Sáng thứ Bảy 09 Tháng Ba 2024 tại chùa Từ Hiếu thuộc GHPGVNTN, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống, đã trang trọng làm lễ húy nhật (tưởng niệm ngày mất) Đức Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng Thống GHPGVNTN.
Tôn giáo độc lập hiện nay đang ở trong những tình thế vô cùng khó khăn vì sự vây hãm của Chính quyền cộng sản Việt Nam. Sự ra đi của Hòa Thượng Thích Quảng Độ rồi đến hòa thượng Tuệ Sỹ, là một mất mát vô cùng to lớn cho những người hướng về Phật giáo chân chính không bị nhà nước thao túng.
Trên bàn cờ đàn áp tôn giáo, Hà Nội đã vỗ tay vui mừng nhiều lần và nghĩ rằng GHPGVNTN đã vào giai đoạn cùng tận. Thế nhưng lòng người và những diễn biến thì lại khác biệt, cùng với sự suy đồi của Phật giáo do nhà nước Việt Nam, người ta có cơ hội nhìn thấy giá trị nguồn cội quý giá của Phật giáo tinh khiết Việt Nam, hiện vẫn nằm ở GHPGVNTN.
Nhân tưởng niệm năm thứ tư, ngày mất của Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ, xin được điểm lại cuộc đời tranh đấu và gìn giữ Phật giáo, đồng hành cùng những khổ đau của dân tộc mà ngài quyết không lìa bỏ cho đến khi nhắm mắt.
Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, thế danh Đặng Phúc Tuệ, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1928, nhằm 16 tháng 10 năm Mậu Thìn, tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình kính tin Phật Pháp.
Từ năm 1972, Hòa thượng Thích Quảng Độ là Phát ngôn nhân kiêm Thanh tra của Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Tháng 11 năm 1973, tại Đại hội kỳ V công cử Ngài giữ chức Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Thập niên 1970-1980: Hòa thượng cùng với Hòa thượng Huyền Quang và 5 Giáo phẩm cao/trung cấp khác ở Viện Hóa Đạo bị nhà chức trách Việt Nam bắt giam từ tháng 4/1977, đến tháng 12/1978 được tha bổng sau một phiên tòa tại Sài Gòn nhờ áp lực của chính giới và truyền thông Âu Châu sau chuyến đi Pháp đầu tiên của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Đến năm 1982, bản thân Ngài và Mẫu thân của Ngài bị trục xuất khỏi Sài Gòn, cưỡng bách an trí tại nguyên quán là xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình.
Mười năm sau Hòa Thượng tự ý bỏ nơi cưỡng bách cư trú, tìm vào Nam hoạt động công khai đòi tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chính Quyền đã ra lệnh trục xuất Ngài về Bắc nhưng Ngài không thi hành, vì Ngài cho rằng công dân Việt Nam có quyền cư trú ở bất cứ đâu trên đất nước theo Hiến pháp quy định.
Năm 1998: Dưới áp lực của chính phủ Hoa Kỳ, Hòa thượng được trả tự do và bị yêu cầu phải đi tỵ nạn tại Mỹ, nhưng Hòa Thượng từ chối và nói rằng Ngài phải ở lại trong nước với quần chúng Phật tử. Tuy mang tiếng là được thả ra, nhưng thực chất Hòa Thượng vẫn bị quản thúc và cấm thuyết pháp.
Năm 2003, trong phiên Đại Hội Đặc Biệt của GHPGVNTN tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, Đại hội cung cử Ngài Huyền Quang vào tôn vị Tăng Thống, còn Hòa thượng được cung cử vị trí Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.
Năm 2008, sau khi Hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch, theo chúc thư để lại thì Hòa thượng Thích Quảng Độ được ủy thác thừa đương tôn vị Đức Tăng Thống thứ năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tháng 11 năm 2011, Hòa Thượng chính thức được Hội Đồng Lưỡng Viện suy tôn Đệ ngũ Tăng thống của Giáo Hội.
Sau 20 năm lưu trú tại Thanh Minh Thiền Viện, Hòa Thượng bị buộc phải rời đi vào ngày 15 tháng 9 năm 2018, tá túc tại một số ngôi chùa; và ngày 5 tháng 10 năm 2018 lên tàu về quê ở Thái Bình. Đến ngày 18 tháng 11 năm 2018 thì Ngài trở lại Sài Gòn và đến ngụ tại chùa Từ Hiếu, Quận 8.
Đại lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch tại Phương trượng Chùa Từ Hiếu, Sài Gòn lúc 21 giờ 30 phút ngày 22 tháng 2 năm 2020, nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Canh Tý, Phật lịch 2563, trụ thế 93 năm và 73 hạ lạp.
Trong suốt cuộc đời tu tập và hành đạo của Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, dù phần lớn thời gian bị quản thúc trong chốn lao tù, và bận rộn quá nhiều Phật sự quan trọng của Giáo Hội, nhưng sự nghiệp trọng đại của Ngài vẫn là hoằng dương Chánh pháp để cứu độ chúng sanh qua việc thuyết giảng, phiên dịch kinh luận và giáo nghĩa Phật học để truyền bá giáo lý thậm thâm vi diệu của đức Thế Tôn. Dưới đây là một số tác phẩm và dịch phẩm của Hòa Thượng để lại cho đời: Kinh Mục Liên (3 quyển), Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân (7 quyển), Truyện Cổ Phật Giáo, Thoát Vòng Tục Lụy (lịch sử tiểu thuyết), nguyên tác của Thích Tinh Vân, Dưới mái chùa Hoang (Truyện), Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken., Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken, Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, nguyên tác của Kimura Taiken, Chiến Tranh và bất Bạo Động, nguyên tác của S.Radhakrishnan, Từ điển Phật học Hán Việt (ngài được mời hiệu đính), Phật Quang Đại Từ điển (9 tập), -Thơ trong tù (1977-1978), Thơ lưu đày (1982-1992) v.v…
Trải suốt cuộc đời gần một thế kỷ, từ khi xuất gia, hành đạo cho đến lúc viên tịch, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã nỗ lực không ngừng trong công cuộc xiển dương đạo pháp. Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh, và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài xứng đáng cho Tăng Ni và Phật tử noi theo. Đặc biệt tinh thần vô úy của một vị Bồ Tát tại nhân gian. Mặc dù sắc thân của Ngài không còn nữa nhưng pháp thân và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở hiện tại và mai sau.
(tư liệu của Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN)