Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm!

Diania Merriam, 35 tuổi, (ảnh) nói rằng chỉ vài năm trước, cô “hoàn toàn trắng tay, nợ ngập đầu.” (ảnh: Diania Merriam/Linked In)

Khi gặp Diania Merriam, bạn sẽ không bao giờ đoán được rằng người dẫn chương trình podcast chuyên nói về tài chính này, từng gặp vấn đề về tiền bạc.

Diania Merriam, 35 tuổi, nói rằng chỉ vài năm trước, cô “hoàn toàn sụp đổ về tài chính.”

Ở tuổi đôi mươi, sau khi tốt nghiệp đại học, Merriam đã có việc làm ở nơi mình sinh sống: Brooklyn, New York, và kiếm được $135,000/năm. Thời gian đó, cô chỉ biết tập trung vào công việc, cô làm việc chăm chỉ để kiếm thật nhiều. Nhưng tuổi trẻ sôi nổi, kiếm được bao nhiêu, cô xài bấy nhiêu, xài vô tội vạ. 

Merriam kể với CNBC Make It: “Thời đó, tôi làm việc hăng say, nhưng xong việc là bù khú với bạn bè thâu đêm suốt sáng. Tôi không ăn cơm nhà, ra tiệm không à! Còn tiệc tùng hả? Hầu như mỗi ngày! Tôi xài tiền xả láng, và không quan tâm là đồng tiền mình làm ra ‘bay’ đi đâu? Vào việc gì?… Nếu ai đó có thu nhập $2,000-$3,000/tháng, thì đó là số tiền mà mỗi tháng lúc đó tôi chi ra để ăn chơi và nhậu nhẹt.”

Trước đó, Merriam từng “gánh” hai khoản nợ: Nợ thẻ tín dụng $15,000 và nợ tiền vay đi học, cũng $15,000, chưa trả xong.

Nhưng… “nợ thì nợ mà tiêu thì tiêu”. Trong suốt nhiều năm, Merriam chẳng màng gì đến chuyện nợ nần, cho đến khi cô quyết định tham gia thử thách ‘Camino de Santiago’ nổi tiếng của Tây Ban Nha, một chuyến đi bộ dài 500 dặm và mất vài tuần để hoàn thành thử thách. Chính thử thách này đã truyền cảm hứng, để rồi khi trở về, Merriam giải quyết được món nợ của mình. Đó là năm 2016.

                          Merriam nói: “Tôi không nghĩ mình có tham vọng được nghỉ hưu sớm, mà chỉ biết rằng mình cần phải thoát khỏi nợ nần.”

Merriam nhận ra cô chi tiêu quá nhiều cho việc ăn uống, vượt quá tầm kiểm soát luôn. Điều này không tốt, vì ảnh hưởng đến sức khỏe, thế là cô tự động cắt giảm, tất nhiên lúc đầu không dễ dàng, mà cô đã phải cố gắng rất nhiều.

Merriam nói: “Tôi bắt đầu tiết kiệm lại, tự nấu bữa sáng, bữa trưa đem đi làm, còn buổi tối, thay vì qua quán, tôi về nhà, tự nấu trong căn hộ của mình.”

Với số tiền tiết kiệm ngày càng tăng, chỉ sau 11 tháng, Merriam trả được hết nợ nần. Hết nợ, khỏe rồi! Thế là cô quyết định dồn tất cả số tiền tiết kiệm được vào các khoản đầu tư và bắt đầu theo đuổi phong trào FIRE (Financial Independence, Retire Early – Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm).

Năm 2017, rời Brooklyn, Merriam chuyển đến Cincinnati, Ohio để hưởng cuộc sống nhàn nhã hơn. Cô kể: “Ở New York, mỗi tháng tôi mất béng $1,800 để thuê căn hộ bé xíu mà đầy gián, còn ở đây (Ohio), tôi chỉ phải trả tiền phòng có $600/tháng, mà lại được ở một nơi đẹp quá chừng, đẹp nhất so với những nơi tôi từng sống. Giờ thì tôi thoải mái đi dạo trên Camino và yên tâm vì đã tìm kiếm được ổn định về mặt tài chính.”

Rời Brooklyn, Merriam chuyển đến Cincinnati, Ohio để hưởng cuộc sống nhàn nhã hơn. (minh họa: Unsplash)

Đến Tháng Giêng năm 2021, Merriam rời bỏ cái mà cô gọi là “công việc W2” (việc toàn thời gian) để làm podcast, do một nhóm người sản xuất các chương trình về tài chính, mà cô là người đọc.

Hiện tại, ngoài tiền lương $3,000/tháng cho một công việc nhàn nhã 7 tiếng rưỡi/tuần, Merriam còn tài sản ròng khoảng $470,000, gồm khoảng $350,000 tiền tiết kiệm và đầu tư.

Merriam mô tả tình hình tài chính hiện tại của cô là “Coast-Fi”, một sự tách biệt khỏi phong trào Coast FIRE. Trở thành Coast-Fi có nghĩa là cô chỉ cần kiếm đủ tiền để trang trải chi phí hàng ngày, vì đã có đủ tiền tiết kiệm và đầu tư cho cuộc sống về hưu.

Coast FIRE hay Coast FI là viết tắt của từ mang nghĩa hướng tới sự độc lập về tài chính, là một nhánh của phong trào FIRE truyền thống, nghĩa là bạn nạp trước tiền tiết kiệm hưu trí để có một khoản nhất định, khoản tiền này sẽ sinh lãi. Sau đó bạn có thể ngưng việc toàn thời gian, để chỉ làm việc bán thời gian hoặc để trang trải chi phí sinh hoạt.

Thật ra Merriam chưa nghỉ hưu hoàn toàn, mà rất vui khi tiếp tục làm việc theo kiểu Coast-Fi. Mỗi tháng cô chi tiêu khoảng $2,000, gồm tiền nhà, chợ búa, xe cộ, bảo hiểm và các chi phí khác – thấp hơn số tiền cô tiêu khi đi chơi với bạn bè ở New York.

Merriam nói trải qua thời gian cố gắng xóa nợ, cô có một cái nhìn mới về mối quan hệ của mình với tiền bạc. “Nó giúp tôi nhận ra rằng mình đã sống hoang phí như thế nào. Tôi tự nhận thấy mình may mắn không gặp vấn đề về thu nhập, mà chỉ gặp vấn đề về chi tiêu và quản lý tiền bạc mà thôi,” Merriam chia sẻ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: