Vụ ám sát TT Lincoln và chiếc vé xem kịch trị giá $260,000

Bức tranh mô tả vụ ám sát Abraham Lincoln của John Wilkes Booth tại Nhà hát Ford vào ngày 11 Tháng Tư năm 1865 tại Washington, DC. (Minh họa của Ed Vebell/Getty Images)

Cố Tổng Thống Abraham Lincoln bị ám sát tại Nhà hát Ford, và hai trong số những tấm vé xem hát đêm ấy, sau gần 160 năm, có giá trị $260,000.

Có bao nhiêu khán giả có mặt tại nhà hát Ford cùng với gia đình cố tổng thống Abraham Lincoln vào đêm 14 Tháng Tư 1865, chưa có tài liệu nào đề cập tới, chỉ biết vào năm 2002, tức 137 năm sau, đã có một tấm vé được đem ra bán đấu giá $83,650. Mới đây, RR Auction, có trụ sở tại Boston, đưa ra hai tấm vé khác, ở khu D trong nhà hát Ford với số ghế 41 và 42, hàng ghế gần như đối diện với nơi gia đình Lincoln ngồi xem kịch, được xem là rất hiếm và là những tấm vé thứ hai, kể từ sau đợt bán đấu giá đầu tiên vào năm 2002.

Hai tấm vé nhỏ hình chữ nhật, bị cắt góc khi vào cửa, là vé xem vở kịch Our American Cousin tại nhà hát Ford, Washington, Mỹ, vào ngày 14 Tháng Tư 1865. (ảnh: RR Auction)

Đêm định mệnh

Đó là đêm 14 Tháng Tư 1865, gia đình tổng thống Lincoln đi xem vở kịch Our American Cousin tại nhà hát Ford, Washington. Kẻ sát hại tổng thống là nam tài tử John Wilkes Booth, 26 tuổi.

Booth là người quen thuộc với nhà hát nên không khó khăn để len lỏi được lên ban công riêng, nơi ông Lincoln ngồi cùng vợ và một thiếu tá quân đội, và khóa chiếc cửa sau lưng để không ai khác vào được.

Booth kiên nhẫn đứng chờ, vì biết lúc nào mới là thời điểm để ra tay. Đó là khi tới màn hài hước trong vở kịch, cả khán phòng cười rần rần, Booth giơ khẩu súng lục nhắm vào đầu Lincoln và bóp cò. Bị viên thiếu tá Henry Rathbone, người ngồi gần tổng thống khống chế, Booth đâm dao vào tay Rathbone, rồi nhảy xuống từ ban công. Dù vấp ngã và bị gãy chân, Booth vẫn cố đứng lên và chạy qua sân khấu.

Ngày 14 Tháng Tư năm 1865, John Wilkes Booth (1838 – 1865), kẻ ám sát tổng thống Abraham Lincoln, trốn khỏi Nhà hát Ford, Washington DC. (ảnh: MPI/Getty Images)

Tưởng Booth là diễn viên của vở kịch, các khán giả lúc ấy bình thản ngồi xem, nhưng khi nghe tiếng hét từ trên ban công của đệ nhất phu nhân Mary Lincoln “chặn hắn ta lại”, nhiều người lao lên, nhưng Booth nhanh chóng chạy thoát từ cửa hông nhà hát, leo lên ngựa tẩu thoát.

____________________________

Sau khi Lincoln đắc cử tổng thống năm 1860, 25 tiểu bang ủng hộ chính phủ được gọi là Liên bang miền Bắc, 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ ở miền nam Mỹ tuyên bố ly khai và lập ra Liên minh miền Nam. Vụ ám sát vị tổng thống thứ 16 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ xảy ra vào cuối Nội chiến Mỹ giữa Liên bang miền Bắc với Liên minh miền Nam.

Cố tổng thống Lincoln là một trong ba vị trí quan trọng nhất của Liên bang miền Bắc, cùng với phó tổng thống Andrew Johnson và ngoại trưởng William H. Seward, và là mục tiêu của Booth và một số người khác ủng hộ Liên minh miền Nam.

____________________________

Chạy thoát

Sau khi phi được 30 phút, Booth dự định băng qua cầu Navy Yard để vào Maryland thì bị binh lính chặn lại, vì cư dân bị cấm qua cầu sau 9 giờ tối, nhưng Booth bình tĩnh cung cấp danh tính và giải thích anh cần về nhà ở thị trấn gần đó, và được người lính canh cho qua.

Trên đường đến Surrattsville, Maryland, cách nhà hát Ford khoảng hơn 8 dặm, Booth gặp David Herold, 23 tuổi, đồng phạm trong âm mưu sát hại ba quan chức quyền lực nhất của Liên bang miền Bắc. Hai người đến một quán rượu để lấy súng, ống nhòm, đạn dược và một chai rượu whisky.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 15 Tháng Tư, họ tìm đến nhà của một bác sĩ nhờ nẹp chiếc chân bị gãy cho Booth. Bác sĩ cho hai người ở lại qua đêm, dù không biết họ là ai.

7 giờ 22 sáng hôm ấy, tại Washington, các bác sĩ tuyên bố tổng thống Lincoln đã qua đời ở tuổi 56. Vậy là Booth hoàn thành được một trong ba mục tiêu, trong khi các đồng phạm của Booth không giết được phó tổng thống Andrew Johnson và ngoại trưởng William H. Seward như âm mưu ban đầu.

Sáng 16 Tháng Tư, Booth cải trang bằng cách cạo sạch ria mép, rời khỏi nhà bác sĩ, cả hai tìm đến nhà của Samuel Cox, một người ủng hộ Liên minh miền Nam. Lúc này, tin tức đã lan truyền, biết được mối nguy hiểm, Cox khéo léo đưa hai người trốn vào cánh rừng thông bên ngoài khu đất của mình, chứ không để ở trong nhà, và hứa sẽ đưa người đến giúp. Đó là Thomas Jones.

John Wilkes Booth, (1839 – 1865) kẻ đã ám sát Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. (ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Jones là đặc vụ của Liên minh miền Nam, vô rừng thông gặp Booth và Herold, đem theo thức ăn, rượu whisky và báo, thứ Booth rất háo hức muốn đọc để biết đất nước đang phản ứng như thế nào với việc làm của mình. Jones cho biết quân Liên bang miền Bắc đang ở vùng lân cận và việc di chuyển khỏi chỗ ẩn nấp lúc này là rất nguy hiểm. Tin tức này và tình trạng ngày càng tồi tệ của chiếc chân gãy khiến Booth vô cùng khó chịu, nhưng họ buộc phải đợi thêm một thời gian để vượt qua sông Potomac vào Virginia.

Trưa ngày 19 Tháng Tư, tang lễ tổng thống Lincoln diễn ra tại Phòng Đông, Tòa Bạch Ốc. Trong khi đó, Booth và Herold vẫn ở trong rừng thông, dù mất kiên nhẫn, họ vẫn cố chịu đựng, và chịu đựng được, vì có rất nhiều chai whiskey mà Jones đem tới, để giải khuây.

Đến chiều tối hôm sau, ngày 20 Tháng Tư, Jones đưa Booth và Herold đến sông Potomac để lên thuyền. Nhờ sương mù che khuất, hai người không bị phát hiện khi băng qua một pháo hạm của Liên bang miền Bắc. Trời lạnh giá, họ vẫn cố chèo, và tới được Virginia vào ngày 23 Tháng Tư, và được tá túc tại trang trại của Richard Garrett, một nông dân trồng thuốc lá.

Khẩu súng Derringer mà John Wilkes Booth dùng để ám sát Abraham Lincoln. Hiện vật trong bộ sưu tập bảo tàng, National Park Service, Ford Theatre National Historic Site, Washington, D.C. (ảnh: Carol M. Highsmith/Buenlarge/Getty Images)

Cuộc truy lùng

Cuộc truy tìm Booth được xem là một trong những cuộc săn lùng lớn nhất lịch sử Mỹ, với hàng nghìn binh sĩ được điều động và dân thường cũng tham gia rất đông. Bộ trưởng chiến tranh Edwin M. Stanton trực tiếp chỉ đạo chiến dịch, treo thưởng $50,000 (tương đương $900,000 theo thời giá trị hiện nay) cho người cung cấp thông tin về Booth.

Vào ngày thứ 12 của cuộc trốn chạy, Booth thức dậy khá trễ, một phần vì quá mệt mỏi, con trai nhà Garrett phải đánh thức và mang bữa sáng đến, Booth dùng điểm tâm với một ly whiskey, rồi chơi đùa với lũ trẻ nhà Garrett.

Lúc này, Garretts đã hơi nghi ngờ, nên khi hai người xin tá túc tại nhà Garrett thêm một đêm nữa, ông không đồng ý, và đưa hai người đến kho thuốc lá trong trang trại. 2 giờ 30 sáng 26 Tháng Tư, đội Kỵ binh New York số 16 của Liên minh miền Bắc bao vây trang trại. Gia đình Garrett không cản đường, hoặc giả, chính họ là người báo cho đội Kỵ binh.

Bị bao vây, David Herold đầu hàng ngay lập tức, nhưng Booth thì không. Khi Kỵ binh châm lửa đốt nhà kho, Booth cầm khẩu súng trường và súng lục lao về phía cửa sau của nhà kho, hét lên “Tao sẽ không để bị bắt sống đâu!” Chỉ vài phút sau, Booth bị Sĩ quan Boston Corbett bắn vào phía sau đầu. Booth ngã quỵ và được những người lính khiêng ra ngoài. Vì sĩ quan Corbett được lệnh bắt sống Booth, vì thế họ cố gắng cứu Booth, nhưng mạch của Booth ngày càng yếu. Ba tiếng sau khi bị bắn, Booth qua đời. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Booth thì thào: “Hãy nói với mẹ tôi, rằng tôi đã chết vì đất nước này.”

Một bức tranh minh họa có tựa đề ‘Cái chết của J. Wilkes Booth, kẻ chủ mưu chính’. Bản khắc mô tả cái chết của nam diễn viên John Wilkes Booth (1838-1865) – kẻ ám sát tổng thống Abraham Lincoln, vào ngày 26 Tháng Tư 1865. (ảnh: Kean Collection/Getty Images)

Sau này kể lại, sĩ quan Corbett cho biết ông không thể quên giây phút sau khi Booth trúng phát đạn của mình: “Khi Booth nằm trước mặt tôi, tôi thấy viên đạn đã găm vào gần đúng vị trí mà hắn ta đã bắn ngài Lincoln, đúng là gieo nhân nào gặt quả nấy.”

Vì không tuân theo lệnh của bộ trưởng chiến tranh Stanton là bắt sống Booth, sĩ quan Corbett bị bắt, nhưng sau đó được trả tự do. Truyền thông và công chúng coi Corbett là người hùng. David Herold bị đem ra xét xử. Dù đầu hàng Herold vẫn nhận án tử hình với hình thức treo cổ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: