The Fed

Tiếng Anh theo dòng thời sự
Trụ sở Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ, Washington DC (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Bộ Lao Động Hoa Kỳ vừa thông báo hơn nửa triệu công ăn việc làm đã được tạo ra trong tháng Giêng, 2023. Đây là một con số cao bất ngờ, hơn gấp đôi dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Không  những vậy, tỉ lệ thất nghiệp xuống còn có 3.4% – mức thấp nhất kể từ năm 1969!

Minh họa: Unsplash

Thoạt nghe tưởng chừng những con số này là “good news,” nhưng đối với những người đứng đầu hệ thống Ngân hàng Dự trữ Liên bang – Federal Rerserve Banks (gọi tắt là The Fed), thì chúng là con dao hai lưỡi. Một mặt, những chính sách thúc đẩy kinh tế của chính phủ Biden và Lưỡng viện Quốc Hội do đảng Dân Chủ cầm đầu trong hai năm qua đã dẫn đến những thành tựu đáng kể, ngoài sự tiên liệu. Mặt khác, mức tăng trưởng chóng mặt này sẽ tạo áp lực lên thị trường lao động (job market), đẩy lương bổng (wages) lên cao, tạo điều kiện cho lạm phát (inflation) gia tăng.

Theo Bộ Lao Động, lương giờ trung bình (average hourly wage) trong Tháng Một 2023 đã tăng 4.4% so với Tháng Một 2022; và trong Tháng Mười Hai 2022 tăng 4.8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mức lạm phát hiện đang giảm dần từ ngưỡng 9.1% hồi mùa Hè năm ngoái xuống còn 6.5%. Nói cách khác, mức tăng lương cho người lao động vẫn không bắt kịp giá sinh hoạt leo thang nói chung. Vì thế cho nên The Fed vẫn sẽ còn tăng lãi suất hòng “làm nguội bớt” (cool off) nền kinh tế, với chỉ tiêu kềm lạm phát ở mức 2% mà thôi.

Để hiểu rõ mối liên hệ giữa lãi suất của The Fed và lạm phát, ta cần nắm bắt vài khái niệm căn bản về hệ thống ngân hàng ở Mỹ. Luật pháp Hoa Kỳ quy định tất cả các doanh nghiệp tài chánh (financial institutions) như ngân hàng, credit unions v.v. phải có tài khoản (account) được đăng ký với Federal Reserve System, và phải giữ trong đó một lượng tiền dự trữ (reserve) tối thiểu. Số tiền dự trữ này – có thể là cash hoặc electronic funds, được tính theo phần trăm của tổng số tiền khách hàng ký thác (deposit) trong nhà băng đó.

Dĩ nhiên đây là một con số thay đổi mỗi ngày, dựa trên sinh hoạt kinh doanh của mỗi nhà băng. Do đó, vào cuối ngày, tất cả các nhà băng đều phải kiểm toán xem mức dự trữ trong Federal Reserve của mình dư hay thiếu. Nếu dư thì không sao, nhưng nếu thiếu thì phải mượn tiền bù vào cho đủ chỉ tiêu.

Thế thì mượn tiền từ đâu? Đa phần các nhà băng mượn tiền lẫn nhau. Người thiếu đi mượn người dư. Kẻ thừa tiền dự trữ dĩ nhiên chẳng muốn giú nó trong Federal Reserve chi cho phí. Kẻ thiếu tiền thì không muốn bị phạt. Hai bên thoả thuận một mức “lãi suất qua đêm” (overnight interest rate) – như thế mọi người đạt được mục đích của mình.

Minh họa: Unsplash

Mức lãi suất ấy tuy được điều đình bởi các bên, nhưng trên thực tế nó dựa vào cái gọi là Federal Funds Rate (dân trong nghề gọi tắt là Funds Rate). Funds Rate là lãi suất do một uỷ ban đặc biệt của The Fed đề ra. Uỷ ban này có tên gọi là Federal Open Market Committee (FOMC), gồm có 12 người đứng đầu 12 chi nhánh Federal Reserve Banks trên toàn nước Mỹ. Theo quy định, mỗi năm họ họp tám lần để thảo luận tình hình kinh tế và quyết định nên tăng, giảm, hay giữ nguyên mức Funds Rate. Lần họp mới nhất cách đây vài ngày và lãi suất vừa được tăng thêm 0.25 điểm; đây là lần tăng thứ tám kể từ Tháng Ba năm ngoái.

Ngoài Funds Rate ra, The Fed còn có một công cụ tài chánh thứ nhì gọi là Discount Rate. Đây là lãi suất mà The Fed dùng để cho các nhà băng mượn tiền trực tiếp thay vì mượn các nhà băng khác. Mức lãi của Discount Rate thường cao hơn Funds Rate, và được xem như mức “trần” (ceiling) cho các nhà băng khi họ cho mượn tiền lẫn nhau. Bởi vì, không ai có lý do gì mượn tiền người khác ở mức cao hơn Discount Rate nếu họ có thể mượn thẳng từ The Fed.

Tuy nhiên, luật pháp không bắt buộc các nhà băng phải cho mượn tiền nhau ở mức Funds Rate. Cho nên The Fed phải sử dụng một chiêu phép tài chánh khác để dẫn dắt họ đi theo hướng mình muốn. Đó là bằng cách mua hoặc bán công trái (securities) trên thị trường chứng khoán. Nghĩa là sao?

Khi The Fed bỏ tiền ra mua công trái, số tiền dự trữ trong các nhà băng nào bán những trái phiếu ấy sẽ tăng lên (dĩ nhiên) – và theo luật cung cầu, lãi suất họ cho người khác mượn tiền sẽ giảm để câu khách. Và ngược lại, khi The Fed bán công trái, các nhà băng nào mua những trái phiếu ấy sẽ có ít tiền dự trữ hơn. Kết quả là các nhà băng ấy sẽ phải chịu trả lãi suất cao hơn để có đủ tiền lấp chỗ thiếu hụt.

Và đó là cách mà The Fed, qua bàn tay của FOMC, điều chỉnh lãi suất giữa các nhà băng và từ đó ảnh hưởng đến lãi suất người tiêu dùng như chúng ta phải trả để mượn tiền mua nhà, mua xe, dùng credit card v.v. Ngoài ra mức lãi đó còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khi họ cần mượn tiền để làm ăn, đầu tư, bành trướng… tức phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô.

Minh họa: Unsplash

Trong bối cảnh kinh tế đang lên vù vù như hiện nay, The Fed phải đối phó với một tình huống khó xử. Nếu họ quá mạnh tay trong việc tăng Funds Rate để kềm lạm phát, họ có thể làm khựng đà phát triển. Nhưng nếu họ nhẹ tay thì lạm phát sẽ bào mòn sức tiêu thụ của người dân. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý, trong tương lai gần The Fed có lẽ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, dù chậm hơn trước, để hạ nhiệt thương trường nhưng không tác hại đến thị trường lao động. Một vài con số “new jobs” trong tháng vừa qua cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang phát triển khá đồng đều:

Chuyên gia, kế toán, tư vấn (professionals, bookeepers, consultants): 82,000. Y tế (healthcare): 58,000. Bán lẻ (retails): 30,000. Xây cất (construction): 25,000. Công nghệ sản xuất (manufacturing): 19,000. Dịch vụ cá nhân, giải trí, ăn uống (hospitality, restaurants, bars): 99,000. Nhà nước (government): 74,000…

Điều đáng nói là trước đây các kinh tế gia chỉ ước lượng khoảng 186,000 new jobs cho Tháng Một 2023, dựa theo con số 260,000 new jobs một tháng trước đó. Không ngờ nó nhảy vọt lên đến 517,000. Nhiều người tuy không bỏ phiếu cho Joe Biden nhưng cũng phải công nhận kế hoạch phát triển kinh tế của bác “Bảy Đờn” coi vậy mà hiệu nghiệm. Giờ thì Hạ Viện nằm dưới tay Kevin McCarthy và đảng Cộng Hoà. Không biết số phận của Bidenomics và những người dân quèn như chúng ta trong vòng hai năm tới sẽ ra sao.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: