Bóng đá: Thuốc đặc trị mặc cảm thất bại của đảng và nhà nước

Chính quyền Hà Nội luôn dành cho bóng đá một sự ưu ái đặc biệt. Bởi bộ môn này giúp họ được rất nhiều mặt: Thống nhất lòng người tạm thời, trong một quốc gia mà đâu đâu cũng có lời chỉ trích người cầm quyền. Tạo một ảo ảnh kiểu dân túy đám đông, giúp tạm lãng quên, chạy trốn những thất bại của một nhà nước, vốn vẫn đầy những bất cập như tham nhũng, sai lầm dự án, bất minh về chính sách…

Nói một cách nào đó, mỗi khi có thi đấu bóng đá với người ngoài, nhà cầm quyền luôn kết hợp với tuyên giáo để giải quyết tạm không ít vấn đề quan trọng trong nước – mà lúc này đang lộ ra rất rõ như cục nợ đường sắt Cát Linh, vaccine nhập về nhưng rất mờ ám trong việc phân phối và tiêm ngừa cho các nơi khác ngoài Hà Nội…

Không có lúc nào tiện lợi như có sự kiện thi đấu bóng đá, từ quan lớn đến sĩ tốt của nhà nước, ai nấy đều mạnh miệng nói không biết ngượng. Như ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, với câu nói mà ở bàn nhậu xem bóng đá nào, người ta cũng nhắc và cười sằng sặc “Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu, ông Chính muốn nhân cơ hội để tạo một cảm xúc mang tính kêu vang tuyên truyền, đẩy trách nhiệm của một môn thể thao thành nhiệm vụ quốc gia. Thế nhưng ông Chính quên mất, từ chiến thuật, tinh thần và mọi kỹ thuật rèn luyện đều đến từ một huấn luyện viên Hàn Quốc am hiểu được người Việt. Còn trước đó, mọi thứ đều là một số 0 đỏ tươi.

Việt Nam là một đất nước mà người dân vẫn chỉ trích chính quyền mỗi ngày trên các trang mạng. Và dù có ra luật để bắt bớ khắp nơi, ở đâu, người ta cũng nghe rõ tiếng ta thán, chán ghét bộ máy cầm quyền. Mặc cảm thất bại, và đồng thời là một chính quyền không chính danh trong lòng người, khiến Hà Nội luôn vui mừng đu theo thể thao để được đứng trong lòng dân – như thể chính họ là người tạo ra kỳ tích, chứ không phải là từ sức trẻ của thanh niên, của chiến lược từ một ông huấn luyện viên Đại Hàn và tiền của một nhà đầu tư không thuộc nhà nước.

Khi nhắc đến lịch sử bóng đá Việt Nam, Hà Nội luôn khó chịu khi nghe đến bảng thành tích lừng lẫy của bóng đá Việt Nam Cộng Hòa vào những thập niên 50, 60 và 70. Một đội bóng của “ngụy” trong thời kỳ chiến tranh và gần như được đầu tư rất ít, nhưng lại thắng như chẻ tre, không có đối thủ trong khu vực. Chính vì mặc cảm thất bại và ganh ghét này, mà suốt trong mấy năm qua, Ban Tuyên giáo đã âm thầm cho sửa đổi wikipedia tiếng Việt, để phủ nhận với câu rất hèn hạ “người dân Việt Nam khi nói đến thành tích của Đội tuyển Bóng đá Việt Nam thường chỉ đề cập đến giai đoạn 1992 trở về sau, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu thi đấu quốc tế trở lại, không đề cập tới thành tích trước đó của Đội bóng Việt Nam Cộng Hòa”.

Trên mạng, người ta kháo nhau chuyện cầu thủ Quế Ngọc Hải, mang áo số 3, phát biểu khi được phỏng vấn sau trận thắng Indonesia. Rõ ràng khi nói trên đài, Hải nói “hy vọng chiến thắng này là liều doping cho nhân dân Việt Nam chống dịch”. Lập tức, có chỉ đạo cho các báo sửa lại là “liều vắc-xin cho nhân dân chống dịch Covid-19”. Đợt dịch bùng phát thứ tư tại Việt Nam, khiến Hà Nội bẽ mặt với các tuyên bố về quốc gia hàng đầu chống dịch, thậm chí “cột điện bên Mỹ mà cũng muốn chạy về Việt Nam” theo lời ông Nguyễn Xuân Phúc. Sau khi muốn đổ vấy cho Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là người chịu trách nhiệm không xong, thì bây giờ Hà Nội lại muốn mượn đội tuyển bóng đá để lên dây cót tinh thần cho bộ mặt đã quá thảm hại của nhà nước.

Các cầu thủ trẻ của Việt Nam rõ ràng là luôn được mớm những lời có cánh, để làm chuyện tư tưởng hơn là bóng đá với hệ thống truyền thông. Thấy rõ nhất là cầu thủ Trọng Hoàng, mang áo số 8, đã có câu phát biểu rập khuôn Thủ tướng Chính (nhưng có lẽ hay hơn, uy lực hơn), sau khi đá thắng trận, là “Chúng tôi mang sứ mạng của cả dân tộc”.

Người dân Việt Nam coi đá banh, và nghe, và nghĩ được rất nhiều thứ trong mùa bóng đá năm 2021, về cái gọi là chủ nghĩa dân túy cờ đỏ, loại thuốc kích thích tinh thần, giúp đảng cộng sản Việt Nam xô đổ hết mọi thứ, vơ vào mình mọi thắng lợi và vĩ đại. Giờ thì bóng đá cũng vậy, thắng lợi phải có màu chính trị, có màu tư tưởng sợi chỉ đỏ xuyên suốt – nhưng nếu thất bại, thì thôi đừng nhắc đảng, dân tộc, văn hóa, sứ mạng… gì vào đó cả.

Loại “sứ mạng” mà đảng và nhà nước ấn vào đầu giới trẻ, đầy hân hoan, kích động và vui nhộn – che lấp một sứ mạng khác có thật mà đảng đã làm ngơ: đó là giải quyết các bất công, oan khiên, trả lại tự do, dân chủ, công bằng, bác ái của một dân tộc.

Như một đứa trẻ mà mắc bệnh tâm thần, nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam luôn tìm đến bóng đá để hò hét và khuất lấp mọi mặc cảm thất bại, mặc cảm không đủ khả năng cầm quyền trên đất nước. Bản sắc dân tộc hay sứ mạng dân tộc, từ thủ tướng đến cầu thủ lên tiếng, cũng không khác gì màu sắc của những chùm pháo bông để xoa dịu đói nghèo, xoa dịu tham nhũng và bất công tràn lan trên đất nước.

Thể thao bị lạm dụng như một trò chơi chính trị quyết thắng, mà thất bại, không phải do khả năng chưa đạt, mà do điều gì đó như ‘kẻ thù’. Nó biến sự trong sáng thành vô đạo và sắt máu. Biến dân tộc Việt Nam trở nên hung hăng mỗi khi thất bại. Thế giới đã quen với chuyện khi đội tuyển Việt Nam thua trận, các cầu thủ đối phương hay trọng tài luôn bị trút giận bằng những lời lẽ thô bỉ nhất theo tinh thần quyết chiến của nhà cầm quyền. Chỉ riêng điều “rất nổi tiếng” đó, Ban tuyên giáo cộng sản vẫn còn chưa cho ghi chú đầy đủ vào wikipedia của bóng đá Việt Nam hôm nay.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: