Nơi ấy, bắt đầu những hiểu biết của tuổi thơ tôi. Lần đầu tiên con bé chỉ quen với góc nhà, phòng lớp, những bạn bè thân thuộc đã mở mắt ra thấy được thế giới xao động bên ngoài. Và cái thế giới ấy bắt đầu từ khu chợ dọc bến sông này.
Trời mờ mờ sáng, cùng đứa bạn thân gần nhà, tôi đã chạy bộ ra bến Ninh Kiều, cái bến sông nổi tiếng của thành phố quê nhà để xem chợ nhóm. Buổi chợ đông bao giờ cũng rộn ràng, náo động. Mặt trời vẫn chưa lên nhưng ghe xuồng đã đậu đầy bến, tấp nập lên hàng. Đứng bên trên nhìn xuống biết bao lần mà cảm giác trong tôi vẫn tươi rói, tinh nguyên của cái lần đầu mở to mắt nhìn ghe xuồng từ các vùng sông rạch tiến vào đây như những mũi tên rẽ nước nhẹ nhàng trên bến sông.
Cảnh “trên bến dưới thuyền” ồn ào, đông vui khiến ta nghe rân rân trong từng mạch máu, nghe nóng bừng khuôn mặt. Chưa hết, những cần xé đầy cam quýt, bầu bí và trăm thứ nữa cứ từ từ chuyển động về phía chợ, những chiếc cần xé nặng trịch che khuất cả người phu khuân vác gợi cảm giác chúng đang tự di chuyển một cách ngộ nghĩnh, lạ lùng trong mắt chúng tôi.
Rời mắt khỏi bến sông, khu chợ Cần Thơ lại hiện ra nồng nàn hương vị của buổi nhóm chợ. Đèn sáng choang, tiếng la hét, cười nói, tiếng người lục tục thức dậy sau giấc ngủ qua đêm ngay tại chỗ bán, tiếng ly tách chạm vào nhau cùng tiếng nước sôi xèo xèo trong mấy quán cà phê đầu chợ. Khu chợ với tôi như một trái tim lớn, phập phồng nhịp thở ấm nồng, và ghe xuồng khắp nơi đổ về mỗi buổi sớm là những mạch máu tươi hồng đem máu trở về tim để sau đó luân lưu đi khắp chốn…
Nhất là vào mùa Tết, khi chợ đêm bắt đầu, con bé tuổi xuân thì mỗi đêm chạy ra chợ mấy lần vậy mà bao giờ cũng ngất ngây vì cái âm thanh vui nhộn, những hình ảnh rực rỡ vô tận của khu chợ Tết trên bến sông. Bầu không khí nồng đậm hương sắc đó mãi mãi in đậm trong ký ức một thời.
Nơi ấy, cạnh khu chợ nhóm dọc theo bến sông còn có một “Nhà Lồng Chợ Cổ”, niềm tự hào của người dân tỉnh Cần Thơ trước đây và thành phố Cần Thơ bây giờ. Khu nhà lồng chợ được xây sau năm 1915, do chính nhà thầu Brossard và Mopin xây dựng sau khi đã xây chợ Bến Thành Sài Gòn, chợ Đông Ba ở Huế và chợ Phnom Penh ở Campuchia.
Do được kiến thiết sau nên nhà lồng chợ Cần Thơ mang quy mô mới lạ, cấu trúc vững khỏe, thanh thoát, kết hợp hài hoà hai nền văn hóa Đông Tây từ chất liệu, màu sắc đến đường nét. Trong ký ức tôi, bến Ninh Kiều luôn gắn với Nhà Lồng Chợ Cổ và một công viên trải dài thoáng mát, nơi người dân thành phố có thể thư giãn, hít thở khí trời sớm sớm, chiều chiều và tiện thể đi chợ mua thức ăn trong ngày.
Nhà Lồng Chợ Cổ nay đã được phục chế, vẫn giữ nguyên hình dáng cũ với tên Chợ Cần Thơ như để lưu giữ cái danh hiệu một thời là “Nhà lồng chợ đẹp nhất Đông Dương” của vùng đất Tây Đô tuy có nhiều thay đổi nơi này. Khu chợ bên bến sông giờ đã giải tỏa, Nhà Lồng Chợ Cổ đã chuyển đổi phương thức kinh doanh, chỉ còn bán đồ lưu niệm cho khách, chỉ còn lại cái bến sông xưa, còn lại khu công viên đẹp đẽ chạy dài theo bờ sông…
Nơi ấy, buổi sáng những ngày rảnh rỗi tôi hay ra ngồi ở một quán cà phê nhỏ gần góc đèn ba ngọn. Đôi khi, vào những đêm trăng, tôi lại xuống đò ngang qua sông, chỉ để ngồi trên đò vớt chút trăng vàng trên mặt nước thả rơi lả tả qua kẽ tay như vớt lại chút thanh xuân vàng óng thuở nào xa.
Tôi ngồi đó, ly cà phê bốc khói trên bàn. Ngụm cà phê uống vào dường như đắng hơn khi ta không có bạn bè bên cạnh cùng nỗi hụt hẫng vì những thứ mất đi trên bến sông này. Cái không khí ấm nồng của phiên chợ họp, tiếng ồn ào cười nói, la hét, dáng những chiếc cần xé chất đầy cây trái miệt vườn lù lù di chuyển, tiếng lộp cộp của ghe xuồng cập bến…
Nhưng tôi biết dù không còn những phiên chợ Tết đầy đủ sắc màu nữa nhưng cái bến sông yêu dấu của tôi sẽ bừng tỉnh giấc lúc xuân về. Lúc ấy, ghe xuồng từ các vùng quê xa sẽ tấp nập ghé bến và hoa, cơ man là hoa sẽ nở rực nơi này. Những bông hoa đủ màu sắc, hương thơm từ bàn tay người lao động chắt chiu cả năm sẽ về đây tô thắm bến sông, mang không khí Tết về cho thành phố.
Và tôi sẽ đứng trên bờ sông nhìn xuống, để thấy dòng sông trước mặt đã thực sự là một dòng sông hoa, bến sông của tôi là một BẾN SÔNG HOA. Hãy hình dung những ghe xuồng chở đầy hoa, từ khắp nơi hướng vào bờ, những mũi tên giờ đã thành hình những cánh hoa, hồng vàng tím đỏ khoe sắc khoe màu dưới ánh nắng rực rỡ của mùa xuân… Đẹp đẽ biết bao! Ngây ngất lòng người biết bao!
Vì vậy, trong hồn tôi, cái bến sông xưa của tuổi thơ, bến sông của tình bạn xanh biếc tuổi xuân thì, của những con đò trăng lung linh, sóng sánh ánh vàng giờ còn là bến sông hoa, nơi tôi cảm nhận say sưa vẻ đẹp của đất trời, của mùa xuân đến sớm.
Bến sông, bến chợ, bến đò trăng, bến sông hoa… Quả thật, nơi ấy, quê nhà!