Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (1)

Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (1)
Loading
/

2g sáng ngày 22 Tháng Chín 1975, chế độ mới ra lệnh giới nghiêm trên toàn miền Nam. Đến 5 giờ sáng thì chúng đọc lệnh đổi tiền. Mệnh giá đồng tiền mới, 1 đồng trị giá bằng 500 đồng tiền cũ. Mỗi gia đình chỉ được đổi tối đa 200 đồng tiền mới, còn lại phải gửi vào sổ tiết kiệm. Nếu có nhu cầu rút tiền, phải làm đơn xin phép, có lý do chính đáng, cần thiết mới được chấp thuận rút. Còn những người độc thân, chỉ được đổi tối đa 100 đồng tiền mới. Lệnh đổi tiền được bắt đầu từ 11 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Như vậy chỉ có 12 tiếng đồng hồ để đổi tiền.

Dĩ nhiên dân miền Nam có rất nhiều người có nhiều tiền. Nhưng họ biết đưa vào sổ tiết kiệm là bị cướp trắng nên nhiều người chia cho những người nghèo khó, còn lại họ giữ làm kỷ niệm. Tôi có một mình nên chỉ đổi được 100 đồng. Chế độ cộng sản không thể làm giàu cho mọi người nhưng chỉ trong một đêm, chúng đã làm tất cả người miền Nam nghèo bằng nhau.

Sau khi đổi tiền, tôi chuẩn bị xuống Sài Gòn thăm vợ chồng anh chị Trần Dạ Từ, Nhã Ca và anh Sơn (anh ruột của tôi), coi ai đi, ai ở. Khi xuống Sài Gòn, tôi rất mong muốn là khi bước chân vào ngã ba Cây Quéo, số nhà 155 Hoàng Hoa Thám, Gia Định sẽ là ngôi nhà vắng chủ, đã bị bọn cộng sản chiếm giữ, toàn bộ gia đình đã di tản. Nhưng không, trong nhà vẫn đông đủ mọi người, anh chị Trần Dạ̣ Từ, Nhã Ca, anh Sơn và các cháu. Tôi ngạc nhiên hỏi.

-Em tưởng anh chị và gia đình đã di tản trong ngày 30 Tháng Tư 1975? Không ngờ lại còn gặp anh chị và anh Sơn còn ở lại đông đủ.

Chị Nhã Ca buồn rầu nói:

-Nếu hôm đó em ở đây, có lẽ đã có những quyết định khác. Vì hôm đó tất cả đều rối bời. Kẻ muốn đi, người muốn ở, nên không dứt khoát được điều gì. Kết quả là mọi người đều vào rọ.

Tất cả đều hỏi tôi, tại sao ngày 2 Tháng Tư 1975, còn có Air Việt Nam bay lên phi trường Liên Khương Đà Lạt để đón nhân viên và gia đình của phi trường, tôi đã được Nông Văn Vinh thông báo, lại không chịu đi?

-Lúc đó em nhận thấy tình hình này có chạy đến Sài Gòn thì cũng mất, hoài công phí sức. Lúc đó không ai nghĩ có cuộc di tản đi Mỹ, nếu biết thì em đã xuống. Dù cộng sản đã chiếm được Tuyên Đức, Đà Lạt, nhưng người của họ rất ít. Trước khi Chính phủ Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cộng sản không có bất cứ chính sách gì cụ thể đối với vùng họ tạm chiếm. Nếu muốn chạy xuống Sài Gòn, cũng không khó khăn gì.

Anh chị Từ-Nhã báo cho tôi biết là anh Sơn và Hà, em gái chị, đã trở thành vợ chồng. Vì cộng sản đã làm chủ thành phố nên chỉ tổ chức hôn lễ trong gia đình, không mời bạn bè, khách khứa gì cả. Tôi thấy như vậy cũng tốt, anh Từ và anh Sơn trước đây là bạn nối khố từ ngoài Bắc trước năm 1954 ở tỉnh Kiến An, bây giờ lại thành anh em cột chèo. Trần Thị Thu Hà là em ruột chị Nhã Ca Trần Thị Thu Vân. Tuy là em nhưng cách chị Nhã Ca 13 tuổi.

Tôi biết Hà từ những năm 1966, lúc đó Hà học ở trường nữ Trung học Đồng Khánh Huế vào nghỉ hè ở nhà anh chị Từ Nhã, hồi còn ở con hẻm đường Trần Quang Diệu. Hà lúc đó khoảng 14 tuổi nên tôi coi như em gái. Cho đến năm 1970, Hà đỗ Tú tài II, mới vào Sài Gòn ở luôn để học Đại Học Minh Đức, ban Kinh Tế Thương Mại. Năm 1975, vừa tốt nghiệp thì đứt phim.

Anh Sơn khi về Sài Gòn làm việc ở Bộ Kinh tế, ở nhà anh chị Trần Dạ Từ, Nhã Ca, có lẽ tình cảm nẩy nở từ đó, và tiến tới kết hôn. Lúc đó tôi còn đang ở Tùng Nghĩa.

Chị Nhã Ca nói với tôi, ngày 30 Tháng Tư 1975, chị đã quyết định đi, nhưng anh Từ dùng dằng không chịu, lại còn con cái nữa, nếu chị bỏ đi thì các cháu sẽ phân xử ra sao? Do đó nên kẹt phải ở lại. Anh Từ nói với tôi là, khi anh Sơn quyết định lấy Thu Hà làm vợ, anh đã khuyên hai vợ chồng Sơn-Hà nên di tản đi Mỹ, còn anh chị sẽ ở lại vì còn nhà cửa, con cái sáu đứa còn nhỏ dại, từ từ tính sau. Nhưng anh Sơn vẫn không chịu đi.

Anh Sơn lại nói với tôi là vì chỉ có hai anh em, tôi bị kẹt lại Đà Lạt, nên không muốn bỏ đi một mình. Anh còn nói là, sáng 30 Tháng Tư 1975, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Đông, tức anh rể của anh Từ, đã lên nhà 155 Hoàng Hoa Thám, thuyết phục anh chị Từ Nhã di tản với anh chị. Vì anh Nguyễn Hữu Đông có đứa cháu là Trung tá Hạm trưởng, đang đậu chiến hạm ở bến Bạch Đằng thêm hai giờ để anh Đông thuyết phục anh chị Từ Nhã. Anh Đông còn bảo đảm với anh Từ là nếu Chính phủ Mỹ không có ngân sách để nuôi thì anh chị cũng bảo đảm nuôi cả gia đình anh chị Từ Nhã một năm. Nhưng rốt cuộc anh chị vẫn không chịu đi nên gia đình anh chị Nguyễn Hữu Đông đành đi một mình.

Trong những lúc hoảng loạn thế này, việc quyết định đi hay ở là một việc làm hết sức khó khăn. Âu cũng là số mạng.

Anh Trần Dạ Từ khuyên tôi nên ở lại Sài Gòn vì theo kinh nghiệm những thân nhân ở ngoài Bắc vào nói, dù là sống dưới chế độ cộng sản, ở thành phố vẫn dễ chịu hơn ở nông thôn. Hơn nữa ở chung một chỗ, nếu nhỡ trong tương lai, có những biến cố bất ngờ gì, thì tất cả mọi người ở chung, cũng dễ quyết định hơn. Thấy anh nói thế cũng hợp lý vì tôi chỉ có một mình. Trước đây còn vì công việc, muốn thiết lập nông trại, nay việc đó coi như bất thành. Vấn đề làm gỗ thông và vỏ cây bời lời xuất cảng, coi như chấm dứt. Chế độ cộng sản đâu cho mình làm những công việc đó.

Khi cộng sản vào tiếp thu Sài Gòn, chúng còn bỡ ngỡ, chẳng biết ất giáp gì, nên chúng còn sử dụng những công chức của chế độ cũ trong giai đoạn đầu để học việc. Sau khi chúng tạm thông thạo, bèn cho tất cả lần lượt nghỉ việc. Anh Sơn cũng vậy. Bây giờ cũng đã bị bọn cộng sản Việt Nam cho về vườn. Nói tóm lại, toàn thể dân chúng miền Nam đều trở nên thất nghiệp.

Anh Trần Dạ Từ, sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký sắc lệnh về Luật Báo Chí mới, muốn làm báo phải ký quỹ 20 triệu đồng, vì không có tiền nên đã thôi làm chủ báo. Nhưng nhờ nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là chỗ thân tình, anh Côn tuy chỉ là nhà văn nhưng lại được Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng QLVNCH và Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Quân Huấn, rất quý mến, nên thường giao những công việc thầu ấn loát các tài liệu học tập của quân đội cho anh. Vì là tài liệu học tập cho cả hơn triệu người nên số ấn bản rất lớn, một mình anh Nguyễn Mạnh Côn không thể làm xuể nên chia lại một phần cho anh Trần Dạ Từ.

Khi tôi về Sài Gòn, những ấn phẩm đó, một số còn chất đầy ở gầm giường chỗ tôi nằm. Chị Nhã nói, ngày 20 Tháng Tư 1975, hợp đồng giao hàng đã xong, bên Tổng Cục Quân Huấn đã ký giấy nhận đủ và nói anh Từ đến ngân hàng nhận 40 triệu đồng. Nhưng vì anh Từ lừng khừng không chịu vào ngân hàng ký nhận, đến ngày 28, chị thúc quá anh mới chịu đi. Nhưng khi đến nơi, ngân hàng đã đóng cửa, nên mất toi 40 triệu. Nhưng chị cũng tự an ủi,  “Mất như vậy cũng xong, chứ nếu lãnh về, lúc đổi tiền thì cũng thành giấy vụn”.

Anh chị Từ, Nhã lúc đó có tất cả sáu người con. Cháu lớn nhất là Nana Sớm Mai, 13 tuổi; Hônô Lê Phương Đông 10 tuổi; Nina Hòa Bình 6 tuổi; LuLu Sông Văn 5 tuổi; Tina Vành Khuyên 3 tuổi và cu Toe Hưng Chấn 6 tháng tuổi. Các cháu Sớm Mai và Phương Đông đang học Trường Quốc Gia Âm Nhạc ở đường Nguyễn Du về piano và violon đều bị nhà trường đuổi học vì là con của “nhà văn phản động”. Trong nhà còn có mẹ chị Nhã Ca và đứa cháu gái tên Hoa 14 tuổi.

Bấy giờ cộng sản hô hào cả nước tiến nhanh, tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa. Mọi người dân miền Nam chẳng ai biết xã hội chủ nghĩa là quái gì, chỉ thấy tất cả mọi người đều đói khổ, thất nghiệp. Tất cả hàng hóa, thực phẩm đều do nhà nước quản lý. Họ phân phối về các phường, ấp. Khi có hàng, họ loan báo các gia đình đến xếp hàng để mua các thực phẩm, tùy theo số người trong gia đình nhiều hay ít. Ở nhà, cháu Hoa là người được giao nhiệm vụ này. Hễ có báo mua hàng là cầm sổ gia đình chạy ra phường xếp hàng.

Anh Sơn lúc đó bỗng nghĩ ra bán bánh Lubico. Anh mua chiếc xe ba gác, hàng ngày sáng sớm lên xếp hàng mua bánh của hãng ở đường Trần Hưng Đạo. Một lần mua được chừng 6 thùng các loại. Chúng tôi đẩy xe ba gác đến cổng chợ Bến Thành, bán đến trưa thì hết. Phải nói là hãng bánh ngọt Lubico sản xuất ra các loại bánh ngon nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Hãng sản xuất ngày nào cũng bán hết.

Chị Nhã Ca rất khéo tay, chị vẽ mẫu mã, may quần áo, bỏ cho các chợ, cũng sống được qua ngày, khách đặt hàng làm không kịp. Tựu trung, sau ngày định mệnh, tất cả mọi người đều phải tự xoay sở để sống còn. Phần lớn đồng bào miền Nam lúc đó ai cũng ra bán chợ trời. Cộng sản rất tàn ác, chúng biết chỉ đổi mỗi gia đình 200 đồng thì sống ở thành phố được bao lâu, không cần đuổi, họ cũng phải mò về miền núi và nông thôn. Nhưng họ không ngờ là dân Sài Gòn còn của chìm rất nhiều, như vàng, bạc, đôla, kim cương v.v… Họ bán dần để tiêu, kể cả vật gia dụng trong nhà, nếu cần cũng mang bán sạch để ăn cầm hơi, cố bám thành phố, quyết không đi về nông thôn như bọn chúng kêu gọi.

Công việc bán bánh Lubico ở chợ Bến Thành Sài Gòn cũng chỉ được một thời gian ngắn là chấm dứt, vì hãng bánh không còn vật liệu để sản xuất. Hãng phải đóng cửa, công nhân thất nghiệp. Cũng trong thời gian này, tôi và anh Trần Dạ Từ có ghé thăm nhà văn Nguyễn Mạnh Côn vài lần, hỏi thăm anh về tình hình tương lai đất nước, cũng như số phận của anh em mình. Anh Côn thường có những nhận xét chủ quan, rằng nếu mình nằm yên, chắc họ cũng sẽ không làm gì. Thấy anh nói thế, chúng tôi cũng chỉ biết suy ngẫm và chờ thời thế biến chuyển.

Sau khi thôi bán bánh, anh Sơn chuyển qua nghề thợ nhuộm. Anh nhận nhuộm tất cả những xấp vải của chị Nhã Ca đưa. Màu sắc do chị lựa chọn. Nhuộm theo lối thủ công, nấu nước nhuộm tại nhà. Tôi thấy anh lôi các công thức nhuộm của người Đức, pha chế thuốc nhuộm và cân thuốc theo cân tiểu ly. Vì vải chị đưa nhuộm rất nhiều nên anh phải làm việc không ngừng từ sáng đến tối, rất vất vả.

Lúc này, tự nhiên tôi lại được nhiều vị phu nhân nhờ tôi đi bán kim cương, vàng và đôla Mỹ. Phần lớn những vị này giàu có. Họ không dám trực tiếp mang ra chợ trời bán, chắc sợ bị bắt, hoặc giữ tiếng chăng? Tôi chẳng sợ gì, nhờ tôi bán là tôi giúp ngay. Nói thực lúc đó tôi chưa bao giờ cầm vàng, kim cương và đôla Mỹ bao giờ nên tôi không phân biệt được vàng thật giả. Kim cương và đôla cũng vậy. Nhưng những người đưa cho tôi đều là người đứng đắn. Không ai đưa tôi đồ giả. Tôi luôn ra chợ Bến Thành hỏi giá trước, sau đó về báo cho họ biết, nếu đồng ý thì đưa vàng, kim cương hoặc đôla cho tôi mang ra chợ bán, sau đó tôi mang tiền về đưa cho họ. Mỗi lần như vậy bao giờ họ cũng đưa tôi phần hoa hồng.

Nhờ như vậy, tôi mới biết vàng cũng có nhiều loại vàng, mỗi loại giá cả đều khác nhau. Như vàng Kim Thành, núi lớn, núi nhỏ, vàng sọc chìm, sọc nổi. Đôla, giấy 100 giá khác với giấy 20. Kim cương mỗi ly có giá trị và số tiền khác nhau.

Thời gian này ở Sài Gòn rất nhiều tin đồn thổi vô căn cứ. Tuy nhiên có lẽ vì mong đợi thái quá nên mọi người đều mong nó là tin thật. Có những tờ truyền đơn nhỏ kêu gọi mọi người chuẩn bị nổi dậy, lật đổ chế độ cộng sản bạo tàn. Trong tờ truyền đơn ký tên Thiếu Tướng Nguyễn Việt Hưng, Tổng Trấn Sài Gòn Gia Định. Tất cả đều thắc mắc, không biết nhân vật Nguyễn Việt Hưng là ai? Ai phong ông ta làm Tổng Trấn Sài Gòn, Gia Định. Có đúng là ông ta có lực lượng để tái chiếm Sài Gòn không?

CÒN TIẾP

__________

Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: