Người Việt có câu tục ngữ: “Sống về mồ về mả/ Không ai sống về cả bát cơm”; hoặc các câu ngắn gọn hơn: “Trẻ cái nhà, già cái mồ”, “Tiền mả, hậu gia”. Các câu này chia sẻ quan niệm trong Tấn Thơ Lưu Nghị truyện, rằng:
“Đại trượng phu cái quan sự phương định” (Kẻ đại trượng phu đến lúc đậy nắp hòm, sự nghiệp mới định vị được), hoặc thường nói gọn hơn là “cái quan định luận” (đậy nắp hòm xong mới luận định được). Qua vài ngôi mộ của giới tao nhân văn – nghệ sĩ Việt cũng có thể thấy được ít nhiều điều này.
Trong bài này, thử xem qua mộ của hai đôi bạn tri kỷ – đó là nhà thơ Tạ Ký (1928-1979) và nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998) cùng dân Quảng Nam; nhà văn Sơn Nam (1926-2008) và nhà thơ Kiên Giang (1929-2014) cùng dân Rạch Giá (nay là Kiên Giang). Ngoài cùng quê hương bản quán, họ cùng thế hệ, cùng hành nghề văn chương, đều can hệ ít nhiều với Việt Minh, nhưng rồi ứng xử, hành trạng về sau thì nhiều lối rẽ khác nhau.
Bùi Giáng và Tạ Ký về Gò Dưa
Tạ Ký người làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi nổi tiếng với cây cối tươi mát và nước trong xanh. Làng trái cây Đại Bình (vì húy kỵ, dân quen gọi Đại Bường) gần quê ông gần như có tất cả loại trái cây phổ biến của Việt Nam, đặc biệt có cả các loại “ngoại nhập” từ Nam kỳ như sầu riêng, măng cụt, sapoche (hồng xiêm), thanh long… Bản thân Tạ Ký rất yêu thích cây xanh. Những bài thơ từ thời tiểu học ông đã dành tình cảm sâu đậm cho cây cối, phong thổ.
Thời cuộc đưa đẩy, ông phải dần xa các màu xanh ấy, tính vào Đà Lạt ở luôn, nhưng cũng không ở được lâu, phải về Sài Gòn chật chội, rồi mất khá lặng lẽ tại Chợ Mới, tỉnh An Giang ngày 19 Tháng Ba 1979. Nếu không có sự thông thạo miền Tây của nhà thơ Đynh Trầm Ca thì có khi ngày nay mộ Tạ Ký cũng đã “thất lạc” giữa cuộc đời này. Đynh Trầm Ca và bạn hữu đã lo giúp việc cải táng, đưa về an vị tại nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức) ngày 5 Tháng Tư 2001, cách nơi chôn cũ hơn 200 km.
Ở nơi mới, Tạ Ký nằm khiêm nhường trong vài mét vuông, nhưng sạch sẽ, có trảng hoa nhỏ trên mộ, còn cây xanh thì không, chỉ “hưởng chút bóng mát” ở các mộ kế cận. Nhưng ở đây, ông lại được nằm gần người bạn thuở thiếu thời, người đồng hương Bùi Giáng. Quê hai người cách nhau chừng 50 km, thời ấy như vậy là xa xôi, nhưng vẫn có thư đi tin lại. Thời tuổi trẻ, hai ông có điểm chung là từng theo Việt Minh, nhưng chỉ vài năm là họ bỏ về thành, rồi hành phương Nam để thỏa chí hướng văn chương, giáo dục.
Cách mộ Tạ Ký chừng 10 mét là mộ Bùi Giáng, tuy không to, chỉ chừng 50 mét vuông, nhưng nếu so về bình quân, trông vẫn rộng rãi, tươm tất và tao nhã nhất khu này. Bùi Giáng dù nhớ cố quận, nhưng mê phố thị nhiều hơn, nên gần như suốt đời ông chẳng mấy tơ tưởng chuyện trở về quê cũ. Bùi Giáng chẳng mấy mê say phong thổ, cây cối, mồ yên mả đẹp, nhưng quanh mộ ông cây cối xanh tươi, hoa nở bốn mùa. Bùi Giáng cũng từng đi miền Tây thăm Tạ Ký, lang thang dưới đó ít lâu rồi trở về Sài Gòn, làm nhiều câu thơ, bài thơ về thành phố này.
Trong bài thơ Đêm Sài Gòn, có đoạn:
“Đường vui ký ức giang hà/ Đường xa lăng lắc chan hòa lãng quên/ Rừng thưa thấp thoáng hiên thềm/ Dừng chân khoảnh khắc sương ghềnh vi vu”.
Giữa họ là tình bạn thâm tình, tuy ít gặp nhau, nhưng đồng điệu và “tương kính như tân”, đủ để chia sẻ nhiều điều. Cả hai không hẹn sống chết gần nhau, nhưng cuối cùng lại nằm gần nhau nơi đất khách quê người. Mộ của hai người luôn sạch sẽ, tươm tất, do người mến mộ và cả các thợ thầy ở nghĩa trang này chủ ý dọn dẹp, tu bổ. Trong bài thơ Sầu ở lại của Tạ Ký, có đoạn: “Năm cùng tháng tận đời hoang vắng/ Bên quán ngờ đâu lại gặp mầy/ Gọi để mừng nhau khi hội ngộ/ Thì xin hãy cạn chục ly đầy”.
Mà nói đôi bạn này nằm nơi đất khách quê người cũng chưa hẳn đúng, hoặc chưa thật trọn vẹn. Vì vào năm 1966, Hội Trung Việt ái hữu, gồm đa số đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng di cư vào Sài Gòn và các vùng phụ cận, đã mua đất lập nên nghĩa trang Gò Dưa ở xã Tam Bình, quận Thủ Đức.
Sau năm 1975, vật đổi sao dời, chính quyền mới tiếp quản và phân lô bán một phần đất nghĩa trang này cho các tổ chức, tư nhân. Cho nên, mộ phần Bùi Giáng và Tạ Ký tuy mua lại phần đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tàu (1935-2007) và bà Phạm Thị Gái (1942-2015) người Thủ Đức, nhưng trước đó lại là đất của Hội Trung Việt ái hữu.
Nhưng nếu cứ truy xét hoài như vậy thì thật vô cùng, vì sở hữu chủ trước kia của hội này là ai? Chỉ thấy rằng, dù rất tình cờ và có lẽ cũng ngoài ý muốn, rốt cuộc họ lại về nằm rất gần nhau trên đất Gò Dưa, mà quê cũ của họ cũng rất nổi tiếng về dưa hấu, dưa gang, dưa leo, bí đao, bí rợ…
Trên bia Tạ Ký có hai câu thơ: “… Thân cát bụi chẳng còn chi hối tiếc/ Nhưng lòng riêng khao khát chút Tình Thương”. Về diện tích, mộ của Bùi Giáng còn to hơn mộ của ông bà chủ đất, cũng chỉ chôn cách Bùi Giáng chừng 15 mét. Sát xung quanh họ có chừng chục ngôi mộ người Quảng Nam, có người hữu danh, có người vô danh, làm nên một “xóm đồng hương” kỳ lạ.
Nói về khắc thơ xung quanh mộ, có lẽ mộ Bùi Giáng nhiều nhất, với gần 40 trích đoạn. Thế nhưng, điều lạ lùng, trên phiến đá chính trước mộ, lớn nhất, vốn trích khắc đoạn thơ tiêu biểu – cũng là thủ bút của Bùi Giáng, thì đến nay gần như đã trở thành “vô tự thiên thư”, vì chữ khắc lên đá đã mòn gần hết, dù mới hơn 20 năm thôi. Nó cũng rơi rớt như đời thơ của ông, với vô số bài viết tặng, viết ngẫu hứng bị thất lạc đó đây vậy.
Tuy nhiên, dù thất lạc nhiều, Bùi Giáng cũng đâu thiếu thơ. Ngay sau bức tượng đồng do điêu khắc gia Trương Đình Quế (1939-2016) tạc rất đẹp, là bài thơ Thần tiên trên núi: “Đùa với tuyết, rỡn với vân/ Một mình nhớ mãi gái trần gian xa/ Sương buổi sớm, nắng chiều tà/ Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu”. Hàng chục trích đoạn thơ khác vẫn còn rõ nét đến vằng vặc.
Với con mắt tham lam bình thường, tượng đồng tại mộ Bùi Giáng mà cân đồng bán cũng khá tiền, vậy mà bao năm qua vẫn nằm im tại chỗ. Trộm cắp đôi khi cũng có nghĩa lý giang hồ. Với tượng của “thi sĩ cái bang” như Bùi Giáng, họ đã dành ít nhiều tôn trọng. Đến mộ Bùi Giáng, đường đi bây giờ khá thuận tiện, Google Maps chỉ gần như đến tận nơi, sai số chỉ vài chục mét; đến thắp nén nhang và đọc các trích đoạn thơ thôi cũng đã lý thú. Ví dụ một trích đoạn được khắc: “Buổi về đắm lụy điêu linh/ Còn nguyên xứ sở mang hình chiêm bao/ Máu se tàn lạnh điệu chào/ Trên đầu phố lạ vẽ màu quê chung”.
Cuộc đời và văn nghiệp Bùi Giáng thì đã nhiều người biết rồi, nên không nhắc lại ở đây. Riêng Tạ Ký, đời ông dành nhiều tâm huyết cho giáo dục hơn văn chương, nhưng dấu ấn trong thơ không hề phai nhạt. Ngoài các bài thơ lẻ, ông đã xuất bản hai tập thơ Sầu ở lại (1970) và Cô đơn còn mãi (1975).
Sau năm 1975, ông đi tù cải tạo hai năm vì tội “giáo chức biệt phái”. Tuy nhiên, ông “phát bệnh đột ngột” trong tù nên được “tạm tha” trước thời hạn. Ra tù, không thể sống tại Sài Gòn vì bị theo dõi và sách nhiễu liên tục, nên đến cuối năm 1978 thì Tạ Ký xuôi về sống ở tỉnh An Giang, mấy tháng sau thì mất trong cô độc, mộ phần ít được nhang khói, chăm nom.
Sơn Nam và Kiên Giang về Bình Dương
Trước khi mất, Kiên Giang muốn về Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương ở Chánh Phú Hòa, Bến Cát, để được gần gũi với Sơn Nam, nên có thể nói ông đã được nằm đúng nơi mình chọn. Có một nhà lưu niệm Sơn Nam rộng hơn 1,500 mét vuông ở bờ kênh Bảo Định (xã Đạo Thạnh, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) nên nếu mộ ông cũng đưa về đây thì trọn vẹn hơn.
Nhưng Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương đã tặng cho ông và Kiên Giang hai phần mộ vuông góc với nhau, ngay góc đường Nghệ Sỹ, nối với đại lộ Vĩnh Hằng, mỗi phần mộ rộng chừng 50 mét vuông, như nằm gối đầu vào nhau.
Nếu tính luôn vỉa hè và khuôn viên chung, mộ của hai người trông khá rộng rãi, thoáng đãng, tao nhã. Họ nằm dưới nhiều cây xanh và bóng cây tha la, hoa trái quanh năm, với tiểu cảnh gọn gàng, tượng chân dung nho nhỏ, nhưng rất có thần thái. Khu này còn có mộ của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Tư Còn, Viễn Châu, Hề Sa, Giang Châu, Lê Mộng Hoàng, Thanh Sang, Lê Dân, Thanh Sơn, Nhị Kiều, Thanh Kim Huệ, Hồ Kiểng, Thanh Bình, Thanh Tùng, Vinh Sử, Huỳnh Phúc Điền… Mộ Sơn Nam có hai câu hoành: “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.
Mấy năm cuối đời, Kiên Giang đổi ý, xuôi về thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, sống với con gái, định bụng yên bề hậu sự ở đây luôn cho tiện. Nhưng chiều 28 Tháng Mười 2014, khi trở lại Sài Gòn cho một việc thiện nguyện, bất ngờ ông đột quỵ rồi qua đời tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ngày 31 Tháng Mười 2014.
Còn nhớ, nhân giỗ đầu của Sơn Nam năm 2009, Kiên Giang đến viếng mộ và xin đặt phiến đá có mấy câu thơ: “Sống thì xuôi ngược bôn ba/ Chết nằm đất nghĩa, vẫn là cố hương/ Đây Bến Cát: đất Bình Dương/ Sơn Nam vào giấc miên trường ngàn thu”.
Sau đó mấy năm, khuya ngày 12, rạng sáng 13 Tháng Tám 2013, ông có linh cảm mình sẽ khó qua khỏi, nên ngồi dậy sửa mấy câu thơ từng viết cho mộ Sơn Nam thành viết cho chính mình: “Trận đời trăm nẻo xông pha/ Thác nằm đất nghĩa vẫn là quê hương/ Xa Rạch Giá, về Bình Dương/ Đất lành nào cũng vấn vương nghĩa tình”. Nhưng khi khỏe lại, ông nghĩ về Bình Dương thì xa con cháu ở An Giang đến cả 300 km, sẽ có nhiều bất tiện về sau, nên lại từ bỏ ý định. Cuối cùng, như một định mệnh, dù không hẹn sinh và chết cùng ngày, nhưng cả hai phiến đá đề thơ lại được nằm gần nhau tại một nghĩa trang, như tình bạn, tình cố hương dài lâu của họ.
Sinh thời, có lần Kiên Giang hỏi Sơn Nam, đại ý: Sao anh cứ viết hoài những chuyện xảy ra trước năm 1930 vậy? Sơn Nam nói rằng mình từng theo Việt Minh, sau dù không còn mặn mà nữa nhưng cũng không muốn viết những gì có liên quan, dù chê dù khen. Viết những chuyện trước khi thành lập Đảng CSVN năm 1930 thì đỡ phải lấn cấn. Cuộc đối thoại này tôi được nghe Kiên Giang kể lại, trong một buổi trà dư tửu hậu dịp Giỗ tổ sân khấu tại Sài Gòn, hình như năm 2010, có vài người còn sống chứng kiến.
Kiên Giang là một nhà báo tranh đấu cho tự do báo chí và tự do dân tộc trước 1975 tại Sài Gòn nhưng sau này ông chọn lối hành xử “tự thất sủng”, sống thanh bần, không muốn lụy cậy quyền lực, chính trị. Trong một bài về Kiên Giang, Sơn Nam viết: “Một cuộc đời lăn lóc, chẳng bao giờ khấm khá, về già làm chuyện ái hữu, tương tế, quả là thành đạt, không xấu hổ với đất nước.
Đây là một người bạn cùng xóm, cùng làng, cùng xứ U Minh mà tôi lấy làm tự hào và thật lòng ca ngợi”. Kiên Giang tên đầy đủ là Trương Khương Trinh, còn có bút danh là Hà Huy Hà, nổi tiếng với thơ, rồi với nghiệp ký giả và soạn giả cải lương. Nhiều câu thơ của ông nay đã thành ca dao, ví dụ:
“Ngày mai đám cưới người ta/ Cớ sao sơn nữ Phà Ca lại buồn?”, “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”, “Ong bầu đậu đọt mù u/ Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”, “Kéo dài chi kiếp sống thừa/ Cho gai mắt thấy, cho chua lòng sầu”…
Bài và ảnh: Lý Đợi
_______________
Bài đã đăng trong Giai phẩm Xuân 2023 của Saigon Nhỏ phát hành ngày 19 Tháng Mười Hai 2022