H.C.
Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ (Quadrilateral Security Dialogue, Đối thoại An ninh Tứ giác gọi tắt là Quad) lần thứ nhất phản ánh chính sách xoay trục của Tổng thống Biden đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong lúc Trung Quốc công bố tăng ngân sách quốc phòng thêm 6,8%.
- Quad sẽ hợp tác với ASEAN đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc
- Biden sẽ thừa kế các liên minh châu Á-Thái Bình Dương vững mạnh
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison sẽ có hội nghị trực tuyến vào tuần tới, báo hiệu cam kết tiếp tục của bốn nhà lãnh đạo các quốc gia dân chủ về tăng cường hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, báo Nhật Asia Nikkei đưa tin.
Đây là cuộc họp cấp cao nhất từ trước đến nay của Bộ Tứ Quad – một nhóm các nền dân chủ lập thành một mặt trận thống nhất ở Ấn Độ – Thái Bình Dương để đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Hội nghị diễn ra trong lúc Bắc Kinh tăng cường khả năng của hải quân, nổi bật là việc tăng thêm 6,8% ngân sách quốc phòng năm 2021. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc 208 tỷ USD chỉ bằng một phần tư con số của Hoa Kỳ nhưng nhiều hơn bốn lần so với Nhật Bản. Các nhà bình luận cho rằng 208 tỷ USD mà Bắc Kinh công bố hôm nay thứ Sáu chỉ là con số công khai trên giấy tờ, chi tiêu thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Hải quân Hoa Kỳ dự tính hải quân Trung Quốc, vốn đã lớn nhất thế giới về số lượng, sẽ tiếp tục tăng số chiến hạm trong những năm tới; con số 360 chiến hạm các loại mà Trung Quốc có vào cuối năm 2020 sẽ tăng lên 420 chiếc vào năm 2030, trong khi Mỹ sẽ chỉ tăng từ 297 chiếc lên 355 chiếc vào năm 2034.
Trung Quốc có thể sẽ hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba trong năm nay, sau tàu Liêu Ninh mà nước này mua tàu cũ của Ukraine về tân trang lại, và tàu Sơn Đông – tàu sân bay đầu tiên do nước này tự chế tạo. Với ba tàu sân bay, Trung Quốc có thể đồng thời bố trí một chiếc hoạt động, một chiếc sửa chữa và một chiếc dùng để huấn luyện, đây là sự bố trí lý tưởng.
Hôm qua thứ Năm, một quan chức hàng đầu của Hải quân Hoa Kỳ cảnh báo rằng sáu năm tới có thể là khung thời gian mà Trung Quốc có hành động tấn công Đài Loan. “Giai đoạn từ nay đến năm 2026, tức là trong thập niên này, là khoảng thời gian mà Trung Quốc nỗ lực để đạt được sự vượt trội về năng lực và là thời gian Bắc Kinh có thể, ‘có thể,’ chọn để cưỡng bức thay đổi hiện trạng khu vực,” ông Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, cho biết tại một cuộc nói chuyện do Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington tổ chức mới đây. “Và tôi nói rằng sự thay đổi hiện trạng đó có thể là vĩnh viễn,” ông Davidson nói thêm.
Đây là thực tế mà các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ Quad phải đối mặt khi họ gặp nhau. Ngoài ra bốn nước còn có kế hoạch phối hợp cùng phân phối vaccine ngừa coronavirus trên khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương để chống lại chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh.
Thủ tướng Australia Scott Morrison hôm thứ Sáu xác nhận rằng các nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau, mặc dù ông không cho biết ngày cụ thể. “Đó sẽ là bốn nhà lãnh đạo, bốn quốc gia, cùng nhau hợp tác xây dựng vì hòa bình, thịnh vượng và ổn định của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Morrison nói.
Hội nghị thượng đỉnh nhóm Quad sẽ diễn ra ngay trước chuyến công du Nhật Bản của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin – trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của họ dưới chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Các ông Blinken và Austin sẽ thăm Nhật Bản từ ngày 15 đến 17-3; và hai bên sẽ tổ chức hội nghị bộ trưởng “hai cộng hai” với Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của Nhật Bản. Hai bộ trưởng Hoa Kỳ cũng có thể sẽ thăm Nam Hàn và Úc trong khuôn khổ chuyến đi này.
Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh của Hoa Kỳ, đồng thời hứa sẽ lắng nghe cả đồng minh và đối tác khi ông định hình chiến lược của Hoa Kỳ – một điều hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump. Nhật Bản hoan nghênh việc Mỹ xoay trục sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi mà họ coi là cơ hội để chứng tỏ sức mạnh của liên minh với Mỹ trước cộng đồng quốc tế.
Các quan chức ngoại giao và an ninh cấp cao của Nhật Bản và Hoa Kỳ đã gặp gỡ trực tuyến vào thứ Năm, đã chia sẻ “mối quan tâm sâu sắc” của họ về luật hải cảnh mà Bắc Kinh mới ban hành nhằm nâng cấp lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc lên trạng thái bán quân sự, được phép nổ súng tấn công tàu bè nước ngoài trong các vùng biển mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Sau cuộc họp trực tuyến với phía Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố cho biết: “Cả hai bên nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.
Hai nước cũng cam kết sẽ phối hợp để đối phó với những lo ngại về nhân quyền ở Trung Quốc. Hoa Kỳ đã lên án cuộc đàn áp của Bắc Kinh ở Hồng Kông và hành động chống lại dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ của phía Tây Trung Quốc. Trong khi đó Nhật Bản phải tìm thế cân bằng mong manh giữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc và quan hệ đối tác toàn diện, bao gồm cả các vấn đề nhân quyền, với Hoa Kỳ.
(theo Asia Nikkei Review)