Bài và ảnh: TUẤN KHANH
Bác sĩ Yersin qua đời ngày 1-3-1943 tại Việt Nam, lúc 79 tuổi. Ngôi mộ của ông nằm ở Suối Dầu, Nha Trang, chung quanh là những hàng cây hoa sứ trắng. Dù là một nơi khuất bóng người, nhưng nơi đây bao giờ cũng có hương khói và hoa thơm, được dân trong vùng chia nhau quét dọn sạch sẽ. Ông Năm – hay là Alexandre Émile Jean Yersin – là một trường hợp đặc biệt của lịch sử Việt Nam, vì được người dân nhắc, nhớ và kính trọng như một hiền nhân của nước Việt.
Lần ghé thăm và tìm hiểu về ông, dù đã nghe kể nhiều như một huyền thoại, nhưng đến khi chứng kiến, vẫn không khỏi bồi hồi. Sống, tận hiến, yêu thương và lặng lẽ ra đi trong tình nhân loại: Liệu có một nhân vật quyền bính nào hôm nay đủ tư cách để sánh ngang hàng với ông?
Cuộc đời của bác sĩ Yersin gắn liền với việc tránh xa đô thị, quyền chức và đám đông. Đã từng có nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng Yersin mắc chứng agoraphobia (chán sợ đám đông) nên chỉ thích nơi thanh tịnh. Trong tuổi trẻ và nhận thức bước vào đời của ông, người ta thấy được, qua việc ông viết thư cho mẹ khi chọn đến Đông Dương (1890): “Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy tuồng diễn, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi thì còn gì gọi là đời”. Theo lời kể bạn bè, để tránh phải trò chuyện, Yersin thường có một cuốn sổ tay mang tay, khi cần thì lấy ra, giả bộ tập trung ghi chép để tránh né giao tiếp không cần thiết.
Paris lúc ấy là trung tâm văn minh của nhân loại, từ kịch nghệ cho đến hội họa, âm nhạc và cả tiến bộ y khoa. Và Đông Dương lúc ấy, được phương Tây coi là nơi man khai, con người mọi rợ và rừng rú. Quyết định của Yersin gây nhiều xung đột với bạn bè và đồng nghiệp, vì vị trí của chàng trai Yersin lúc ấy ở Paris, cũng đầy hào quang không khác gì bác sĩ Louis Pasteur hay Robert Kock, thế nhưng ra đi, là điều không thể ngăn được Yersin.
Vốn là một người lớn lên ở cao nguyên và núi non Aubonne, Vaud (Thụy Sĩ), đến Đức rồi qua Pháp, bác sĩ Yersin chỉ thấy biển lần đầu tiên vào năm ông 26 tuổi trên một chiếc tàu buồm. Ông say mê biển đến mức viết thư kể lại cho bạn, như một nhà văn. Có lẽ chính vì vậy đến Nha Trang, vùng đất có bờ biển đẹp chạy dài theo những đường ven núi khiến ông không thể rời. Chọn cuộc sống ở đây để nghiên cứu và thám hiểm, bác sĩ Yersin đã nhiều lần quay lại Pháp để mang những dụng cụ thí nghiệm và sách vở. Máy bay đáp ở Sài Gòn, lúc đó để đến được Nha Trang thì ông có lúc phải mất đến tám ngày đường bộ, còn đi tàu thủy từ Pháp thì mất một tháng.
Câu hỏi đặt ra là vì sao một nhà khoa học thuần túy như bác sĩ Yersin lại luôn băng rừng, khám phá mọi thứ ngóc ngách của cao nguyên Lâm Viên, dựng hồn của Đà Lạt…, vào thời buổi cọp beo, thổ phỉ, tù vượt ngục, và đủ các loại bệnh nhiệt đới? Trong sách Yersin: Peste et Choléra, tác giả Patrick Deville phân tích nhân cách của Yersin và một số “đứa trẻ mồ côi cha” khác, cùng thời với ông như Roux (nhà khoa học), Haffkine (nhà khoa học) hay Rimbaud (nhà thơ), Doumer (nhà chính trị). Theo ông Patrick Deville, hoàn cảnh mồ côi cha là nguyên nhân chính biến những đứa trẻ lớn lên, hay trở thành những kẻ liều lĩnh, phiêu lưu, ham chinh phục.
Nhiều năm sau, khi quay lại Pháp để dự khánh thành Viện Pasteur, bác sĩ Yersin bị mẹ chất vấn liên tục về việc ở lì tại Việt Nam, ông chỉ trả lời đơn giản rằng “Vì nơi đó, con được thấy biển”.
Không phải khởi đầu, một tên da trắng và bị nhìn như một “tay sai thực dân” có thể gây được cảm tình với dân Việt Nam, và cả dân thiểu số. Những ngày khởi đầu khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân, ông bị lấy cắp tiền hoặc đồ vật. Trong thư gửi mẹ mình, Yersin viết rằng “Bệnh nhân An Nam từ khắp nơi đổ về đây, những lúc con không đi chơi đâu đó. Nói cho đúng, họ lợi dụng hiểu biết khoa học của con, nhất là những lúc để trả tiền cho con, họ lại thân ái đánh cắp ví của con. Nhưng biết làm sao bây giờ, trong óc họ, ăn cắp tiền của một người Pháp là một hành động tốt. Vả lại, người Pháp đến xứ Đông Dương này để làm gì đây, nếu không phải là ăn cắp của người An Nam?”.
Không lâu sau đó, người dân Việt coi ông như một vị thánh. Sự nhân ái, vị tha và thấu hiểu của ông khiến “ông Năm” trở thành một người Việt đặc biệt, luôn được kính trọng.
Chắc có lẽ không cần viết về những công lao khoa học và sự kính trọng mà bác sĩ Yersin đã dựng nên trong suốt cuộc đời mình, thế giới và cả Việt Nam đã ghi lại đủ. Điều cần biết là ở Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, trước đời Đệ nhất Cộng hòa (tháng 3-1955), hầu hết tên đường mang tên các quan chức Pháp đều bị loại bỏ, chỉ có bốn người nước ngoài được giữ lại để vinh danh, trong đó là ba vị bác sĩ: nhà khoa học Yersin (1863-1943), Calmette (1863-1933) và Pasteur (1822-1895), và một học giả, linh mục truyền đạo Alexandre de Rhodes (1591-1660). Sau tháng 4-1975, các tên đường Mỹ-Pháp… bị coi là tàn dư của văn hóa đồi trụy nên bị đổi đi. Chẳng hạn như đường Alexandre de Rhodes bị đổi thành Thái Văn Lung, đường Pasteur bị đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai (đổi từ ngày 14-8-1975, do Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Đến lễ 2-9-1991, UBND TP xác nhận đây là tên ân nhân của nhân loại, nên lấy lại Pasteur như cũ).
Điều cuối cùng về bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin, là di chúc để lại, ông muốn được chôn nằm sấp xuống đất để được áp mặt vào nơi chốn ông đã chọn nơi này làm quê hương. Dẫu không là một người Việt nhưng ông sống và yêu nơi chốn này hơn cả mọi khoa trương lý tưởng “Giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác”, di chúc ghi. Và đáng kính trọng, ông ra đi như một người Việt Nam vĩ đại, không cần lăng to, đất rộng làm nhà mồ, không cần ai phải gọi tên hay tung hô mình như lãnh tụ. Thậm chí, nơi yên nghỉ với tính cách giản dị ông, có lẽ cũng không mong được trở thành di tích văn hóa.
—-
Tham khảo tư liệu từ:
Yersin: Peste et Choléra của Patrick Deville, bản dịch của Đặng Thế Linh, NXB Trẻ
Docteur Nam của Eslisabeth du Closel, bản dịch Việt ngữ của Lê Trọng Sâm, NXB Trẻ.
Địa chí Văn hóa TP.HCM (1698 – 2018), NXB Tổng hợp TPHCM.
Albert Calmette (1863-1933): người đã phát triển thành công vaccine phòng bệnh chó dại, đậu mùa và bệnh lao. Ông cũng là một trong những người đã mở ra Viện Pasteur tại Sài Gòn – nơi có đóng góp không nhỏ vào kho tàng nghiên cứu y học của thế giới.
Alexandre Yersin (1863-1943): người đã nghiên cứu về độc tố bệnh bạch hầu, và cũng là một trong những người đầu tiên sáng lập ra viện Pasteur – Sài Gòn.
Louis Pasteur (1822-1895): người khai sáng ngành nghiên cứu vi sinh vật học, là người đã sáng chế ra thuốc kháng sinh đầu tiên trên thế giới. Viện Pasteur cũng được thành lập dựa trên ý tưởng của ông.
Alexandre de Rhodes (1591-1660): nhà truyền giáo, một nhà ngôn ngữ học người Pháp. Người ta lấy tên ông để đặt cho con đường nhằm vinh danh đóng góp quan trọng của ông trong việc hình thành chữ Quốc ngữ Việt Nam.
Robert Koch (1843-1920): nhà khoa học người Đức, tìm ra vi khuẩn than, trực khuẩn lao và vi khuẩn dịch tả.