Những giấc mơ tan vỡ của Việt Nam Cộng Hòa – 4

Lược thuật sách “Rút gươm nơi xứ xa” của George J. Veith
Share:
Ngày 26 tháng Mười 1955, tổng thống Ngô Đình Diệm đọc diễn văn từ chức thủ tướng và trở thành tổng thống đầu tiên của Đệ Nhất Cộng Hòa sau cuộc trưng cầu dân ý phế truất quốc trưởng Bảo Đại. Ảnh Bettmann / Getty Images
Thời Sự
Thời Sự
Những giấc mơ tan vỡ của Việt Nam Cộng Hòa – 4
Loading
/

Bài 4: Buổi đầu của chế độ Ngô Đình Diệm

 

Ngay sau khi Hiệp định Geneva được ký kết ngày 7 tháng Bảy 1954, Quốc trưởng Bảo Đại đã bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Trong thời gian đầu cầm quyền, ông Diệm đã bộc lộ tài năng lãnh đạo đầy ấn tượng. Một người Công giáo thuần thành, chống thực dân và chống cộng quyết liệt, ông là người không dễ bị mua chuộc, làm việc cần cù và tận hiến cho đất nước. Suốt thời Đệ Nhất Cộng Hòa, với ý chí mạnh mẽ, lòng can đảm và lối sống khắc khổ được dân chúng cảm mến, ông Diệm đã kết hợp được các mảnh lộn xộn thành một đất nước sinh động.

Nhưng tầm nhìn chính trị và kinh tế của ông cho tương lai miền Nam Việt Nam là một hỗn hợp cổ lỗ các mô hình phát triển mới áp dụng vào các truyền thống văn hóa xưa cũ của Việt Nam. Tiếp xúc với Tây phương mang lại cho ông vẻ bề ngoài dân chủ tự do nhưng bối cảnh và hành vi của ông in đậm tính cách của giáo dục Khổng giáo. Nhà nghiên cứu Edward Miller viết: “Tầm nhìn đó là một nỗ lực đầy tham vọng nhằm tổng hợp một số ý tưởng hiện đại với những luận thuyết về Thiên Chúa giáo Công giáo, Khổng giáo và căn cước quốc gia Việt Nam.”

Tổng thống Ngô Đình Diệm, mới nhậm chức sau khi phế truất Bảo Đại, đi thăm một đơn vị lính địa phương gần Sài Gòn tháng Mười Một 1955. Ảnh PhotoQuest/Getty Images

Trong khi đó, đối thủ của ông, những người Cộng sản, đề cao thống nhất đất nước và cải cách điền địa. Họ lợi dụng tinh thần bài ngoại của người Việt, tô vẽ các quan chức Nam Việt Nam như là “bù nhìn” của người Mỹ và khai thác nỗi bất mãn chống lại những chính sách và hành động của Sài Gòn. 

Để vận động được người dân chống Cộng sản, ông Diệm phải có một thứ triết học chính trị khác hẳn chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng ông không bao giờ chấp nhận các ý tưởng dân chủ, tự do cá nhân và chủ nghĩa tư bản – những thứ mà người Mỹ tin là nền tảng để đánh bại chủ nghĩa Cộng sản. Ông Diệm cho rằng những ý tưởng đó không thích hợp với Việt Nam trong giai đoạn phát triển đó, đặc biệt là khi Việt Nam phải đương đầu với một kẻ thù tàn bạo.

Thay vì vậy, ông Diệm đề ra chủ nghĩa Nhân vị, nhưng có mấy người Việt hiểu được học thuyết đó. Những người phản đối ông Diệm cáo buộc ông thực thi một chế độ độc tài gia đình trị – thứ sẽ đưa Việt Nam tới thất bại.

Ông Diệm hất cẳng người Pháp

 Ngay sau khi làm thủ tướng, ông Diệm lập tức tìm cách loại bỏ sự can thiệp của người Pháp vào chính trị Nam Việt Nam. Việc đầu tiên ông làm là giành lại quyền kiểm soát quân đội mà cho đến sau Hiệp định Geneva vẫn nằm dưới quyền chỉ huy của người Pháp, cụ thể là của tướng Nguyễn Văn Hinh, một người Pháp gốc Việt.

Tại thời điểm tháng Sáu 1954, quân đội Quốc gia Việt Nam có khoảng 219.000 người, phiên chế thành 175 tiểu đoàn bộ binh và chín đơn vị cơ động. Dù được huấn luyện sơ sài và tinh thần kém, quân đội vẫn là tổ chức có quyền lực nhất trong một nước Việt Nam mới nổi.

Là một sĩ quan cao cấp của Pháp, tướng Hinh chống lại chủ trương của ông Diệm giành quyền kiểm soát quân đội. Nhiều người coi sự phản kháng của Hinh là nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của người Pháp để nắm quyền kiểm soát miền nam đất nước. Nhưng theo tác giả Veith, Hinh không đơn giản là công cụ của Pháp. Ông ta quan niệm rằng Nam Việt Nam chỉ có thể tồn tại nếu có lãnh đạo mạnh, và ông ta tin chỉ có quân đội mới thực hiện được vai trò lãnh đạo đó. Nhiều sĩ quan quân đội chia sẻ quan niệm của Hinh, họ tin chỉ quân đội mới có thể lãnh đạo chính phủ một cách hiệu quả và chiến thắng cuộc chiến tranh chống Cộng sản. Niềm tin này quyết định gần như toàn bộ những diễn biến lớn của lịch sử Nam Việt Nam mấy chục năm về sau.

Cùng với việc giành lại quân đội, ông Diệm – cùng em trai ông là Cố vấn Ngô Đình Nhu – cho tổ chức các chi bộ đảng Cần Lao trong quân đội – một tổ chức chính trị bí mật trung thành với ông Diệm, được phát triển mạnh trong các đơn vị quân đội ở miền Trung, mạnh nhất ở Huế và Nha Trang. Trong cuộc đụng độ giữa tướng Hinh và anh em ông Diệm, nhiều sĩ quan ở miền Trung – đồng thời là đảng viên đảng Cần Lao – đứng ra hậu thuẫn ông Diệm. Một tài liệu của CIA đánh giá, chỉ 20% sĩ quan quân đội quốc gia Việt Nam ủng hộ tướng Hinh, 20% chống Hinh, số còn lại trung lập.

Ký kết bàn giao Cảng Sài Gòn từ người Pháp sang chính quyền Việt Nam quản lý từ tháng 12-1954, chấm dứt vai trò của Pháp ở Việt Nam. Đại diện phía Pháp là Gruet, bên trái, còn đại diện VNCH là ông Nguyễn Kỳ, bên phải. Ảnh Photo12/Universal Images Group via Getty Images

Ngày 11 tháng Chín 1954, ông Diệm sa thải tướng Hinh và lệnh cho ông ta đi nghỉ phép sáu tháng ở Pháp. Hinh từ chối và lập đảng chính trị của ông ta trong quân đội, lấy tên là đảng Đại Bàng (Eagle Party). Tin rằng được người Pháp hậu thuẫn, ông Hinh liên lạc với các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo đe dọa làm đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng người Mỹ hậu thuẫn ông Diệm và người Pháp từ chối giúp đỡ, Hinh phải ra đầu hàng và rời Việt Nam đi Pháp vào tháng Mười Một năm đó. Vai trò và ảnh hưởng của người Pháp ở Nam Việt Nam phai nhạt dần và ông Diệm nắm toàn quyền chỉ huy quân đội quốc gia. Không bao lâu sau, ngày 16 tháng Mười 1955, ông Diệm cho đổi danh xưng quân đội quốc gia Việt Nam thành Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Sau khi tổ chức trưng cầu dân ý để phế truất Bảo Đại, ông Diệm nhanh chóng tuyên bố thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa vào ngày 26 tháng Mười 1955.

Ông Diệm và ông Thiệu

Trong thời gian xảy ra vụ khủng hoảng Diệm-Hinh, thiếu tá Nguyễn Văn Thiệu đóng quân ở Huế trong bộ tham mưu Quân khu 2, cùng với người bạn đồng khóa Trần Thiện Khiêm – một nhân vật sẽ có vai trò quan trọng trong những năm sau này. Cả Thiệu và Khiêm đều ở trong “phe tướng Hinh”, đeo phù hiệu đại bàng trên ve áo. Mưu đồ đảo chính thất bại, tướng Hinh phải rời Việt Nam, còn Thiệu và nhóm của ông bị triệu tập về Sài Gòn để điều tra và thẩm vấn. Để né tránh sự nghi ngờ của chế độ Diệm, ông Thiệu cải sang đạo Công giáo theo gia đình bên vợ là bà Nguyễn Thị Mai Anh nhưng không chịu làm lễ rửa tội ở nhà thờ.

Ngoài việc chọn sai bên, đứng vào phe tướng Hinh, Thiệu còn bị Diệm nghi ngờ vì ông và anh trai Nguyễn Văn Kiểu là đảng viên đảng Đại Việt – một đảng chính trị ra đời từ thời chống thực dân Pháp trước năm 1945, nhưng đang bị Diệm và Nhu coi là một đối thủ cạnh tranh với đảng Cần Lao của anh em họ Ngô. Theo lời Trần Thiện Khiêm thì Thiệu và Khiêm gia nhập đảng Đại Việt từ năm 1952 vì cho rằng đó là đảng quốc gia chống Pháp và phi cộng sản có triển vọng nhất.

Đường phố Sài Gòn dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa của tổng thống Ngô Đình Diệm. Ảnh Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images

Tuy không bị chế độ Ngô Đình Diệm trừng trị, nhưng Thiệu bị điều chuyển sang một chức vụ ít quan trọng hơn. Tháng Ba 1955, Thiệu được cử vào ban chỉ huy Học viện Quân sự Quốc gia tại Đà Lạt, xa rời trung tâm chính trị ở Sài Gòn mà cũng không có lính để chỉ huy nữa. Ông Thiệu ở Đà Lạt bốn năm, góp phần xây dựng học viện thành trường Võ bị Quốc gia sau này.

Nắm được quân đội, ông Diệm cần có nhiều sĩ quan chỉ huy và tiêu chuẩn chọn lựa của ông là phải trung thành với gia đình họ Ngô; cụ thể phải là người của đảng Cần Lao và theo Công giáo. Tiêu chuẩn đó là rào cản đối với những sĩ quan trẻ như Thiệu và Khiêm.

Cùng bị nghi ngờ thuộc phe tướng Hinh, cùng có thời gian ngắn tham gia Việt Minh rồi từ bỏ để trở về với lực lượng quốc gia nhưng con đường của Thiệu và Khiêm không giống nhau: Trong lúc Thiệu bị điều lên cao nguyên Đà Lạt thì Khiêm lại thăng tiến trong guồng máy nhờ từng học trường Petrus Ký – trường trung học Công giáo hàng đầu của Pháp ở Nam Kỳ – lại có “đoái công chuộc tội” giúp anh em Diệm-Nhu phát triển cơ sở đảng Cần Lao trong quân đội. Khiêm được thăng đại tá vào tháng Tám 1957, được chuyển về bộ tổng tham mưu và đến tháng Ba 1958, Khiêm được bổ nhiệm tư lệnh sư đoàn 4, tiền thân của sư đoàn 7 sau này.

Bị thôi thúc bởi thành công của Khiêm, tháng Mười Một 1958, Thiệu chấp nhận làm lễ rửa tội gia nhập đạo Công giáo và đồng thời tham gia đảng Cần Lao. Vị cha xứ làm lễ rửa tội cho Thiệu và đón ông vào đảng Cần Lao là linh mục Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng – lý thuyết gia chính của học thuyết Nhân Vị và đảng Cần Lao, (thường được gọi chung là Cần Lao Nhân Vị) và là cộng sự thân tín của anh em ông Diệm. Không đầy bốn tháng sau, Thiệu chuyển giao quyền chỉ huy học viên cho một sĩ quan khác, có tài năng nhưng không ưa Diệm là Thiếu tướng Lê Văn Kim. Sau cú va vấp ban đầu, Thiệu nhận ra rằng, để thăng tiến trong quân lực VNCH, ông phải thể hiện lòng trung thành và cách tốt nhất là gia nhập đảng của Diệm, tôn giáo của Diệm.

Diệm và Minh Lớn

Một công thần của chế độ Diệm nhưng sớm bị thất sủng là tướng Dương Văn Minh, còn gọi là “Minh Lớn” bởi vì ông cao to hơn những người Việt cùng trang lứa.

Sau khi đẩy được tướng Nguyễn Văn Hinh và người Pháp ra khỏi miền Nam, ông Diệm tiếp tục củng cố quyền lực. Ông thuyết phục được Cao Đài gia nhập chính phủ. Ông cử một số tiểu đoàn Dù tấn công lực lượng của Bình Xuyên – một tập đoàn quân sự-tội phạm đang kiểm soát một phần thủ đô Sài Gòn. Bình Xuyên nhanh chóng bị dẹp tan. Sau đó ông Diệm quay sang tấn công lực lượng Hòa Hảo ở châu thổ sông Cửu Long.

Tướng Dương Văn Minh là người chỉ huy thực hiện các chiến dịch tảo thanh này, thu phục hoặc tiêu diệt các nhóm vũ trang không chịu phục tùng ông Diệm và tái lập sự ổn định ở các tỉnh miền Tây Nam Phần. Nhờ những chiến công đó, Minh Lớn trở thành sĩ quan quân đội được ông Diệm ưu ái nhất.

Đường phố Sài Gòn trở thành bãi chiến trường trong cuộc chiến tảo thanh lực lượng Bình Xuyên kéo dài hai ngày của quân đội quốc gia của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1955. Ảnh Bettmann / Getty Images

Sinh ngày 19 tháng Giêng 1916 ở Long An, ông Minh Lớn theo học các trường Pháp ở Sài Gòn rồi gia nhập đạo quân thuộc địa Pháp từ năm 1940, được thăng trung úy vào tháng Mười 1942. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, cùng với quân thuộc địa Pháp, ông Minh chiến đấu chống Nhật và bị Nhật bắt giam, có lẽ vào khoảng tháng Bảy 1945. Trong tù, ông bị Nhật tra tấn ác liệt đến mức cả hàm răng của ông bị đánh gãy. Cũng trong tù, ông kết thân với ông Nguyễn Ngọc Thơ, người sau này sẽ là thủ tướng dưới quyền tổng thống Diệm và sẽ có vai trò quan trọng sau khi ông Diệm bị lật đổ.

Đến năm 1957, ông Minh đã là thiếu tướng. Nhưng ông không chấp nhận yêu cầu của anh em ông Diệm là cải sang đạo Công giáo, không chịu gia nhập đảng Cần Lao nên dần dần ông bị ông Diệm xa lánh. Sang năm 1959, ông Minh được giao nhiệm vụ tư lệnh bộ chỉ huy tiền phương – một cơ quan mới thành lập nhưng hữu danh vô thực. Từ đó sự nghiệp quân đội của Minh Lớn gần như giẫm chân tại chỗ trong khi các tướng trẻ tiếp tục thăng tiến.

Sau khi rời Đà Lạt, về Sài Gòn, sĩ quan Nguyễn Văn Thiệu được giao làm chánh văn phòng của thiếu tướng Minh. Thiệu được thăng đại tá vào tháng Mười 1959. Một cố vấn Mỹ thân cận với tướng Minh nhận xét: “Thiệu rất trung thành với ông tướng; còn tướng Minh đánh giá cao năng lực của Thiệu với tư cách một người lính”. Mối quan hệ thân thiết Minh-Thiệu có thể là lý do khiến Minh Lớn chiêu mộ Thiệu vào hàng ngũ các sĩ quan nổi dậy đảo chính Diệm mấy năm sau đó.

(còn tiếp)

Bài liên quan:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: