Trần Quế Hân: Barista gốc Sài Gòn gây ấn tượng tại giải Vô địch Barista Thế giới

Cô gái Han Tran rạng rỡ khi pha chế cà phê trong cuộc thi WBC 2017 tổ chức ở Seoul – Hàn Quốc – Ảnh: WBC

Tại giải Vô địch Barista Thế giới World Barista Championship 2023 (WBC 2023) tổ chức ở Hy Lạp hồi Tháng Sáu vừa qua, Trần Quế Hân (29 tuổi, ngụ Sài Gòn) vừa pha chế cà phê vừa tự tin thuyết trình bằng tiếng Anh về câu chuyện của hạt cà phê Việt Nam.

Thanh Niên ngày 8 Tháng Bảy đã có bài phỏng vấn nữ barista trẻ tuổi (hiện là quản lý của Bosgaurus Coffee, tọa lạc tại 92 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, Sài Gòn), người vừa tạo được ấn tượng ở đấu trường quốc tế và đang thu hút sự ngưỡng mộ của giới trẻ nghiền cà phê.

Tham gia vào nghề pha chế cà phê từ năm 2012, Hân giành giải nhất trong cuộc thi Vietnam National Barista Championship (VNBC) 2016, 2017 và 2022, nên cô cũng từng đại diện Việt Nam tham dự WBC năm 2016 (tổ chức ở Đài Loan), WBC 2017 (tổ chức ở Seoul, Hàn Quốc), trước khi tham gia tranh tài cùng các barista khác khắp thế giới tại WBC 2023 (tổ chức ở Hy Lạp).

Vì thế, có thể thấy trong video quay tại vòng 1 của cuộc thi WBC 2023, phong cách của nữ barista này rất tự tin, vì cô đã trau dồi liên tục trong sáu năm, trước khi quay trở lại “đấu trường” WBC.

Thổ lộ với Thanh Niên, Quế Hân kể cô lên đường dự thi với 100kg hành lý, trong đó ngoài 10kg cà phê và các nguyên liệu khác đủ để pha chế trong ba vòng thi, Hân còn mang theo ly, tách, khay gỗ, khăn, muỗng… Có sẵn kinh nghiệm từ hai lần thi trước, Hân sang Hy Lạp trước ngày thi một tuần, mỗi ngày tập pha chế khoảng một tiếng.

Ảnh cắt từ video của Thanh Niên: Quế Hân đang chia sẻ về cuộc thi WBC 2023

Điều đặc biệt mà Hân mang đến cuộc thi là cô mạnh dạn mang hạt cà phê Arabica từ Lâm Đồng – loại cà phê mà Bosgaurus Coffee bán tại Sài Gòn, để giới thiệu với ban giám khảo và cộng đồng barista thế giới.

Hân nhớ lại, trong cuộc thi WBC 2016 – 2017, khi Hân dùng hạt cà phê của Việt Nam để kể câu chuyện của nông dân Việt Nam và thói quen uống cà phê của người Việt, một người trong ban giám khảo có nói khéo với cô rằng, nếu như muốn xếp thứ hạng cao hơn thì đừng dùng loại hạt này nữa.

Lúc đó Hân nghĩ tại sao thí sinh Colombia có thể sử dụng hạt cà phê Colombia, thí sinh Guatemala có thể sử dụng hạt cà phê Guatemala, mà người Việt Nam lại băn khoăn khi sử dụng hạt cà phê của nước mình?

Hân suy đoán rằng một là phẩm chất của hạt cà phê Việt Nam có thể chưa đáp ứng đúng tiêu chuẩn cuộc thi cần. Hai là, kỹ năng pha chế của Hân còn kém, chưa đạt được điều mọi người mong đợi. Thế nên, suốt sáu năm qua, kể từ cuộc thi 2017, Hân tiếp tục trau dồi những gì bản thân còn thiếu sót.

Lần thứ ba thi thố tay nghề pha chế cà phê tại WBC, Hân thấy mình hạnh phúc khi tiếp tục dùng hạt cà phê Việt Nam và cô chuẩn bị bài thuyết trình công phu hơn, nói về loại hạt này nhiều hơn để nhiều người cùng biết Việt Nam cũng có một loại hạt cà phê tuyệt vời.

Mỗi một barista tham dự cuộc thi có 15 phút thuyết trình trong khi phải pha chế bốn ly espresso, bốn ly thức uống có sữa và bốn ly thức uống sáng tạo. Cả ba loại thức uống này, thí sinh phải vừa pha, vừa thuyết trình, Hân đã nhân cơ hội này nói về ưu điểm của hạt cà phê của Việt Nam, một loại hạt có thể tìm thấy ở cao nguyên Lang Biang và Tây Nguyên, là kế sinh nhai của nhiều gia đình nông dân Việt Nam.

Hân bảo cô muốn hướng đến sự đa dạng để bất cứ ai cũng tìm thấy một thức uống riêng dành cho mình. Hơn nữa, giá cả thức uống này phù hợp với nhiều người, ai cũng có thể uống cà phê với mức giá không đắt và ai cũng có thể mở quán bán cà phê để mưu sinh.

Tuy được ban giám khảo và cộng đồng mạng khen ngợi là thể hiện tốt hơn hai lần thi trước, Hân tự đánh giá cô chỉ mới đạt được 60% sự kỳ vọng của giới pha chế cà phê ở Việt Nam.

Hân hiện là quản lý tại một quán cà phê ở Sài Gòn – Ảnh: Thanh Niên

Cơ duyên nào để một cô gái gốc Sài Gòn, địa phương không trồng cà phê, lại bén duyên với nghề barista?

Hân kể: Năm 2012, trong thời gian học đại học, Hân làm thêm ở một tiệm bánh. Thời điểm đó, chủ quán mở một cuộc thi để tăng lương thêm 1,000 đồng/giờ. Hân đã tham gia, pha chế Cappuccino và tạo hình hoa tulip dù không đẹp lắm nhưng ở thời điểm đó mọi người rất thích thú.

Sự cổ vũ của mọi người giúp Hân có hứng thú tìm hiểu tiếp về cà phê và cô quyết định… nghỉ ngang việc học đại học. Tất nhiên, ba mẹ Hân không đồng ý với điều này nên giữa Hân và họ đã có “chiến tranh lạnh” khoảng hai năm.

Thời gian đầu tìm hiểu về cà phê và không có sự ủng hộ của gia đình, Hân từng nghĩ có thể mình đã sai, nhưng vì không còn đường lui, cô phải nỗ lực học thật giỏi, bằng cách xin việc làm tại các quán cà phê, học pha chế, múc kem, làm đá xay, đá bào…

Thời điểm cuối năm 2015, Hân nghiên cứu sâu về cà phê và bắt đầu có tên trong làng barista ở Sài Gòn. Năm 2016, Hân lần đầu tiên tham gia cuộc thi pha chế cà phê Việt Nam (VNBC) và giành giải quán quân. Hiện tại, ba mẹ Hân hoàn toàn ủng hộ và yên tâm với công việc của con gái.

Bí quyết để có thể pha chế ly cà phê ngon theo Hân là phải biết cách nếm – Ảnh: Thanh Niên

Cuối cùng, bí quyết để pha chế một ly cà phê ngon theo Hân là mọi người cần biết cách nếm. Pha đúng kỹ thuật là một chuyện, nhưng cái chính là khi biết nếm “mình sẽ tập cách tiếp nhận ý kiến của người xung quanh và hiểu họ nghĩ về cà phê như thế nào.

Lúc đó bản thân mới có ngôn ngữ chung và hiểu ly cà phê đang ở tình trạng nào, có vị ra sao và mang lại cảm xúc gì cho người uống. Từ đó mình sẽ có sự điều chỉnh để áp dụng kỹ thuật là xay mịn hay xay thô, nhiệt độ nước cao hay thấp và thay đổi tỷ lệ, công thức pha”, Hân tiết lộ.

Trước Thanh Niên, từ cuối năm 2022, sau khi Hân giành giải quán quân VNBC lần thứ ba, kênh video “Make it Vietnam” trên YouTube đã để Hân tự sự về hành trình theo đuổi nghề pha chế cà phê của mình

Theo nhận định của kênh này, Hân là một nữ barista nhiệt huyết, đam mê và sáng tạo, một bông hoa lạc lõng trong “rừng gươm barista” toàn là thanh niên.

Ai bảo nữ giới Sài Gòn không đủ sự hiểu biết để đánh giá và cảm nhận về loại thức uống phổ biến khắp các con hẻm Sài Gòn?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: