Những tích tắc của số phận (8)

MỆNH NƯỚC NỔI TRÔI

Mười giờ rưỡi sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975.  Trên chiến hạm HQ-xyz ở hải phận quốc tế ngoài khơi Vũng Tàu, tôi và hơn hai ngàn người di tản khác đứng nghiêm hướng về kỳ đài nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ từ từ hạ xuống và hát bài quốc ca mà nước mắt ràn rụa,

Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng

Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống

Tiếng hát vang dội trên biển cả như tiếng hót bi tráng cuối cùng của con thiên nga trước khi chết. Nửa tiếng đồng hồ trước, đài phát thanh Sài Gòn phát đi lời tuyên bố đầu hàng và lệnh buông khí giới của Tổng thống Xxxx Man và nhật lệnh tương tự của vị tướng mới nhậm chức Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng quân đội. Dù lênh đênh trên biển, quân nhân Hải quân HQ-xyz vẫn tuân thượng lệnh và làm lễ hạ kỳ. Tôi quỳ xuống ôm mặt khóc khi bài hát vừa dứt,

Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống

Xứng danh nghìn năm giòng giống Lạc Hồng!

Chúng tôi là kẻ thất trận, là người vô tổ quốc. Từ nay sẽ tản mác khắp thế giới, lưu đày tha phương như người Do Thái khi xưa, hơn hai ngàn năm sau mới trở về cố hương. Quỳnh Châu mắt đỏ hoe ngồi phịch xuống bên tôi, Bình khóc tức tưởi, và ba em trai ủ rũ nhìn mông lung về chân trời xa.

Chiều hôm qua, ngày 29, chúng tôi lên HQ-xyz khi mặt trời vừa khuất sau rặng cây bên kia bờ sông Sài Gòn. Người lên tàu càng lúc càng đông, đến chạng vạng tối thì tàu đầy người.  Tôi và thằng Sang đứng ở đầu cầu thang giúp đồng bào mang hành lý lên và đỡ người lớn tuổi, phụ nữ, và em nhỏ bước qua thành tàu. Tôi chứng kiến các cảnh thân nhân lạc nhau kêu than thảm thiết vì kẻ đến được người không và các cuộc chia ly kẻ ở người đi thật não lòng. Khoảng mười giờ đêm, làn sóng người thưa dần, và một đôi thanh niên nói cười vui vẻ cùng nhau leo lên. Họ là hai anh em, em dáng sinh viên mặc quần dài áo sơ-mi trắng, và anh mặc quân phục màu cơ khí Hải quân. Em tới đầu cầu thang trước, anh đưa chiếc va-li nhỏ cho em và dặn dò,

-“Ra ngoại quốc em rán học thành tài cho rạng danh gia đình.”

-“Dĩ nhiên rồi! Anh ở bên cạnh, anh chỉ dạy việc gì khó khăn cách mấy em cũng rán hết sức,” em cười hãnh diện.

-“Không, em sẽ đi một mình và lo lấy thân mình,” anh nói trong nước mắt.

-“Sao vậy anh? Anh bỏ em một mình sao?” Em thất thanh la lớn.

-“Em đi mạnh giỏi. Anh phải về lo cho má, má già rồi em.”

Người anh bước ngược xuống và quay lưng đi về, em khóc nhìn theo cho đến khi bóng anh khuất trong màn đêm. Tôi xót lòng nghĩ tới mẹ ở nhà và thầm gạt nước mắt, “Mẹ ơi, xin mẹ tha thứ cho đứa con bất hiếu này.”

Chiến hạm HQ-xyz đậu sát bến và bên trong chiếc HQ-rst. Tàu này cột dây bên ngoài nhưng không ra đi nên HQ-xyz phải điều đình và yêu cầu thủy thủ đoàn di chuyển tàu nhường lối ra. Khoảng một giờ rưỡi sáng, HQ-xyz nhổ neo rời bến và ban đầu máy móc bị trục trặc phải nhờ tàu giòng (dùng để kéo xà-lan trong sông) của Ty Quân cảng kéo ra giữa sông. Tàu tắt đèn chạy trong bóng tối, và mọi người trên boong được lệnh nằm rạp xuống sàn, giữ im lặng, và không được hút thuốc.

Ra khỏi sông Sài Gòn tới cửa Nhà Bè, tàu theo sông Xoài Rạp ra biển thay vì sông Lòng Tảo là đường tàu bè thường đi lại. Sông Xoài Rạp tuy nguy hiểm hơn vì dòng sông quanh co và lòng sông hay bị ngư dân đóng đáy (lưới giăng ngang sông, giữa có cái đụt to để bắt cá), nhưng đêm nay có thể tạo yếu tố bất ngờ, đỡ lo bị Việt Cộng phục kích trên bờ bắn xuống.  Gia đình tôi nằm trên boong, sương đêm xuống ướt áo, và tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khi tôi tỉnh dậy, trời rạng sáng và tàu ra đến biển.

Sau lễ hạ kỳ, Quỳnh Châu và Bình tìm được chỗ nằm cạnh gia đình anh Nghiêm và anh Khôi dưới hầm tàu. Anh Khôi Thiếu tá Hải quân là bạn thân của anh Nghiêm anh thằng Thống bạn tôi, và chính anh đã đưa gia đình anh Nghiêm lên tàu. Sau khi an vị, gia đình tôi nghĩ đến chuyện ăn và ngồi quây quần trên chiếu. Thằng Sang trịnh trọng mở bịch ni-lông cơm trắng nó ôm bên mình từ hôm qua, nằm ngủ cũng không rời, bịch cơm do Cường học trò cũ tôi biếu tiễn đưa tại cổng bộ Tư lệnh Hải quân. Em tôi giao hẹn,

-“Mỗi ngày một người chỉ được ăn hai nhúm. Anh Ba Hoa lớn ăn trước.”

Tôi đói lả từ sáng sớm, nhúm cơm thứ nhất đi xuống khá suôn sẻ. Nhúm thứ hai, tôi ngửi thấy mùi thiu xông lên nồng nặc và gắng gượng nuốt làm gương cho các em – phấn đấu để sống còn. Người kế tiếp là Quỳnh Châu, vừa cho tay vào bịch, nàng nhăn nhó kêu lên như khóc, “È… è… è tui không thấy đói.” Bình, Lâm, và Trọng thấy vậy cũng lắc đầu không ăn.

Thằng Sang giận, “Không ăn, đói nhăn răng rán chịu,” và bốc hai nhúm cơm cho vào miệng nhai nhóp nhép, cố gắng không nhăn mặt. Sau đó, tôi không còn thấy bịch cơm và không nghe thằng Sang đá động tới nó. Không có đồ ăn, nhưng chúng tôi không khát nước. Thằng Sang kiếm được cái bình plastic màu trắng và giao nhiệm vụ đi lấy nước do HQ-xyz cung cấp cho hai đứa út, Lâm và Trọng. Nước có mùi dầu nhưng không ai than phiền.

Chiều ngày 30, có hai nhân vật nổi tiếng đến “trú ngụ” cạnh chúng tôi: cha Lương và anh Đào. Cha trạc lục tuần mặc bộ áo dài trắng dân tộc, nét mặt hiền hòa, và ăn nói nhỏ nhẹ. Cha là triết gia dạy triết ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và viết sách xây dựng nền tảng triết lý Việt Nho chủ trương Nho giáo phát nguyên từ Việt tộc.

Anh Đào độ băm lăm, băm sáu tuổi, chăm lo cho cha từng li từng tí, và với giọng nói rổn rảng, anh thao thao thuyết giảng văn chương, triết lý, và phương pháp học chữ Hán (anh gọi là “chữ Nho”) cho tôi nghe. Anh là tác giả bộ sách Chữ Nho Tự Học gồm ba cuốn trình bày cách học chữ Hán mới bằng cách chiết tự, phân tích tượng hình, và hòa hợp với văn chương, và nhờ đó người học dễ nhớ và không quên. Thí dụ, anh dạy tôi cách nhớ chữ Xuân,

Xuân (mùa xuân) gồm ba chữ: Tam 三, Nhân 人, Nhật 日.

Tam:  ba (nét trên chỉ Trời, nét giữa chỉ Người, nét dưới chỉ Đất; vậy Trời Đất và Người cộng lại là ba.)

Nhân:  người (vẽ hình người đi).

Nhật:  ngày hay mặt trời (vẽ hình mặt trời tròn).

Trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, chữ Nhật này là ngày Xuân, còn Tam Nhân là ba chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, và Vương Quan đi dự hội đạp thanh.

Nhờ anh Khôi, tôi biết các chiến hạm di tản sẽ tập trung tại Côn Sơn, và với sự trợ giúp của Đệ thất Hạm đội Hoa kỳ tại Thái Bình Dương, hạm đội sẽ lên đường tới căn cứ Hải quân Hoa kỳ trong vịnh Subic ở Phi Luật Tân. Dù biết rằng cuối cùng mình sẽ đến nơi chốn an toàn, nhưng trong suốt cuộc hành trình, chúng tôi không khỏi thấp thỏm lo âu. Từ bến cảng Sài Gòn ra biển, HQ-xyz cán đáy ở sông Xoài Rạp và bị thiệt hại khiến tàu chạy chậm lại, đi lẹt đẹt sau rốt, và cuối cùng bị hỏng máy phải nhờ một chiến hạm khác kéo đi.

Qua ngày thứ ba trên tàu, tôi bị cơn đói hành hạ mò lên boong một mình và mong gặp một người quen nào đó. Quả nhiên, tôi tìm thấy Ninh, sinh viên đệ nhị niên ban Điện (đã lên đệ tam niên năm hôm trước, nhưng em không hay) học với tôi ở Phú Thọ. Ninh và gia đình lên tàu nằm chờ từ đêm 28. Tôi cởi chiếc đồng hồ Seiko lên dây tự động có hai ô nhỏ chỉ ngày trong tuần và ngày trong tháng mang trên cổ tay suốt ngày đêm đưa cho Ninh,

-“Gia đình tôi không có gì ăn ba hôm nay. Có cái đồng hồ này, nếu có thể tôi đổi lấy một chút thức ăn.”

-“Dạ thầy cất đi và để em cố gắng xem sao.”

Ninh chạy về chỗ gia đình em trong khu vực bộ chỉ huy và trở lại với một gói mì Đại Hàn giấu trong áo sơ-mi bỏ ngoài quần, có lẽ lấy trộm từ đồ tích trữ của gia đình. Tôi nhét chiếc Seiko vào tay Ninh, nhưng em cương quyết không nhận rồi chạy mất. Gói mì khô bẻ ra làm sáu phần, chúng tôi mỗi đứa một phần cầm cự cho đến khi rời HQ-xyz.

Ngày thứ tư, tôi theo anh Khôi lên boong xem tàu Mỹ chạy cặp vào tiếp tế nước uống và nhiên liệu. Trong khi anh giảng giải về trang bị tối tân và khả năng tàn phá của chiếc tàu Mỹ, tôi thèm thuồng nhìn một thủy thủ trẻ tóc vàng hoe đứng giữa mấy cậu bạn và hút thuốc lá phì phà; họ cách xa không đầy năm thước và ngơ ngáo nhìn sang HQ-xyz. Tôi nghiện thuốc lá, thường mỗi ngày đốt ít nhất là hai gói, và nhịn thèm mấy hôm nay. Tôi lấy cây bút Parker giắt trên túi áo, xé tờ giấy trong cuốn sổ tay, và viết vội dòng chữ,

-Đây là cây viết quý.  Tôi xin đổi với một gói thuốc lá, và các anh có thể giữ nó làm kỷ niệm.  Cám ơn.

Tôi cài tờ giấy vào cái ghim trên cán bút và liệng bút sang tàu bên kia. Đám thủy thủ trẻ lượm tờ giấy đọc và bàn luận với nhau, và anh chàng hút thuốc lá chạy vào trong mang ra một gói thuốc mới và liệng sang cho tôi. Chưa hút hết điếu thuốc đầu tiên, tôi chạnh lòng nghĩ tới hai em Nhật Lệ và Định đang kẹt lại ở miền Trung và cảm thấy vô cùng ân hận về việc vừa làm. Cây bút đó, thuở em Định lạc loài đầu đường xó chợ, em đã hy sinh hai tuần lễ hoa nhài bán dạo để đánh đổi với Nhật Lệ và tặng “sư phụ đại ca” là tôi lúc ấy bỏ nhà đi bụi đời. Vì nhu cầu vật chất tầm thường, tôi đã đánh mất kỷ vật ghi khắc lòng thương yêu vô bờ của em tôi.

Hạm đội đến gần Phi Luật Tân, chính phủ Phi tuyên bố không cho phép tàu VNCH vào Vịnh Subic và không chấp nhận người Việt Nam tỵ nạn đặt chân lên đất Phi. Để giải quyết vấn đề thứ nhất, bộ chỉ huy hạm đội đề nghị trao trả các chiến hạm cho Hải quân Hoa Kỳ và như thế, tàu thuộc quyền sở hữu của Hoa Kỳ và đi vào căn cứ của mình. Hoa Kỳ chấp nhận giải pháp đó với ba điều kiện: phải ném vũ khí cá nhân và đạn dược xuống biển, phải thay cờ VNCH bằng cờ Hoa Kỳ, và phải xóa bỏ danh hiệu và danh số Việt Nam trên các chiến hạm.  Mỗi chiến hạm tiếp nhận một toán sĩ quan liên lạc Hoa Kỳ, và trong lúc tàu chạy, tiểu đỉnh Hoa Kỳ chạy cặp sát sườn và sơn lấp các chi tiết nhận diện.

Đúng 12 giờ trưa ngày 7 Tháng Năm, lễ hạ cờ VNCH và trương cờ Hoa Kỳ cử hành trên tất cả chiến hạm. Trên chiếc tàu vừa bị xóa tên, tôi hát lớn bài quốc ca Việt nam yêu dấu lần cuối cùng thứ hai, quằn quặn niềm đau mất quê hương một lần nữa, và bật khóc lâu hơn lần đầu. Buổi chiều, trước khi tàu vào hải cảng, tôi phụ giúp quân nhân Hải quân vứt bỏ súng đạn xuống biển và cảm thông nỗi đau xót của các anh khi phải giã từ vũ khí và chấm dứt đời binh nghiệp. Hải quân VNCH từ đây chỉ hiện hữu trong ký ức.

Tàu bỏ neo, quân nhân Hoa kỳ đứng ra điều động và hướng dẫn người tỵ nạn lên bờ, di chuyển chừng ba chục thước theo một lối đi hẹp dọc theo mé nước có chăng dây ngăn không cho bước lấn vào trong, và lên ngay một thương thuyền lớn tên là Green Wave (Sóng Xanh) để đi đảo Guam. Làm như thế để chúng tôi, những kẻ vừa mất nước, không vi phạm lệnh cấm lên bờ của chính phủ Phi. Tôi hiểu ra và không kềm được cơn giận dữ,

-“Tổ cha bọn Phi hèn nhát sợ thằng Việt Cộng són đái và chèn ép người ngã ngựa.”

-“Chồng ăn nói hay hí. Không sợ người ta cười chê là ông thầy ‘mất dạy’ rồi phát ngôn bừa bãi hay sao?”

Quỳnh Châu cười khúc khích gí nhẹ ngón tay vào vai tôi như để nhắc nhở rằng tôi chĩa mũi dùi vào sai chỗ. Làm sao có thể trách cứ Phi Luật Tân khi quân đội thiện chiến hàng thứ tư trên thế giới của mình chạy có cờ, hạm đội hùng hậu nhất Đông Nam Á này rút lui thành một đoàn tàu không tên, và tôi là kẻ hèn nhát bỏ nước ra đi? Tôi làm tôi mất nước, đổ thừa cho ai?

CÒN TIẾP

________________

Những tích tắc của số phận

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: