Tôi khởi sự đi từ Sài Gòn vào đầu Tháng Tư 1990 cho đến bây giờ là giữa Tháng Bảy, như vậy đã được hơn ba tháng. Hiện tại tôi vẫn còn lang thang ở Nà Lày, Quảng Tây, Trung Quốc. Hỏi thăm cách đi Hong Kong, họ cho biết, nếu đủ người, sẽ có người đưa đi, nhưng chờ hoài cũng chưa đủ. Sốt ruột quá, có hôm tôi hỏi anh Sinh:
– Nghe nói Đặc Khu Thẩm Quyến rất gần Hong Kong, tại đây đã có người bơi qua eo biển để đến Hong Kong xin tỵ nạn và đã thành công. Hay anh dẫn chúng tôi đến đó coi có thể thực hiện được không?
– Người bơi đó phải rất khỏe, lại phải có phao buộc quanh mình. Tôi e với sức lực của anh sẽ thực hiện không nổi. Rồi anh bàn:
– Hay là tôi đưa anh và Sáng đến Bắc Kinh. Nơi đó có Toà Đại Sứ Mỹ. Anh từng làm việc cho họ trước đây ở Việt Nam. Nếu anh chạy vào trong đó xin tỵ nạn chính trị chắc họ chấp nhận đấy. Thời kỳ thảm sát Thiên An Môn vào Tháng Sáu năm ngoái, cũng có người Trung Quốc chạy vào xin tỵ nạn và được chấp nhận.
Vài ngày sau, một tin vui bất ngờ đến với tôi. Buổi cơm tối hôm đó, anh Sinh báo cho biết là đã tập họp đủ người cho một chuyến đi. Anh nói:
– Hôm nay tôi đã gặp người đứng ra tổ chức cho cuộc đi lần này. Tất cả, kể cả các anh, tổng cộng gồm 18 người. Như vậy là đủ người gom tiền để mua một chiếc ghe nhỏ. Theo anh Sinh, chiếc ghe nhỏ khoảng 4,000 nhân dân tệ. Vậy mỗi người bỏ ra khoảng 250 nhân dân tệ, tính ra chưa tới một chỉ vàng. Tối mai tôi sẽ mời người dẫn đường tới gặp. Anh và cháu Sáng cứ đi theo sự xắp xếp của anh ta. Người này tôi cũng quen, không cần phải lo lắng gì cả.
Sáng hôm sau, tôi và Sáng hai chú cháu ra thành phố, tìm một nhà hàng khá sang. Có phòng ăn dành riêng cho khách VIP. Trong phòng chỉ có một bàn và có máy lạnh. Gặp người dẫn đường thì được cho biết:
– Tối mai vào lúc 6 giờ tối, chúng ta sẽ xuất phát. Tôi đã bao nguyên một chuyến xe tốc hành có máy lạnh. Trong xe có video cho hành khách xem phim đỡ buồn, vì đi đường xa, xe phải chạy suốt đêm, khoảng 10 giờ hôm sau mới đến nơi gọi là Thái Bình, đây là thành phố nhỏ, có sông trong thành phố. Nhưng sông này ăn thông ra biển. Đây thuộc về tỉnh Quảng Đông nên trước khi đến Thái Bình, chúng ta phải đi qua Quảng Châu.
Hôm sau chúng tôi ăn cơm sớm vào lúc 4 giờ chiều, 5 giờ họ đến đón chúng tôi ra bến xe để 6 giờ xe bắt đầu lăn bánh. Cuộc hành trình đi Hong Kong thực sự bắt đầu. Đến 4 giờ sáng thì xe chạy vào thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông. Tôi nhìn ra đường phố, hình dung lại thành phố này đã có thời kỳ liệt sĩ Phạm Hồng Thái liệng trái bom Sa Điện tính giết Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Merlin nhưng bất thành…
Người tổ chức cho chúng tôi biết đã liên lạc và mua được một chiếc ghe nhỏ với giá 4,000 nhân dân tệ, đủ để 20 người chúng tôi đi. Mọi người phải góp tiền để mua đứt chiếc ghe đó. Người chủ ghe hỏi chúng tôi có ai biết lái ghe không? Dĩ nhiên chúng tôi không ai biết.
– Vậy hãy cho một người nào đó, theo họ xuống ghe, để chỉ dẫn cách điều khiển. Ông ta nói dễ lắm. Chỉ sử dụng chừng một tiếng đồng hồ là thành thạo, tự lái lấy được. Người Trung Quốc không ai dám vượt biên, nên họ chỉ bán ghe, và những người mua ghe phải tự lái lấy. Họ không thể đưa mình đến Hong Kong.
Sau cùng có một bạn trẻ đồng ý đi theo người chủ ghe để học lái. Tôi thấy họ dạy lái ngay ở khúc sông đó. Chạy lượn tới, lượn lui một hồi, chừng khoảng gần tiếng, rồi chạy sát bờ, đón tất cả chúng tôi lên ghe. Đa số những người đi trong chuyến này là người thiểu số Nùng ở Định Quán, một số ít ở Sài Gòn, có một chị người Việt tên Yến có con nhỏ chừng ba tuổi.
Họ mua gà, nhang đèn, rượu đế để cúng, cầu mong thuận buồm xuôi gió. Trước khi đi, chúng tôi hỏi chủ ghe:
– Đi hướng nào thì tới Hong Kong? Khoảng bao lâu thì tới?
Ông ta chỉ tay phía trước:
– Cứ đi thẳng hướng này ra biển. Chừng khoảng sáu tiếng là tới địa phận Hong Kong. Các ông có thể gặp tàu tuần cảnh Hong Kong vớt ở đó, cũng có thể sớm hơn.
Nói thực thì tất cả chúng tôi đều ù ù, cạc cạc, chẳng ai biết gì. Nhưng đến nước này thì “một liều ba bảy cũng liều”. Ghe chạy được hơn hai tiếng, bắt đầu ra biển thì bất thình lình mây giông kéo đến. Bầu trời đen nghịt. Tôi vội nói người cầm lái:
– Cơn bão sắp đổ tới nơi, mau hãy quay vào bờ để tránh bão. Qua cơn bão rồi hãy đi.
Người lái ghe cũng là tay mơ, mới tập lái được khoảng một tiếng, nên khá lúng túng. Tôi nói lớn:
– Cứ lái đâm thẳng vào bờ, muốn vào đâu cũng được.
Khi cơn bão đến, thuyền bị đánh vào bờ. Nằm ngay trong một cù lao, không có người. Lúc này mưa to gió lớn, nhưng ghe đã vào trong bờ nên mọi người đều an toàn. Sáng hôm sau, trời vẫn còn gió to nhưng đã bớt mưa. Tôi và một vài người lên cù lao xem tình hình ra sao. Tôi thấy trên cù lao có một căn nhà trống, trong có giường, khá dài. Bên trên có lợp lá, nhưng nếu mưa vẫn bị dột. Gần đó có một sọt đựng tôm. Nhưng tuyệt nhiên không có bóng người. Tôi nghĩ đây có lẽ là nhà ở tạm cho dân chài trú nắng trong khi đánh tôm cá.
Vì biển còn gió lớn nên tôi kêu mọi người lên đây ở tạm. Nếu đói có thể ăn tôm sống để qua ngày. Vì không có lửa và nồi niêu nên không thể luộc tôm được. Ở đây được hai ngày thì cơn bão chấm dứt. Chúng tôi ra coi lại thuyền và sửa lại chân vịt. Vì hôm vào đây tránh bão, chân vịt bị vướng nhiều rác rưởi và dây nhợ. Sau cùng chúng tôi phát hiện, cù lao này ăn thông với một làng chài gần đó. Chúng tôi đến đó mua lương thực và một ít đồ cần thiết. Dân làng đó cũng hiền lành. Họ cũng chẳng cần biết chúng tôi là ai, cứ mua là họ bán.
Vì có đồ ăn nên chúng tôi nghỉ thêm hai ngày nữa cho khoẻ hẳn rồi mới tiếp tục lên đường. Có hai vợ chồng trẻ người Nùng ở Định Quán, vì sợ đi gặp bão nữa thì toi mạng, nên họ về lại Việt Nam, không đi tiếp. Như vậy chúng tôi còn lại 18 người.
Sau khi trời quang mây tạnh, chúng tôi lại xuất phát vào khoảng 10 giờ sáng. Thuyền cứ hướng trước đi tới. Đến khoảng 2 giờ chiều, tức ghe đã đi được bốn tiếng, chúng tôi nghe tiếng la lớn, bắt ghe chúng tôi dừng lại:
– Ghe chạy đi đâu? Dừng lại ngay.
– Chúng tôi đến Hong Kong xin tỵ nạn.
Trên chiếc giang đỉnh có tiếng nói lớn:
– Đây là địa phận của Hong Kong. Tất cả mọi người hãy lên tàu tuần duyên. Chúng tôi sẽ đưa mọi người đến trại tỵ nạn.
Thế là họ quăng cầu dây xuống ghe, kéo tất cả chúng tôi lên tàu tuần duyên. Họ không quên đánh đắm chiếc ghe, trước khi cho tàu chạy như bay đến Hong Kong. Hôm đó là một buổi chiều nắng đẹp và gió nhẹ. Chiếc tuần duyên chở 18 người chúng tôi đi như bay trên mặt biển. Khoảng 5 giờ chiều thì tới Hong Kong. Nếu không gặp tàu tuần duyên, có lẽ chúng tôi phải chạy mất 10 tiếng nữa mới tới.
Trên đất liền, gần bến cảng, tôi thấy dân chúng cũng thưa thớt, có lẽ họ cũng đã tan sở từ lúc 4 giờ nên không còn đông người ở ngoài đường. Tàu tuần duyên chở chúng tôi cặp hòn đảo gần bờ gọi là Thanh Đảo hay Thanh Châu. Đảo này rất nhỏ. Tới đây, chúng tôi phải làm các thủ tục đầu tiên như chụp hình, lăn tay, kê khai lý lịch cá nhân. Câu hỏi mọi người phải trả lời là:
– Lý do nào anh hay chị phải đến Hong Kong xin tỵ nạn?
Đảo này là nơi thanh lọc đầu tiên không phải là xét qui chế tỵ nạn, mà để phân biệt có người Trung hoa lục địa lẫn lộn trong đó hay không. Nếu có, những người này sẽ bị nhốt riêng và sẽ trả về cho công an Trung Quốc. Để phân biệt người Việt và người Đại Lục, cảnh sát Hong Kong sẽ đưa cho mỗi người nhìn tiền giấy Việt Nam, và đọc vài hàng tiếng Việt. Nếu người nào không đọc được tiếng Việt hoặc phân biệt được đồng tiền Việt Nam là họ biết người đó không phải người Việt Nam.
Trong 18 người chúng tôi, hình như có một người Trung Quốc lẫn vào. Người ấy bị nhốt riêng để hôm sau trao trả cho phía Trung Quốc. Chúng tôi chỉ còn lại 17 người.
Đảo Thanh Châu chỉ là nơi tạm trú cho tất cả chiếc thuyền mới tới. Mọi người chỉ ở đây một thời gian rất ngắn rồi chuyển đi các trại trên đất liền. Mỗi chiếc thuyền đến đây đều được đánh số. Như thuyền của chúng tôi là số 2789/90. Tức là đến Hong Kong năm 1990, để sau này họ căn cứ vào số thuyền và ngày đến để lần lượt thanh lọc, được hoặc bị từ chối quyền tỵ nạn sau này. Vào thời gian đó, các trại tỵ nạn Hong Kong đã đón nhận khoảng 67,000 thuyền nhân. Trong khi tất cả các trại tỵ nạn ở các nước Đông Nam Á chỉ khoảng 62,000. Như vậy còn khoảng trên 120,000 thuyền nhân đang còn kẹt ở các trại tỵ nạn. Riêng Hong Kong chiếm trên một nửa.
Chúng tôi ở đó mỗi ngày được ăn ba bữa. Sáng bánh mì sữa; trưa và chiều, mỗi người được phần cơm hộp, gồm ba món, cơm thịt hoặc cá, đồ xào. Trại đặt ở các nhà hàng ở bên đất liền. Trong trại không có nấu nướng, chỉ lo sữa và bánh mì ăn sáng. Các phần cơm hộp rất lạt, không có mắm muối gì cả nên rất khó ăn. Cũng may, vài ngày sau đó, có vài cô, cũng là thuyền nhân, đến trước tôi và đang làm việc phục vụ ăn sáng cho thuyền nhân, đến gặp tôi nói chuyện và cho tôi ít nước tương và muối. Sau đó tôi biết tên các cô là Nga và Liên. Hai cô cho tôi phong bì, tem thơ và viết Big để viết thơ cho thân nhân ở nước ngoài. Khi chạy trốn khỏi Sài Gòn, tôi có mang theo giấy ra trại và cuốn sổ tay ghi địa chỉ người quen, trong đó có địa chỉ của anh chị Trần Dạ Từ, Nhã Ca ở Thụy Điển.
Tháng Sáu 1993, đơn xin tỵ nạn Hoa Kỳ của tôi bị Cục Di Dân Hong Kong gửi giấy báo từ chối. Cả trại đều rúng động khi biết tin. Mọi người không hiểu sao một người có lý lịch mạnh như tôi lại có thể bị từ chối quyền tỵ nạn? Chính tôi cũng không thể ngờ. Sau khi nhận lại hồ sơ xin tỵ nạn, tôi mới biết lý do mà sĩ quan Cục Di Dân Hong Kong từ chối:
“Đương sự từng cho người vào chiến khu, thành lập tổ chức lật đổ Chính phủ cách mạng miền Nam Việt Nam, như vậy là bất hợp pháp, nên không thể cho người này được quyền tỵ nạn”.
Đọc lý do từ chối của họ, tôi thực sự tức cười, không biết viên sĩ quan này có mù về lịch sử diễn tiến vào cuối thập niên 1980 cách đây vài năm hay không. Những quốc gia cộng sản từ Liên Xô cho đến các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức v.v… đều bị dân chúng của chính các nước đó nổi dậy lật đổ, và chuyển sang chế độ Dân Chủ, Tự Do. Trong quá trình đó, không thấy bất cứ quốc gia nào trên thế giới nói lật đổ các chế độ độc tài cộng sản là bất hợp pháp?
Tháng Bảy 1993, Văn Bút Quốc Tế có trụ sở tại Anh cử cô White sang Hong Kong, vào tận buồng trong trại gặp tôi. Cô cho tôi biết Hội đã có văn thư gửi Thống đốc và Chính quyền Hong Kong can thiệp và khuyên tôi yên tâm. Cuối Tháng Tám 1993, tôi nhận được giấy mời của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ. Khi tôi đến văn phòng Cao Ủy, vị Cao ủy trưởng của trại tươi cười bắt tay tôi và nói: “Chúng tôi đã can thiệp trường hợp của anh. Khi ra Ủy ban tái xét, anh sẽ được công nhận quyền tỵ nạn. Tôi báo tin trước để anh yên tâm”.
Một thời gian dài sau, tôi – với tư cách Chủ Tịch Ủy Ban Đấu Tranh Đòi Quyền Tỵ Nạn tại Hong Kong – được đưa qua Philippines. Hôm đó, đúng 8 giờ sáng, cảnh sát Hong Kong đến trại đón một số người chuyển trại đi Phi, trong đó có tôi. Tất cả được tập họp ra sân trại. Tôi ước lượng số người đi Phi khoảng gần 20, trong số đó có cả phụ nữ và trẻ em.
Mọi người được lên xe, riêng tôi, một mình được khoảng trung đội cảnh sát hộ tống đặc biệt trên một xe riêng, trên xe có cảnh sát đi kèm. Rõ ràng tôi là người bị trục xuất khỏi Hong Kong chứ không phải được chuyển trại như những người bình thường. Có lẽ chính quyền Hong Kong e rằng tôi ở lại Hong Kong sẽ tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi quyền tỵ nạn ở nơi đây nên họ phải tống khứ tôi thật nhanh, và để chắc ăn, phải cho cảnh sát đi hộ tống ra phi trường.
Trong khi những người khác đã lên phi cơ, tôi vẫn được canh giữ bởi một trung đội cảnh sát. Họ cho người mang hành lý tôi đi gửi. Vé máy bay họ cầm sẵn nhưng không đưa cho tôi. Khi máy bay gần cất cánh, hai sỹ quan cảnh sát Hong Kong hộ tống tôi lên phi cơ. Khi đến chỗ ngồi, họ mới đưa vé cho tôi và hỏi tôi cần họ giúp đỡ gì không… Phi cơ đáp xuống phi trường quốc tế Manila, Phi Luật Tân khoảng giữa trưa. Ở đó đã có xe của trại tỵ nạn Bataan Morrong ra đón. Về đến trại khoảng 5 giờ chiều…
Cuối cùng, khoảng cuối Tháng Mười 1994 thì mọi thủ tục đi Mỹ của tôi đã hoàn tất. Tôi vẫn không biết có ai làm giấy bảo trợ hay chưa? Vì tôi nghĩ có thể Khánh Ly đã lo phần vụ đó, như chị Nhã Ca trước đây đã viết trong thư. Giữa Tháng Mười Một 1994, tôi nhận được giấy báo chuẩn bị đi Mỹ, ghi rõ ngày giờ. Rồi ngày đi định cư ở Mỹ cũng tới. Trước khi đi, tôi tổ chức một buổi tiệc trà để chia tay mọi người. Chuyến đi Mỹ đó có 11 người. Chúng tôi được chuyển ra Trại Trasit gần sân bay quốc tế Manila. Ở lại đó hai ngày trước khi lên máy bay qua Mỹ…
Rồi cũng đến ngày lên phi cơ để đi định cư tại Hoa Kỳ. Đó là ngày 30 Tháng Mười Một 1994 – một ngày không thể nào quên. Chuyến bay của hãng hàng không liên lục địa South West của Hoa Kỳ. Phi cơ chứa khoảng 350 hành khách, có 11 người tỵ nạn trong chuyến bay này. Phi cơ đáp xuống phi trường Los Angeles lúc 9 giờ 45 sáng ngày 30 Tháng Mười Một 1994. Khi vừa bước chân qua cổng vào trong thì thấy vợ chồng Nguyễn Văn Lễ đã có mặt sẵn để đón tôi. Tôi theo vợ chồng Lễ ra xe, và người tài xế lái xe đưa chúng tôi đến văn phòng USCC ở Los Angeles, nơi anh Nam Lộc làm việc. Lúc này anh Nam Lộc là Giám đốc di trú của Cơ Quan Thiện Nguyện Trung Tâm Công Giáo, Giáo Phận Los Angeles. Nam Lộc ra bắt tay và chào hỏi niềm nở: Chúc mừng anh đã đến bến bờ tự do!
__________