Trong tiếng Việt, “chia sẻ” và “chia xẻ” là hai từ thường bị dùng lẫn lộn hoặc đánh đồng làm một, dẫn đến lỗi sai chính tả. Đáng chú ý, những người mắc lỗi này thuộc đủ mọi trình độ, kể cả người cầm bút chuyên nghiệp, có học hàm học vị cao. Thậm chí ngay cả người hoạt động trong lĩnh vực ngôn ngữ và biên soạn từ điển chính tả cũng nhầm lẫn, viết sai.
PGS.TS. Ngôn ngữ học Lê Đức Luận (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, chỉ có “chia XẺ” chứ không có “chia SẺ”. Trong một bình luận trên Facebook, ông viết: “Viết sai chính tả là chuyện ai cũng vấp ít nhất một lần. Người miền Bắc có cái sai mà bây giờ thành đúng, như màu thành mầu, tàu thành tầu, xẻ thành sẻ, trong chia sẻ và mặc nhiên thừa nhận”. Và ông lý luận: “Chia tức là phải xẻ ra, còn sẻ không có nghĩa gì cả. Chia mà không xẻ ra thì không chia được”(!)
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà biên soạn từ điển Nguyễn Văn Khang lại coi “chia sẻ” và “chia xẻ” chỉ là một từ với hai dạng chính tả đều được chấp nhận. Điều này dẫn đến ông lẫn lộn lung tung:
-Trong “Từ điển chính tả tiếng Việt” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018), Nguyễn Văn Khang chỉ dẫn “chia xẻ = chia sẻ”; viết thành ngữ “nhường cơm SẺ áo” thành “nhường cơm XẺ áo”.
-Đến sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Hán”, với trường hợp đáng lẽ phải dùng “chia XẺ”, thì Nguyễn Văn Khang lại dùng “chia SẺ”; ngược lại đáng lẽ phải viết “chia SẺ” mới đúng, thì ông lại dùng “chia XẺ”. Ví dụ, ông viết: “chia năm SẺ bảy” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “四分五裂” (tứ phân ngũ liệt) trong tiếng Hán, trong khi viết đúng phải là “chia năm XẺ bảy”, vì “chia xẻ” mới có nghĩa là “phân liệt” 分 裂 (chia cắt).
Ở một mục khác, Nguyễn Văn Khang lại chọn cách viết “chia ngọt XẺ bùi” trong tiếng Việt để đối chiếu với “同甘共苦” (đồng cam cộng khổ), “分甘共苦” (phân cam cộng khổ) và “有福共享” (hữu phúc cộng hưởng) trong tiếng Hán. Tuy nhiên, viết đúng phải là “SẺ bùi”, vì “SẺ” ở đây là “chia SẺ”, “san SẺ”, cùng hưởng cùng chịu, tương ứng với “đồng cam” 同甘, “phân cam” 分甘, “cộng hưởng” 共享 (cùng hưởng vị ngọt, đắng. Tỉ dụ có phúc cùng hưởng, hoạn nạn cùng chịu) trong tiếng Hán.
Tóm lại là SẺ hay XẺ? Và tại sao CHIA SẺ không giống CHIA XẺ?
Khi chúng ta chia sẻ thông tin, chia sẻ bài vở, thì thông tin, bài vở ấy không hề bị xé ra, xẻ ra, không bị vơi bớt đi. Bởi vì “chia sẻ” này có nghĩa là cùng đọc, cùng thu nhận thông tin với nhau, chứ không có nghĩa là chia phần. Còn “sẻ áo” trong “nhường cơm sẻ áo” nghĩa là chia sẻ, san sẻ, giúp cho nhau về cái mặc (thế nên còn có dị bản “sẻ cơm nhường áo”). Còn “XẺ áo”, chỉ có nghĩa là cắt, xé, xẻ cái áo ra làm nhiều mảnh.
Như vậy, cái lý “Chia tức là phải xẻ ra, còn sẻ không có nghĩa gì cả. Chia mà không xẻ ra thì không chia được”, không thể đứng vững.
Vậy, khi nào thì dùng “chia sẻ”, khi nào thì dùng “chia xẻ”? Cách đơn giản để phân biệt giữa “chia sẻ” và “chia xẻ” như thế nào?
-CHIA SẺ: Khi chúng ta diễn tả việc chia với nhau để cùng hưởng hoặc cùng chịu thì dùng CHIA SẺ. Sự CHIA SẺ này thường mang ý nghĩa tích cực.
Ta hãy nhớ một cách đơn giản rằng: SẺ đây là SAN SẺ, SAN SỚT. Vì SAN SẺ, SAN SỚT không thể viết thành XAN XẺ, XAN XỚT, nên CHIA SẺ cũng không thể viết thành CHIA XẺ. Cũng có thể liên hệ với SHARE tiếng Anh có nghĩa là CHIA SẺ (VD: chia sẻ bài viết, lượt chia sẻ). Từ share được bắt đầu bằng chữ S, bởi vậy, ta luôn viết “Xin được CHIA SẺ”.
-CHIA XẺ: Khi diễn tả sự gì bị chia cắt, bị xé lẻ thành nhiều phần, làm cho một chỉnh thể nào đó không còn nguyên một mảnh, một khối nữa, thì dùng CHIA XẺ. Sự CHIA XẺ này thường mang nghĩa tiêu cực. Ví dụ: Lãnh thổ bị chia năm xẻ bảy; Mảnh đất bị chia xẻ ra làm nhiều miếng; Lực lượng bị chia xẻ ra nhiều nơi.
Ta chỉ cần nhớ: CHIA XẺ đây là CẮT XẺ, XÉ LẺ ra từng mảnh, nên phải viết giống XẺ trong XẺ GỖ.
Như vậy, CHIA SẺ và CHIA XẺ là hai từ mang hai nghĩa khác nhau, không thể thay thế cho nhau trong mọi trường hợp.