Ly cà phê sữa nóng truyền thống hoặc thêm đá viên từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa người Việt, với thành phần là cà phê espresso và sữa đặc. Cà phê không chỉ là thức uống, đó còn là niềm đam mê, thú vui và phương tiện giao lưu xã hội phổ biến. Cà phê nhé! là câu nói của thân tình từ những người bạn, đồng nghiệp trẻ trung.
Người Việt Nam có thể uống cà phê sữa từ ngày này qua ngày khác, và một ngày cũng có thể uống đến vài ly cà phê sữa cũng vẫn thấy ngon! Nhiều người Việt trẻ đang bỏ công việc văn phòng, thậm chí với mức lương cao để mở quán cà phê với mục đích thu hút khách hàng Gen Z. Theo SCMP.
Cũng là một fan cà phê, Vũ Đình Tú từ bỏ sự nghiệp trong ngành tài chính, gia nhập làn sóng doanh nhân trẻ Việt Nam sử dụng cà phê espresso, mở một quán cà phê mà không nói với bố mẹ.
“Lúc đầu, gia đình tôi không biết tôi mở quán,” Tú, 32 tuổi, cho biết. “Nhưng cuối cùng ‘các cụ’ cũng biết, và bắt đầu phản ứng.”
“Bố mẹ thấy được sự vất vả khi điều hành một doanh nghiệp, giải quyết mọi thứ từ tài chính đến nhân sự, và thật sự không muốn tôi phải vật lộn với những công việc này,” Tú giải thích.
Bố mẹ Tú nhiều lần thuyết phục anh bỏ quán mà quay trở lại công việc ngân hàng đầu tư lương cao của mình, nhưng anh vẫn không… lung lay, thậm chí còn mở đến bốn chi nhánh Refined trong vòng bốn năm qua tại Hà Nội. Mỗi chi nhánh đều chật kín “con nghiện cà phê” từ sáng đến tối để thưởng thức cà phê pha từ hạt cà phê robusta Việt, trong không gian giống như một quán bar cocktail hơn là một quán cà phê.
Theo Sarah Grant, phó giáo sư đại học Cal State University, ở Việt Nam, kinh doanh quán cà phê đã trở thành một cách để phá vỡ các chuẩn mực xung quanh áp lực gia đình phải học giỏi ở trường, vào đại học, lấy bằng cấp… làm việc trong một lĩnh vực quen thuộc và ổn định về mặt tài chính. Quán cà phê ở Việt Nam trở thành không gian nơi bạn có thể tập hợp những người sáng tạo trong một cộng đồng, cho dù đó là nhà thiết kế đồ họa, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia, những công việc tự sáng tạo khác.
Các doanh nhân kinh doanh cà phê thực sự tự hào rằng Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê này và có rất nhiều sức mạnh trên thị trường toàn cầu.
Cà phê du nhập vào Việt Nam vào những năm 1850 trong thời Pháp thuộc, nhưng sự chuyển dịch vào những năm 1990 và đầu những năm 2000 sang sản xuất hạt cà phê robusta quy mô lớn đã biến đất nước này trở thành cường quốc sản xuất cà phê và là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới. Grant nhận định niềm đam mê kinh doanh cà phê gắn liền với lịch sử đó.
Quán cà phê với trang trí đẹp, thiết kế tạo ấn tượng theo những phong cách khác nhau: trang nhã, cổ điển hay trẻ trung luôn thu hút Gen Z đến để chụp hình trong lúc thư giãn cùng nhau.
Không phải tự nhiên mà ngày càng có nhiều quán cà phê mới, đẹp hơn, hấp dẫn hơn của những người chủ rất trẻ. Thói quen “đi cà phê” của người Việt đã tạo nên một văn hóa cà phê trẻ trung, thời thượng, dù trong số họ, không phải ai cũng biết hoặc thích uống cà phê.
Như Đặng Lê Như Quỳnh, sinh viên đại học, 21 tuổi, nói phong cách của quán cà phê là điều quan trọng đối với cô hơn là các loại thức uống. “Tôi không thích cà phê lắm,” Quỳnh nói.
Vào thời điểm đầu Tháng Mười, một số quán cà phê ở Sài Gòn đã trang trí Giáng Sinh rất đẹp để thu hút những người trẻ đến chụp hình. Đi cà phê – có thể không nhất thiết sẽ uống cà phê, tuy nhiên “đi cà phê” đã trở thành một khái niệm thay thế tuyệt vời cho những cuộc hẹn gặp, hay chỉ đơn thuần là một khoảnh khắc thoải mái, thư giãn. Nhiều người “đi cà phê” để tán gẫu cùng bạn bè, “đi cà phê” để gặp gỡ một đối tác, để giải tỏa căng thẳng, để xem đá bóng hay đơn giản chỉ là một thói quen. Cuối cùng bố mẹ Tú cũng ủng hộ sự nghiệp mới của anh, và anh lại đang có kế hoạch mở thêm nhiều chi nhánh nữa, muốn tạo ra một lực lượng lao động yêu thích cà phê như mình.
“Tôi muốn xây dựng tư duy: đây là một nghề nghiệp nghiêm túc,” anh nói.