Sáng 30/4/1975 là ngày thường nhưng xóm tôi lao xao khác lạ. Mấy cô chú hàng xóm không đi làm như mọi hôm mà đứng ngồi bàn tán về những tiếng đạn pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất đêm hôm trước. Tôi, trẻ dại ngủ say nào có hay biết gì. Trong nhà, cha tôi trầm ngâm uống trà vừa nghe tin tức của Đài phát thanh Sài Gòn phát ra từ chiếc radio hiệu Philips. Mẹ tôi hôm ấy không đi chợ nhưng bận rộn làm gì đó ở dưới bếp. Mấy anh em tôi đã nghỉ học trước từ tuần trước. Tuần trước khi nghỉ, thầy cô trong trường còn tổ chức mấy buổi dạy sơ cấp cứu cho chúng tôi để phòng khi chiến sự xảy ra trong thành phố, chúng tôi biết cách ứng phó.
Ăn cơm trưa xong, tôi thấy nhiều cô chú, có cả mấy bạn hàng xóm kéo nhau ra phía chợ Đũi gần nhà, ngay ngã tư Lê Văn Duyệt-Trần Quý Cáp (nay là đường CMT8 – Võ Văn Tần). Tôi trốn ngủ trưa, lén đi theo mọi người. Ra đến nơi, đã thấy rất đông người tụ tập. Tôi không chen vào, mà theo đám bạn leo lên cột điện gần đó, nhìn từ xa. Tôi thấy hàng dài người đứng hai bên đường ngơ ngác nhìn mấy chiếc xe tăng cắm cờ xanh-đỏ, sao vàng chạy trên đường Lê Văn Duyệt hướng từ Công trường Dân chủ ra phía Ngã sáu Phù Đổng. Trên xe có rất nhiều người lính đội nón cối đeo súng trường. Đã có người chỉ đoàn xe rẽ trái vào đường Hồng Thập Tự để đến Dinh Độc Lập. Xem được một lúc, chị tôi hốt hoảng ra tìm tôi, gọi về, tôi đành phải về mà trong lòng ấm ức.
Vào nhà, tôi thấy cha ngồi trên ghế salon nghiêm mặt đợi tôi. Tôi hơi lo nhưng cha không trách gì, chỉ bảo tôi theo ông lên gác. Lên đến nơi, tôi thấy có mấy chồng giấy tờ cao, cái xô nhôm để sẵn và hai cái ghế đẩu con. Ngồi xuống ghế xong, ông bảo «Cha lựa các giấy tờ này, cái nào để bên phải thì con để yên, cái nào để bên trái thì con đốt đi cho cha». Tôi không hiểu tại sao nhưng nhìn nét nghiêm trang của cha, tôi chỉ: Dạ và không hỏi gì thêm. Cha tôi cầm từng tờ giấy lên trầm ngâm rồi phân loại. Tôi làm theo lời ông, đốt những tờ giấy đánh máy chi chít chữ, những ảnh chụp cha tôi và đồng đội mặc quân phục… Tôi cố lén đọc vài chỗ nhưng chẳng hiểu gì. Những lúc đó, cha tôi lại nhắc: Đốt đi con. Cứ thế, khoảng hai tiếng sau, tôi mới đốt xong. Ông dặn: Con đem xô xuống nhà, đổ nước vào khuấy cho nát rồi đổ hết đi cho cha. Tôi cứ thế làm theo đúng lời ông.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cha tôi chọn tôi phụ ông đốt giấy tờ. Tôi đành tự lý giải, chắc lúc đó mấy anh tôi sang nhà bạn chơi không có nhà. Mấy chục năm sau, xem phim ARGO, cuộc giải cứu các nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ đang bị kẹt ở Teheran, Iran, năm 1979, tôi thấy cảnh các nhân viên hối hả thu dọn tài liệu, người thì gỡ ổ cứng máy tính ra đập, người đem hồ sơ ra máy cắt hủy, người ném hẳn chồng giấy vào lò đốt. Tôi cười thầm nhớ đến chuyện của cha tôi ngày xưa. Cha tôi giải ngũ hồi đầu năm 1974, đeo hàm cấp tá sau 20 năm phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông về nhà nghỉ ngơi nhưng lòng thầm nghĩ tìm cái gì đó làm để có thêm chút tiền nuôi mấy con nhỏ đang đi học. Nhưng rồi thế sự thay đổi, mọi dự tính đều đảo lộn.
Tôi rửa tay xong lên nhà thì cha tôi bảo tôi ngồi ghế, hỏi chuyện. Ông hỏi: Lúc nãy con ra đường thấy những gì? Tôi thuật lại sự việc cho ông nghe, tôi còn nói thêm: Con thấy ông Tư hớt tóc ở cuối xóm, tay đeo băng đỏ, nói chuyện mấy người lạ, chỉ chỏ lung tung. Cha tôi cười nhẹ, ôn tồn dặn tôi: «Sau này con thấy chỗ đông người như vậy thì nhớ phải tránh xa. Có thể có người bên này, bên kia rút chốt quả lựu đạn thì nguy hiểm lắm». Tôi cụt hứng, gật đầu: Dạ.
Là đứa trẻ chứng kiến thời khắc lịch sử, tôi không biết được rằng, chính từ thời khắc đó đã làm thay đổi số phận hàng chục triệu người, trong đó có gia đình tôi.
***
Sau biến cố hôm ấy, tôi thấy cha tôi trầm lặng hơn. Một thời gian sau, mấy chú, mấy cậu, anh lớn, anh rể khăn gói đi tập trung theo lệnh triệu tập. Rồi không lâu sau, đến lượt cha tôi, giải ngũ rồi vẫn phải đi tập trung. Trước khi đi, ông gọi riêng tôi dặn: «Cha phải đi, con ở nhà cố gắng học, đừng nghe lời ai tham gia vào bất cứ tổ chức nào. Con phải nhớ kỹ điều này». May mắn, tôi còn bé nên chẳng ai kêu gọi tôi tham gia vào đâu cả. Vào trường cũng chẳng thấy ai rủ tôi đi sinh hoạt Đội, Đoàn. Tôi và mấy bạn đồng cảnh ngộ tạo nhóm chơi với nhau, đọc sách chung, trao đổi bài học.
Gần ba năm sau, một buổi chiều mưa lất phất, cha tôi trở về, có một người nữa đi cùng, chắc cũng khoảng tuổi cha tôi. Cha tôi gầy hẳn đi, mắt thụt sâu, da vàng ủng, dáng đi rất mỏi mệt. Bữa cơm chiều nghe kể chuyện, tôi mới mới biết, cha tôi và chú ấy cùng được thả. Chú ấy thấy cha tôi yếu quá nên đi cùng đưa về tận nhà. Chú ngủ lại một đêm, sáng hôm sau đi sớm. Chú đón xe về Bình Phước, tìm gia đình chú đang sống trong khu kinh tế mới. Sau lần đó, gia đình tôi không còn biết tin gì về chú ấy.
Mấy hôm sau, mẹ và anh tôi dìu cha vào bệnh viện Bình Dân gần nhà khám bệnh. Bác sĩ khám xong nói: «Bệnh gan này rất khó chữa, bệnh viện không có thuốc, mua ngoài rất tốn kém mà không chắc sẽ khỏi bệnh». Ông khuyên gia đình nên đưa cha tôi đi chữa theo phương pháp đông y. Về nhà, có người mách, trên Gò vấp có ông thầy thuốc Nam rất hay. Nhà tôi đưa cha đi khám thử. May mắn thế nào, đi khám ông thầy mấy lần, được ông bốc cho mấy chục thang thuốc uống, bệnh của cha tôi dần thuyên giảm, đi đứng dễ dàng hơn. Quả thật, bệnh có giảm nhưng không hết, cha tôi phải uống thuốc cho đến cuối đời. Ông sống thêm gần chín năm, kịp thấy đứa trẻ lớn khôn.
Hồi tôi đăng ký thi Đại học, cha tôi có hỏi: Con chọn trường nào? Tôi nói: Con thi Bách Khoa. Biết tôi giỏi Toán, Lý tuy không cản nhưng ông nói: Con chọn sư phạm chắc hợp hơn. Tôi thấy chung quanh nhiều thầy cô rất vất vả, có ý định bỏ nghề nên giữ nguyên quyết định. Ngày có kết quả, tôi buồn bã nói với cha: Con rớt rồi. Ông thoáng buồn nhưng có vẻ không mấy ngạc nhiên. Tôi quá ảo mộng, không hề biết có huấn thị: «Không tuyển con em gia đình ngụy quân ngụy quyền vào đại học».
Tôi cũng kịp sửa sai, thi ngay vào trường trung cấp kỹ thuật. Sau ba năm học, tôi bước vào đời lấm lem, lương còi cọc không đủ sống nhưng vẫn cố bám víu, hy vọng có ngày thay đổi. Sang đầu thập niên 1990, thời cuộc có những biến chuyển lớn. Nhà nước xã hội hóa giáo dục, cho phép cá nhân, tổ chức mở trường, lớp với nhiều hình thức khác nhau. Nhiều trường ở Sài Gòn có nhu cầu tuyển dụng giáo viên dạy các bộ môn thực hành, ngoại khóa. Nhờ vậy, tôi có cơ duyên vào dạy ở trường trung học cơ sở, dạy học sinh lớp 6, 7, 8, 9. Chuẩn bị cho buổi dạy đầu tiên, mặc áo sơ mi trắng dài tay đứng trước gương soi, tôi đã bật thốt lên: Cha ơi! Tôi nhớ đến cha, khi tôi làm được theo tâm ý của ông, ông đã mất.
Đi dạy thì có thêm nhu cầu nâng cao kiến thức. Tôi nộp đơn vào trường đại học bán công, mô hình quản trị công-tư, nhà nước quản lý, phê duyệt chương trình, tư nhân quản lý tài chính. Bước vào giảng đường khi tuổi đã hơn ba mươi, tôi khát khao kiến thức nhưng thực tế không như mong đợi. Những bài dạy tại giảng đường quá mơ hồ, huyễn hoặc, tôi phải đi tìm những sách của các giáo sư Sài Gòn còn xót lại sau kỳ thu gom “văn hóa đồi trụy” hồi cuối thập niên 1970. Nhờ đọc tài liệu xưa, tôi hấp thu được tinh thần giáo dục khai phóng, những giá trị nhân văn thực sự, thành tựu của hai nền, Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa Việt Nam. Trời cũng không phụ lòng người, sau bốn năm cật lực, vừa đi dạy, vừa đi học, tôi cũng có được mảnh bằng Cử nhân, bảo đảm vị trí công việc, được tồn tại giữa dòng đời. Thời ấy, cuối thập niên 1990, trường tôi chỉ có chín người (khoảng 10%) tốt nghiệp Đại học, còn lại mới xong Cao đẳng, Trung cấp.
Tôi tiếp tục đi dạy như gã du mục. Sáng trường này, chiều trường khác, không phụ thuộc vào đơn vị tổ chức nào. Cộng tác trên sự bình đẳng, hòa hợp thì dạy, khúc mắc thì chào nhau, chia tay, chẳng ai nợ ai. Bạn bè hay đùa bảo: Cậu to cao thì khom người xuống cho mọi người dễ chịu. Bạn không biết, cha luôn nhắc tôi: Con nhà binh thì đi đứng phải thẳng lưng. Thẳng lưng nên thường bị ngáng chân, rồi vấp ngã, rồi tự đứng lên lòng thầm nhủ, lần sau cẩn thận hơn.
Cho đến hôm nay sắp đến tuổi hưu, tôi đã dạy học hơn hai mươi lăm, vẫn ít hơn nhiều so với đồng nghiệp ba mươi lăm năm thâm niên. Nhưng thời gian ấy cũng đủ dài để cho tôi nếm trải hết những ngọt bùi đắng cay trong nghề nghiệp. Dạy học là thiên chức không bị tuổi tác giới hạn, tôi vẫn yên vui làm việc cho đến khi còn có thể.
***
Người ta vẫn nói, thời gian sẽ làm phai nhạt đi tất cả. Nhưng với tôi, ký ức những ngày cuối tháng tư cách đây gần nửa thế kỷ chưa hề phai đi. Ngược lại, mỗi lần trở về, ký ức ấy càng rõ nét hơn, khép hờ mi mắt nhớ lại, tôi đã thấy hình ảnh người đàn ông rắn rỏi, đứa trẻ thơ dại ngồi bên, có ánh lửa lấp loáng.
Ngọn lửa, tâm tư của người lính Cộng Hòa đã truyền lại tinh thần tự do, tư tưởng nhân văn cho thế hệ sau.
Tháng Tư 2022