Knock, knock! Who’s there?

Tiếng Anh theo dòng thời sự
Trump: “Tụi nó đột nhập và chiếm ngôi nhà xinh đẹp của tôi. Tụi nó còn phá luôn két sắt”. Kết quả sơ bộ là FBI đã thu được 11 hộp tài liệu mật của quốc gia mà Trump đã mang về nhà riêng một cách bất hợp pháp – ảnh: Brandon Bell/Getty Images

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, tư gia một cựu tổng thống đã bị FBI khám xét và tịch thu một số tang vật – thuật ngữ tiếng Anh gọi là “search and seizure.” Cả trăm nhân viên của “the Feds” (tiếng gọi tắt của Federal Bureau of Investigation) đã lùng sục Mar-a-Lago từ chín giờ sáng tới sáu giờ chiều.

Họ tìm thấy và mang đi những gì ta không biết, chỉ biết họ đã được cho phép bởi một vị quan toà Liên bang với một pháp đơn đặc biệt gọi là “no-knock warrant” – cho phép nhân viên công lực tự tiện xông vào mà không cần gõ cửa.

Khác với những xứ chưa được văn minh (cho lắm) như Saudi Arabia hay “Đông Lào” (tiếng lóng thời thượng ám chỉ Việt Nam thời cộng sản), Hoa Kỳ là một quốc gia có “rule of law” –tức luật pháp trên hết, trên cả tổng thống hay chủ tịch đảng.

Muốn có được cái “no-knock warrant”, FBI phải thuyết phục quan tòa họ có nguyên nhân khả chứng – “probable cause”, cho thấy tội phạm rất có thể ĐANG diễn ra. Không những vậy, sự việc phải nghiêm trọng đến độ họ không thể dùng những biện pháp thông thường như trát toà (subpoena) hay giấy triệu tập vì sợ nghi can có thì giờ tiêu hủy tang chứng. Chữ ĐANG cần được nhấn mạnh là vậy. Khi nghi can là một cựu nhân viên cao cấp của nhà nước thì bằng chứng FBI đưa ra càng phải xác đáng và thuyết phục. Mar-a-Lago, như ta biết, là khu resort năm sao của vị tổng thống thứ 45 xứ Cờ Hoa!

Những người ủng hộ trước cổng tư dinh của cựu Tổng thống Donald Trump tại Mar-A-Lago ngày 8 Tháng Tám 2022 (ảnh: Eva Marie Uzcategui/Getty Images)
Những người bày tỏ chống đối ông Trump tập trung trước cổng tư dinh của cựu Tổng thống ở Mar-A-Lago ngày 8 Tháng Tám 2022 (ảnh: Eva Marie Uzcategui/Getty Images)

15 thùng đồ

Câu chuyện khó tin nhưng có thật này bắt đầu khi ông Trump rời Bạch Cung hồi tháng Giêng 2021, mang theo một số hiện vật được cho là tài sản quốc gia. Sau một thời gian dài thương lượng, vào tháng Hai năm 2022, Nha Văn Khố Quốc Gia (National Archives and Records Administration, NARA) đã lấy lại được từ Mar-a-Lago 15 thùng đồ, trong đó có một số tài liệu thuộc dạng “classified” (tối mật).

Bộ Tư Pháp liền “seat a grand jury”  (triệu tập đại bồi thẩm đoàn) để điều tra vụ này. Grand jury bao giờ cũng làm việc trong âm thầm. Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland lại là người cẩn trọng và kín tiếng, nên bao lâu nay công chúng không được cho biết họ đã phỏng vấn những ai hay phát hiện chuyện gì.

Đùng một cái, trong lúc đang ở New York chờ ra cung khai trong một vụ kiện dân sự, ông Trump bỗng được thông báo Mar-a-Lago của ông đã bị FBI “bao vây” (under siege), “bố ráp” (raided) và “chiếm cứ” (occupied). Trong bức thư đăng trên mạng Truth Social (Sự thật Xã hội)  của mình, ông Trump còn than phiền rằng đến cái két sắt (safe) của ông ta cũng bị FBI mở tung. Các chuyên gia mạng đoán (nửa đùa nửa thật) rằng cái “safe” của ông Trump chắc phải thuộc loại rẻ tiền lắm nên FBI mới có thể bẻ khoá dễ dàng như vậy.

Mật Vụ đâu?

Ai cũng ngạc nhiên về cuộc khám nhà đột ngột này, kể cả Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Cuộc “bố ráp” (chữ của ông Trump) xem ra đã được FBI chuẩn bị kỹ lưỡng trong bí mật tuyệt đối. Tuy nhiên, theo một số báo chí tường thuật thì Thống đốc Florida DeSantis có được thông báo trước nhưng ông ta đã không báo động cho phía Trump hay. Ngoài ra Mật Vụ của ông Trump ở Florida cũng đã được liên lạc sáng hôm đó trước khi FBI “bao vây” và “chiếm cứ” Mar-a-Lago.

Tuy nhiên, cũng có nguồn tin (chưa được kiểm chứng) cho rằng người ký lệnh khám nhà là một vị quan toà ở West Palm Beach khá tai tiếng. Ông Bruce Reinhart được bổ nhiệm năm 2018. Trước đó mười năm ông làm phụ tá biện lý và sau đó có một thời gian làm luật sư và từng biện hộ cho Jeffrey Epstein – tay chơi lừng lẫy về sau bị kết án tội xâm phạm tình dục trẻ vị thành niên và thắt cổ tự tử trong tù. Lai lịch không mấy sáng sủa của ông Reinhart khiến nhiều người đâm nghi mức độ liêm chính và trung lập của ông ta.

Dù gì chăng nữa, công chúng có thể yên tâm rằng FBI (thuộc Hành Pháp) đã làm việc đúng nguyên tắc tam quyền phân lập, không “ngồi xổm lên pháp luật” hay hành xử như một chính thể độc tài. Tưởng cũng cần nói thêm, Giám đốc FBI Christopher Wray là người do chính ông Trump bổ nhiệm và được giữ lại sau khi Joe Biden lên làm tổng thống.

What’s next?

Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp. Nhưng căn cứ theo quy trình tố tụng xưa nay, ta có thể đoán Donald Trump rất có thể sẽ bị đại bồi thẩm đoàn cáo buộc tội “cố ý gây thương tích hoặc phá hại tài sản quốc gia; cố ý giấu giếm, ăn cắp, cắt xén, tiêu hủy hoặc phá hoại một cách phi pháp giấy tờ sổ sách của chính phủ.”

Willfully injures or commits any depredation against any property of the United States; willfully and unlawfully conceals, removes, mutilates, obliterates or destroys government documents.

Đây là một trong những điều khoản cụ thể của Bộ luật Hình sự mà Bộ Tư Pháp có thể dùng để truy tố ông Trump. Michael Cohen, cựu luật sư của Donald Trump và phó giám đốc tập đoàn Trump Organization, người từng ngồi tù ba năm tội trốn thuế, thì cho rằng vụ khám nhà bất ngờ này là dấu hiệu cho thấy “ngày tàn của Trump đã cận kề” vì Trump là người “hay cất giấu giấy tờ phi pháp ở những chỗ ông cho rằng không ai với tới được.” (Trump would frequently stash away compromising information in places he thought were impervious.)

Rồi Cohen mượn một cái joke xưa như Trái đất để… chọc quê sếp cũ của mình trên Twitter:

Knock, knock!

Who’s there??

The F.cking FBI!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: