(Sai lầm rất lớn của triết gia Trần Đức Thảo là đã rời nước Pháp, về Việt Bắc tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp trong hàng ngũ của những người Stalinít, những người chẳng biết gì hết về chủ nghĩa Marx. Hồi ký của nữ đạo diễn Xuân Phượng có đoạn kể về cuộc sống cơ cực của Trần Đức Thảo sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm)
Trần Đức Thảo sinh ngày 26-9-1917 tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình viên chức nhỏ. Cho đến nay, ông là triết gia Việt Nam duy nhất nổi danh trên các diễn đàn khoa học và được công nhận có tầm vóc quốc tế ở phương Tây.
Ông là học sinh xuất sắc của trường trung học Albert Sarraut (Hà Nội), từng đoạt giải Nhì cuộc thi Triết học các trường trung học toàn quốc của Pháp. Năm 1935, sau khi đậu tú tài, ông theo học Trường Luật Hà Nội. Năm 1936, ông được gởi sang Pháp chuẩn bị thi vào École Normale Supérieure (Trường Đại học Sư phạm ở phố Ulm). Ở tuổi 26, ông đậu thủ khoa khi thi tốt nghiệp với luận án triết học về đề tài: “Phương pháp hiện tượng luận của Husserl”.
Ông nổi tiếng ở Pháp với cuộc tranh luận với triết gia Jean-Paul Sartre về chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Marx vào năm 1950.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông xuất bản tại Pháp là “Phénoménologie et matérialisme dialectique” (Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng – nxb Minh Tân Paris, 1951).
Cuối năm 1951, ông đã về Việt Nam theo con đường Paris – Prague – Moscow – Bắc Kinh – Việt Bắc. Tại Việt Bắc, ông được Trung ương Đảng và Bộ Giáo dục giao nhiệm vụ nghiên cứu về tình hình các trường học ở Việt Bắc và đến năm 1953, ông làm việc tại Văn phòng của ôngTrường Chinh – Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Trần Đức Thảo đã trực tiếp tham gia xây dựng nền đại học cách mạng với tư cách Phó Giám đốc Trường Đại học Sư phạm Văn khoa; Chủ nhiệm Khoa Lịch sử và Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử triết học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tham gia viết bài cho báo Nhân Văn và tạp chí Giai Phẩm, ông bị buộc thôi dạy đại học.
Hai tác phẩm cuối đời của ông là “Recherches sur l’origine du langage et de la conscience” (Tìm về cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức – 1973) và “Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người” (1988).
Ngày 19-4-1993, ông từ trần khi đang ở Pháp chữa bệnh. Ông được Nhà nước cộng sản truy tặng Huân chương Độc lập hạng Hai (1993) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (2000).
Nữ đạo diễn Xuân Phượng có kể hồi ức về Trần Đức Thảo:
TÔI NGHĨ VỀ ANH TRẦN ĐỨC THẢO
“Cứ vào ngày 15 và 30 hàng tháng, anh Phạm Văn Khoa và tôi đều đặn, kín đáo đến thăm anh Trần Đức Thảo ở khu tập thể Kim Liên. Nhà triết học lỗi lạc này là người Việt Nam đầu tiên đã tốt nghiệp thạc sĩ triết học tại Paris năm 26 tuổi.
Năm 1952, từ bỏ Paris, Trần Đức Thảo tình nguyện về tham gia kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc. Nhưng sau năm 1957 – 1958, ông bị cô lập và sống với người cha già ở khu tập thể Kim Liên, sau khi người vợ kết hôn từ Pháp cũng ly hôn với ông. Mỗi lần đến thăm ông, chúng tôi cố tình đi người không, hai tay không xách bất kỳ một túi nhỏ nào dễ gây sự chú ý. Vài bơ gạo thì đổ vào hai túi áo của anh Phạm Văn Khoa. Còn trong túi áo tôi là một dúm đường cát, ba muỗng mì chính. Biết rằng có những cặp mắt dò la đang theo dõi từ phía bên kia nhà, chúng tôi bình tĩnh, nói chuyện rất to và gõ cửa nhà anh Thảo.
Đã quy ước với nhau, tôi gõ ba nhịp dài và hai nhịp ngắn vào cánh cửa phòng lúc nào cũng khép kín. Cánh cửa mở lập tức. Có lẽ anh đã chờ chúng tôi từ sáng. Anh quay vào phía trong nhà: “Thầy ơi, mấy anh chị đến chơi”. Tiếng trả lời khó nhọc: “Quý hóa quá!”‘. Thầy anh đang ốm nặng. Cái bếp nhà anh Thảo là ba cục gạch xếp ba phía, chất đốt là một ít cành củi khô và một đống giấy đặc chữ viết. Chúng tôi dốc túi, bày những thứ ky cóp được trong hai tuần qua ra giường. Rất gọn gàng, Thảo bốc một nhúm gạo cho vào một lon Guigoz đã ám khói và chụm lửa. Ngọn lửa bốc lên, liu riu một màu xanh nhạt. Chúng tôi ngồi canh nồi cháo gạo lõng bõng ấy và được anh Thảo kể cho nghe đủ chuyện Đông Tây…” (Gánh gánh, gồng gồng, hồi ký của Xuân Phượng)