1
Hằng năm, cứ mỗi lần lật tờ lịch đến Tháng Tư là lòng tôi lại dâng lên nỗi bồi hồi tiếc nhớ. Tuy thời gian trôi qua gần nửa thế kỷ, nhưng những ngày đau thương đen tối ấy vẫn còn hằn trong ký ức tôi vết sẹo đậm sâu. Tôi nhớ rõ ràng các diễn biến như thể mới xảy ra hôm qua hôm kia vậy.
Khi miền Nam bị rơi vào tay cộng sản thì mọi sinh hoạt, nếp sống gia đình tôi bị thay đổi, xáo trộn hoàn toàn. Trường học đóng cửa. Chị ba, tôi và em gái thứ năm đang học ở Saigon thu dọn đồ đạc sách vở về quê, tôi buồn rầu nuối tiếc sự học dở dang, biết là sẽ không bao giờ còn được trở lại giảng đường nữa. Chị hai mất việc thư ký văn thư (Ty Thông tin nơi ba tôi và chị làm việc bị xoá sổ vĩnh viễn). Ba còn được về nhà ngày 01 và 02 Tháng Năm, để má chuẩn bị túi đồ gồm vài bộ quần áo, bàn chải đánh răng, khăn tắm, ít tiền mặt… cho ba mang theo mà theo lời dụ dỗ của Uỷ ban Quân quản cách mạng lâm thời chi đó–tôi chỉ nhớ lờ mờ cái tên, cũng chẳng buồn nhớ chi cho mệt óc– kêu gọi các quân nhân công chức trình diện để “học tập” vài hôm ở tại tỉnh nhà. Cái vài-hôm đó biến thành sáu năm khổ sai nơi vùng U Minh Thượng muỗi bu từng đàn, đỉa vắt nổi lều bều dưới kinh rạch.
Hai chữ “phải như” cứ đeo bám dai dẳng trong tôi nhiều năm sau vẫn chưa nguôi.
Phải như chị em tôi rời Saigon về nhà kịp trước 30 Tháng Tư…
Phải như ông bà ngoại chịu rời quê hương…
Phải như chúng tôi đừng bịn rịn nắm níu tình cảm, chỉ muốn sống cùng sống, chết cùng chết bên nhau…
Phải như tôi có can đảm rời gia đình một mình…
Lúc ấy chiến hạm Mỹ vẫn còn bỏ neo gần các đảo chờ đợi những người chạy nạn xuống đò nhỏ ra khơi, việc ra đi quá dễ dàng kia mà.
Má tôi cất những bộ quần áo bằng tơ lụa đa số màu trắng thanh lịch má mặc hàng ngày vào tủ- trắng tinh, trắng sữa, trắng kem, trắng phơn phớt hồng- thay vào chiếc áo bà ba trắng, cái quần satin đen hiếm hoi cất dưới đáy tủ. Mấy ngày đầu má tôi phải cấp tốc may thêm hai bộ bà ba quần đen để thay đổi, vì xưa nay mỗi khi ra đường má đều mặc áo dài tha thướt trang trọng.
Tương lai vô định. Hằng đêm má tôi cứ trằn trọc. Chỉ một thời gian ngắn nhiều người gặp lại đều thất thần nhận thấy má già cả chục tuổi. Không héo tàn sao được. Chồng tù khổ sai nơi rừng thiêng nước độc không biết ngày nào được thả. Tôi nhớ hoài câu ba má thường khuyên bảo chị em tôi:
—Gia tài ba má để lại cho các con không phải là tiền bạc, mà là cố gắng lo cho các con học hành, để mai sau các con gom góp kiến thức đó mà tự lập nuôi sống bản thân. Ngày nào các con thành đạt nên người, coi như các con đã trả ơn cho ba má vậy.
Thế mà giờ đây cánh cửa học đường đã đóng với chị em tôi. Ngoại trừ cậu em trai 16 tuổi đang học lớp 10, cô em út 9 tuổi còn được tiếp tục đến trường (nhưng em trai tôi chỉ học thêm vài tháng rồi cũng nghỉ vì quá chán ngán với những buổi ngồi nghe giảng chính trị và chửi bới miệt thị gia đình “nguỵ quân, nguỵ quyền” mà ba tôi là một trong các thành phần họ đem ra chửi bới ấy). Hỏi lòng người mẹ nào mà không thương xót đớn đau khi nghĩ về tương lai đen tối của các con gái tuổi mười tám đôi mươi, trái mộng đời vừa ươm chưa kịp lớn đã héo non.
Rồi làm gì để sống đây? Với đàn con sáu đứa, ngoại trừ chị hai có việc làm, còn lại năm chị em tôi đều trong tuổi ăn học chưa bao giờ lao động nhọc nhằn.
Gia đình tôi thuộc gia đình “tam đại đồng đường” mười người gồm ông bà ngoại, ba má, và sáu chị em chung dưới hai mái nhà liền kề thông nhau bằng cánh cửa lớn từ nhà ông bà ngoại qua nhà ba má tôi: Một căn nhà sàn nơi ngoại thờ cúng, ngủ nghỉ, một căn nhà thường cho ba má chị em tôi. Những bữa ăn trưa, chiều quây quần chung một mâm đặt trên chiếc bàn tròn rất hoà thuận gắn bó.
Ba tôi tuy giữ chức vụ trọng yếu trong Ty Thông tin tỉnh nhưng đồng lương công chức khiêm nhường nếu không nhờ có lúa gạo của ngoại làm ruộng nuôi ăn cả nhà, và má giỏi may vá, ngày ngày vẫn lãnh hàng của láng giềng về thì làm sao nuôi ba chị em tôi ăn học ở Saigon cho kham. Chưa kể chị hai học hết đệ nhị nghỉ học làm thư ký cùng Ty với ba. Chị độc thân còn sống chung nên tiền lương lãnh về bao nhiêu đều đưa hết cho má phụ lo cho đàn em. Bây giờ hai đầu lương của ba và chị hai đều bị cắt, láng giềng lo sợ ngày mai bất định nên tạm ngưng may quần áo mới. May là trong nhà chúng tôi vẫn còn gạo dự trữ cho cả năm không hết nên không lo thiếu đói. Rau muống rau ngổ, bông súng mọc tràn lan ngoài kênh rạch, đồng ruộng. Vài loại cá rô, sặt, lóc, trê… cũng thế. Miếng ăn tạm thời còn cầm cự được thời gian nữa.
Cuộc sống gia đình lâm vào cảnh bần hàn, dốt nát. Ba chúng tôi nay là người tù khổ sai không hẹn ngày về. Hai năm trước, tôi đã đọc tác phẩm đoạt giải Nobel: Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovitch của văn sĩ Nga Alexandre Solzhenitsyn, cũng vì quyển sách này mà ông phải sống đời lưu vong hai mươi năm ở châu Âu và Mỹ cho đến 1994 Liên Sô sụp đổ thì ông trở về cố quốc và qua đời tại đó. Tưởng câu chuyện chỉ xảy ra ở một đất nước xa xăm, đâu ngờ hai năm sau nó lập lại chính xác trên quê hương mình, chính ba tôi trở thành một Ivan Denisovitch.
Tôi hoang mang tuyệt vọng đến tiêu cực. Đối với tôi việc học là mục đích tối thượng, nay đành chấm dứt tức tưởi. Thế là tôi nung nấu ý định chờ đúng ngày sinh nhật mình vào giữa Tháng Sáu, sẽ quyên sinh. Thà chết còn hơn sống dưới chế độ CS độc ác.
Gần ba mươi năm trước, ông nội tôi đã bị chúng xử chết treo vì “tội” sở hữu nhiều đất ruộng, đã vậy còn dám lén đem lúa bán ra thành mà không giữ lại theo lệnh chúng.
Ngày qua ngày. Tháng Sáu đến, bản năng sinh tồn trỗi dậy mạnh mẽ, rốt cuộc tôi đã không thực hiện hành động tự huỷ hoại cuộc đời, tiếp tục đồng cam cộng khổ với ông bà ngoại, ba má, chị em cho tới 17 năm sau mới được hít thở không khí thanh bình tự do nơi trời Thuỵ Sĩ.
2
Nỗi đau tiếp nối nỗi đau, chưa chấm dứt. Không lâu sau lại tới phong trào “đốt văn hoá phẩm đồi truỵ phản động”!
Đây mới thực sự là cú giáng chí mạng đối với những người đam mê sách vở văn chương, trong số đó có tôi.
Ngày xưa Tần Thuỷ Hoàng bên Tàu khi lên ngôi, muốn tiêu diệt những trí thức không cùng chính kiến đã ra lệnh đốt hết sách vở và chôn học trò. Bây giờ họ không chôn sống học trò, nhưng có khác gì nhau, bởi họ đã cướp đi bao hoài bão cao đẹp, bóp chết bao ước vọng, tương lai của hàng triệu học sinh trên dãy giang sơn hiền hoà no ấm yêu tự do thanh bình.
Thế là chúng tôi lôi hết những gì được in bằng giấy đầy ắp trong các tủ chất thành từng đống: Từ những quyển tập của chị em tôi từ lớp vỡ lòng vẫn lưu giữ, những quyển truyện có từ thời ba má còn trẻ, truyện chính trị, tôn giáo, lịch sử, văn học cổ điển Tây phương, Đông phương, sách nghiên cứu, khoa học cho đến những tạp chí tuần san, nguyệt san, nhật báo, tiểu thuyết, truyện thiếu nhi Mai Bê Bi, Tuổi Ngọc, những băng dĩa, bản nhạc tình giá trị…
Bình thường chúng tôi nấu ăn bằng réchaud dầu. Giờ không đủ dầu nên chuyển qua nấu bằng mạt cưa, bằng các lá dừa, tàu dừa chặt nhỏ phơi khô xen lẫn với củi tràm. Nay có thêm đống sách báo, tôi dùng ba viên gạch làm bếp dã chiến, nấu cơm cho cả nhà, phải vài tuần mới hết đống giấy.
Vừa liền tay xé mỗi lần vài tờ sách cuộn tròn đút vào bếp vừa nhìn ngọn lửa cháy xém từng trang chữ mà lòng quặn đau, tiếc hận. Kéo vạt áo lên chùi nước mắt hoà cùng khói cay khiến nhạt nhoà mọi vật, thầm nghĩ: Tôi đốt tương lai mình lụi tàn theo đống lửa nầy đây.
Nhưng chúng tôi vẫn tìm cách lưu giữ được vài chục quyển sách quí hiếm bằng cách bọc plastic bên ngoài, rồi cho vào trong hai cái thùng đạn đại liên mà thời quân chủng Bộ binh còn đến làng tôi đóng căn cứ tạm để đi hành quân nơi khác, các chú mang về vài cái đưa ngoại tôi làm vật đựng đồ đạc.
Ông ngoại tôi gốc dân Cao Lãnh, nơi mỗi năm thường bị lụt vài tháng nên mọi nhà đều cất kiểu nhà sàn để tránh nước ngập. Ông cưới bà ngoại, lập nghiệp bên vợ nhưng lúc cất nhà năm 1940 vẫn cất theo kiểu ngoài ấy. Sàn cao cả thước, toàn thể tường sàn nhà đều bằng gỗ quí. Bà ngoại thương đàn cháu thơ ngây nên chịu khó chui xuống gầm nhà, hì hụt cặm cụi đào cái hố nhỏ sâu vừa đủ hai thùng đại liên đựng sách. Xong lấp đất lại cho bằng phẳng nên không ai có thể lần ra dấu vết.
Năm 1977, lấy cớ đánh đuổi tư sản lẫn phản động- nhà tôi bị liệt vào thành phần phản động, theo chủ trương của mỗi địa phương phải tìm cho ra ít nhất một gia đình tiêu biểu-. Chúng bắt mấy má con đi tù, đuổi ông bà ngoại và em gái út 11 tuổi ra ngoài cái chòi hoang chiếm hai căn nhà, rồi giao cho cơ quan gì đó làm trụ sở. Má con tôi ở tù đủ ba tháng thì được thả về, tiếp tục sống trong chòi hoang với ngoại. Một tên con trai- vốn có quen với chị em tôi từ trước, thỉnh thoảng ghé thăm làm như thông cảm cho hoàn cảnh chúng tôi lắm. Vì tin tưởng nên trong lúc trò chuyện chúng tôi vô tình hớ hênh kể lại việc chôn giấu sách. Thế là hắn lân la qua làm quen với các người đang chiếm ngự nhà, phóng đại rằng chúng tôi có chôn giấu vàng bạc dưới sàn nhà, đề nghị cùng nhau đào lên chia nhau xài.
Có lẽ họ cũng thử tìm, nhưng diện tích dưới sàn nhà quá rộng, mà đất nơi chôn sách đã phẳng lì giống nhau làm sao tìm cho thấy?
Nhiều năm sau, tình cờ gặp một người đã từng cư ngụ ở trong nhà chúng tôi kể lại vụ việc trên. Lòng dạ con người thật khó đoán. Mà lúc ấy giả như họ có tìm thấy, cũng chỉ toàn sách là sách, chứ làm gì có thỏi vàng nào.
Sau hơn chục năm gởi hàng trăm lá đơn đòi nhà thì chúng cũng trả lại, tất nhiên chỉ còn cái vỏ trống hoác, nhưng ít ra ông bà ngoại cũng còn được trở về chết trên căn nhà mà hai người xây dựng lên bằng mồ hôi khổ nhọc.
Lúc ấy mắt bà ngoại đã mờ, nằm một chỗ không tự đi đứng được, má và chị em tôi thay phiên tắm rửa đút cơm cho ngoại. Chị em tôi không quên hai thùng sách, chui vào sàn nhà tìm đúng chỗ chôn giấu. Đất chỗ ấy đã dẽ cứng, mất hơn nửa ngày trời mới bứng hai thùng lên. Mở nắp lôi các quyển sách ra, bồi hồi thấy màu giấy ẩm ướt đã vàng phai màu thời gian, thật xúc động làm sao!
3
Tôi ngạc nhiên phát giác trong số người quen biết, không ít kẻ “ăn cơm Quốc gia thờ ma cộng sản”, cháy nhà mới thò mặt chuột. Không ngờ trước đây tôi đã từng giao thiệp với họ mà đâu biết họ hoạt động ngầm cho phe bên kia. Thật khó tưởng tượng được.
–Một người bạn học với tôi thời trung học ở một trường quận, trong lớp không gì nổi bật, học lực trung bình nên không ai chú ý. Sau 30 Tháng Tư mới biết khoảng năm 1970 anh ta chính là người nhân lúc trời còn tối đã rải truyền đơn trước cửa trường chúng tôi, khi chưa có học sinh nào đến lớp. Thế mà may cho anh ta, chính quyền không tìm ra tung tích thủ phạm. Sau ngày 30 Tháng Tư, chính anh ta hé lộ câu chuyện nầy. Anh ta giữ chức thẩm phán tỉnh cho đến ngày về hưu.
-Anh bạn học trên chị ba tôi một lớp, vào cuối năm 1974 tốt nghiệp khoá Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Thời ấy học trò tỉnh chúng tôi sau khi tốt nghiệp tú tài đôi nếu muốn vào đại học phải lên Saigon hoặc Cần Thơ. Có lẽ qua bạn bè nên anh biết được nơi chị em tôi trọ học, đã tìm đến thăm, ngỏ ý mời chị tôi đến dự lễ mãn khoá huấn luyện ở quân trường. Đồng hương xa nhà gặp nhau, tuy ở trường chị tôi chỉ quen mặt chứ không thân, nhưng anh nói ở đây anh không quen biết ai, xin chị tôi đến tham dự cho anh đỡ lẻ loi. Nể lời chị tôi có đến dự lễ. Sau đó anh lại mời chị đi ăn bữa ăn chia tay vì anh đã biết tin nhận đơn vị ở một tỉnh miền Trung nơi chiến sự xảy ra ác liệt.
Trong bữa ăn anh không nói gì nhiều, chỉ kể một vài kỷ niệm lúc còn học ở trường trung học tỉnh. Nhìn gương mặt hiền lành chân chất đầu đội mũ gắn huy hiệu trong bộ quân phục sinh viên sĩ quan với cầu vai thắt dây trông khá oai nghiêm, giờ còn an lành ngồi đây trong không gian thanh bình của Saigon hoa lệ, không biết điều gì sẽ chờ đợi anh những ngày sắp tới mà thấy xót xa cho những người trai thời loạn.
Vang giữa chiến trường xa
Giặc đang gieo tang tóc
Từng đoàn trai ra đi
Đã thề chẳng về nhà…
(Hận Tha La, Thơ Vũ Anh Khanh, nhạc Dzũng Chinh)
Thời gian ngắn sau 30 Tháng Tư, bỗng thấy anh xuất hiện ở phố tỉnh trong bộ đồ đen, đội mũ tai bèo, chân mang dép râu… chị tôi sững sờ không nén được, kêu lên:
—Ủa? Sao lại như thế? Tôi tưởng là anh bị vô trại cải tạo kia mà?
Anh lúng túng giải thích rằng sau lần gặp chị tôi, đáng lẽ anh phải ra Trung để nhận đơn vị thì anh lui về quê trốn vô bưng luôn cho đến giờ.
Thật chua xót cho chế độ VNCH đã uổng công đào tạo giáo dục văn lẫn võ song toàn một người trai từ thơ ấu cho đến trưởng thành mong người ấy gánh vác sứ mệnh sơn hà, dè đâu…
Ít ra anh cũng không huênh hoang những lời đao to búa lớn. Chúng tôi không bao giờ còn gặp lại anh nữa.
–Chị là sinh viên năm thứ 3 Khoa học, Bắc 54, dáng dấp nho nhỏ, tóc dài, nước da bánh mật, má lúm đồng tiền, hai chiếc răng khểnh duyên dáng. Lúc nào gặp cũng thấy chị mặc áo dài trắng quần đen như cô nữ sinh trung học. Lanh lợi, vui tính. Người yêu của anh bạn khá thân học chung lớp đệ nhất với tôi, sau anh ta cũng vào khoa Văn như tôi. Tuy chị lớn hơn chàng kia 5 tuổi, nhưng họ rất khắng khít hồn nhiên không mặc cảm tuổi tác. Thế rồi sau 30 Tháng Tư tôi có dịp trở về Saigon gặp bạn, thì không thấy hai người chung đôi. Hỏi ra mới hay chị làm nội tuyến luồn vào tầng lớp sinh viên từ lâu mà không ai biết, bởi chị là dân Bắc 54 di cư vào Nam. Cái vỏ bọc khiến người ta không đề phòng hay nghi ngờ chút nào.
– Anh thuộc lớp đàn anh đã ra trường, kỹ sư Bách khoa, quê quán Củ Chi. Anh nói ba anh mất sớm chỉ còn một mẹ một con. Mẹ tần tảo nuôi anh ăn học thành tài. Mất miền Nam, ba anh từ đâu trở về, anh nghiễm nhiên là thành phần ưu tú của chế độ mới. Thế là tình thân chúng tôi tan rã.
Còn nhiều nữa những thí dụ tương tự. Có những người hôm qua còn xem nhau như bạn, bây giờ đụng mặt họ giả vờ xa lạ.
Chưa kể những kẻ cơ hội mà người đời mỉa mai gọi là những tên “ba mươi tháng tư” ở làng tôi không phải là ít. Nhưng số người mượn gió trở cờ ấy không nghênh ngang được lâu.
Đến khi họ nhận thức câu “vắt chanh bỏ vỏ” thì cuộc đời họ đã tàn tạ. Chẳng qua cộng sản lợi dụng hạng người trên như công cụ, xong việc thì thẳng tay loại bỏ không thương tiếc: Đa số vào tù vì một cái cớ nào đó, may mắn thì bị cho về vườn đuổi gà, đã vậy còn bị sự khinh rẻ chê cười của mọi người chung quanh.
20 Avril 2023