Tờ mờ sáng vợ chồng tôi đã lục đục dậy sớm, sửa soạn lên đường. Đồ đạc chuẩn bị từ cả tuần trước từ từ được chất lên xe. Nào là cooler nước đá, dây điện hạng nặng, misting fan thổi hơi nước, đèn “bug zapper” diệt bọ, kem chống nắng, bình xịt thuốc chống ruồi, chống muỗi, chống lung tung – cứ như sắp sửa đi cắm trại. Tình thật chỉ chạy ba quãng đồng – từ Dallas xuống Austin, để nghe nhạc và… uống rượu đế.
Việc đầu tiên là tạt ngang nhà hàng Saigon Block đón cô chủ Bích-Vân. Nhân vật này coi vậy mà quan trọng, nhờ nàng mà cả ba có chạo tôm và nem rán dằn bụng đi đường. Trên xe, hai bà bàn tán huyên thuyên về buổi tiệc tối nay, phân chia công việc cho cái bar rượu do SuTi đảm trách. Ai cũng tò mò về nhân vật chính của chương trình là Teresa Mai, tức ca sĩ Sangeeta Kaur.
Đêm nay sẽ là một đêm nhạc tiệc đặc biệt mang tên Nắng Khuya, do anh Hoàng Hải là chồng Teresa tổ chức. Qua điện thoại, anh cho biết nó sẽ là một buổi tiệc ngoài trời được thiết kế theo kiểu Hội Ngộ Quán tại Bình Quới. Trong khu vườn nhà anh sẽ dựng những cái kiosk phục vụ thức ăn, với bàn gỗ và ghế đẩu y như ở Việt Nam.
Thực đơn tên “Về Miền Ký Ức” nghe nói có 32 món ăn đường phố do chị Mỹ Liên ở Dallas cùng một đội ngũ hàng tá người đến nấu nướng tại chỗ. Hồi còn ở Việt Nam, chị Liên từng là hỏa đầu tướng quân ở Bình Quới, còn anh Hải thường tới đó đàn hát, nên lần này anh Hải mời chị Liên xuống lo phần “thực” là vậy. Phần tôi chỉ có mỗi việc liên kết anh Hải với hai ông bạn Súy và Tiến, chủ lò đế SuTi ở Fort Worth, để bàn tính chuyện “ẩm”. Gì chớ đụng đến rượu, nhất là rượu đế Ông Già lừng danh nước Mỹ thì cỡ nào tôi cũng phải giúp – không những hai tay mà cả hai chân.
Việc đầu tiên khi đến nơi là nhào ra phụ set up cái bar. Tiến đã soạn sẵn mớ phụ tùng để pha ba món cocktail đặc biệt cho đêm nay, được anh đặt tên là Huế (Đỏng Đảnh) – Sài Gòn (Quậy) – Hà Nội (Lãng Mạn). Xưa nay tôi chỉ biết uống đế kiểu nhà quê, tức uống khan [straight] hoặc cùng lắm là thêm vài cục nước đá [on the rocks]. Nhưng lần này tôi thật sự muốn thử uống kiểu mới, nhất là hôm nay nhằm bữa trời oi.
Hai ngày trước đó Bắc bán cầu đã chạm mốc Thu phân, nhưng miệt Trung phần Texas vẫn còn nóng bộn. Những vị khách của Teresa đến từ Cali có lẽ không quen, nhưng đối với dân cao bồi tụi tôi thì 90 độ F vẫn còn… mát chán. Điều đáng lo nhất là mưa. Dự báo thời tiết nói bão Ian trong Vịnh Mexico đang tiến đến gần.
Rất may hôm đó trời hanh. Đêm nhạc diễn ra tốt đẹp dưới bầu trời đầy sao, trong một khu vườn lung linh ánh sáng từ những chiếc đèn lồng gửi từ Việt Nam sang. Những tấm phướn và tranh (chép) của Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ… treo quanh sân càng làm tăng nét huyền ảo của tiếng nhạc và tiếng hát, phát ra từ một dàn âm thanh cực êm.
Hôm sau có dịp hỏi chuyện Gerhard Joost, giám đốc kỹ thuật và Chief Engineer cho Studio Hill của anh Hải, tôi mới biết vài ngày trước anh ta rất lo. Nếu bị mưa bất tử thì bao nhiêu dụng cụ âm thanh đắt tiền ấy sẽ không thể nào dời kịp. Nhà anh Hải có một phòng thâu thanh chuyên nghiệp khá lớn; ‘Plan B’ của Gerhard là dồn hết mọi người vào đó. Song anh nói nhét được hơn hai trăm mạng vào cái studio ấy cũng không phải chuyện đơn giản.
Gerhard Joost từng làm âm thanh cho năm dĩa CD nhạc của Sangeeta Kaur, và cũng đã thắng giải Grammy cho dĩa Mythologies hồi tháng Tư 2022. Tôi chưa bao giờ đến Hội ngộ quán ở Bình Quới nên không biết âm thanh nơi đó ra sao, nhưng phải công nhận âm thanh do Gerhard và đội ngũ chuyên nghiệp của anh thiết kế trong khu vườn đêm ấy thật tuyệt vời. Nó ấm áp và tràn ngập không gian nhưng không ầm ĩ điếc tai. Ngồi ở những chiếc bàn phía cuối vườn hay tại bar rượu cách thật xa sân khấu vẫn có thể nghe rõ tiếng hát. Đội kỹ thuật ánh sáng cũng hết chỗ chê. Dân nhà nghề của Mỹ có khác.
Về phần nhạc, anh Hải đã mời những ca sĩ và nhạc sĩ thứ thiệt đến từ Âu Châu, Úc Châu, Cali để trình diễn. Lần đầu tiên trong lịch sử, bản Diễm Xưa được thể hiện bởi một ca sĩ gốc Do Thái là Hila Plitmann, với tiếng hát bè của Sangeeta Kaur – hai ca sĩ vừa mới thắng chung giải Grammy. Phiên bản vô cùng độc đáo cho hai giọng hát soprano này được phối khí bởi một chàng thanh niên tên Duy Trần, vừa tốt nghiệp thạc sĩ âm nhạc và cũng là người đệm dương cầm cho hai cô.
Teresa Mai với Hạ Trắng và Cát Bụi nghe phê bạo. Anh Trịnh Hoàng Hải đóng góp hai bài Ru Em và Bốn Mùa Thay Lá. Pianist Vân-Anh đến từ Sydney biểu diễn Một Cõi Đi Về pha giọng blues của Gershwin thật mượt mà. Đồng Lan từ kinh đô ánh sáng đã gây ấn tượng mạnh trong Này Em Có Nhớ. Nói chung, tất cả ca sĩ đêm đó đều là dân có tay nghề cao nên ai hát cũng tốt – Phạm Hà, Phong Lưu, Anh Tuấn, Tạ Hùng Cường, Minh Phượng, Hoàng Lan… Và còn nhiều người nữa nhưng tôi không nhớ hết, phần vì đêm đó cũng hơi… xỉn!
Có thể nói không ngoa rằng cái bar Rượu Đế Ông Già là góc nhộn nhịp nhất đêm hôm ấy. Ý tưởng làm cocktail của chị Trang-Anh, phu nhân anh Súy, đã được mọi người hưởng ứng (hơi quá) nồng nhiệt. Phải công nhận lần này dân Cali và Austin được bao một chầu rượu đế quá xá đã. Đã vậy, ai cũng khen Nicky, con trai chị Trang-Anh, không những pha rượu giỏi mà còn ăn nói có duyên.
Sau khi quan khách ra về, anh Hải đưa chúng tôi vào nhà cho xem những quyển lưu niệm anh làm cho các đêm nhạc Trịnh Công Sơn trước đây. Từ năm 2002 đến 2011, anh đã tổ chức gần cả chục chương trình. Và mỗi lần như vậy anh đều cho in một tập sách nho nhỏ. Xong anh dẫn chúng tôi đi xem một vòng phòng thâu của Studio Hill và giới thiệu chúng tôi với anh Cao Lập, nhà thiết kế Hội Ngộ Quán ở Bình Quới. Lúc đó chúng tôi mới vỡ lẽ mối liên hệ bao nhiêu năm nay giữa anh Hải, anh Lập và chị Mỹ Liên. Thì ra anh Cao Lập cùng một người bạn khác đã bay từ Việt Nam sang để dàn dựng khu vườn nhà anh Hoàng Hải cho thật giống Hội Ngộ Quán.
Nấn ná nói chuyện, hát hò thêm cho tới gần hai giờ sáng chúng tôi mới “lui ghe”. Khi ấy ai nấy đều đã khá mệt, nhưng như anh Cao Lập nói, “Mệt mà không mỏi!” Sáng hôm sau chúng tôi quay lại để thu dọn chiến trường. Lúc bấy giờ cả đám mới thật sự thảnh thơi để uống cà phê, nói chuyện cà kê với nhị vị chủ nhà và những vị khách của gia đình Teresa.
Trong số những người khách ấy, tôi tình cờ phát hiện nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng là bậc đàn anh ngày xưa dạy violon ở trường Quốc Gia Âm Nhạc và từng học cùng một thầy với mình là cố giáo sư Đỗ Thế Phiệt. Thật là một cái duyên quý hiếm, vì thầy Phiệt đã mất từ đầu thập niên 1970; số người từng học với thầy có lẽ không còn mấy ai. Gặp nhau mừng cái gì đâu.
Cũng theo lời kể của Teresa và anh Hải, anh Khánh Hồng là người đã giúp đưa hai anh chị đến với nhau – qua một chương trình nhạc do anh Hồng tổ chức. Anh Hải kể đó là lần đầu tiên anh hát trên sân khấu cùng với Teresa, bản Do You Hear The People Sing từ nhạc kịch Les Miserables. Anh nói đó là một cơ hội hiếm có mà anh không thể bỏ qua. Anh đùa, “Có lẽ cổ thương mình vì thấy mình lúc đó miserable [tội nghiệp] quá!”
Teresa thì kể anh Hồng nói có một anh chàng người Việt nọ đang kiếm thầy dạy hát [vocal coach], và cô đã nhận lời. Sau đó anh chàng nọ lại còn xin vào học lớp yoga của Teresa nữa khiến cô thắc mắc hết sức. Thì ra ngoài nghề hát, Sangeeta Kaur còn dạy yoga. Theo lời anh Hải thì việc học hát và yoga của anh là một “chiến thuật.” Anh nói vì chưa tập yoga bao giờ cho nên “mình phải cố gắng dữ lắm, nhất là khi cô giáo lại là một người đẹp như Teresa!”
“Cách đây 6-7 năm,” anh kể, “lúc đó mình đang ở dưới New Orleans, sau khi rời Việt Nam trở về sống ở Mỹ. Một hôm anh Khánh Hồng gởi cho mình một cuộn băng video, biểu coi chơi cho biết. Lúc mở lên coi thì mình đang ngồi ăn mì gói. “Đến đoạn Teresa lên hát mình bỗng sững sờ, quên cả ăn. Tô mì nở bung, sợi mì to bằng ngón tay vầy nè!” Vừa nói anh vừa giơ ngón út lên. Đợi cho cả bọn cười đã đời, anh kể tiếp: “Mình bèn gọi cho Khánh Hồng, hỏi hắn liệu có cách nào giới thiệu mình với cô này không. Khánh Hồng đáp liền, ‘Tui nghĩ ông không có cửa!’”
Thế mà rốt cuộc hai người cũng đến được với nhau và nên vợ nên chồng. Teresa nói với tôi, “Anh Hải rất hiền. Tuy ảnh làm nghề kỹ sư nhưng có tâm hồn nghệ sĩ. Lúc nào anh ấy cũng muốn cống hiến cho đời và tạo cơ hội cho mọi người kết nối với nhau. Chính vì vậy mà em với ảnh rất ý hợp tâm đầu.” Rồi như để kết thúc buổi nói chuyện thân tình sáng hôm ấy, trước khi từ biệt anh buột miệng hát:
Dù em khẽ bước không thành tiếng
Cõi đời bao la vẫn ngân dài…
[Vẫn Có Em Bên Đời – Trịnh Công Sơn]
_________
Teresa Mai (tên Việt Nam là Mai Xuân Loan) sinh năm 1980 tại Montclair, California. Năm lên năm tuổi, cô bắt đầu thích hát sau khi được tặng quyển phim “The Sound of Music”. Lên lớp Sáu, Teresa học violon, nhưng khi vào trung học cô chuyển sang hát trong ca đoàn của trường. Teresa không hề nghĩ trở thành ca sĩ.
Hai năm đầu tại một trường community college, năng khiếu của Teresa bắt đầu nảy nở. Nhờ sự khuyến khích và nâng đỡ bởi các vị giáo sư âm nhạc ở đó, và sau khi được nghe hai cô sinh viên trong ca đoàn hát opera, Teresa Mai quyết định chuyển sang Cal State Long Beach để học Opera Performance. Sau khi tốt nghiệp với bằng Cử Nhân, Teresa lấy thêm bằng Master về Vocal Performance tại Nhạc Viện Berklee danh giá ở Boston.
Từng lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, Teresa Mai định cư ở New York một thời gian. Tại đây, những năm đầu thế kỷ 21, cô khám phá nhạc “mantra” (tụng niệm) của Phật Giáo Tây Tạng, và bắt đầu sáng tác những bài hát theo phong cách mantra; đồng thời đổi nghệ danh thành Sangeeta Kaur theo đề nghị của vị sư thầy. Với nghệ danh và phong cách mới, Sangeeta cho ra năm dĩa CD rất thành công với thể loại New Age. Năm 2022, dĩa “Mythologies” của Sangeeta hát cùng với Hila Plitmann giành Grammy hạng mục Best Classical Vocal Solo Album. Teresa trở thành người gốc Việt đầu tiên thắng giải Grammy.
____________
Bài đã đăng trong Giai phẩm Xuân 2023 của Saigon Nhỏ phát hành ngày 19 Tháng Mười Hai 2022