Phần lớn từ điển tiếng Việt chỉ giải thích nghĩa bóng, với dị bản “Mười [trăm] voi không được bát nước xáo”:
-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Mười voi không được bát nước xáo” [Nấu xáo voi; Tràng ba mươi khoát không được một tấc; Trăm voi không được bát nước xáo] (nước xáo: nước luộc thịt) Ba hoa khoác lác, hứa hẹn suông, nói thì to tát, mà rốt cuộc chẳng có gì cả”.
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Mười voi không được bát nước xáo: (Làm thịt) những mười con voi mà vẫn chẳng nấu nổi được một bát nước xáo (cho ngọt thì quả là chẳng còn lời nào để chê cho đáng nữa). Hay dùng để mỉa mai những kẻ khoác lác, quen huyênh hoang một tấc đến trời”.
– “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “mười voi không được bát nước xáo • ng. Chê kẻ ba hoa chỉ nói huênh hoang không có điều gì thực hiện được <> Tôi không tin cái anh chàng mười voi không được bát nước xáo ấy.
-“Tục ngữ lược giải” (Lê Văn Hoè): “Nói ba voi không được bát nước sáo = Nói bậy bạ khuếch khoác quá, lời nói ấy cũng giống như làm thịt ba con voi mà chẳng được một bát nước sáo, tức là lời nói vô-vị, vô bờ không thể tin”.
Một số nhà nghiên cứu giải thích nghĩa đen:
-“Kể chuyện thành ngữ tục ngữ” (Hoàng Văn Hành chủ biên-NXB Khoa học xã hội-2002) giải thích: “Số là, nước xáo thịt voi vốn chẳng màu mỡ màng riêu cua gì, trong như nước lã, nhạt như nước ốc vậy! Do đó, dẫu có ba voi, mười voi, thậm chí nhiều hơn nữa mà đun nấu lên cũng chẳng thành nước xáo được, dù chỉ một bát thôi”.
-Sách “Đi tìm điển tích thành ngữ” ( Tiêu Hà Minh-NXB Thông tấn 2004) cũng cho biết “Thịt voi có đặc điểm là đem luộc thì nước xáo không có mỡ béo, không có chất ngọt của thịt tiết ra, thành thử cứ nhạt thếch, cho dù luộc rất nhiều voi. Bởi vậy, luộc thịt voi không dùng được nước xáo như luộc thịt các con vật khác”.
-Trong khi PGS.TS Phạm Văn Tình lại cho rằng, tục ngữ bắt nguồn từ một câu chuyện có thật. Đại khái, ông bố vợ mất, chàng rể út tuyên bố sẽ đi mua chục con voi về làm ma. Khi đám tang xong, anh ta mới về tay không, làm bộ cáu giận: Tôi định mua cho đủ mười con voi, người ta chỉ có tám con, vậy là lỡ cả việc lớn… “Câu chuyện trở thành lời đàm tiếu rồi đi vào thành ngữ tiếng Việt” (báo Lao Động Cuối Tuần).
-Tiêu Hà Minh (sách đã dẫn), kể thêm một dị bản. Anh chàng rể cả thích chơi trội, đi mua hẳn mười con voi về làm ma cho bố vợ. Thịt voi ngổn ngang đầy sân, nhưng chỉ có hai món là thịt voi và nước xáo. Trẻ ăn thịt voi thì nhạt, già ăn thì dai, đành chỉ chan nước xáo. Tất cả đều nhận xét, nó “nhạt thếch chẳng khác gì nước lã”. Sau bữa cỗ hôm ấy, mọi người kháo nhau “Mười voi không được bát nước xáo”!
-Lại có người giải thích, thịt voi rất săn chắc (đặc biệt là thịt ở vòi), nên khi nấu, dù có đổ nhiều nước, nó vẫn nở ra hút hết nước(**).
Theo chúng tôi, cách hiểu câu tục ngữ có lẽ không đến nỗi phức tạp như vậy.
Trước hết, ta hãy xem lại “nước xáo” là gì đã.
-“Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giảng: “nước xáo • d. như nước xuýt. trăm voi không được bát nước xáo (tng)”. Mục “nước xuýt • d. nước luộc thịt, luộc lòng : nước xuýt gà ~ nồi nước xuýt. Đn: nước xáo”. “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân): “nước xuýt • dt. Như Nước xáo <> Đi ăn cỗ chẳng lẽ chỉ để húp bát nước xuýt ư?”.
Có lẽ, sau món nướng, luộc là cách chế biến thịt cổ xưa nhất của loài người. Mổ thịt con gia súc, người ta bỏ tất cả vào một cái nồi và đun lên. Hiện nay, không ít địa phương khi có đình đám, làm thịt con lợn, người ta luộc lên, rồi bày hết ra mâm lá chuối mới được xem là cỗ to. Theo đó, “nước xuýt” (tiếng Mường “rác looc xyt” = nước luộc thịt), thường có hương vị tổng hợp của xương, thịt, lòng, mề, tim, gan, tiết… rất hấp dẫn(*). Tuy nhiên, dù nhạt nhẽo, vô vị, hay ngon ngọt hấp dẫn đến đâu, “nước xuýt” vẫn chỉ được xem là một thứ “phụ phẩm”, không bao giờ được “tính món” trong mâm cỗ (nếu có). Không ai dám đem “nước xuýt” mà cho, biếu ai bao giờ (có câu “Một ngày giỗ cha, ba ngày húp nước xáo” là vậy). Chính ví dụ “Đi ăn cỗ chẳng lẽ chỉ để húp bát nước xuýt ư?” của GS Nguyễn Lân cho thấy, “nước xuýt” bị coi thường thế nào.
Voi không phải gia súc hay đối tượng săn bắt để lấy thịt. Voi thường tượng trưng cho sức mạnh, sự to lớn. “Ba voi” là đã đủ để tượng trưng cho số nhiều (“mười voi”, “trăm voi” chỉ là cách nói có ý nhấn mạnh thêm. Cứ theo đà ấy, thì có lúc sẽ tăng lên “nghìn voi”, “triệu voi”). Ở đây, ý dân gian phê phán thói ba hoa, khoác lác, nói thì to tát, ghê gớm lắm, nhưng thực tế lại chả có gì, đến cái kém nhất cũng không. Chẳng khác nào nói chuyện làm thịt voi (thoạt nghe đã thấy khoác lác rồi). Làm thịt một con đã là ghê gớm, đằng này lại là thịt những ba con! Thế mà rốt cuộc, một mẩu thịt voi không có đã đành, đến bát nước xáo (cái kém nhất khi chế biến) cũng không.
Cách nói “Ba voi không được bát nước xáo” cũng như câu “Tràng ba mươi khoát không được một tấc” (mà từ điển Vũ Dung đã dẫn). Nghĩa là nói “ba mươi khoát” [dài nhất], nhưng cuối cùng một tấc [ngắn nhất] cũng không được. Hay cách so sánh: “Mình tiếp nó mâm cao cỗ đầy, vậy mà khi đến nhà nó, ngụm nước cũng không có mà uống!”. “Ngụm nước” ở đây tượng trưng cho cái tối thiểu của phép xã giao. Theo đây, nếu nói “Ba trâu không được bát nước xáo” cũng được, nhưng dĩ nhiên không thể tạo ấn tượng về sự ba hoa, khoác lác như “ba voi”. Nói cách khác, lý do dân gian chọn voi không phải vì chất lượng thịt mà là khối lượng thịt, và sự cao xa, khó tin của chuyện “làm thịt voi”.
Dùng hình tượng con voi to lớn để tạo sự tương phản, còn có câu “Hò voi, bắn súng sậy” (hò hét thì ầm ĩ, rầm rộ; làm thì quá yếu ớt); hay “Lên voi, xuống chó” (khi lên thì cao sang tột đỉnh; lúc xuống thì thấp kém tận cùng).
Trở lại cách giải thích của các nhà nghiên cứu.
Sách “Vân Đài Loại Ngữ” của Lê Quý Đôn chép: “Thịt voi to thớ, để liền cả với da mà nấu, thì chóng chín: mầm ngà non, và thịt bàn chân nó, ăn cũng ngon”.
Sách “An Nam Chí Nguyên” (Cao Hùng Trưng-Khuyết Danh, Hoa Bằng dịch) phần chép về “Thổ sản” cho biết: “Thịt nó (tức thịt voi-HTC) liền chung với bì, to thớ và thô, nướng chóng chín. Thịt hai cái vây ở bên ngà và thịt chân voi đều khá ngon”.
Sách “Đàng Trong thời chúa Nguyễn” (Nguyễn Duy Chính tuyển dịch), cho ta nhận xét tương tự: “Ở xứ này người ta ăn thịt voi. Vòi voi và chân voi được coi là những chỗ đặc biệt và thường được dâng lên các ông hoàng và các quan lớn. Tôi đã từng ăn những món này tại bàn ăn của quan bộ Lễ và thật quả là ngon“.
Wikipedia cho biết, từ xa xưa, thịt voi vẫn được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới, và không hẳn là món dở nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây, dân gian đâu nói chuyện ngon hay không ngon? Đâu có ý truyền đạt thông điệp “nhạt như nước xáo voi”? Mà thịt voi, nước xáo voi mấy người được ăn, được húp mà biết?
“Nước xáo”, hiểu đơn giản là “nước thịt” (“nước luộc thịt”), nên dẫu “nước xáo thịt voi vốn chẳng mỡ màng riêu cua gì”, vẫn được gọi là “nước xáo” kia mà! Trong khi đó, ý nghĩa của tục ngữ là ba hoa, khoác lác rất ghê gớm, nhưng cuối cùng không có gì, chứ không phải có, nhưng có ít, hoặc có nhưng không được đánh giá cao.
Về ý giải thích thịt voi hút nước (**), theo chúng tôi, cho dù thịt voi săn chắc đến đâu, thì khả năng “hút nước” của nó cũng không phải là vô tận. Nếu mỗi bộ phận của con voi chỉ cần lấy một ít thịt, khi luộc thì đổ thêm nước và dừng đun đúng lúc, thì dẫu một bát, chứ hàng ngàn bát xáo voi cũng có.
Còn chuyện các chàng rể đi mua voi về làm ma cho bố vợ, dĩ nhiên cũng chỉ là câu chuyện vui, người đời đặt ra sau để giải thích cho câu tục ngữ đã có trước. Bởi ngoại trừ người có “vấn đề”, thì dù ba hoa khoác lác đến mấy, cũng không ai bỏ đám tang bố vợ, để đi “mua voi” về làm ma, cuối cùng trở về tay không, rồi phàn nàn là không có đủ mười con để mua; hay mua và làm thịt cả mười con voi để làm ma cho bố vợ (như dị bản của Tiêu Hà Minh).
Thành ngữ, tục ngữ thường đa nghĩa. Nhiều trường hợp, cách hiểu này không triệt tiêu cách hiểu kia. Ở đây, nếu mổ xẻ, phân tích chất lượng của thịt voi, hay sáng tác ra các “điển tích” để chế giễu, khiến câu chuyện “Ba voi không được bát nước xáo” thêm phần hài hước thì không sao. Nhưng nếu xem đó là cách giải thích chính thức, có sở cứ khoa học, thì theo chúng tôi là việc làm máy móc, phi lý, không phù hợp với lối nói đơn giản, cách hiểu thực tế của dân gian.
Chú thích:
(*) Ở Thanh Hóa hiện vẫn còn nhiều địa phương gọi “thịt” là “thịch”; gọi “nước xáo” là “nước xít”, “nước xuých”, hoặc “nước xích”, rất gần với cách phát âm của tiếng Mường.
(**) Trang yume.vn dẫn lời PGS.TS Hà Quang Năng: “Người Việt Nam ít hiểu sai ý nghĩa của thành ngữ trên (ví dụ hiểu thịt voi không ngon nên nước xáo nhạt). Nhưng về nghĩa thực (nghĩa đen) thì còn ít người hiểu rõ. Trong bài “kể chuyện loài voi” của Bá Thành (Tuần Tin Tức số 15-1993) có một thông tin rất đáng chú ý: Thịt voi là loại thịt săn chắc, đặc biệt là thịt ở vòi. Khi nấu thịt voi, dù có đổ nhiều nước đến đâu đi chăng nữa, thịt nở ra vẫn hút hết nước. Có lẽ nhờ tính chất hút hết nước của thịt voi mà chúng ta hiểu thêm nghĩa đen của câu thành ngữ này vì mấy ai được ăn thịt voi, nấu thịt voi mà biết rõ”.