Nghệ sĩ Nam Lộc, kỷ niệm nửa thế kỷ tha hương-Kỳ cuối

‘Duyên nợ’ với người tị nạn và cuộc sống viên mãn
Share:
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Nghệ sĩ Nam Lộc, kỷ niệm nửa thế kỷ tha hương-Kỳ cuối
Loading
/

$660 là lương tháng đầu tiên, Nam Lộc nhận được từ Cơ Quan Bác Ái Công Giáo Hoa Kỳ (Catholic Charities / USCC) vùng Los Angeles, nơi ông gắn bó suốt hơn 40 năm với công việc và cũng là ‘duyên nợ’ với những hoàn cảnh như ông: người tị nạn!

Kinh nghiệm làm việc trong trại tị nạn, Nam Lộc có thừa, nhưng vẫn băn khoăn, không biết được trả lương bao nhiêu, có đủ sống không? Có dư tiền gửi cho mẹ và các em không? Khi nghe mức lương khởi điểm của mình là $660/tháng, ông như… mở cờ trong bụng. “Đỡ khổ rồi, dù sao làm ở đây vẫn sướng hơn việc lao động, đứng ép giường nước, đã thế, lại còn có cơ hội giúp đỡ đồng bào mình nữa.”

Bảo lãnh gia đình

Nam Lộc được nhận vào làm từ ngày 1 Tháng Mười Hai 1975. Họ chỉ nhận một mình Nam Lộc, nên Cư buồn rầu, nói: “Thôi thì, ông đi đường ông, tôi đi đường tôi vậy, chớ biết sao.” Nam Lộc an ủi: “Không, hãy cứ yên tâm, tôi sẽ tìm cách đưa ông vô làm chung, giờ ông cứ tạm thời ép giường đi nhé.”

Nhưng khi về nhà, thấy còn những hai tuần… ở không, Nam Lộc nói với Cư: “Tôi muốn lên San Francisco thăm Tùng Giang, Khánh Hà, Jo Marcel,… Giờ rảnh không đi, chẳng biết bao giờ mới đi được. Cư nghe vậy, bỏ luôn việc, đi theo tôi. Ừ mà công việc chỗ đó, quay lại lúc nào chẳng được. Thế là tụi tôi xách xe lên đường.”

Thăm Tùng Giang đang làm việc đổ xăng ở thành phố Oakland, California. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Sau hai tuần rong ruổi trở về, lúc đi làm, Nam Lộc biết tin chương trình mới của USCCcần thêm bốn, năm người nữa, ông liền giới thiệu ông Jo Marcel, bà Kiều Chinh, ông Lê Quỳnh, những người biết Anh ngữ, có kiến thức, lại là nghệ sĩ, nên đồng bào tiếp xúc thì rất thích. Tất nhiên không thể thiếu Cư, và thêm ông bạn vừa quen trong trại nhưng rất thân, nhà thơ Ngô Văn Quy, cùng thi sĩ Kiêm Thêm…

Nam Lộc nói, cuộc đời ông thay đổi từ đó, và đầu óc đấu tranh cũng xuất phát từ lúc đó. Với lòng khắc khoải làm sao để được đoàn tụ gia đình, ông tìm mọi cách để bảo lãnh mẹ và các em sang. Ông lân la, hỏi thăm những người tị nạn đã định cư trước ở đây như từ Cuba, Trung Quốc, Phi Luật Tân… Họ nói, muốn bảo trợ thân nhân thì phải có thẻ xanh, muốn bảo lãnh bố mẹ anh chị em thì phải có quốc tịch. Nam Lộc nghe xong, lại rơi vào tuyệt vọng.

Công việc đầu tiên tại USCC cùng với Kiều Chinh, Jo Marcel và các bạn đồng sở. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Đầu năm 1977, lần đầu tiên Nam Lộc viết thơ và gửi được tiền về cho mẹ và các em. “Bố tôi ở Bỉ, chúng tôi viết thư qua lại và nói chuyện với nhau được rồi, nên lúc đó, cuộc đời tôi chỉ có niềm hạnh phúc khi làm được hai việc là: viết thơ và gửi tiền về nhà,” Nam Lộc kể. “Vì thơ bị kiểm duyệt, nếu biết gia đình có tiền, quà từ Mỹ về sẽ bị tới ‘hỏi thăm’, ‘làm tiền’, nên thời đó, viết thơ phải dùng mật mã. Ví dụ nếu nhận được tiền thì nhắn ‘Chú Tám gửi thư rồi’, hoặc “Anh Tư có tới thăm’,…”

Lúc đó mẹ tôi nuôi các con, dành dụm số tiền tôi gửi về, tổ chức cho mấy đứa em đi vượt biên. Nhà tôi khi đó còn bảy đứa con gái và ba thằng con trai, một đứa ở lại cho gia đình, hai thằng thử ‘thời vận’ vượt biển đầu tiên vào giữa năm 1977, cùng với mấy đứa bạn vượt biên trên chiếc thuyền nhỏ xíu. Vừa ra hải phận quốc tế thì máy hư, cứ lênh đênh trên biển, không có tàu nào vớt, cuối cùng có một chiếc tàu chở dầu của người Kuwait đi ngang, cứu vớt cho ăn uống, nhưng mấy đứa phải cạo rỉ sét trên tàu.

Chuyến vượt biển đầu tiên của hai cậu em trai do thủy thủ Kuwait chụp trước khi cứu vớt. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Chiếc tàu chở những người em của nhạc sĩ Nam Lộc và bạn bè quả là may mắn. Mọi người được ăn uống, lại được nghe nhạc ABBA, an toàn rồi. Chiếc tàu đi tới Singapore để giao dầu, thì thả mọi người xuống, nhưng chính phủ Singapore không nhận, tàu chạy tiếp qua Mã Lai, nhưng cũng bị từ chối, Hong Kong cũng lắc đầu.

Một tháng sau, tàu đưa mọi người về Kuwait và bị đưa vào trại giam di dân lậu tại quốc gia này. Cũng may, nhờ một thủy thủ tốt bụng viết thư cho Nam Lộc, ông mới nhận được tin mấy đứa em. Nam Lộc cho biết, phải vất vả lắm ông mới đưa được các em qua trại tị nạn ở Hy Lạp, rồi từ đó bảo trợ các em sang Hoa Kỳ.

Người em trai của nhạc sĩ Nam Lộc, thời gian được tạm trú ở Kuwait. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Có điều oái ăm, là chương trình bảo lãnh bố đi đâu thì con theo đó. Bố ông ở Bỉ nhưng những người em lại muốn ở Mỹ. Thế là Nam Lộc đứng ra bảo lãnh bố qua Mỹ. Năm 1978, Nam Lộc được gặp bố và các em, không lâu sau, gia đình ông đoàn tụ. “Từ đó, cuộc đời tôi thay đổi, bước sang một trang mới,” ông nói.

Đoàn tụ cùng Bố và hai em, 1978. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Lên China Town, ăn món Việt

Nam Lộc mê làm công việc xã hội, siêng năng và có tinh thần cầu tiến. Ông thừa nhận lúc đầu, với vốn tiếng Anh hạn chế, nên chỉ làm việc phụ, nhưng ông tiếp tục đi học, trau giồi Anh ngữ, tìm hiểu, nghiên cứu và được huấn luyện về luật di trú, nên từ phụ tá, ông lên được chức giám đốc không lâu sau đó. Ông được mọi người yêu mến vì sự tận tâm và không ngại khó khăn, đặc biệt là khả năng vận động lập pháp rất quyết tâm và hăng hái của ông. Đam mê đó đã kéo dài và theo đuổi ông cho đến ngày hôm nay.

Năm 1981, khi mới lập gia đình được một năm, ông phải đi huấn luyện về “đời sống mới” cho các thầy cô giáo người Phi ở trại tị nạn Bataan cả tháng trời. Cơ quan thiện nguyện USCC, cần cất cử đi công tác ở trại tị nạn nào, ông cũng vác ba lô lên đường, từ trại tị nạn  HongKong, qua Singapore, có khi được “điều” qua Afghanistan, Phi châu, Áo, Cuba,… ông cũng không hề quan ngại.

Nam Lộc và đồng bào tại trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân 1981. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

“Nhiều người nói tôi may mắn. Tôi cũng thấy vậy, có thể do được cha mẹ đặt tên là ‘Lộc’,”, ông Nam Lộc cười, nói. “Khi chứng kiến hoàn cảnh của bao nhiêu người tị nạn khác, khổ hơn mình nhiều, tôi thấy mình may mắn thật.”

Những người tị nạn thời ấy, thèm món ăn Việt, đều phải lái xe lên phố Tàu “China Town” trên Los Angleles. “Tôi tìm được chai nước mắm đầu tiên, là ở trên đó,” Nam Lộc kể. “Có chuyện vui là lúc trong trại tị nạn, lúc có gà, mọi người xếp hàng ăn nhiều, nhưng khi có cá thì dân mình đem đổ, vì cá mà thiếu nước mắm thì sao ngon được. Ra khỏi trại, cứ cuối tuần là mọi người đổ xô lên phố Tàu ăn mì, China Town lúc đó là thiên đường của người tị nạn.”

Mess Hall trại Pendleton, những ngày có gà, thì xếp hàng dài “thưởng thức”! (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Ở Los Angeles khi ấy cũng đã có sự hiện diện của người Việt, là quán ăn của nữ ca sĩ Thanh Thúy, của bà Hồng Phượng ở Vũng Tầu ngày trước và một quán ăn Việt Nam nằm trên Hollywood mở từ trước năm 1975. Cuối tuần, mọi người rời Roosevelt là phải ghé vào các quán ăn Việt, trước khi về nhà.

Người Việt nhanh nhẹn, tháo vát và thức thời, mua nguyên liệu và chế biến nhiều món ăn, mở quán bán. Càng ngày số người Việt về Orange County càng đông, vì lúc đó đất đai còn rộng rãi, nhà cửa không mắc mỏ, cho đến khi có một “làn sóng” những người ra đi bán chính thức từ Việt Nam.

Theo ông Nam Lộc, vào cuối năm 1979, đầu năm 1980, chính quyền Cộng Sản lấy tài sản của người Hoa và tống khoảng 200,000 người về Trung Quốc. Nhưng nhiều người Hoa đã mang quốc tịch Việt Nam, không muốn trở lại Trung Quốc, mà tìm cách vượt biên, thì được Cộng Sản tổ chức thu tiền, rồi “ngoảnh mặt làm ngơ” cho họ vượt biên, gọi là đi “bán chính thức”, còn ra ngoài hải phận thì “sống chết mặc bay”.

Mỗi chuyến tàu như vậy khoảng 3,000 người, đa số là người Tàu ở Chợ Lớn, ai giấu được tiền mang theo thì qua được tới Mỹ. Và những người Việt gốc Hoa này bắt đầu mở chợ búa. Chợ Ái Hoa, Hòa Bình ra đời từ đó. Chính phong trào ấy đã làm thay đổi toàn bộ đời sống người Việt, và vì được người Việt ủng hộ, nên nhiều người giàu lên rất nhanh

Chợ Ái Hoa ở Phố Tàu Los Angeles. (ảnh tư liệu, Nam Lộc cung cấp)

Nguyên liệu nấu ăn từ Thái Lan, Trung Quốc, ngay cả Việt Nam cũng được lén lút đưa qua Thái và nhập vào Mỹ, nên chợ Việt thu hút đông đảo khách hàng, không chỉ chợ mà các tiệm tạp hóa, kinh doanh buôn bán, nhà hàng,… ở Orange County rất thành công. Vì thế, “China Town” ngày càng bớt khách, bởi đã có phở thì mắc gì phải ăn mì!

Về hưu, nhưng chưa dừng chân…

Đã qua tới năm thứ 48, kể từ ngày đặt chân đến đất Mỹ, quay đầu nhìn lại, nghệ sĩ Nam Lộc nhận ra mình có khả năng đặc biệt về hai lãnh vực: sinh hoạt xã hội cộng đồng, và vấn đề di trú. Ngoài công việc tại USCC, ông tham gia những chương trình phát thanh về luật di trú cho thính giả Việt Nam, đầu tiên vào năm 1992 trên đài Little Saigon Radio với chủ đề về sự cải tổ của Luật Welfare tức An Sinh Xã Hội, và phụ trách thêm chương trình thiết thực đối với những người muốn tìm hiểu về quyền lợi của mình qua các đạo luật về di trú.

Nam Lộc và viên chức lãnh đạo của Sở Di Trú Hoa Kỳ gặp gỡ đồng hương người Việt tại Orange County, California. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Trong suốt nhiều thập niên, mỗi tháng ông phụ trách hàng chục chương trình phát thanh về di trú trên hệ thống phát thanh Tiếng Nước Tôi ở San Jose, Việt Nam Hải Ngoại ở Washington, D.C., Radio Bolsa, Saigon Houston Radio ở Houston, Saigion Radio ở Seattle, … và thỉnh thoảng trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).

Giọng miền Bắc ấm áp và ngọt ngào phát lên trên các hệ thống phát thanh, cộng với các tin tức về di trú và tị nạn rất trung thực và cần thiết, được truyền đi khắp nơi, Nam Lộc ngày càng trở nên quen thuộc với cộng đồng người Việt cư ngụ ở Hoa Kỳ. Ông xem việc trực tiếp trả lời khán thính giả trên các hệ thống phát thanh hay qua đài truyền hình vệ tinh SBTN về các lãnh vực di trú và tị nạn, như là một bổn phận của mình, nhằm giúp đồng bào thực hiện được những quyền lợi một cách thiết thực hơn.

Nhạc sĩ Nam Lộc (bìa phải) nhặt rau cùng đồng bào tị nạn tại Thái Lan. Tháng Năm, 2023. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Ông Nam Lộc cũng đã đóng góp không ít trong việc tranh đấu quyền lợi cho những người thuộc diện HO cùng với con cái của họ, cũng như cho những đồng bào tị nạn ở Phi Luật Tân. Đầu thập niên 2000, Nam Lộc tạo thêm uy tín khi thành công trong việc vận động cho khoảng 20,000 người Việt thuộc diện PIP, tức diện chờ được duyệt cấp Thẻ Xanh (Green Card).

Đó là những người được qua Mỹ theo diện nhân đạo Public Interest Parole (tạm dung vì lý do công ích), đi theo cha mẹ hoặc anh em, nhưng sau khi được vào Mỹ, họ không được ra khỏi quốc gia này một khi chưa được cấp Thẻ Xanh. Nhiều người đã phải chờ đợi vất vả trong suốt mười mấy năm cho đến khi đạo luật được quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn.

Nam Lộc đang giúp đỡ một gia đình người tị nạn Phi Châu tại phi trường Sydney, Úc Châu, Tháng Năm, 2023. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Để vinh danh công trình này, Luật sư Đinh Việt, là phụ tá Tổng Trưởng Tư Pháp thời bấy giờ, đã đích thân trao tận tay đạo luật đó cho ông Nam Lộc tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam ở thành phố Westminster.

Luật sư Đinh Việt và Nhạc sĩ Nam Lộc. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Hơn 43 năm gắn bó với thân phận của người tị nạn, với những việc thiện nguyện như vận động tổ chức những chương trình gây quỹ giúp người cùi, những nạn nhân thiên tai ở quê nhà, trợ giúp thương phế binh tại Việt Nam, xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ, và nhiều hoạt động xã hội khác, năm 2018, ông mới chính thức nghỉ ngơi.

Ngày 12 Tháng Bảy, 2022, Nam Lộc được Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS) chọn làm một trong tám “Đại Sứ Quốc Tịch” (Citizenship Ambassador). Theo USCIS, nhiệm vụ của Đại Sứ Quốc Tịch bao gồm chia sẻ kinh nghiệm về thủ tục nhập tịch, nhấn mạnh lợi ích của việc trở thành công dân Mỹ, xóa tan tin đồn và hiểu lầm, và khuyến khích mọi người trở thành công dân Mỹ.

Nghệ sĩ Nam Lộc – Đại Sứ Quốc Tịch của Sở Di Trú Hoa Kỳ. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

“Về hưu rồi, tôi vẫn làm những công việc khác, nhưng vợ chồng tôi vẫn giữ cuộc sống kín tiếng và yên ả như mấy chục năm qua,” ông tâm sự. “Lập gia đình khi đã gần 40, đến năm 43 tuổi tôi mới có con, mà có con thì có, tôi vẫn cứ hoạt động. Vợ tôi ủng hộ, hết mực chiều chồng và để tôi tự do sinh hoạt cộng đồng cũng như đi đây đi đó.

Vợ chồng Nhạc sĩ Nam Lộc và hai cô con gái, một người tốt nghiệp Brown University và một người tốt nghiệp YALE University. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Nam Lộc kể, ông là thành viên của một “đại gia đình” đúng nghĩa: “Bố mẹ tôi có 11 người con, lần lượt sang Mỹ định cư bằng nhiều đường khác nhau, nhưng định mệnh cho anh chị em tôi được sống gần nhau, quanh quẩn trong vùng Orange County ở Nam California. Mỗi lần có sinh nhật hay tiệc tùng gì, thì chưa kịp mời khách, mà anh chị em, dâu rể, con cháu đã lên đến gần 100 người. Còn gia đình vợ tôi là 12 anh chị em, năm trai, bảy gái, cũng đông đảo không kém.

Chị Ngọc Lan, vợ nghệ sĩ Nam Lộc và con gái. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Một trong những điều mà nhiều người để ý là sự kín đáo của hiền thê nhạc sĩ Nam Lộc, chị Ngọc Lan, người rất ít xuất hiện trước đám đông. Ông cho biết, khi còn trẻ, bà chăm lo cho hai cô con gái, khi con trưởng thành, bà săn sóc mẹ già, nay cụ cũng đã gần trăm tuổi. Ông rất hãnh diện với hạnh phúc của mình, nhất là cuộc hôn nhân kéo dài đã hơn 43 năm.

Nghệ sĩ Nam Lộc dành hầu như trọn cuộc đời mình cho xã hội, cho cộng đồng, và đón nhận cuộc sống về hưu viên mãn cùng “đại gia đình” anh chị em hầu hết đang sinh sống tại Orange County.

Vợ chồng nhạc sĩ Nam Lộc trong ngày cưới năm 1980 (trái) và hiện tại. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Hiện nay nhạc sĩ Nam Lộc là một trong những thành viên của Phong Trào Việt Hưng, một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, phi đảng phái. Ngoài các hoạt động xã hội như cứu trợ Thương Phế Binh VNCH, giúp đỡ và bảo lãnh người tị nạn hoặc cấp học bổng cho các sinh viên hiếu học, thì mục đích chính của phong trào là đưa ra các tài liệu cùng những lời cảnh báo về chủ trương Hán hóa của Trung Cộng tại Việt Nam, cùng âm mưu xâm lược của họ tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Nghệ sĩ Nam Lộc cùng nhóm sáng lập Phong Trào Việt Hưng đã xuất hiện ở nhiều tiểu bang trên nước Mỹ, đồng thời cũng đã có mặt tại Úc, Canada, Thái Lan và Pháp. Hy vọng sẽ đến các nơi khác trong thời gian sắp tới.

Phong Trào Việt Hưng trong một buổi sinh hoạt tại Canada. (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Về hưu, nhưng cái tên mang nhiều may mắn “Nam Lộc” vẫn còn xuất hiện nhiều ở các hoạt động trong cộng đồng, đó có thể là cái “nghiệp”, nhưng cũng là niềm đam mê hoạt động của một người chưa hề mỏi gối, chưa muốn dừng chân…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: