LTS: Vào đầu thế kỷ 17, nghĩa là trước đây gần 400 năm, đã có một người Ý tới Đàng Trong. Trong gần năm năm trời, ông đã xem xét và nhận định về đất nước và con người Việt Nam. Rồi vào năm 1621-1622 ông đã viết một bản tường trình rất lạc quan, rất trìu mến
Cristoforo Borri là một trong số các Giáo-sĩ Dòng Tên đến xứ Đàng-Trong trước nhứt, lúc này là thời của chúa Sãi, tức chúa Nguyễn-Phúc-Nguyên, giai đoạn này các Giáo-sĩ thừa-sai được tiếp đón khá cởi mở, việc bức hại từ chánh-quyền là gần như không có.
Vị Giáo-sĩ này nhận xét về con người Đàng-Trong khi đó như sau:
Về hình dáng, ông cho rằng dân xứ này có nhiều nét giống người Trung-Quốc ở các đặc điểm: Da hơi tai tái, không trắng trẻo như xứ Đàng-Ngoài, mũi tẹt, mắt nhỏ.
Về tầm vóc chung, ông cho rằng dân xứ này thuộc dạng trung bình, nhỏ con hơn dân Nhựt-Bổn, nhưng cao lớn hơn dân Trung-Quốc, bên cạnh đó dân xứ này hoạt bát và tráng kiện hơn dân Trung-Quốc và Nhựt-Bổn. Về đầu óc ông Borri cho rằng dân Đàng-Trong hơn dân Trung-Quốc. Xét về tánh liều mạng, gan dạ, dũng cảm, ông xếp dân Nhựt-Bổn trên hết.
Sở dĩ chúng ta thấy ông so sánh dân Đàng-Trong với Nhựt và Trung-Quốc vì những nơi này ông đã đi qua, và hai nước này có tầm ảnh hưởng lớn với khu vực khi đó, bây giờ cũng vậy. Ông cũng có nhắc về Ấn-Độ và vài nước khác.
Xét về bổn chất, ông có phần dành nhiều thiện cảm cho xứ Đàng-Trong.
Ông cho rằng dân xứ này lịch sự, và nhã nhặn với người châu-Âu hơn các nước Á-Đông khác mà ông từng ghé.
Dân Á-Đông khi đó nhìn người châu-Âu như những kẻ phàm phu tục tử, có phần căm ghét, gặp Tây-dương thì bỏ chạy. Dân Đàng-Trong thì khác.
Khi gặp người Tây-dương, chúng ta kéo nhau đến bắt chuyện, hỏi han họ đủ điều, mời họ ăn uống, cư xử rất văn minh, lịch thiệp. Ông và các bạn phần bất ngờ, và ông cho rằng đây là một điều kiện tốt để truyền đạo.
Chúng ta nên biết, người Nhựt họ bách hại các giáo-sĩ rất dữ dội, những nhà truyền-giáo rất e ngại khi đến nước này.
Ông nhìn nhận dân Đàng-Trong cư xử với nhau thân tình như anh em một nhà, đoàn-kết. Đến nỗi việc ai đó có thức ăn gì mà không chia xẻ cho người xung quanh mỗi người một ít thì sẽ bị mang tiếng là ti tiện(?).
Tiếp theo ông nhận xét dân ở đây bổn tánh lương thiện, tử tế với người nghèo khó, luôn sẵn sàng bố thí những gì người khác cần, tức nhiên trong khả năng họ có. Và điều đó được coi như là bổn phận.
Tàu thuyền nước khác bị đắm, trôi dạt vô Đàng-Trong, không biết ngôn ngữ xứ này, chỉ cần biết mỗi từ ” doij” ( nghĩa là đói, tôi đói), tới nhà dân bổn-địa và nói ” doij” thì dân chúng kéo tới giúp họ đồ ăn, thức uống. Ngoài ra còn hỗ trợ họ đủ thứ, Chúa sẽ ban cho họ một chiếc thuyền giúp họ hồi hương, nhưng thậm chí họ còn không muốn rời xứ này, theo như ông Borri miêu tả xứ này “không cần lao động vẫn có cái ăn”.
Thuyền-trưởng của họ phải đem hung khí ra dọa nạt họ mới chịu lên thuyền, cùng với đó là vô số gạo mà họ được dân ở đây cho.
Khi cho, bố thí thì dân Đàng-Trong phóng khoáng và nhanh chóng mở lòng ra bao nhiêu, thì họ cũng dễ đòi hỏi (xin) khi thấy cái gì đó lạ lạ.
Khi nhìn thấy mấy ông Tây đem theo những vật mà đó giờ họ chưa nhìn thấy, họ sẵn sàng nói “scin mocaij” (xin một cái), nếu mà từ chối sẽ bị coi là thiếu lịch-sự, xấu xa.
Những ông Tây có kinh nghiệm ứng xử với dân xứ này thì thường những gì quý giá, quan trọng họ sẽ giấu đi không mang ra, còn nếu mang ra thì chấp nhận sẽ cho.
Có một câu chuyện liên quan đến việc này.
Ông lái buôn người Bồ, do không được nói trước về điều này, nên đã khó chịu với tập quán khác lạ này, ổng định chơi lợi dân bổn-địa.
Ổng tới một chiếc thuyền của một ngư-phủ nghèo, chỉ vô giỏ cá lớn và nói tiếng bổn xứ: “scin mocaij”, ông ngư-phủ không nói không rằng, liền đưa hết giỏ cá cho ông lái buôn. Đến đây thì tay lái buôn vừa ngạc nhiên vừa cảm phục tánh rộng rãi của dân xứ này.
Về cách ứng xử, thứ bậc trong giao-tiếp hàng ngày, ông Borri nhận thấy sự tương đồng của dân Đàng-Trong và Trung-Quốc, kẻ dưới tôn kính người trên, bình-đẳng giữa con người với nhau, kính trọng người lớn tuổi. Và tuổi tác được coi trọng hơn cấp bậc, người trẻ kính nhường người già.
Ông có kể câu chuyện: Một lần có mấy vị quan lớn đến thăm nhóm của ông, và các vị quan có biết trong nhóm ông có một vị Linh-mục cao tuổi nhứt, nhưng không phải là Cha bề trên. Và người mà các vị quan đến chào trước tiên là vị Linh-mục cao tuổi nhứt, chớ không phải vị Cha bề trên trẻ tuổi.
Ông Borri tiếp tục khen ngợi dân Đàng-Trong ở sự hào-hiệp, quý mến người ngoại-quốc qua việc cho họ được phép sống theo luật riêng của họ và ăn bận tùy theo phong-tục, tín-ngưỡng của xứ họ, không câu nệ khó dễ.
Thậm chí dân Đàng-Trong còn khen các tập-quán, học-thuyết xa lạ của người ngoại-quốc với thái độ rất lịch sự và khâm phục những điều mới mẻ của họ. Điều này làm ông ngạc nhiên, vì nó khác hẳn với thái độ tự-phụ của người Trung-Quốc về các phong-tục và tín-ngưỡng, giáo-điều bám rễ lâu năm của họ.
Ông Borri cũng có nhắc về việc ăn bận của dân Đàng-Trong. Vật liệu để may quần áo của xứ này là lụa, đây là điều xa xỉ với nhiều nơi khác trên thế giới khi đó.
Thậm chí đến cả tiều-phu, thợ thủ-công cũng xử dụng tơ lụa tùy tiện, thoải mái, không cần phải là quý-tộc như xứ khác mới được bận tơ lụa.
Ở chương III: “Hơn một lần tôi lấy làm thích thú quan sát đàn ông và đàn bà vận chuyển những tảng đá, vôi hay các vật liệu tương tự mà chẳng mảy may giữ cho quần áo đẹp họ mang khỏi rách hoặc bẩn. Và chuyện này không có gì lạ, nếu ta biết họ trồng dâu trên những cánh đồng mênh mông như ta trồng gai dầu, tằm ăn lá dâu sẽ nhả tơ rồi đem tơ đó dệt lụa….. Lượng tơ tằm này phong phú đến nỗi không những đủ dùng cho người dân xứ Đàng-Trong mà còn cung cấp cho cả Nhật Bản và đưa sang xứ của người Ai Lao, từ nơi đó được chuyển đi Tây Tạng”.
Về cách ăn bận của phụ-nữ xứ Đàng-Trong, ông đánh giá “chỉnh tề hơn hẳn so với phụ nữ khắp Ấn-Độ”, ngay cả trong những ngày hè nóng kinh khủng, phụ nữ xứ này vẫn kín đáo không lộ ra một chút da thịt nào.
Họ bận năm đến sáu lớp váy màu sắc khác nhau, lớp trong cùng là trịnh trọng, nặng nề nhứt và dài tới đất, che phủ cả bàn chưn. Lớp thứ hai ngắn hơn, lớp thứ ba ngắn hơn lớp thứ hai… cứ như vậy lặp lợi đến lớp thứ năm, sáu.
Phần áo thì phía trong là một tấm vải kẻ nhiều màu sắc, phía ngoài là một tấm voan mỏng, nhìn thấy được hoa văn cầu kỳ, chỉn chu.
Tóc thì họ để bình bồng trên vai, độ dài thường là chạm đất, quan-niệm khi đó tóc càng dài thì càng đẹp. Trên đầu họ đội chiếc nón rộng vành, dệt bằng lụa và chỉ vàng, tùy theo cấp bậc xã-hội. Khi chào hỏi nhau, theo phép lịch-sự, người phụ-nữ sẽ cởi nón ra.
Về các học-trò, họ ăn bận nghiêm trang hơn, không quá nhiều màu sắc bông hoa, lớp ngoài cùng là chiếc áo dài màu đen (tui không chắc là loại áo dài như chúng ta quen thấy lâu nay), cổ họ quàng một chiếc khăn, trên tay họ vắt thêm một cái khăn màu xanh, đầu đội mũ giống kiểu mũ lễ của các Giám-mục lúc bấy giờ.
Cuối cùng là cây quạt, cả nam và nữ đều có cây quạt phe phẩy trên tay, giống kiểu các phu nhơn bên Âu-châu. Dân Đàng-Trong coi đây như thứ trang sức hơn là vật dụng làm mát.
(Trích Xứ Đàng Trong của Cristoforo Borri, bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên & Nguyễn Nghị, biên tập từ Góc Nhìn An Nam).