Sư Đoàn Tiền Giang

Khu trung tâm Mỹ Tho xưa

Lời Tác Giả: Tôi ghi lại bài viết nầy với lòng kính trọng và ngưỡng mộ những người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho lý tưởng tự do dân chủ chống lại cộng sản trên đất Việt. Họ là những anh hùng sống mãi với non sông.

Tháng Tám năm 1977 cộng sản mở một phiên tòa tại Mỹ Tho để xử một vụ án âm mưu lật đổ chính quyền, tổ chức có danh xưng là “Sư Đoàn Tiền Giang.” Tuy luôn luôn nói là công khai nhưng không có thân nhân bị cáo tham dự, cũng như không có phóng viên báo chí theo dõi hay tường thuật, kể cả báo chí trong nước. Phiên tòa chỉ đọc cáo trạng trong khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Không có luật sư bào chữa, nhân viên pháp lý cũng như bồi thẩm nhân dân đều do chính quyền chỉ định. 

Tất cả bị can không có kháng án. Hoàng Văn Ngãi, Tư lệnh sư đoàn, tử hình. Hai anh em Trương Văn Thân (Bí danh Trần Minh Dũng), Tham mưu trưởng và Trương Văn Dậy (Mười Dậy), Chỉ huy trưởng khu Căn cứ Long An, mỗi người lãnh án 10 và 20 năm tù khổ sai. Khoảng hơn 20 người khác bị kết tội phản động và lãnh án từ 5 đến 10 năm tù giam. Tất cả đều bị bắt tại nhà Trần Minh Dũng vào buổi chiều tối ngày 10 Tháng Mười năm 1976 đem về Trung tâm Thẩm vấn (Tân Mỹ Chánh) nhốt vào xà lim hay biệt giam. Sau đó từng đợt được chuyển lên khám đường cũ ở số 2 đường Lãnh Binh Cẩn, thành phố Mỹ Tho.

Việt Nam 1991

Ngược dòng thời gian, kể từ khi có lệnh đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả sĩ quan, binh lính cùng các viên chức tại địa phương đều rời khỏi cơ sở hoặc nơi đơn vị đồn trú. Sau đó, đa phần đều ra trình diện đi cải tạo, theo như thông báo trên báo chí và đài phát thanh của cộng sản. Một số khác vẫn còn lẩn trốn không ra trình diện. Có người mai danh ẩn tích, về các vùng xa xôi hẻo lánh tận miền Thất Sơn, Châu Đốc hay xuống vùng U Minh, Cà Mau. Lâu dần biệt tích, có thể họ đã vượt biên hoặc chết không ai biết. Cũng có người chờ tham gia các tổ chức kháng chiến được móc nối từ nước ngoài như trong vụ án Trần Văn Bá sau nầy.

Chỉ một thời gian ngắn, sau ngày cộng sản chiếm đóng toàn miền Nam, họ đã biểu lộ rõ dã tâm thống trị đất nước Việt Nam bằng một chế độ độc tài hà khắc. Giam cầm, lưu đày các sĩ quan, viên chức VNCH vô thời hạn. Ngược đãi thành phần trí thức, học giả miền Nam. Trấn áp dân chúng rời thành phố đi các vùng rừng thiêng, nước độc để cán bộ đảng viên miền Bắc tràn vào, chiếm ngụ nhà cửa trong thành phố hoặc các vùng đất đai trù phú trong Nam.  

Kể từ giữa năm 1976, họ ban hành các chính sách phân biệt đối xử với các thành phần xã hội. Người miền Nam sinh sống trong vùng do VNCH kiểm soát bị loại ra khỏi các sinh hoạt công quyền, kể cả trong các lãnh vực kinh tế và xã hội. Không đủ sức để chống lại kẻ xâm lược, một làn sóng vượt biên, vượt biển đã trở thành phong trào, lan rộng khắp miền Nam.

Một chiếc ghe vượt biên

Lúc bấy giờ, Sư đoàn Tiền Giang là một tổ chức sớm nhất ở trong Nam chống lại sự cầm quyền của cộng sản. Thành phần tham gia đa số là quân nhân, viên chức VNCH đã cải tạo về hoặc còn đang lẩn trốn trong vùng Tiền Giang từ sau ngày cộng sản chiếm đóng. Tên gọi là sư đoàn, tổ chức giống như một đơn vị quân lực VNCH cũng có các phòng ban… nhưng chỉ khác ở chỗ là không có trang bị vũ khí. Cho nên trong giai đoạn hình thành, sư đoàn hoạt động giống như một phong trào nhân dân nổi dậy, chống lại cộng sản. 

Cấp chỉ huy sư đoàn là các nhà hoạt động chính trị thời VNCH như ông Trương Văn Thân, nguyên Trưởng Ty Nông nghiệp tỉnh Định Tường là một trong những sáng lập viên đảng Tân Đại Việt; Trung tá Hoàng Văn Ngãi là sĩ quan Tham mưu, Tiểu khu Định Tường, ông Lê Văn Điểu là Tỉnh Đoàn trưởng Cán bộ Xây dựng Nông thôn.

Theo kế hoạch, sư đoàn sẽ là lực lượng nòng cốt tổ chức ra mắt hoạt động công khai, khi được dư luận quốc tế quan tâm, cũng như sự ủng hộ, tài trợ của nước ngoài thì sư đoàn sẽ tập họp đông đảo và qui củ hơn để trở thành một lực lượng chính trị đấu tranh chống cộng sản.

Sư đoàn thành lập vào đầu Tháng Tư năm 1976 tại Mỹ Tho dưới sự chỉ đạo của Trần Minh Dũng (Tư Thân). Hoạt động chính yếu lúc bấy giờ là tổ chức rải truyền đơn chống cộng sản. Tuyên truyền, kết nạp cảm tình viên và thành viên hoạt động trong vùng Tiền Giang. Ngoài ra, sư đoàn còn mở rộng kết hợp với các lực lượng Phật giáo Hòa Hảo ở các tỉnh miền Tây.

Tại địa phương Tiền Giang, tiềm năng mạnh nhất là lực lượng “thám sát” tỉnh không ra trình diện sau ngày miền Nam thất thủ. Ông Huỳnh Hoa, nguyên Chỉ huy trưởng Thám sát (PRU) tỉnh Định Tường sẵn sàng huy động lực lượng còn lại đang trà trộn sinh sống trong dân vùng Bến Tranh giáp ranh với tỉnh Long An để yểm trợ sư đoàn.

Cho đến khi Bộ chỉ huy bị vây bắt tại nhà Tư Thân, đường Pasteur (Trần Hưng Đạo), gần vườn “Ông Khánh”, thành phố Mỹ Tho thì thành viên sư đoàn hầu như có mặt khắp nơi trên vùng lãnh thổ của ba tỉnh Long An, Định Tường và Kiến Hòa. Đồng thời sư đoàn còn được sự ủng hộ tích cực của tổ chức “Liên Bang Đông Dương” đang hoạt động trong vùng Gò Công, Chợ Gạo.

Sau ngày 10 Tháng Mười 1976, công an Tiền Giang ráo riết truy lùng bắt các thành viên hoạt động của sư đoàn đang tản mát khắp nơi.

Trong một trại “cải tạo”. (Photo by: Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images)

Bắt đầu là khu căn cứ ở Long An do Mười Dậy (Trương Văn Dậy) chỉ huy. Công an phối hợp với bộ đội địa phương dùng súng tấn công căn cứ, gây thiệt mạng nhiều người và bắt sống một số người tay không, không trang bị vũ khí. Một số vượt thoát ra ngoài bị bộ đội rượt theo bắn chết. Số còn lại lẩn trốn trong nhà dân và thoát đi về hướng Mộc Hóa.

Sau đó, công an dùng các phương tiện giam cầm dã man đối với tù nhân bị bắt. Tra tấn, biệt giam và cùm chân trong phòng tối là đòn cân não để khai thác tin tức. Càng lúc họ càng truy ra nhiều manh mối hơn và đi lùng bắt nguội (không có lệnh của tòa án) khắp nơi.

Thành phần bị bắt bao gồm đủ mọi loại, từ sĩ quan, binh lính VNCH cho đến các giới chức trong chính quyền cũ tại địa phương, trong đó có cả các viên chức tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh (QGHC). Công an ruồng bố trong các cư xá công chức cũ và trại gia binh trước đây. Chỉ trong vòng 10 ngày khám đường cũ chật kín người, công an phải chuyển một số tù nhân xuống trại giam mới, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho chừng khoảng 4 cây số.

Trong thời gian sáu tháng, công an truy lùng bắt tất cả những ai có liên quan đến những người bị bắt, từ quan hệ gia đình cho đến bạn bè người quen, thân thuộc. Tháng Tư 1977 công an chuyển tất cả những người bị bắt vì tham gia sư đoàn Tiền Giang xuống trại giam chính của tỉnh.

Tình hình căng thẳng, khiến cho nhiều người có quen biết chưa bị bắt đã bỏ trốn dây chuyền, mặc dù không có liên can gì cả. Một người bị bắt nhốt, kéo theo hàng chục người khác bị công an bắt đi thẩm vấn. Thật ra, tổ chức cũng chỉ mới còn trong vòng tụ họp và tuyên truyền tham gia với tính cách cảm tình viên thì nhiều, nhưng tuyên thệ hoạt động chính thức tương đối vẫn còn ít, trừ những người chủ chốt.

Trong số những người bị bắt nguội có hai anh Lê Tấn Trạng và Ngô Ngọc Vĩnh (QGHC). Anh Lê Tấn Trạng, cựu Dân Biểu VNCH bị bắt tại quê nhà, làng Tân Hòa Thành, Bến Tranh, Định Tường trong đêm Tháng Mười 1976 và Ngô Ngọc Vĩnh cũng bị bắt cùng ngày tại nhà riêng ở thành phố Mỹ Tho.

Tác giả Trần Bạch Thu (trái) và ông Ngô Ngọc Vĩnh (Little Saigon 2018). Ảnh tác giả gửi

Sau khi tòa tuyên án chính thức và những người bị bắt, trừ một số có án ngầm cải tạo lâu dài, đa số đều có lệnh tập trung cải tạo ba năm vào cuối năm 1977. Riêng Trung tá Hoàng Văn Ngãi chết trong tù trước khi thi hành án tử hình. Tất cả phạm nhân bị đưa đi lao động khổ sai ở trại cải tạo Mỹ Phước hay ở khu nông nghiệp Cồn Tròn, Cái Bè, Tiền Giang.

Cộng sản giấu nhẹm nhiều sự kiện trong vụ án qua một phiên tòa nhanh chóng để xử các bị can. Theo lời một nhân vật có thẩm quyền cho biết, vụ án đã được Mai Chí Thọ chỉ đạo không khoan nhượng. Không biết cộng sản xử kín, tử hình bao nhiêu người, chết hay sống ra sao trong nhiều năm qua vì không có tin tức.

Vụ án Sư đoàn Tiền Giang khép lại với thông tin rất hạn chế ở địa phương cũng như các phương tiện truyền thông trong nước bị cấm phổ biến, do đó cho đến nay có rất ít người Việt Nam biết đến một tổ chức chống cộng nổi lên rầm rộ ngay trong những năm đầu khi cộng sản chiếm miền Nam và đặt ách thống trị trên cả nước. 

Lịch sử là lịch sử, không ai và không một thế lực nào có thể bẻ cong hay bôi đen được. Sư đoàn Tiền Giang mãi mãi là một tổ chức chống cộng ghi đậm nét trong trang sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam trong thời cận đại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: