Những giấc mơ tan vỡ của Việt Nam Cộng Hòa – 2

Lược thuật sách “Rút gươm nơi xứ xa” của George J. Veith
Share:
Khổ nạn của dân tộc Việt Nam khởi đi từ một sự chia rẽ mang tính ý thức hệ, có gốc rễ trong một bối cảnh lịch sử phức tạp giữa thế kỷ 20. Ảnh người dân chạy loạn sau khi xóm làng của họ bị ném bom napalm. Ảnh Bettmann/ Getty Images
Thời Sự
Thời Sự
Những giấc mơ tan vỡ của Việt Nam Cộng Hòa – 2
/

Bài 2: Bối cảnh lịch sử của cuộc chia rẽ dân tộc

Đọc bài 1: Việt Nam Cộng Hòa – một công cuộc kiến quốc

Sau khi bị thực dân Pháp đô hộ gần tám mươi năm, chính phủ quốc gia đầu tiên mang màu sắc hiện đại là chính phủ Trần Trọng Kim, được Hoàng đế Bảo Đại thành lập chỉ hai ngày sau khi Nhật lật đổ nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương tháng Ba 1945.

Ngày 15 tháng Tám 1945, quân đội Nhật ở Việt Nam đầu hàng Đồng Minh. Bốn ngày sau đó, Mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh) giành được chính quyền trong một vụ biểu tình lớn ở Hà Nội. Việt Minh – dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh – bề ngoài là một mặt trận chống Nhật – Pháp, đoàn kết các lực lượng có đường lối chính trị khác nhau, nhưng thực chất là một tổ chức do đảng Cộng sản Đông Dương lập ra và làm nòng cốt lãnh đạo.

Ngày 25 tháng Tám 1945, vua Bảo Đại thoái vị, chính phủ Trần Trọng Kim giải tán và đến ngày 2 tháng Chín 1945, quân Nhật hoàn toàn đầu hàng, Hồ Chí Minh công bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), nhà nước độc lập đầy đủ đầu tiên của Việt Nam kể từ thế kỷ 19.

Sau khi thoái vị ngày 25 tháng Tám 1945, Cựu hoàng Bảo Đại (phải) nhận làm cố vấn tối cao cho chính phủ VNDCCH do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ảnh ELLE Team, Public domain, via Wikimedia Commons

Nhưng tại hội nghị Potsdam tháng Tám 1945, các nước Đồng Minh thắng trận, bao gồm Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Trung Hoa Dân Quốc đã thỏa thuận giao cho quân đội Anh vào giải giáp quân Nhật bại trận tại Việt Nam từ phía nam vĩ tuyến 16, quân đội Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch vào giải giáp quân Nhật từ phía bắc vĩ tuyến 16. Pháp không nằm trong lực lượng Đồng Minh chống Nhật ở châu Á nên bị loại ra khỏi thỏa thuận.

Không dễ dàng từ bỏ các thuộc địa, người Pháp có kế hoạch khác. Tổng thống Pháp Charles De Gaulle đưa quân đội trở lại Đông Dương để giành lại các thuộc địa. Ngày 23 tháng Chín 1945,  Anh Quốc cho phép Pháp đổ quân xuống Sài Gòn. Đụng độ xảy ra dữ dội giữa quân đội Việt Minh và quân Pháp. Sài Gòn nhanh chóng thất thủ. Ở miền Bắc, quân Tưởng không cho phép quân Pháp đổ bộ vì e ngại xảy ra chiến tranh và điều đó đã giúp chính phủ của ông Hồ xây dựng thế lực ở miền Bắc. Thời gian gần một năm đó cũng là giai đoạn quý báu để VNDCCH củng cố tổ chức và chuẩn bị chiến tranh. Tình hình khi ấy là Việt Minh kiểm soát được miền Bắc nhưng vẫn yếu ớt ở miền Nam.

Mãi đến ngày 6 tháng Ba 1946, Pháp và Việt Minh mới ký được hiệp định sơ bộ cho phép quân đội Pháp ra Bắc thay thế quân đội Trung Hoa Dân Quốc trong thời gian 5 năm, đổi lại Pháp phải công nhận VNDCCH là một nhà nước tự do trong khối Liên hiệp Pháp. Đến tháng Bảy, hai bên mở hội nghị ở Fontainebleau gần Paris để bàn về nền độc lập cho Việt Nam và vị trí của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp nhưng hội nghị không có kết quả do hai bên bất đồng quan điểm về hai vấn đề lớn: Pháp phải trao trả độc lập cho Việt Nam và Việt Nam là quốc gia thống nhất ba kỳ Nam, Trung và Bắc.

Ngày 19-12-1946, từ Hà Đông, Chủ tịch VNDCCH Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, sau đó cho xe loa đi đọc khắp phố phường Hà Nội. Cuộc kháng chiến chống Pháp chính thức bắt đầu. Ảnh TL/TTXVN

Do người Pháp đã tái lập được quyền kiểm soát ở miền Nam nên tháng Sáu 1946, Pháp tách riêng Nam Kỳ lập thành một nước, lấy tên là Cộng hòa Nam Kỳ, đặt thủ đô tại Sài Gòn và bổ nhiệm bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, một thầy thuốc có uy tín, làm thủ tướng. Bác sĩ Thinh đồng ý hợp tác với Pháp để đổi lấy quyền tự trị trong Liên hiệp Pháp và nhắm tới một nước cộng hòa ở miền Nam tách biệt với nước VNDCCH do cộng sản lãnh đạo ở Hà Nội.

Nhưng tuyệt đại bộ phận dân chúng Việt Nam muốn đất nước không bị chia cắt. Và chính phủ Pháp ở Paris không quan tâm tới quyền tự trị của Cộng Hòa Nam Kỳ mà chỉ muốn một chính phủ bù nhìn trong sự điều khiển của Pháp. Thất vọng vì bị người Pháp lợi dụng, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh tự tử ngày 10 tháng Mười Một 1946, chỉ bốn tháng sau ngày tham gia chính trị. Ông Lê Văn Hoạch lên thay làm Thủ tướng Cộng hòa Nam Kỳ, tiếp tục cộng tác với Pháp nhưng chính phủ ông Thinh, ông Hoạch chưa bao giờ được coi là một chính phủ đại diện cho người dân và hầu như không có vai trò gì trong lịch sử.

Mặc dù có sự liên minh giữa đảng Cộng sản của ông Hồ và các đảng phái chính trị không cộng sản như Việt Nam Quốc Dân Đảng và đảng Đại Việt, đảng Cộng sản đã sớm ra tay thống trị Việt Minh. Họ nhắm mục tiêu vào các đảng phi cộng sản, những người tự xưng là người quốc gia. Bị những người cộng sản săn đuổi, liên minh Việt Minh bắt đầu tan vỡ.

Bởi vì Paris không chịu từ bỏ quyền cai trị thực dân ở Đông Dương, hội đàm Fontainebleau thất bại. Chiến tranh giữa Pháp và VNDCCH nổ ra tháng Mười Hai năm 1946.

Cựu hoàng Bảo Đại rời Điện Elysee tháng 2-1948 sau một buổi họp về việc trao trả quyền tự trị cho Việt Nam. Ảnh từ trang nhactrinh.vn

Để tách các thành phần quốc gia ra khỏi cộng sản, người Pháp nhờ đến cựu hoàng Bảo Đại – một nhân vật có sự ngưỡng mộ lớn của dân chúng, người đã từ bỏ chức cố vấn chính phủ VNDCCH của ông Hồ Chí Minh. Tháng Chín 1947, Bảo Đại và đại diện Pháp bắt đầu hội đàm để thành lập một chính phủ Việt Nam riêng theo đường lối quốc gia không cộng sản. Ông Bảo Đại hy vọng sẽ buộc được Paris công nhận Việt Nam là quốc gia độc lập.

Ngày 5 tháng Sáu 1948, Bảo Đại ký với người Pháp Thỏa ước Vịnh Hạ Long, trong đó công nhận Việt Nam là quốc gia thống nhất (Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ) trong Liên hiệp Pháp. Một Chính phủ Trung ương Lâm thời được thành lập tách biệt với chính phủ VNDCCH của ông Hồ và cái gọi là Cộng hòa Nam Kỳ cũng được sáp nhập vào quốc gia thống nhất này.

Sau nhiều cuộc thương lượng, ngày 8 tháng Ba 1949, Quốc trưởng Bảo Đại và Tổng thống Pháp Vincent Auriol cùng ký Hiệp định Elysee tại Pháp, công nhận Việt Nam, cùng với Lào và Cambodia, là ba quốc gia “liên kết” (associated) trong Liên hiệp Pháp.

Ngày 2 tháng Bảy 1949 Quốc trưởng Bảo Đại chính thức tuyên bố thành lập Quốc gia Việt Nam. Tuy hiệp định Elysee không đề cập tới nền độc lập của Việt Nam nhưng Quốc gia Việt Nam “liên kết” có chính sách ngoại giao riêng, có tài chính riêng và xây dựng quân đội riêng. Ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản ngay lập tức lên án vị cựu hoàng và chính phủ Quốc gia Việt Nam là những kẻ “phản quốc”.

Cũng trong ngày 2 tháng Bảy 1949, chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam ban hành sắc lệnh đầu tiên thành lập Bộ Quốc phòng và sang tháng Tám thì những đơn vị đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam ra đời.

“Với nhiều người Quốc gia, chiến đấu chống lại hiểm họa cộng sản còn quan trọng hơn chiến đấu chống Pháp,” giáo sư George Veith nhận định.

Chính quyền non trẻ của Bảo Đại và người Pháp đã nhanh chóng xây dựng quân đội bản địa. Họ thành lập các tiểu đoàn bộ binh và bởi vì Quốc trưởng Bảo Đại cần có sĩ quan người Việt chỉ huy các đơn vị đó, người Pháp đã mở trường  Trường Sĩ quan Chính quy  tại Huế, tiền thân của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ở Đà Lạt sau này.

Quốc trưởng Bảo Đại đến dự lễ mãn khóa Khóa 5, Hoàng Diệu, của Trường Võ Bị Liên quân Đà Lạt 1952. Ảnh nhactrinh.vn

Khóa đào tạo sĩ quan Việt Nam đầu tiên khai giảng ngày 1 tháng Mười Hai 1948, đặt tên là khóa Phan Bội Châu – nhà cách mạng nổi tiếng, người tiên phong của chủ nghĩa quốc gia Việt Nam. Một trong những sĩ quan tốt nghiệp khóa đầu tiên tại Huế là Nguyễn Văn Thiệu, sau này là Tổng thống VNCH.

Trong khi đó, những biến cố bên ngoài Việt Nam đã ảnh hưởng sâu sắc tới những gì diễn ra bên trong Việt Nam. Chiến thắng của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1949 đã buộc Hoa Kỳ phải thay đổi mạnh mẽ cách thức mà Washington đối xử với đế quốc Pháp. Khi vũ khí Trung Cộng bắt đầu được trang bị cho bộ đội của ông Hồ năm 1950 trở về sau thì người Pháp yêu cầu Mỹ viện trợ quân sự quy mô lớn.

Quốc gia Việt Nam được Hoa Kỳ công nhận về mặt ngoại giao, tiếp theo sau là Anh Quốc và phần còn lại của “Thế giới Tự do”. Mục đích chính của Paris và Washington là hình thành một chính phủ chống cộng sản ở Việt Nam liên minh với Pháp. Tuy nhiên, Quốc gia Việt Nam phải tự bảo vệ và mở rộng sự cai trị của mình, việc xây dựng quân đội quốc gia Việt Nam (VNA) là nhằm mục tiêu đó. 

(còn nữa)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: