Ba nghi vấn về chuyện chống dịch của CSVN

Trong lúc này, mọi người dân đã có đủ thời gian quan sát, và sự thận trọng cần thiết để đưa ra câu hỏi rằng, liệu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) có thực tâm chống dịch?

Hãy thử làm một cái nhìn toàn cục. Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 1 Tháng Chín 2021, Việt Nam có 11,868 người chết, chiếm tỉ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0.4 % so với tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2.1 %). Nhiều người đặt nghi vấn về con số do Bộ Y tế CSVN đưa ra và cho rằng, số người nhiễm bệnh và chết trên thực tế có thể lớn hơn nhiều. Người ta có lý do để không tin vào các số liệu “chính thống” do nhà nước công bố cũng như những phát ngôn từ miệng giới lãnh đạo, quan chức không chỉ về chuyện dịch bệnh, mà liên quan đến mọi vấn đề của đất nước, trong suốt nhiều năm qua.

Con số thực là bao nhiêu, chỉ có giới chóp bu cầm quyền mới nắm được. Nhưng thực tế, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Việt Nam cao hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới là điều không thể chối cãi. Điều này chứng tỏ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà nhà cầm quyền áp dụng hoàn toàn sai lầm. Chưa kể đến những hậu quả kinh khiếp mà người dân ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt tại Sài Gòn phải gánh chịu suốt mấy tháng qua từ việc ngăn sông cấm chợ, từ những chỉ thị sắt máu kiểu “ai ở đâu ở yên đấy”, “lệnh giới nghiêm”, thậm chí là tình trạng “thiết quân luật” kéo dài gần hai tuần nay.

Vậy thì sai lầm từ đâu? Suốt mấy tháng qua, rất nhiều người đã nói và viết về đề tài này. Ở đây, người viết chỉ xin đưa ra vài ý kiến nhỏ mang tính đặt vấn đề để bạn đọc cùng suy ngẫm. Vì nếu có phân tích thêm, vẫn chỉ là sự lặp lại.

Nhà nước CSVN chống dịch bằng chính trị hay kiến thức khoa học?

Tháng Một, 2020, khi dịch bệnh chưa bùng phát tại Việt Nam, chính phủ cộng sản lúc ấy do ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng đã ký quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” (sau này gọi là Covid-19). Nhìn vào thành phần tham gia Ban Chỉ đạo, dễ dàng nhận thấy nhiều nhân vật có máu mặt với đủ loại bằng cấp, học hàm, học vị được tuyển chọn. Ngoài ra, còn rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, các chuyên gia, các y bác sĩ có chuyên môn và tâm huyết liên tục lên tiếng, đóng góp ý kiến cho nhà nước không chỉ về vấn đề đối phó với đại dịch, mà còn đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân, đặc biệt dân nghèo ở những địa phương bị phong tỏa.

Rồi dư luận, sự phản ánh, lên tiếng của quảng đại quần chúng chính là kiến thức và kinh nghiệm thực tế quý báu, sống động nhất giúp cho việc áp dụng hoặc điều chỉnh các chính sách, biện pháp đối phó với dịch bệnh sao cho hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, với quyết tâm chống dịch bằng nghị quyết, bằng bạo lực cách mạng, bằng chuyên chính vô sản, nhà cầm quyền đã gạt đi mọi ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, của dân chúng. Không những thế, nhà nước còn dùng báo chí, dư luận viên tấn công các ý kiến trái chiều, thậm chí bỏ tù một số người với tội danh gán ghép “đưa thông tin sai lệch về phòng, chống dịch bệnh”.

Dịch bệnh khó chống do tới nhanh và nhiều biến thể?

Từ đầu năm 2020, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới phải vật lộn với đại dịch thì mãi đến cuối Tháng Tư năm 2021, Việt Nam mới thực sự đối mặt với khó khăn khi xuất hiện nhiều người nhiễm bệnh. Nghĩa là, Việt Nam có khoảng một năm rưỡi để chuẩn bị mọi biện pháp, phương án phòng chống và đối phó với đại dịch, nhưng đã bỏ phí cơ hội quý giá này. Nếu thực tâm muốn chống dịch, chỉ cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước đi trước, có thể hạn chế nhiều hậu quả, không đến nỗi để người dân rơi vào thảm cảnh như ngày hôm nay.

Lại cũng có ý kiến bênh vực, cho rằng các lãnh đạo CSVN không thể lường trước và không biết đến thảm cảnh mà dân nghèo đang gánh chịu. Rằng “bên trên” chỉ đạo đúng, “bên dưới” làm sai. Xin thưa, chính Vũ Đức Đam, sau này là Phạm Minh Chính trên cương vị những người đứng đầu chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đã đích thân đi “thị sát”, xông vào tận các khu cách ly và các khu dân cư bị phong tỏa. Không chỉ có Đam và Chính, mà báo chí lề đảng cũng liên tục đưa tin về các chuyến đi thăm hỏi, kiểm tra tình hình chống dịch tại nhiều địa phương.

Những điểm đến của giàn lãnh đạo đương nhiên được sắp đặt từ trước nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền, xây dựng hình ảnh tận tụy, vì dân, và để tô điểm cho thành tích chống dịch sẽ được phơi bày trên truyền thông báo chí. Tuy vậy, kịch bản dù giàn dựng công phu vẫn gặp phải thực tế không như mong muốn. Nhân dân, một cách hồn nhiên vẫn nói, vẫn bày tỏ với các “đồng chí lãnh đạo” về những bất cập, thiếu thốn, về nỗi khổ mà họ gánh chịu. Những nơi khác, những địa điểm không nằm trong danh sách được lựa chọn cho các cuộc thăm hỏi, kiểm tra của các quan phụ mẫu, hẳn là còn thảm thương hơn rất nhiều. Và hình ảnh hàng chục ngàn người lao động nghèo khổ khăn gói quả mướp bất chấp lệnh phong toả, tháo chạy khỏi Sài Gòn mà báo chí phản ánh, chẳng lẽ không đập vào tai mắt của giới lãnh đạo cầm quyền?

Rất dễ dàng để nhận thấy những sai lầm trong cách chống dịch được lặp đi lặp lại bất chấp mọi kiến nghị, bất chấp mọi hậu quả.

Điều gì khiến nhà cầm quyền hết lần này đến lần khác đẩy hàng vạn người dân, không chỉ những người nhiễm bệnh mà cả những người “nghi nhiễm” vào các trại cách ly tập trung, nơi mà từ điều kiện ăn uống đến vệ sinh đều rất tồi tệ? Người khỏe bị lây bệnh, người bệnh thì trở nặng. Nhiều người đến tận lúc chết vẫn không nhận được sự chăm sóc y tế nào, thậm chí không có nổi viên thuốc hạ sốt.

Các trại cách ly tập trung đã bị biến thành nhà tù. Bất cứ sự phản kháng nào cũng phải trả giá bằng sự trừng trị, ngược đãi của những tên cai tù dưới vỏ bọc tổ công tác phòng chống dịch bệnh. Bên ngoài các trại cách ly tập trung là hàng trăm ngàn, nếu không nói là cả triệu con người nghèo khổ bị trói tay trói chân sau hàng rào kẽm gai phải đối mặt với nguy cơ chết đói. Những gói hỗ trợ nghìn tỉ vẫn mãi nằm trên lý thuyết viển vông để tô son điểm phấn cho bộ mặt loè loẹt của chế độ. Phải chăng nhà cầm quyền muốn tạo ra một “thảm họa nhân đạo” hầu sắp xếp lại trật tự trong nước, và quan trọng hơn là để đi ăn mày quốc tế? Điều này phải chăng đã được tính toán từ trước nên ngày 27 Tháng Tám 2021, Quốc hội CSVN đã phê chuẩn, cho phép chính phủ vay hơn ba triệu tỉ đồng trong 5 năm tới. Nợ cũ chưa trả, nợ mới sắp vay, và vay ai, vay từ đâu, ai sẽ trả…? Hàng loạt câu hỏi đặt ra và ai cũng có thể đoán được câu trả lời.

Dè sẻn chi tiền cứu dân, nhưng lại mượn nợ, vận động tiền mua vaccine, dù đã được cho?

Chỉ có “thảm họa nhân đạo” với hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu người chết vì đói khát, vì dịch bệnh mới giải quyết được bài toán nợ nần của Việt Nam. Khi dân chúng trong nước đã kiệt quệ, không còn gì để vơ vét thì chỉ có các khoản viện trợ từ cộng đồng quốc tế mới mang về những khoản lợi nhuận khổng lồ cho bè lũ cầm quyền chia chác. Nhưng đến giờ, số người chết vẫn chưa đủ để trở thành một thảm họa nhân đạo như mong muốn của giới chóp bu cầm quyền. Bởi khi đi nước cờ tàn bạo này, CSVN gặp phải một vật cản mà chúng không ngờ tới, đó là lòng nhân ái, sự đùm bọc lẫn nhau của người dân Sài Gòn. Chính sự đùm bọc, nuôi nấng nhau trên mảnh đất hiền hòa này đã cứu thoát hàng ngàn người nghèo khổ thoát khỏi cảnh chết đói.

Nhưng liệu người dân có còn sức để nuôi nấng nhau, gồng gánh nhau vượt qua khó khăn trong nhiều tuần, nhiều tháng tới không? Liệu lòng nhân ái, sự từ tâm mang tên “Nhân Dân” có thắng nổi sự tàn ác của kẻ cầm quyền? Khi ấy, điều gì sẽ xảy ra?

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: