Sự kiện Trần Trường, 25 năm nhìn lại (2)

Cuộc biểu tình Trần Trường, Westminster, California, ngày 21 Tháng Hai 1999 (ảnh: David Mcnew/Getty Images)

Hơn 50 ngày biểu tình chống Trần Trường kết thúc nhưng nhiều năm sau đó, “dư chấn” chính trị của sự kiện chưa dừng lại. Nhiều bài học đã được rút ra.

“Hậu” Trần Trường

Một năm sau sự kiện biểu tình, Tháng Hai 2000, ông Trần Trường phát đơn kiện hơn 1,000 người và đòi bồi thường $4 triệu. Trong đơn kiện, Trần Trường kiện cả các viên chức chính quyền mà ông tin rằng có dính dáng đến cuộc biểu tình chống lại ông. Đơn kiện nhấn mạnh rằng, ông bị nhục mạ, tấn công, bị xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Hồ sơ đơn kiện là Case No. 00CC01748, với các bị đơn:

– Chính quyền thành phố Westminster,

– Cảnh sát trưởng James Cook của Westminster,

– Cộng đồng người Việt hải ngoại tại Nam California,

– Ủy Ban Bảo Vệ Chính Nghĩa Quốc Gia,

– Ông Đỗ Trọng Đức (chủ tịch một hội cộng đồng Việt Nam tại Nam California),

– Ông Trần Ngọc Thăng (chủ tịch một hội cộng đồng Việt Nam tại Nam California),

– Ông Hồ Anh Tuấn (chủ tịch Ủy ban Bảo Vệ Chính nghĩa Quốc gia),

– Ông Quách Nhứt Danh (chủ phố),

– Công ty Terra-Bushard Ltd (quản trị khu phố mà Trần Trường treo cờ)

– 1,000 người vô danh tham gia biểu tình.

Sự kiện Trần Trường trên The New York Times

Đơn kiện của Trần Trường bị bác bỏ. Chán nản, 5 năm sau (2005), Trần Trường bán tài sản ở Mỹ, gom tiền, trở về Việt Nam làm ăn. Ông lập công ty Tân Trường Khanh chuyên nuôi trồng thủy sản với số vốn 7 tỷ VND thời điểm đó, tại ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa (Lai Vung, Đồng Tháp). Tuy nhiên, không như ông Trần Trường hình dung, việc làm ăn của ông gặp bất lợi ngay từ đầu.

Theo báo Tiền Phong, Tháng Mười 2005, ông Trường hợp đồng mua thức ăn nuôi cá với ông Nguyễn Văn Dợn ngụ cùng địa phương với tổng số tiền trên 1.3 tỷ VND. Ông Trường đã thanh toán cho ông Dợn 409 triệu đồng. Số nợ còn lại, ông Trường cam kết thanh toán cho ông Dợn đến hết ngày 30 Tháng Mười Hai 2005, sau khi thu hoạch hai hồ cá. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, khi cá chưa kịp thu hoạch để bán trả nợ thì ông Trần Trường bị ông Dợn kiện tội quỵt nợ.

Ông Trần Trường, 1999 (ảnh: Don Kelsen/Los Angeles Times via Getty Images)

Và mọi việc tiếp theo đó xảy ra rất nhanh. Sau khi nhận đơn kiện ngày 3 Tháng Giêng 2006, tòa án Đồng Tháp quyết định “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” với công ty của ông Trường. Hơn một tuần sau, ngày 13 Tháng Giêng 2006, nhân viên Thi hành án tỉnh Đồng Tháp ập đến và kê biên khẩn cấp tài sản của ông Trường. Chính quyền phong tỏa tài sản doanh nghiệp Tân Trường Khanh và giữ số tiền vừa bán cá là 1.054.490.000 đồng.

Trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 2 Tháng Tư 2006, tác giả Dương Thế Hùng thuật:

“Bỗng một hôm ông Trường đi vắng, ở nhà có 4-5 người mặt mày hung tợn tới đập phá đồ đạc, hăm he đốt nhà rồi đuổi vợ con ông ra khỏi nhà. Ông cầu cứu người bạn thân thì ông này… ngó lơ. Biết phận ở nhờ, ông di dời vợ con ra ở tạm cái kho trống ở xưởng cơ khí của huyện.

Có một người phụ nữ tới rỉ tai vợ ông: “Ông Trường thiếu nợ nhiều lắm, sắp phá sản đến nơi. Chuồng heo và ao cá đã bị xiết nợ mất rồi”. Vốn yếu đuối, lại chịu quá nhiều sức ép bấy lâu nay, bà Nguyễn Thị Kim Khanh – vợ ông – bị sốc tới nỗi hóa điên. Ông phải đưa vợ đi điều trị tại bệnh viện tâm thần ở Biên Hòa.

Trước đó, hồi Tháng Hai 2005, ông đã mua 3ha đất ở ven bờ sông Hậu, thuộc xã Tân Hòa cùng huyện (…) Ông quyết định thành lập doanh nghiệp nuôi cá (mang tên Tân Trường Khanh) và dự tính: “Nếu thuận lợi, tôi sẽ rủ rê cả cộng đồng người Việt ở Cali, nơi tôi sinh sống, về quê cùng góp vốn làm ăn. Sau đó sẽ mở nhà máy chế biến, xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, thực hiện một qui trình khép kín từ việc ương nuôi, sản xuất, chế biến và xuất khẩu” (…)

Khi liên hệ với ngân hàng huyện, người ta hứa hẹn rằng với số vốn như trên, ngân hàng có thể hỗ trợ ông tới 6 tỉ đồng để đầu tư làm ăn. Tin lời, ông yên chí thả nuôi hết ba hầm cá với số con giống hơn 1 triệu con. Nhưng khi hợp đồng vay, ngân hàng chỉ giải quyết có… 600 triệu đồng. Ông “hỗng cẳng”, biết rằng mình bị hớ (…). Ông phải tiền vay bạc hỏi ở ngoài với lãi suất cao, có lúc lên tới 5-7%/tháng. Trong số những người hùn hạp làm ăn với ông có một chủ nhà máy xay xát lúa gạo ở địa phương, tên là Nguyễn Văn Dợn. Ông này đồng ý liên kết làm ăn dưới hình thức cung cấp thức ăn gồm tấm cám, cá biển; sau khi thu hoạch cá ông Trường trả lại tiền đầu tư, kèm theo mức lợi nhuận thỏa thuận.

Đến tháng 11-2005, tổng số tiền ông Trường nợ ông Dợn là hơn 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông đã thanh toán 409 triệu đồng, số còn lại ông Trường cam kết sẽ thanh toán sau khi bán cá vào đợt cuối tháng 12-2005. Nhưng khi ông Trường chưa kịp bán cá thì ông Dợn đã nhờ một số quan chức, công an địa phương gây áp lực, làm khó dễ, rồi nói xấu “ông Trường là Việt kiều bị trục xuất về nước, đang nợ nần chồng chất, sắp bị phá sản đến nơi…”.

Khi ông chuẩn bị ký hợp đồng bán cá cho một doanh nghiệp trong tỉnh thì một cán bộ tòa án huyện tới “chọt” với doanh nghiệp này, khiến hợp đồng bị ngưng, ông phải tìm qua Hậu Giang. Rồi cứ cách vài ba ngày, một cán bộ công an huyện tới mời ông Trường ra xã làm việc, hạch hỏi đủ điều. Những việc này làm đối tác của ông Trường hết sức hoang mang.

Dù vậy, ngày 29-12-2005, ông Trường vẫn ký được hợp đồng bán cá với doanh nghiệp Vạn An ở Hậu Giang. Doanh nghiệp này hẹn ngày 13-1-2006 sẽ giao tiền. Ông Trường nói: “Tôi định sau khi lấy tiền này sẽ thanh toán cho ông Dợn”. Nhưng chưa kịp lấy thì ngày 3-1-2006, ông Dợn nộp đơn kiện ông ra tòa để đòi nợ.

Nguyên nhân ông Dợn kiện là do nghi ngờ ông Trường có dấu hiệu lừa đảo (…) Thông tin này lan rộng, làm cho ông chết đứng. Lúc này cũng là thời điểm giáp Tết (ngày 14 Tháng Chạp), ông không có tiền chi trả cho hơn 20 công nhân đang chuẩn bị đón Tết với gia đình. Bầy cá cả triệu con đang đói trong hầm không có tiền mua thức ăn, thuốc men, trong thời điểm dịch cá chết đang lan rộng quanh vùng. Do thiếu thuốc, hơn 20 tấn cá của ông phải chết trong lúc đó. Điều đau khổ nhất là các đối tác làm ăn, chủ yếu là chủ cơ sở cung cấp thức ăn cho cá, nghe tin này bắt đầu nghi ngại và ngưng thực hiện hợp đồng (…)

Cùng lúc này, bệnh tình vợ ông vẫn không thuyên giảm. Ông vẫn phải tới lui thăm bà ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai). Ông còn phải chăm hai con còn nhỏ hằng ngày đi học, và chăm sóc bầy cá ở ba hầm đang độ lớn (…) Ông giống như bị treo đá ở chân rồi quăng xuống nước. Ông nói: “Lúc này mà có súng như ở Mỹ, tôi đã bắn chết vợ con rồi tự sát” (…)

________________

Thời điểm đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn BBC ngày 10 Tháng Tư 2006, Trần Trường vẫn nói rằng ông không thất vọng khi trở về Việt Nam, và vẫn “tin tưởng vào công lý”…

Tuy nhiên, sáu năm sau, sau khi đã bị “công lý” chối từ, ông Trần Trường trở về Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 13 Tháng Mười Một 2012 tại nhà hàng Hội An Bistro ở San Jose, Bắc California, ông Trần Trường cho biết, năm 2005 ông bán tài sản tại Mỹ để đưa gia đình ông về Việt Nam, rằng gia đình ông được Thiếu tá Dương Ngọc Tiến của báo Công an TP.HCM đưa về Hà Nội thuê nhà ở ba tháng. Sau đó ông về Đồng Tháp nuôi cá như nói ở trên. Trần Trường kể thêm gì trong cuộc họp báo này? Ông nói:

“Tôi trân trọng và thật lòng thành tâm, tôi muốn xin lỗi những hành động đó… Đi đến quan chức tòa án ở Việt Nam thì mình mới thấy, khi có một vụ kiện tụng nào thì đó là giống như một cái mánh…, tức là mọi cách họ vẽ vời làm sao để cho cái vụ kiện nó thành hình thì họ được ăn phần huê hồng, phần lợi… Khi mà đội cưỡng chế đến nhà đập phá thì Ủy ban nhân dân huyện có mời tôi tới. Họ dùng danh từ là “vận động”, tôi phải giao đất…

Cái giai đoạn tôi phải khổ sở quá, tôi phải bắt ốc để đổi gạo, tôi phải lấy những cái gì mà quý giá nhất trong người của tôi, từng chiếc nhẫn cưới tôi đeo trong người tôi, tôi phải lột ra để bán, rồi cái cuối cùng cái răng trong người tôi, tôi cũng phải nhổ ra để mà tôi bán… Lý do tại sao tôi trở lại, là tôi nhờ anh em VNCH cho tôi một cái phao (…)

Ông Trần Trường trong cuộc họp báo ngày 13 Tháng Mười Một 2012 tại nhà hàng Hội An Bistro ở San Jose, sau khi bị chính quyền Việt Nam cướp mất sạch tài sản (ảnh cắt từ clip)

Trong cuộc họp báo, khi được hỏi “Các anh có muốn Trần Trường quỳ xuống để các anh tha lỗi hay không, các anh có muốn điều đó không, hãy nói thật sự đi, Trần Trường có thể làm được điều đó hay không?”. Ông Trần Trường trả lời, “Được”. Và khi được hỏi có phải mục đích cuộc họp báo là nhằm gây quỹ để ông trở về Việt Nam tiếp tục đeo đuổi vụ kiện không, ông Trần Trường trả lời: “Dạ thưa anh, cần, rất cần gây quỹ” (…). Cuối buổi họp báo, ông nói: “Những cái gì, những cái lý tưởng, những cái hoài bão để mình mang về, mình đóng góp xây dựng cho quê hương, cuối cùng thì, cái câu trả lời (là): Mày chết mặc kệ mày!

Ông Trần Trường hiện giờ làm gì và ở đâu? Đến nay, ông gần như không để lại dấu vết tông tích gì. Chúng tôi đã hỏi nhiều người, trong đó có cựu nghị viên San Jose Tâm Nguyễn, chủ nhà hàng Hội An Bistro, nơi tổ chức cuộc họp báo ngày 13 Tháng Mười Một 2012, nhưng không ai biết hoặc nghe gì về ông Trần Trường.

Làn sóng người Mỹ gốc Việt tham chính

Với cộng đồng người Việt ở Nam California nói riêng và ở nhiều nơi khác trên nước Mỹ nói chung, sự kiện không kết thúc đơn giản với hai chữ “mặc kệ”. Ảnh hưởng của sự kiện Trần Trường kéo dài thậm chí đến tận ngày nay.

Nhắc lại vụ biểu tình, luật sư Trần Thái Văn kể, “Có thể nói Little Saigon lúc bấy giờ là ‘điểm nóng’ nên truyền thông báo chí, cư dân các nơi đổ về rất đông, vì là hiện tượng chưa bao giờ xảy ra,” Hầu như các cơ quan truyền thông báo chí Hoa Kỳ đều có mặt, từ CNN, Newsweek, Washington Post, LA Times, đến OC Register. Các báo Việt ngữ dĩ nhiên cũng đưa tin thường xuyên. Cuối tuần còn có văn nghệ đấu tranh. Sở Cảnh sát phải lập luôn một văn phòng dã chiến, “đóng đô” ngay sau chợ Ralphs mà hiện giờ là Saigon City Marketplace.

Đáng chú ý nhất là sự có mặt các dân biểu, chính trị gia, như Dân biểu liên bang Ed Royce, Dân biểu tiểu bang Ken Maddox, Thượng nghị sĩ tiểu bang Joe Dunn và Chánh biện lý Tony Rackauckas. Họ đến để ủng hộ người biểu tình. Thời điểm đó, ông Trần Thái Văn cùng một số nhân vật trong cộng đồng đã lập ra phái đoàn đại diện để họp với Thống đốc California, lúc đó là Gray Davis, cũng như với các dân biểu, thượng nghị sĩ trên thủ phủ Sacramento, để giải thích lý do tại sao cộng đồng Việt Nam biểu tình trong sự phẫn nộ tột cùng đến như vậy, để chính giới Hoa Kỳ hiểu ý nguyện của cộng đồng Việt.

Phản ứng của giới trẻ cũng đáng chú ý. Ký giả Daniel Tsang trên tờ Los Angeles Times viết, thế hệ trẻ người Việt ở Mỹ trở nên đoàn kết và bắt đầu thấu hiểu tâm tư của thế hệ lớn tuổi vốn bị ám ảnh và dằn vặt dữ dội bởi ký ức chiến tranh. Cuộc thắp nến đêm 26 Tháng Hai được tổ chức bởi hơn 25 hội đoàn người Việt trẻ, trong đó có các hội sinh viên và tôn giáo, với sự tham gia của nhiều người thuộc giới trẻ hơn so với các cuộc biểu tình trước đó.

Biểu tình trước tiệm Hi-Tek, ngày 22 Tháng Hai năm 1999. Cô gái đứng cầm micro là Xuân Hà Tống, lúc đó 15 tuổi, hiện nay là Ủy viên Hội đồng Quản trị Khu Đại học Cộng đồng Rancho Santiago (Rancho Santiago Community College District) (ảnh: Lý Kiến Trúc)

Khi được chúng tôi hỏi bài học nào lớn nhất và đáng chú ý nhất rút ra từ sự kiện Trần Trường, luật sư Văn nói:

“Vụ Trần Trường đã cho cộng đồng Việt Nam thấy rằng, nếu mình không có tiếng nói trong chính trường thì khi một biến cố xảy ra trong lòng cộng đồng, sẽ không có một dân cử người Việt nào đứng lên bảo vệ nguyện vọng cộng đồng, và chúng ta phải nhờ vào tiếng nói của các dân cử bản xứ.”

Sự kiện Trần Trường chẳng khác gì “thời khắc Sputnik”, giúp cộng đồng tỉnh ngộ ra nhiều điều, về cách làm thế nào để bảo vệ cộng đồng trước sự thâm nhập lũng đoạn chính trị của cộng sản, chứ không chỉ là vấn đề quan điểm của một cá nhân; về sự khiếm khuyết và thiếu sót trầm trọng của cộng đồng nếu không tham gia vào dòng chính Hoa Kỳ, và cộng đồng sẽ chẳng bao giờ có sức mạnh chính trị trên đất Mỹ nếu không đồng lòng gắn kết trong khi tiếp tục giao phó quyền định đoạt đời sống chính trị cộng đồng cho người bản xứ hơn là tự mình đứng ra quyết định.

Đoàn người biểu tình đi ngang trung tâm thương mại nơi có tiệm Hi-Tek của Trần Trường (ảnh: Richard Hartog/Los Angeles Times via Getty Images)

Trong 53 ngày biểu tình, sự đoàn kết đã chứng minh sức mạnh của nó như thế nào. Sự kiện đã kéo mọi người và mọi tầng lớp lại với nhau. Một trong những giây phút ấn tượng nhất trong cuộc biểu tình là hình ảnh những nhà lãnh đạo của các tổ chức cộng đồng người Việt vốn trước đó mâu thuẫn đã bắt tay nhau, tạm gạt qua những khác biệt và chia rẽ để không chỉ bày tỏ phản đối cái gọi là “hiện tượng Trần Trường” mà còn xây thành trì để ngăn cản những Trần Trường trong tương lai và những mầm mống cộng sản nằm vùng có cơ hội xuất hiện trong tương lai, để khẳng định một điều nhất quán một cách dứt khoát và mạnh mẽ: Cộng đồng người Việt là nơi không có chỗ cho cộng sản tồn tại.

______________

Suốt từ đó đến nay, Little Saigon nói riêng và cộng đồng người Việt ở Mỹ nói chung chưa hề có một Trần Trường thứ hai nào. Lá cờ cộng sản Việt Nam chưa bao giờ có thể xuất hiện công khai tại những cộng đồng tỵ nạn người Việt trên đất Mỹ. Bất luận cộng đồng có những biểu hiện chia rẽ lúc này hay lúc khác, bất luận những nghi vấn về việc cộng sản cài cắm “nằm vùng” trong cộng đồng, Little Saigon vẫn là một pháo đài chống cộng vững chắc. 

______________

220 ngày sau vụ Trần Trường: Rock-N-Vote

Một trong những kết quả cụ thể nhất của “thời khắc Sputnik” từ sự kiện Trần Trường là sự ra đời của sinh hoạt chính trị Rock-N-Vote. Cuối năm 1999, luật sư Trần Thái Văn, khi ấy là giám đốc điều hành Liên Đoàn Cử Tri Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Voters Coalition – một tổ chức thiện nguyện có nhiều chính khách địa phương và nhân vật trong cộng đồng tham gia), được bầu làm trưởng ban tổ chức Đại nhạc hội Rock-N-Vote.

Luật sư Trần Thái Văn – Trưởng ban tổ chức chiến dịch ghi danh bầu cử Rock-N-Vote năm 1999 (ảnh: Nam Lộc cung cấp)

Qua lời kể của nhạc sĩ Nam Lộc và luật sư Trần Thái Văn, có thể thấy Rock-N-Vote là một trong những sự kiện chính trị đáng ghi nhớ nhất lịch sử nửa thế kỷ Little Saigon. Luật sư Văn cho biết:

“Như một cảnh sát viên điều khiển giao thông trước ngã tư của đại lộ rất phức tạp, Rock-N-Vote có gần 30 hội đoàn và tổ chức ngồi lại làm việc với mục tiêu là ghi danh thật đông các cử tri người Mỹ gốc Việt trong một chiến dịch lôi kéo cử tri kéo dài khoảng ba tháng, hầu mong cộng đồng chúng ta có tiếng nói chính trị mạnh mẽ hơn.

Mỗi hội đoàn và tổ chức có cách thức làm việc của họ và nhân sự cũng chưa chắc tin tưởng hoặc nghe nhau, khi có những vấn đề cần phải giải quyết; tuy nhiên, với sự cương quyết và cách hành xử tế nhị, có nhiều cộng tác viên phụ giúp, đại nhạc hội Rock-N-Vote cuối cùng đã thành công mỹ mãn, với hơn 1,000 cư dân tham dự và ghi danh đi bầu ngay tại hội trường của UCI cùng ngày.”

Nhật báo OC Register ngày 18 Tháng Mười, 1999 đưa tin về chiến dịch ghi danh bầu cử Rock-N-Vote (ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Ảnh tư liệu của nhạc sĩ Nam Lộc
Ảnh tư liệu của nhạc sĩ Nam Lộc

Rock-N-Vote diễn ra vào ngày 17 Tháng Mười 1999, có sự tham gia của nhiều gương mặt nghệ sĩ tên tuổi trong cộng đồng, trong đó có Ý Lan, Linda Trang Đài, nhạc sĩ Việt Dzũng của Little Sagon Radio và Radio Bolsa… Nhật báo Los Angeles Times khi đó viết: Đây là nỗ lực lớn nhất từng được thực hiện để ghi danh cử tri người Mỹ gốc Việt, và là sự kiện lớn đầu tiên xuất phát từ phong trào chính trị được khơi mào bởi các cuộc biểu tình chống cộng sản ở Little Saigon.

Sau “thời khắc Sputnik” từ sự kiện Trần Trường và kể từ sự kiện kéo theo Rock-N-Vote, số người Việt tham chính ngày càng đông, chiếm những vị trí khác nhau, không chỉ Nam mà cả Bắc California, đặc biệt tại Orange County, từ Dân biểu tiểu bang California Trần Thái Văn, Thượng nghị sĩ tiểu bang California Janet Nguyễn, Thị trưởng Garden Grove Nguyễn Quốc Bảo, Thị trưởng Westminster Tạ Đức Trí, Ủy viên Giáo dục Nguyễn Quốc Lân; đến Nghị viên Thành phố Westminster Andy Quách…

Đến năm 2015, riêng ở Little Saigon đã có 11 người Mỹ gốc Việt trở thành nghị viên thành phố, hai giám sát viên của quận hạt, một dân biểu tiểu bang và một thượng nghị sĩ tiểu bang. Gần đây, đó là những Phạm Kim Long, Mike Nguyễn, Amy Phan West, Andrew Đỗ, Ted Bùi, Kimberly Hồ, Diedre Thu-Hà Nguyễn, Hugh Nguyễn, Kim Bernice Nguyễn…

Trong cuộc bầu cử ngày 6 Tháng Mười Một 2018, California đã lập nên kỳ tích khi lần đầu tiên có hai nghị sĩ vào Quốc hội. Trong đó, bà Janet Nguyễn tái đắc cử chức Thượng nghị sĩ ở Địa hạt 34 và ông Tyler Diệp lần đầu tiên đắc cử Dân biểu tiểu bang ở Địa hạt 72. Los Angeles Times viết, chiến dịch vận động của những ứng viên gốc Việt “đã thống lĩnh các góc phố ở khu Little Saigon”.

Điều đáng chú ý nhất là sự tham chính ngày càng đông của thế hệ trẻ trưởng thành ở Mỹ, những người thậm chí gần như không có ký ức và trực nghiệm cá nhân về cuộc chiến Việt Nam cũng như sự kiện lịch sử “đổi cờ” năm 1975 khi miền Nam bị mất vào tay cộng sản. Và giờ đây sự hiện diện người Mỹ gốc Việt trong chính trường Mỹ không chỉ ở California. Trong mùa bầu cử 2018, nữ luật sư Trâm Nguyễn (sinh năm 1986) nói rằng bà muốn trở thành dân biểu để đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng người Việt và “sẽ nỗ lực để cờ vàng ba sọc đỏ được công nhận là lá cờ chính thức của cộng đồng Việt Nam ở Massachusetts”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: