Sau một đêm trằn trọc không ngủ, tôi uể oải nằm lười lĩnh trên giường, rã rời lo lắng về tình thế ngặt nghèo bất định, và cố gắng gạt bỏ ý nghĩ mỗi giờ khắc của ngày thứ Hai đầu tuần này có thể là một bước xích tới gần cái chế độ hà khắc trong đó tự do và hạnh phúc cá nhân không hiện hữu. Quỳnh Châu bước vào phòng, ngồi ở cạnh giường, đưa tay sờ trán tôi, và cười cười,
-“Dậy mau chồng ơi, đừng nằm nướng nữa. Anh không nhớ câu tục ngữ Pháp L’appétit vient en mangeant (Cứ ăn rồi sẽ thấy ngon) hay sao? Cứ sống rồi sẽ thấy yêu đời. Phương chi, có ông bạn nào đó của anh đang đợi dưới nhà.”
-“Sao em không nói ngay mà cà kê dê ngỗng để người ta chờ? Cô vợ anh thiệt là…” tôi nhổm dậy thay quần áo.
-“Thiệt là làm sao, anh nói em nghe coi?” nàng làm bộ cong môi hỏi vặn.
-“Thiệt là dễ thương. Biết rồi mà còn hỏi hoài!”
Tôi nhìn đồng hồ, mới bảy giờ sáng. Hôm nay là ngày 28 Tháng Tư. Đúng như tôi nghĩ, người đàn ông trạc trung tuần mặc thường phục khá chỉnh tề là do Bác sĩ Trang bạn tôi phái đến. Ông ta kiên nhẫn đứng chờ, lễ phép bắt tay tôi, tự giới thiệu bằng cách đọc mật khẩu thằng Trang đã dặn tôi, và nói bằng một giọng đều đều,
-“Vào giờ phút này địch quân đã đến gần Thủ Đức. Bác sĩ khuyên giáo sư cần thi hành kế hoạch hát cu (HQ) càng sớm càng tốt. Đừng đợi qua sáng mai vì lúc đó sẽ quá trễ.”
Tim tôi chợt đập mạnh, đầu óc rối bời, và định thần một hồi tôi nhớ ra em Bình đi học từ sáng sớm. Em là giáo sinh ban Anh văn trường Đại học Giáo dục (thuộc viện Đại học Bách khoa Thủ Đức) ở Thủ Đức. Hàng ngày Trọng (em út, mười lăm tuổi) dậy sớm lấy xe Honda PC đưa Bình ra trước rạp hát Long Vân gần bùng binh Ngã Bảy Sài gòn đón xe lô đến trường, sau đó chú bé toàn quyền sử dụng chiếc xe gắn máy đến chiều. Xe lô chạy dọc theo đường Phan Thanh Giản, ra xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa, chạy thêm khoảng mười cây số tới Thủ Đức, và ngừng trước cổng trường. Bình xuống xe đi băng qua sân là tới lớp học.
Bị đánh thức dậy, thằng Sang còn ngái ngủ vì hôm qua đi chơi về khuya. Tôi vạch đường đi và dặn nó,
-“Hai anh em mình mỗi thằng một chiếc xe gắn máy đi theo đường trong lên Thủ Đức đón con Bình về.”
-“Tại sao không chạy xa lộ cho mau và êm đít hơn?” nó càu nhàu.
-“Nếu Việt Cộng đánh tới Thủ Đức, xa lộ là trục giao thông chính nên có nguy cơ thành nơi giao tranh. Anh chạy trước chừng ba bốn chục thước, nếu bị bắn ngã thì mày mặc kệ anh, đừng nhào vô chết chùm.”
-“Nếu vậy, anh phải để tui là dân nhà binh dẫn đầu. Nếu có phục kích tui ra hiệu cho anh rút lui; nhà mình cần anh sống sót hơn tui,” em tôi bây giờ mới tỉnh ngủ hẳn.
“Ừ, thì mày chạy trước, anh theo sau. Ông nhà binh thay áo quần lẹ lên giùm,” tôi đồng ý vì không phải lúc để tranh luận.
-“Mi giao con Bình cho thằng Sang chở về rồi mời o dượng Hoàng về đây cho mẹ. Lỡ có chuyện chi bà con nương tựa nhau vẫn hơn,” mẹ nắm tay tôi dặn dò.
Nhà o dượng Hoàng nằm cạnh trường Bình học, Hoàng là tên của dượng, và o là em chú bác và là họ hàng gần nhất của cha. O dượng có hai ngươi con đã trưởng thành: Huệ lớn hơn anh Quang hai tuổi, làm sở Mỹ, kết hôn với một quân nhân Mỹ, và đã theo chồng về nước; và Hiến lớn hơn tôi một tuổi, đã có gia đình, phục vụ trong quân đội, và kẹt lại ngoài Đà Nẵng. O dễ tính, xuề xoà, nói nhiều nhưng ít khi làm mất lòng ai, và nuông chiều cháu không ai bằng.
Trong sân trường đại học lèo tèo vài nhóm nhỏ đứng chụm đầu nói chuyện. Tôi vào văn phòng hỏi thăm thì gặp anh Sĩ Trưởng phòng Giáo vụ, chức vụ tương đương với tôi ở Ngành Điện của Đại học Kỹ thuật. Tôi quen anh đầu năm ngoái, khi anh lặn lội xuống Phú Thọ mời tôi dạy cua Giải tích Mạch Điện cho ban Điện tử của Đại học Giáo dục cho bằng được. Anh tưởng hôm nay tôi có giờ dạy,
-“Cám ơn toa cất công lên đây, nhưng hôm nay trường bắt đầu đóng cửa.”
-“Sao anh còn ở đây? Và còn sinh viên đứng bên ngoài?”
-“Đó là bọn sinh viên năm cuối sắp ra trường. Tụi nó khẩn khoản yêu cầu moa tìm cách cấp bằng tốt nghiệp để bốn năm đèn sách không bị dở dang và nếu ra nước ngoài có tấm bằng lận lưng chứng minh mình không dở ông dở thằng. Nhưng moa một thân một mình chẳng làm gì được, thật tội nghiệp!”
Sau khi chắc chắn Bình không còn ở trường, tôi và thằng Sang qua nhà o dượng Hoàng. Thấy chúng tôi bước vào, o vội vàng mở tủ lạnh lấy bia ra mời và nướng mực khô làm đồ nhắm. Tôi chuyển lời mẹ dặn, o đồng ý ngay,
-“Mẹ mi khi mô cũng đúng. Đợi dượng đi làm về; chắc cũng gần rồi. Hai đứa bây ngồi chơi uống bia trong khi o thu dọn ít áo quần đem theo.”
-“Dạ con phải về liền. Sang mày ở lại chờ, dượng về tới là lập tức dzọt về. Nhớ nghen,” tôi nói với o và thằng Sang.
Tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết Bình có mặt ở nhà, vội vã ăn cơm trưa, và hối hả vào trường Phú Thọ. Nhờ anh Sĩ, tôi nhận ra mình còn nhiệm vụ phải hoàn tất trước khi lo toan việc riêng cho bản thân.
Rảo bước qua các văn phòng và phòng thí nghiệm, tôi không thấy bóng dáng nhân viên giảng huấn cấp giảng viên nào ngoài nhóm bạn gồm năm anh em giảng nghiệm viên tuổi xuýt xoát dưới ba mươi như tôi đang ngồi tán dóc sau khi đi ăn nhậu bữa tiệc… tan hàng. Ba chàng trong bọn là bạn đồng khóa kỹ sư với tôi: Đăng, Kim, và Thành. Thằng Thành mặt đỏ gay, nói cười ngả ngớn, và than buồn ngủ; chắc hẳn nó đã uống hết cả chai bia “33.”
Tôi gọi các bạn tập hợp ở phòng Giáo sư. Với tư cách Trưởng phòng Giáo sư vụ hiện tại có thẩm quyền cao nhất trường, tôi triệu tập và chủ tọa phiên họp bất thường của hội đồng giáo sư Ngành Điện và chỉ định Minh, Trưởng phòng Học vụ làm thư ký buổi họp; Minh là kỹ sư tốt nghiệp bên Pháp về.
Cả ba khoa kỹ thuật của trường đều hiện diện: ban Điện có tôi và thằng Kim; ban Điện tử có Hồng kỹ sư tốt nghiệp ở Mỹ về; và ban Viễn thông có thằng Thành. Đại diện giáo sư thỉnh giảng là thằng Đăng; nó dạy cua Giải tích Hệ thống Điện cho lớp đệ tứ niên ban Điện nhưng lại là nhân viên cơ hữu của Đại học Trung cấp (đào tạo cấp cán sự), trường này tách rời khỏi Đại học Kỹ thuật (đào tạo kỹ sư) từ vài năm nay. Buổi họp có túc số và hợp lệ.
Trong vòng một tiếng đồng hồ, hội đồng chấm đậu và cho lên lớp các lớp từ đệ nhất đến đệ tam niên, và chấm đậu và cấp bằng Kỹ sư cho các lớp đệ tứ niên kỹ sư điện, kỹ sư điện tử, và kỹ sư điện tử quân nhân. Hội đồng biểu quyết cho phép phòng Học vụ nhờ các tân kỹ sư lục học bạ, cộng điểm, và lập phiếu điểm và văn bằng tốt nghiệp cho chính họ. Những người này đứng chờ bên ngoài và sẵn sàng bắt tay vào việc. Trước khi tuyên bố bế mạc, tôi nửa đùa nửa thực yêu cầu Minh ghi trong biên bản,
-“Nhân tiện có đợt cộng điểm này, ông Xxxx Ba Hoa xin được cấp phiếu điểm của chính đương sự để tiện dụng, và hội đồng chấp thuận,” và xếp cặp đứng dậy, “Để cám ơn anh em, tôi làm đầu tàu đãi một chầu cà-phê quán Chị Tám.”
Đó là cái quán giải khát sơ sài nằm cạnh cổng trường do vợ anh Tám cai trường đứng bán. Tôi ghé văn phòng cất giấy tờ, tờ giấy nhắn của thằng Thống trên bàn giấy đập vào mắt tôi,
Lại ngay nhà tao; ngày N đã đến. Th.
Bạn tôi đưa tin thật không thể nào đúng lúc hơn. Không chậm trễ một giây, tôi nhảy lên xe và trên đường ra cổng, ghé qua quán Chị Tám và chỉ thấy một mình thằng Đăng ở đó. Tôi bắt tay bạn, xin lỗi có việc phải đi gấp, và hẹn gặp lại. (Chúng tôi gặp lại nhau ở Texas khi nó sang Hoa Kỳ du lịch và thăm con năm 2013, ba mươi tám năm sau.) Tôi chạy xe như bay đến nhà thằng Thống; nó bồn chồn chờ tôi,
-“Anh Khôi thiếu tá Hải quân bạn anh Nghiêm mới báo Hải quân đã cho phép gia đình lên tàu di tản, tối nay hay trễ lắm là sáng sớm ngày mai. Vợ chồng con cái anh Nghiêm và hai đứa em tao vào nhà anh Khôi tá túc, chờ lúc ra đi. Hồi nãy không gặp mày ở trường, tao để giấy lại rồi chạy tới nhà mày. Gặp ông cụ mày, tao nói rõ mọi chuyện – chuyến đi không có một mảy may nào chắc chắn, mày và ông cụ suy xét và quyết định lấy.”
-“Cho tao địa chỉ nhà anh Khôi,” tôi thầm cám ơn thằng Thống, nhờ nó tôi khỏi trình bày đầu đuôi tự sự với cha.
-“Số YYY trong trại Sĩ quan Hải quân Cửu long bên Thị Nghè. Giờ tao đi đón Diễm Sương rồi gặp mày ở đó trễ nhất là sáu giờ rưỡi.” Diễm Sương là ý trung nhân và bạn đồng sự ở Ngành Hóa học của thằng Thống.
Ước gì tôi không phải đối diện với cha, điều tôi e ngại nhất. Cha gay gắt chất vấn,
-“Mi nói tau nghe, ra đi hay ở lại bên nào an toàn hơn? Thằng Hải quân quen với thằng Thống có đáng tin cậy để tau giao tính mạng hay không? Ra khỏi Sài Gòn bằng tàu Hải quân có an toàn không? Nếu đi được thì đi mô và làm răng sinh sống?”
Thấy tôi cứng họng, cha đắc thắng gằn giọng, “Đài phát thanh và truyền hình suốt ngày cảnh cáo rằng công chức và quân nhân mà đào nhiệm, xuất cảnh bất hợp pháp, hay lạm dụng tài sản quốc gia là những kẻ phạm tội ác nghiêm trọng. Mi làm bậy không chết bỏ xác cũng ở tù rục xương!”
Tôi đứng im nghe cha đay nghiến. Biết là không thể lay chuyển cha, và mẹ không bao giờ rời cha, tôi gọi Bình, Lâm (em áp út, mười bảy tuổi), và Trọng đến trước mặt cha mẹ và hỏi ý kiến từng em – đi hay ở? Cả ba đồng lòng theo vợ chồng tôi và có năm phút để lấy túi xắc mang theo. Chúng tôi khóc sụt sùi quỳ lạy cha mẹ mỗi người bốn lạy để tạ ơn sinh thành và từ biệt. Lòng tôi chết lịm. Tôi dắt em bỏ mẹ ra đi và đòng đưa trên ranh giới của sự sống và cõi chết.
Trong tiếng khóc thất thanh của mẹ, năm đứa rời khỏi nhà dưới bầu trời u ám sấm sét vang rền và ghé qua nhà ba má Quỳnh Châu trên đường Hồng Thập Tự nằm giữa đường tới trại Cửu long. Tôi và nàng vào nhà bằng cửa sau, nàng ráng trấn tỉnh đưa ngón tay che miệng ra hiệu cho chị người làm, “Đừng làm rộn ông bà, tụi tui ghé lại chút xíu rồi dông liền.” Nước mắt ràn rụa, nàng nhờ tôi viết vội bức thư để lại trên bàn phòng khách,
Chúng con viết thư này vào lúc sáu giờ thiếu năm chiều ngày 28 Tháng Tư. Vì quá đau lòng nên chúng con ra đi mà không có can đảm từ biệt ba má. Chúng con hứa sẽ đùm bọc lẫn nhau, sống chết có nhau, dù đến tận chân trời góc biển. Xin ơn trên phò hộ ba má và gia đình mình.
Để xe gắn máy ở nhà ba má Quỳnh Châu, chúng tôi đứng đón taxi khi cơn mưa chiều vừa tạnh. Taxi chỉ nhận chở tối đa ba hành khách, Bình dẫn Lâm và Trọng lên chiếc taxi thứ nhất đi trước. Vài phút sau, tôi vừa đón được chiếc taxi thứ hai, thằng Sang phóng xe Honda vù tới. Nó dựng xe trước hiên nhà và nhào lên taxi, không nói một lời.
Chờ ở Thủ Đức đến chiều mà dượng Hoàng chưa về, thằng Sang nóng ruột chạy về Sài Gòn. Mẹ đứng chờ trước cửa, cầm sẵn chiếc cặp da đựng tiền để nó giao cho tôi, và khóc mếu máo, “Anh chị và các em mi đi rồi. Tội chi lạ, tụi hắn trong lưng có tiền bạc chi mô.” Không biết chúng tôi đi đâu, thằng Sang chạy đến nhà ba má Quỳnh Châu mặc may. Chỉ cần trễ mười giây là hụt mất chúng tôi.
Đối với cha, dấn thân vào con đường phiêu lưu như thế là một hành động điên rồ: ra đi mà hy vọng “đi được” rất mong manh. Nhưng đối với một nhà khoa học như tôi, dù xác suất ấy nhỏ bé cách mấy đi nữa, nó vẫn lớn hơn zero – ở nhà không thể có cơ hội thành công. Tôi đâu có ngu!
CÒN TIẾP
________________