Park Chung Hee bị bắn chết như thế nào?

Ông Park Chung-hee (ảnh: Bachrach/Getty Images)

Bữa ăn tối định mệnh

Tướng Park Chung Hee lên nắm quyền ở Hàn Quốc sau cuộc đảo chính quân sự vào Tháng Năm 1961. Ông hứa sẽ “lập lại trật tự” và trả lại quyền lực cho giới dân sự, nhưng cuối cùng trở thành một nhà cai trị độc tài. Ông đã thay đổi Hiến pháp nhiều lần, mở rộng quyền lực tổng thống, hủy bỏ các cuộc bầu cử trực tiếp và dỡ bỏ việc hạn chế về số lượng các đảng phái.

Ông được gọi là “cha đẻ của phép lạ kinh tế Hàn Quốc”, nhưng trong khi đó lại đàn áp dã man các cuộc biểu tình, bắt giữ và tra tấn những người chống đối, đồng thời đưa ra các biện pháp kiểm duyệt gắt gao trên các phương tiện truyền thông. Vào Tháng Mười 1979, Park bị bắn chết bởi một trong những cộng sự lâu năm và thân cận nhất của ông, người đứng đầu KCIA (cảnh sát mật Hàn Quốc) Kim Jae Kyu.

Tối 26 Tháng Mười 1979, Tổng thống Park Chung Hee dùng bữa tối lần cuối cùng trong đời. Cùng ngồi quanh bàn ăn có đội trưởng vệ sĩ riêng của tổng thống Cha Ji Chol, Chánh văn phòng tổng thống Kim Ke Won và Giám đốc KCIA Kim Jae Kyu. Bữa tối diễn ra trong khu phức hợp dinh tổng thống (thường được gọi là Nhà Xanh) được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tổng thống Park Chung-hee (trong chuyến công du Washington năm 1965) và Tổng thống Lyndon Johnson (ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

Đề tài cuộc trò chuyện chuyển sang các cuộc biểu tình hàng loạt ở Busan, quê hương của Park. Tổng thống phiền trách người đứng đầu cảnh sát mật vì không thể đối phó với tình trạng bất ổn hỗn loạn mỗi lúc mỗi tăng và không cử lính dù đến để giải tán cuộc biểu tình. Kim Jae Kyu phản đối rằng đây không chỉ là cuộc bạo loạn của sinh viên – hàng nghìn công dân bình thường tham gia cùng họ, và việc đàn áp bằng vũ lực sẽ làm dấy lên những cuộc nổi loạn trên toàn bộ đất nước. Nhưng Park đã ngắt lời Kim Jae Kyu, nói rằng lần sau ông sẽ đích thân ra lệnh bắn giết.

Thư ký tổng thống, Kim Ke Won, cố gắng chuyển cuộc trò chuyện sang một chủ đề khác, nhưng đội trưởng vệ sĩ Cha Ji Chol đã đổ thêm dầu vào lửa. Anh ta gọi người đứng đầu cảnh sát mật là mềm yếu và nói thêm rằng “Phải tay tôi, tôi đã ra lệnh nghiền nát những người biểu tình bằng xe tăng!”. Tổng thống Park gật đầu tán thành.

Những lời trách móc từ tổng thống và vệ sĩ của ông khiến Kim tức điên. Ông lặng lẽ rời khỏi bàn ăn, đi đến văn phòng mình lấy khẩu súng lục rồi ra lệnh cho cấp dưới vô hiệu hóa đám cảnh vệ của tổng thống. Sau đó, ông ta quay trở lại bàn ăn và hét lên với Tổng thống: “Làm sao ông có thể nghe theo lời khuyên của con sâu bất trị này?!”.

Đầu tiên Kim bắn vào Cha Ji Chol, sau đó là Tổng thống Park. Khẩu súng bị kẹt đạn, Kim liền chạy sang phòng bên cạnh, nơi người của ông đang bắn vào các vệ sĩ của tổng thống, và lấy vũ khí từ một trong những vệ sĩ của ông. Kim kết liễu Cha trong phòng tắm, nơi ông cố gắng trốn, và Tổng thống Park bị xử bằng một phát vào đầu. Tổng cộng, sáu người đã thiệt mạng vào tối hôm đó: Tổng thống, vệ sĩ trưởng cùng ba vệ sĩ và tài xế riêng của tổng thống. Chỉ có chánh văn phòng phủ tổng thống, Kim Ke Won, sống sót.

Tổng thống Park Chung Hee và vợ chồng Tổng thống Richard Nixon, 1969 (ảnh: Dave Randolph/San Francisco Chronicle via Getty Images)

“Cha đẻ của phép màu kinh tế Hàn Quốc”

Từng là tướng quân đội và là cựu chiến binh trong Chiến tranh Triều Tiên, Park Chung Hee đã cai trị Hàn Quốc trong gần 18 năm. Ban đầu, Park hứa sẽ không tranh cử tổng thống vào mùa Thu năm 1963. Nhưng trước cuộc bỏ phiếu vài tháng, ông đã thay đổi quyết định và cuối cùng đã đánh bại đối thủ của mình trong gang tấc. Theo Hiến pháp thời đó, ông không thể làm tổng thống quá hai nhiệm kỳ, và đến cuối nhiệm kỳ thứ hai, ông tuyên bố sẽ không tiếp tục nắm giữ quyền lực.

Nhưng sau đó ông lại thay đổi ý định và lần đầu tiên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, cho phép ông tái đắc cử lần thứ ba liên tiếp vào năm 1971. Sau đó, ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong nước và hợp pháp hóa Hiến pháp mới, theo đó tổng thống nhận được nhiều quyền lực hơn và được bầu không phải bằng bỏ phiếu phổ thông trực tiếp, mà bởi đại cử tri đoàn và với số nhiệm kỳ không giới hạn.

Park Chung Hee từng được gọi là “cha đẻ của phép màu kinh tế Hàn Quốc”. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hàn Quốc bắt đầu chuyển đổi từ một quốc gia nông nghiệp bị tàn phá bởi Chiến tranh Triều Tiên thành một nền kinh tế công nghệ cao phát triển mạnh. Park đưa ra khái niệm “chủ nghĩa tư bản do nhà nước kiểm soát”. Dưới thời ông, các doanh nghiệp ngày càng phát triển – các tập đoàn gia đình nhận được đặc quyền và lợi ích từ nhà nước để đổi lấy việc hoàn thành nghiêm ngặt các nhiệm vụ của chính phủ. Những tập đoàn nổi tiếng nhất là Samsung, LG Group, Hyundai, Daewoo.

Tổng thống Park Chung-hee (thứ ba, trái sang) tại Hội nghị SEATO 1966, Philippines (ảnh: Photo12/Universal Images Group via Getty Images)

Khét tiếng độc tài

Vào đầu những năm 1970, Park Chung Hee thiết lập một chế độ độc tài khắc nghiệt trong nước. Nền cai trị của ông đi kèm với sự đàn áp chính trị, sử dụng bạo lực để giải tán các cuộc biểu tình, kiểm duyệt phương tiện truyền thông và quy trách nhiệm hình sự cho việc chỉ trích chính quyền.

Park Chung Hee đã sống sót sau một số vụ ám sát, một trong số đó vào năm 1974 khiến vợ ông bị thiệt mạng. Từ đó, Park hạn chế hoạt động ngoài xã hội và hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Ông ta biến lực lượng bảo vệ cá nhân thành một đơn vị quân đội với trang thiết bị quân sự, và người đứng đầu là Cha Ji Chol nhận được quyền hạn rộng rãi đến mức nhân vật này trở thành người quyền lực thứ hai trong nước.

Vì điều này, Park đã gây bất hòa với các cộng sự lâu năm của mình. Một trong số đó là Kim Jae Kyu. Họ học cùng nhau tại Học viện Quân sự Hàn Quốc vào giữa những năm 1940. Sau khi Park lên nắm quyền, Kim trở thành một trong những cộng sự và cố vấn thân cận nhất của ông cho các chiến dịch tranh cử tổng thống, đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình trên khắp đất nước. Và cuối cùng, vào năm 1976, Kim trở thành người đứng đầu KCIA, thực chất là cảnh sát mật, làm nhiệm vụ tình báo và phản gián, trấn áp phe đối lập, mua chuộc và gây áp lực với giới truyền thông.

Đám tang Park Chung-hee (ảnh: Alain MINGAM/Gamma-Rapho via Getty Images)

Sau khi giết Park, Kim đến gặp Tổng tham mưu trưởng quân đội, Jung Seung Hwa – hy vọng Jung ủng hộ mình và ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc. Lúc đó, Jung đã biết về vụ việc từ thành viên duy nhất còn sống trong bữa tối ở Nhà Xanh và thay vì nghe theo lời Kim Jae Kyu, ông đã ra lệnh bắt giam khẩn cấp tay trùm mật vụ này. Kim Jae Kyu cùng với các đồng phạm đã bị tòa kết án tử hình. Bất luận trước đó Park Chung Hee bị dân chúng phản đối, gần hai triệu người đã xuống đường trong lễ tang của ông…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: