Những ngày tháng khó quên

Miền Nam đã mất rồi… (ảnh: Francoise De Mulder/Roger Viollet via Getty Images)

Mới tờ mờ sáng 30 Tháng Tư 1975, tôi đã uể oải thức dậy, sau một đêm dài trằn trọc suy nghĩ. Tôi băn khoăn ngó xung quanh phòng ngủ sĩ quan. Họ vẫn còn đầy đủ. Họ vẫn quyết tâm án ngữ chiến hạm ở Tân Châu, ngoài khơi sông Mékong, để chờ vị hạm trưởng từ Sài Gòn trở về, quyết định số phận chiến hạm.

Phải chăng chỉ có tôi là tuyệt vọng? Vì quân thù đã tràn ngập trên các nẻo đường. Tân Sơn Nhất bị pháo kích. Quốc lộ, tiểu lộ rầm rập xe tăng địch. Các trận đánh diễn ra ngay trên xa lộ, ngay trên những xác người chẳng được toàn vẹn thân thể. Trong giờ phút tuyệt vọng, hình như tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất, trong trái tim tôi. Tôi nghĩ đến Má tôi, mấy tháng nay má đang tá túc ở trại gia binh cùng với gia đình người anh thứ năm Biệt Động Quân nơi Biên Hòa.

Nghĩ đến anh chị Hai đang chạy khỏi Nha Trang, theo dòng người tản cư di chuyển về Sài Gòn. Nghĩ đến người anh thứ Tư trong sư đoàn II đang mất tích khi rút lui trên đại lộ kinh hoàng. Nghĩ đến thằng em thứ Bảy vừa mới “nhảy” vào Ban Mê Thuột để giải nguy thành phố. Nghĩ đến vợ tôi và đứa con vừa lọt lòng trong bối cảnh tang thương của quê hương. Nhất là Má tôi, Ba tôi… giờ này đang ở đâu? Sống chết ra sao? Đói no thế nào? Và thế là tôi quyết định quay về nhà, sau khi cởi quân phục, xếp gọn gàng đặt lên chiếc giường con mà tôi thường nằm ngủ, sau những phiên hải hành.

Bồng bế nhau chạy loạn; ngày 1 Tháng Tư 1975 (ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

Tôi quyết định giả dạng thường dân, mướn một Honda ôm, đâm thẳng qua bắc Nang Gù. Khói sương quyện khói súng mù mịt chân trời. Dân tản cư xuôi ngược hai phía: Phía về Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn… Phía chạy qua Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Chiến trận diễn ra ngay trên đường đi. Đạn réo trên đầu. Đạn cày dưới chân. Đạn bay ngang tai nghe véo véo. Mặc kệ. Tôi và một số người lăn xuống đám ruộng, vừa núp vừa âm thầm bò lên từ từ, miễn làm thế nào thoát ra khỏi trận chiến.

Tôi về đến Mỹ Tho lúc chạng vạng tối, giữa tiếng inh ỏi reo vang của bên thắng cuộc. Giờ này, thành phố đang phất phới cờ “giải phóng”. Những chiếc Jeep của Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay các thanh niên mang băng đỏ trên vai. Họ chạy loạn xà ngầu, mở nhạc “giải phóng” vang rân trên khắp nẻo đường.

Bước vào nhà, tôi chỉ kịp nhìn mặt đứa con trai giây lát, rồi nhanh chóng hôn vợ, xong vội vã chạy ra bến xe, đón chuyến tốc hành chạy thẳng lên Sài Gòn. Tôi xuống bến xe An Đông, đeo xe qua Sài Gòn và đu xe lam về Tân Định. Cái tên Hòn Ngọc Viễn Đông đang mờ nhạt từ lúc này. Từ lúc hàng hàng lớp lớp xe tăng T54 của Bắc Việt cày bầm dập các đường phố, bọn thắng cuộc đang ngạo nghễ trong các dinh thự, đang ngạo mạn phá toang những cánh cửa quyền lực của một thời Sài Gòn tráng lệ.

Tôi gặp Ba và anh Năm tôi trong một căn nhà nhỏ nơi hẻm Xóm Chùa. Ba tôi đang treo bảng bán chiếc Mobylette để lấy tiền mua gạo phòng thân. Chiếc xe tuy cũ kỹ nhưng đã hơn hai mươi năm gắn liền với cuộc đời ba tôi. Nhờ nó, ba đi làm mỗi ngày. Cuối tháng, mang lương về nuôi mấy đứa em tôi ăn học. Tôi ứa nước mắt ngó ba tôi. Hình như dân Sài Gòn đều như thế. Họ bắt đầu mang của cải ra chợ trời rao bán để đổi gạo phòng thân. Vì họ biết chắc, trước sau gì cũng sẽ mất tất cả…

Chạy giặc trên Quốc lộ 1 những ngày Tháng Tư 1975 (ảnh: Nik Wheeler/Corbis via Getty Images)

Anh Năm tôi lạc mất má tôi, khi tiếng súng địch quân bắt đầu rót vào thành phố Biên Hòa. Anh tôi cố thủ cùng với đại đội Biệt Động Quân, trong khi má tôi rời trại gia binh, hòa vào dòng người tản cư, chạy về Sài Gòn. Và mãi cho tới bây giờ, má tôi vẫn mất biệt. Trong lúc hai anh em tôi ngồi bó gối lo lắng cho má, thì thằng em thứ Bảy lù lù hiện ra. Ba tôi chạy lại ôm chầm nó, rồi bật khóc.

– Trời cao quả thật có mắt! Con tôi đã trở về!

Anh Năm tôi thắc mắc:

– Chú “nhảy” vào Ban Mê Thuột. Đánh đấm thế nào mà về được đây?

Thằng Bảy chỉ vào thân thể xơ xác của nó:

– Còn gì nữa mà đánh đấm. Tụi nó đã chiếm trọn Ban Mê Thuột trước khi tiểu đoàn em “nhảy” vào. Thế là cả bọn bị bắt gọn làm tù binh. Bây giờ tụi nó tha về, chờ ngày trình diện đi “cải tạo”.

Tôi nóng nảy:

– Bây giờ chúng ta cùng chia nhau đi kiếm má. Chắc chắn má đang ở một nơi nào đó tại Sài Gòn. Anh chị Hai cũng đã từ Nha Trang về nhà hôm qua rồi. Chỉ còn anh Tư? Sống chết ra sao, chưa biết?

Sau một ngày vất vả kiếm má khắp nơi, buổi chiều chúng tôi tình cờ gặp Má trên một dinh thự đường Công Lý. Dinh thự to lớn bị bỏ hoang, vì chủ nhân của nó đã tháo chạy khỏi Sài Gòn trước 30 Tháng Tư. Nay, nó là nơi chứa hàng ngàn người tản cư không nơi trú ngụ. Họ trải những tấm bạt, những manh chiếu co ro, rồi nằm ngồi lung tung chờ “ơn giải phóng” của những kẻ thắng cuộc. Họ “giải phóng” từ người có nhà thành kẻ không nhà, từ người có quê hương thành tên tha phương cầu thực, từ cảnh ấm no trở nên đói khát.

Má tôi ngồi trên tấm nylon, gầy yếu như một chiếc lá úa vàng. Chợt thấy chúng tôi, má vội kêu lên, rồi ôm chầm chúng tôi khóc bù lu bù loa. Chờ cho má vơi đi nỗi đau, tôi mới bàn với anh Năm và thằng Bảy nên đưa má về Chương Thiện tá túc, vì ở đó còn người chị thứ Ba của chúng tôi. Phần tôi sẽ tạm thời về quê vợ, sau đó thì tùy cơ ứng biến.

Tháng Năm nhanh chóng tới như một lưỡi dao bén ngót, đâm thấu vào cuộc đời của mỗi người dân miền Nam. Tuy nhiên, vẫn có một số người miền Nam phản bội mang băng đỏ mà ngày xưa họ đã từng sống bình an, no ấm dưới chế độ tự do. Như chị Sáu bán bánh mì trước hẻm nhà vợ tôi, nửa đêm mang băng đỏ gõ cửa bắt tôi ngày mai phải ra phường trình diện để đi “học tập”.

Trước khi vô tù, tôi lên Sài Gòn thăm ba tôi một lần. Hôm nay, trông ba hốc hác nhiều. Những mầm bệnh đang bắt đầu mọc lên từ tuổi già đau khổ. Nhìn thau gạo đầy bông cỏ mà ba ngồi nhặt cả tiếng đồng hồ, mới nấu được bữa cơm chiều, sao tôi thấy xót xa trong dạ quá! Bên kia Phú Nhuận, các cháu tôi – con anh Tư – cũng đang xúm nhau lặt hột từ những trái bắp vụn để thay cơm lót lòng. Miền Nam có đồng bằng sông Cửu Long là vựa thóc lớn nhất, ngày xưa từng nuôi cả nước và có dư một phần gạo không nhỏ xuất cảng sang nước ngoài. Sao bây giờ người dân miền Nam phải ăn độn sống qua ngày?

Câu hỏi đó cứ bám theo tôi vào chốn lao tù. Và mãi mãi trăn trở tôi cho đến khi ra tù, theo những tháng ngày ngăn sông, cấm chợ…

30 Tháng Tư 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: