Trong bài Nhiều truyện tranh thiếu nhi quá phản cảm! (Báo SGGP – 6/2010), mục “Ngôn ngữ kỳ dị” có đoạn:
“… Đến nhà sách Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TPHCM) lúc 10 giờ ngày 16-6, chúng tôi thấy tại hai dãy kệ sách thiếu nhi đã đông nghẹt người […] Dù số người tập trung khá đông, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ nhưng khu vực vẫn giữ được sự yên lặng, ai cũng chăm chú vào các quyển sách.
Chợt có tiếng của một cậu bé chừng 8, 9 tuổi, hỏi người mẹ: “Ó đâm là gì hả mẹ?”. Người mẹ trẻ chau mày suy nghĩ, mãi một lúc sau mới trả lời được một cách ngập ngừng: “Ó đâm có lẽ là ngớ ngẩn đó con”.
“Ó đâm” cũng giống như “đâm lê”?
Trên một topic thảo luận về nói lái, có người đưa ra ý kiến: “Mặt ó đâm” có lẽ cũng giống với “Mặt đâm lê” (người lính trước kia khi tuốt lê xông tới trước mặt kẻ thù thì toàn bộ ý chí, sức mạnh và lòng căm thù đều dồn lên mặt nên khuôn mặt trở nên căng thẳng và đầy tính đe dọa với kẻ thù nên khi một người nào đó giữ khuôn mặt đó với chúng ta thì chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu và thấy người đó rất đáng ghét). Không biết ở vùng nào thì dùng từ này, chị nghĩ có lẽ chưa chắc đã là tiếng của các bạn teen vì các bạn trẻ thường tạo ra những từ khác thường chứ lấy hình ảnh con ó ra để so sánh nghe không giống phong cách của các bạn trẻ”.
Quả tình trong tiếng Việt, “ó đâm” dù không là một từ xa lạ với nhiều người nhưng vẫn có người thậm chí nghe có vẻ “trái tai” nên bị liệt vào thứ “ngôn ngữ kỳ dị”.
Vậy, ó đâm nghĩa là gì?
Trong số hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay, xuất bản trước và sau 1945 (ở cả hai miền Nam-Bắc) đều không thấy thu thập từ ó đâm. Tuy nhiên, ó được hầu hết các cuốn từ điển giải thích là diều, diều hâu, loài diều hâu. Đơn cử Việt Nam Tự Điển (Lê Văn Đức): “ó: cũng gọi Diều, Loại chim lông màu dà, hoặc có rằn (vằn) nâu, vấu nhọn, mỏ quắm, ăn thịt chim nhỏ và cá: Con ó, chim ó”.
Theo phân loại khoa học, tuy cùng bộ Cắt (gồm khoảng 270 loài), nhưng ó và diều thuộc hai họ khác nhau. Diều thuộc họ Ưng (205 loài), còn họ Ó chỉ có một loài duy nhất là ó cá (Pandion hailiaetus).
Khi bộ Cắt có tới chừng 270 loài thì việc phân biệt gọi tên chính xác các loài không hề đơn giản. Bởi vậy, trong mắt dân gian, tất cả những con chim dữ săn mồi có đặc điểm mắt sáng, mỏ khằm, móng vuốt sắc nhọn… đều được gọi bằng những cái tên mang tính tương đối, như diều, ó, cắt, đại bàng… Thế nên dù ta quen nghe Thạch Sanh bắn đại bàng cứu công chúa trong truyện cổ tích, nhưng cũng khó mà bắt bẻ được ông Tố Hữu khi viết “Thạch Sanh đánh ó cứu nàng tiên”!
Các loài chim thuộc bộ Cắt đều có cách săn mồi giống nhau, đó là bay lượn trên cao, khi quan sát thấy mục tiêu thì lao, đâm vút xuống như một mũi tên “không đối đất”, chộp gọn con mồi. Trên một cành cây hay mỏm đá vắng vẻ, chúng bắt đầu dùng bữa bằng cách tùng xẻo, rỉa rứt từng miếng mồi tươi máu trong sự giẫy giụa đau đớn của kẻ bất hạnh!
Sách Chim Việt Nam – hình thái và phân loại (Võ Quý – NXB Khoa học và Kỹ thuật – Hà Nội 1975) mô tả cách săn bắt mồi và giết thịt của các loài chim thuộc bộ Cắt như sau:
“Phần lớn các loài giết chết con mồi bằng chân […]. Một số khác (cắt) giết chết con mồi bằng cách mổ vào cổ hay vùng chẩm […]. Tất cả đều dùng mỏ hay mỏ phối hợp với chân để xé con mồi thành từng mảnh nhỏ để ăn.”.
Hãi hùng không kém “diều tha” là “quạ mổ”. Sự hiện diện của kẻ ưa tiệc tùng trên những xác chết này luôn gợi nên cảnh tóc tang, đen ngòm màu tử khí. Thế nên quạ mổ trở thành lời nguyền rủa kẻ chết đường chết chợ, mặc cho ác điểu rỉa róc thịt da, không ai chôn cất.
Từ sự quan sát về cách săn bắt và ăn thịt con mồi của diều, quạ, ó… dân gian đã dùng hình tượng này để nguyền rủa những kẻ xấu xa, kẻ đáng bị chết một cách đau đớn nhất. Nếu như người Việt có quạ mổ; quạ mổ diều tha; diều tha quạ mổ… thì người Mường có câu “Thà trôi sông, chẳng thà quạ công – Sá trôi rạc chăng sá ạc công” (Thà bị chết trôi sông, còn hơn chết bởi quạ tha); “Lấy chồng trong làng như sống giữa vườn hoa, lấy chồng đàng xa như con gà diều quắp – Lế dầu trong lùng nhơ vùng vướn va, lế dầu đáng xa nhơ kha tràng đành.” (Lấy chồng gần hạnh phúc, vui sướng; lấy chồng xa chịu nhiều vất vả, khổ đau); người Tày có câu “Ma mãnh quạ quật – Phi eng ca vảt” (Ma và quạ là những thứ ghê gớm, đáng sợ)…
Khi rủa ó đâm, diều tha quạ mổ thì cũng độc địa tương tự như ôn dịch, ôn vật, chết dịch, hay trời đánh thánh vật vậy.
Trở lại chuyện từ điển. Tuy không thấy các cuốn từ điển tiếng Việt phổ thông thu thập, nhưng “ó đâm” được hai cuốn từ điển phương ngữ Nam Bộ chúng tôi có trong tay ghi nhận:
–Từ điển từ ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín –NXB Chính trị Quốc gia, 2009): “ó đâm: 1. chết tiệt, gian ác, có những tính cách và hành động gian xảo. “Cái thằng ó đâm đó, sao xe không đụng cho nó chết cha cho rồi”; 2. xấu xa, tệ hại, không ra gì. “Cái trò ó đâm đó mày lừa ai, chớ lừa tao là hổng được đâu nghen”.
–Phương ngữ Nam Bộ (Nam Chi Bùi Thanh Kiên – NXB Hội Nhà văn, 2015): “ó đâm: a)-bị con ó đâm bổ vào và dùng móng vuốt cào cấu; b)-từ dùng để rủa người hư thân mất nết: Thằng cha già ó đâm”.
Như vậy, ó đâm là cách nói của phương ngữ Nam Bộ, giống như quạ mổ, hoặc tương đương thành ngữ diều tha quạ mổ (với ý nguyền rủa) trong ngôn ngữ toàn dân. Đây hoàn toàn không phải thứ “ngôn ngữ kỳ dị”. Có chăng, điểm khác biệt là ó đâm được dùng với nghĩa rộng hơn. Ví như quạ mổ hay quạ mổ diều tha thường được dùng để nguyền rủa người đàn bà hư thân mất nết, thì ó đâm lại ám chỉ tất cả những gì xấu xa, đáng ghét, bất kể đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ.