Những hình ảnh ‘trớ trêu’ của thế giới qua lăng kính ‘phù thuỷ’ Elliott Erwitt

Share:

 Người nữ hầu bàn ngồi nghỉ trong một tiệm ăn vắng khách ở New York, trên tay cô là điếu thuốc đang cháy dở, gương mặt sáng bừng lên một vẻ đẹp đậm chất điện ảnh. Nét uốn lượn của đôi chân mày thật mảnh đủ để đoán được chủ nhân là một người kỹ tính và sắc sảo. Phong cách người hầu bàn toát lên nét quí tộc, vương giả, đối lập với không gian bình thường của tiệm ăn. Tấm ảnh được chụp năm 1955 bởi một tay máy “phù thuỷ” với thể loại Visual one-liners (1) đen trắng – nhiếp ảnh gia Elliott Erwitt.

“New York City” (tên của bức ảnh) là một trong hàng trăm câu chuyện bi, hài của thế giới do Erwitt kể bằng hình ảnh. (Ảnh: Magnum Photos)

Trong giới chuyên môn, Erwitt được biết đến là một nhiếp ảnh gia về ảnh tài liệu (documentary photographer). Ông sinh năm 1928 tại Paris. Không chỉ là một người mang trong mình dòng máu “đa quốc gia” mà cuộc đời của Erwitt là những ngày tháng phiêu lưu ròng rã, cho đến khi ông chọn New York là nơi dừng chân.

Cha mẹ của Elliott Erwitt là người Nga. Tuổi thơ ông gắn liền với Milan – thiên đường của thời trang. Năm 1939, gia đình ông di dân sang Mỹ, và Erwitt tiếp tục lớn lên với thủ đô ánh sáng đầy phóng khoáng, sôi động, và cả cám dỗ của Hollywood. Chính trong thời gian này, bắt đầu những năm 1940, Erwitt nhận ra rằng ông có thể tự kiếm được tiền rất nhanh và dễ bằng cách đi…chụp ảnh cưới. Vừa chụp ảnh kiếm tiền, Erwitt vừa nâng cao đam mê nhiếp ảnh. Ông xin một chân rửa ảnh, tức làm việc trong “phòng tối” của một công ty chụp ảnh quảng cáo trước khi ghi danh vào học lớp photography của Los Angeles City College.

Năm 1948, ông chuyển đến New York, nhận làm công việc “bảo vệ” để được học các lớp điện ảnh của Trường Nghiên cứu Xã hội (New School ofr Social Research.)

Trong chuyến đi đến Pháp và Ý cùng với gia đình vào năm 1949, hành trang quí giá nhất của Erwitt là chiếc máy ảnh Rolleiflex. Rồi như bao thanh niên khác, ông nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự vào năm 1951, phục vụ trong một đơn vị của Army Signal Corps ở Đức và Pháp. Trong thời gian ở quân đội, Erwitt đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng đều liên quan đến chụp ảnh. Đời sống và công việc ở doanh trại đã giúp Erwitt có thêm cơ hội trau dồi đam mê của mình. Thế chiến Thứ Hai kết thúc, ông trở về Mỹ, làm nhiếp ảnh gia tự do cho các tạp chí như Collier’s, Look, Life, Holiday.

Sự nghiệp nhiếp ảnh của Erwitt chỉ thật sự bước lên đài danh vọng khi ông được Robert Capa (2) – người được xem là phóng viên ảnh chiến trường và phiêu lưu vĩ đại nhất trong lịch sử, giới thiệu ông vào Magnum Photos, tổ chức đầu tiên quy tụ các nhiếp ảnh gia tự do trên toàn thế giới do chính ông đồng sáng lập.

Do sớm nhìn ra được tài năng đặc biệt của Erwitt, Robert Capa trao cho Erwitt một đặc quyền, đó là đi khắp nơi trên thế giới, sử dụng chuyên môn của mình ghi lại những khoảnh khắc “không có lần thứ hai.”

Có thể nói Erwitt là bậc thầy về đọc ngôn ngữ cơ thể. Khả năng quan sát kỳ diệu cộng với góc máy chuyên nghiệp, thần tốc của ông đã tạo ra những cuộc trao đổi, va chạm nhẹ nhàng đến mức người được chụp ảnh không biết rằng mình đã hạnh phúc đến như thế. Erwitt chú ý đến từng cái nhíu mày, nghiêng đầu, hoặc khoảng cách gần một chút.

“Khi một người phụ nữ và một người đàn ông ở cạnh nhau, một biểu hiện nhỏ nhất về chuyển động hoặc góc độ cũng tạo nên một bức tranh toàn cảnh đầy ngụ ý. Ngược lại, những gì hiển hiện rõ rệt trên các tạp chí khiêu dâm đều là giả tạo. Một nội dung chết,” Erwitt nói về những tấm ảnh nằm trong nội dung Arts and Culture của ông.

ENGLAND. Kent. 1968.
© Elliott Erwitt/Magnum Photos

Ngôn ngữ nhiếp ảnh của Erwitt rõ ràng là một thông điệp nhân văn. Người xem có thể nhìn thấy cả một lịch sử đau thương, tàn nhẫn của đế chế nô lệ, phân biệt chủng tộc chỉ qua một tấm ảnh đen trắng với hai chủ thể: Người đàn ông da màu và bồn rửa tay.

USA. Wilmington, North Carolina 1950 (Ảnh chụp màn hình)

Hoặc, một cậu bé da màu với nụ cười thiên thần nhưng tay cầm khẩu súng lục tự chĩa vào đầu mình. Đây là một trong những tấm ảnh rất nổi tiếng của Erwitt chụp tại The Hill, thành phố Pittsburgh, Pennsylvania năm 1950. Dĩ nhiên, khẩu súng mà cậu bé người Mỹ gốc Phi đang hồn nhiên đùa giỡn là giả, là đồ chơi. The Hill, trải dài từ trung tâm thành phố qua các khu dân cư và thương mại có nhiều người da màu sinh sống. Khu phố này được cả nước và giới nhạc jazz gọi là “ngã tư của thế giới” – là khu bảo tồn văn hoá “đặc trị” của riêng người da màu. Thế nhưng, “tài sản” và niềm tự hào của họ đã bị tước đoạt bởi những nhà lập pháp Mỹ trắng. Viện dẫn tình trạng nghèo đói, tội phạm ở khu vực này, cơ quan thành phố đã di dời hơn 8,000 cư dân sinh sống lâu đời ở đây ra các vùng ngoại ô xung quanh để phát triển The Hill thành Civic Arena. 

USA. Pittsburgh, Pennsylvania. 1950.

Phong cách Visual one-liners của Elliott Erwitt còn được nhìn thấy qua những tấm ảnh hài hước, dí dỏm. Một người phụ nữ mang đôi bốt cao đến đầu gối. Bên cạnh cô là một con chó dài chân, nhưng hai chân sau của nó nằm ngoài khung ảnh. Vì vậy, nhìn vào như một người thứ hai đứng bên cạnh người phụ nữ.

Ảnh: New York City, 1974

Cuối những năm 1960, Erwitt trở thành Chủ tịch của Magnum Photos. Đến những năm 1970, ông chuyển sang lĩnh vực điện ảnh và đã thực hiện một số phim tài liệu đáng chú ý, 18 bộ phim hài cho hãng phim HBO. Cũng như trong nhiếp ảnh, ngôn ngữ điện ảnh của Erwitt vẫn ẩn chứa sự mỉa mai nhân từ, sự rung cảm nhân văn đối với những khoảnh khắc, sự kiện trớ trêu, phi lý của cuộc sống. Đó là tinh thần của Magnum Photos mà Robert Capa đã lựa chọn đúng người để trao gửi.

(1): Visual one-liners: Phong cách chụp ảnh độc thoại, lột tả những sự việc, khoảnh khắc hài hước, phi lý.

(2): Vào đầu những năm 1950, Robert Capa đã đến Nhật Bản để tham gia một cuộc triển lãm của Magnum Photos. Tại đó, tạp chí Life đã đề nghị ông đi công tác ở Đông Nam Á, nơi quân Pháp đang có tám năm đắm chìm suốt trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Mặc dù Capa đã tuyên bố vài năm trước đó rằng ông đã từ bỏ chiến tranh, nhưng lần này, ông Capa chấp nhận công việc. Ông đi cùng một trung đoàn của Pháp đóng tại tỉnh Thái Bình, Việt Nam cùng với hai nhà báo Time-Life là John Mecklin và Jim Lucas. Vào ngày 25 Tháng Năm, năm 1954, trung đoàn đi qua một khu vực đang bị cháy nguy hiểm, Capa quyết định rời khỏi xe Jeep của mình để chụp ảnh cuộc tiến công. Capa đã thiệt mạng khi dẫm phải một quả mìn trên đường. (Theo Wikipedia)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: