấy lo, đò đâu nữa mà trở về, đường bộ không có, xin ngủ lại nhà khách vãng lai trong trại họ lại không cho. Con tôi thấy cảnh đó chân đi không đành, mắt nhìn tôi lo lắng xót xa đến não lòng! Tôi lang thang thất tha thất thểu, chưa biết qua đêm ở đâu khi chiều tối xuống dần.

Đến khi đi ngang một chòi tranh rách nát nằm chơ vơ giữa đồng, thấy chỉ có một bà cụ già ngồi trên cái chõng tre không mùng mền gì cả, tôi đánh liều xin vào tá túc. Khi hỏi mua lại một ít gạo để nấu cơm tối, than ôi, tôi nghe bà nói, nhà chỉ có một lu muối hột. Thì ra ngày nào người con gái của bà ra đồng kiếm được cá mới có gạo mà ăn, còn không thì đành nhịn đói. Tôi đi khắp xóm tìm mua một ít gạo hoặc nếp nhưng chỉ có toàn khoai sắn! Dân làng nghèo quá, không sao tả hết được. Họ sống trong những chòi tranh xơ xác nằm hai bên con kinh nước đục ngầu và đó cũng là nguồn nước sinh hoạt của họ…

Những tưởng nhịn đói qua đêm, may sao có một chuyến đò dọc bán hàng rong đi ngang, tôi mua được hai lít nếp và đậu, rồi nấu một nồi xôi thật lớn cốt để dành lại cho bà cụ no được vài ngày. Trời càng về chiều, quang cảnh càng thê lương ảm đạm. Tiếng ếch nhái như than van nghe càng não nuột tâm can, lại thêm mỗi nhà chỉ thắp một ngọn đèn dầu leo lét trông như ánh ma trơi giữa đồng không mông quạnh. Chao ôi, đến thế kỷ 20 rồi mà ánh sáng văn minh chưa hề len lỏi về đây. Cuộc sống của người dân quá tăm tối lầm than. Thân phận họ rách bươm như tàu lá chuối tả tơi trong gió!

Đêm đến đập muỗi liên hồi, không ngủ được, tôi ra sau chòi tranh ngó vào trại giam. Chỉ cách nhau một hàng rào kẽm gai mà mẹ con tôi phải xa nhau vạn dặm như thế này? Tôi đứng nhìn mà lòng nát tan từng mảnh. Con tôi trong đó phải chịu đựng bao cực hình… Giã từ bà cụ ra về, tôi nhét vào tay cụ một ít tiền còn lại mà nước mắt tôi cứ muốn ứa ra. Tôi xót xa cho hoàn cảnh nghiệt ngã của bà cụ và nghĩ không biết đến bao giờ tôi mới trở lại nơi đây để nói thêm một lời cám ơn cụ…

Dù thế nào, “những ngày lang thang” vẫn là hành trang quý giá của cuộc sống. Có khổ đau mới nhận thức được chân giá trị cuộc đời. Tôi nghĩ chỉ những người ra đi sau năm 1975 mới thấu hiểu ý nghĩa của hai chữ Tự Do hơn là những người đi trước. Dù sao cũng xin cám ơn đời đã cho tôi những ngày vui lẫn ngày buồn. Đó là lý do tôi luôn luôn trân quý nụ cười cũng như những giọt nước mắt khổ đau tận cùng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: