Một trong những công ty như vậy là Shein, chuỗi bán lẻ thời trang đang ăn nên làm ra rất thịnh tại Mỹ. Từ khi thâm nhập sâu vào Mỹ, Shein bắt đầu cắt đứt quan hệ với “cội nguồn” Trung Quốc. Chuyển trụ sở chính đến Singapore và hủy đăng ký nơi khai sinh công ty là Nam Kinh, Shein còn thiết lập các hoạt động ở Ireland và Indiana, đồng thời ráo riết thuê những người vận động hành lang ở Washington để nhấn mạnh các kế hoạch mở rộng ở thị trường Mỹ. Shein đang muốn xóa “dấu ấn cội nguồn quốc gia” để “lý lịch” trở nên “sạch” trước khi có thể lên sàn chứng khoán Mỹ trong năm nay.
Tuy nhiên, nhà bán lẻ quần áo này vẫn lọt vào tầm ngắm của Mỹ. Cùng với các thương hiệu tên tuổi đình đám khác như TikTok và ứng dụng mua sắm Temu, Shein đã trở thành mục tiêu của các nhà lập pháp Mỹ từ cả hai đảng. Giới chính trị gia Hoa Kỳ đang cáo buộc hàng may mặc của Shein dính líu việc thuê mướn nhân công lao động cưỡng bức và thậm chí gọi Shein là công cụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng Sáu 2023, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa, Florida), viết trong một bức thư gửi các nhà lập pháp Mỹ: “Không ai nên bị lừa bởi những nỗ lực che đậy dấu vết của Shein”.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng và rạn nứt, một số công ty lớn nhất Trung Quốc bắt đầu thực hiện các bước để tách họ ra khỏi chính quốc gia gốc gác của họ. Họ thành lập các nhà máy và trụ sở mới bên ngoài Trung Quốc và luôn nhấn mạnh các mối quan hệ đối ngoại, đồng thời cắt bỏ những gì liên quan “Trung Quốc” khỏi các trang web công ty.
Thành lập trụ sở chính tại Los Angeles và Singapore, TikTok khẳng định họ sẽ ngăn chặn dữ liệu người dùng Mỹ khỏi sự tiếp cận của công ty mẹ ByteDance. Temu cũng thành lập trụ sở chính tại Boston và công ty mẹ của họ, PDD Holdings, đã chuyển trụ sở chính từ Trung Quốc sang Ireland. Loạt công ty năng lượng mặt trời Trung Quốc đã thành lập các nhà máy bên ngoài Trung Quốc để tránh thuế quan Hoa Kỳ đánh vào sản phẩm pin mặt trời từ Trung Quốc.
JinkoSolar, gã khổng lồ sản xuất 1/10 mô-đun năng lượng mặt trời được lắp đặt trên toàn cầu, đã thiết lập chuỗi cung ứng hoàn toàn bên ngoài Trung Quốc để “rửa tay sạch” không còn bị dính “mùi Trung Quốc” trước khi cung cấp sản phẩm cho Mỹ. Các công ty khác, bao gồm cả những công ty thuộc sở hữu nước ngoài, đang xây dựng các “bức tường” ngăn cách hoạt động tại Trung Quốc và hoạt động kinh doanh toàn cầu của họ. Với họ, đây là cách tốt nhất để tránh vi phạm các hạn chế mới hoặc những rủi ro ảnh hưởng đến thương hiệu và hoạt động làm ăn. Tuần trước, Sequoia Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm, cho biết họ sẽ chia hoạt động kinh doanh toàn cầu thành ba quan hệ đối tác độc lập.
Trong một tuyên bố gần đây, Shein khẳng định rằng họ là “một công ty đa quốc gia với các hoạt động đa dạng trên khắp thế giới và có khách hàng ở 150 thị trường. Chúng tôi luôn đưa ra mọi quyết định kinh doanh với suy nghĩ như vậy.” Công ty cho biết họ không sử dụng lao động cưỡng bức, không lấy bông từ Tân Cương và tuân thủ đầy đủ tất cả luật lệ thương mại và thuế của Hoa Kỳ.
Phát ngôn nhân đại diện TikTok nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không có quyền kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp đối với ByteDance hay TikTok, và ByteDance là một công ty tư nhân, hoạt động toàn cầu, có văn phòng trên khắp thế giới. “Khoảng 60% nguồn vốn của ByteDance thuộc sở hữu các nhà đầu tư toàn cầu như BlackRock và General Atlantic, và CEO của ByteDance sống tại Singapore”.
Xu hướng tránh né dính líu nguồn gốc quốc gia của các công ty Trung Quốc bùng nổ bởi nhiều động cơ, một phần việc này có thể giúp họ tiếp cận tốt hơn khách hàng nước ngoài và thoát khỏi nguy cơ bị chính quyền Trung Quốc đàn áp; ngoài ra, còn là vấn đề giảm chi phí lao động và vận chuyển, giảm hóa đơn thuế, và đặc biệt giúp xóa bỏ danh tiếng kém chất lượng mà người tiêu dùng thế giới thường liên tưởng đến hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Làn sóng kiểm soát chặt chẽ hơn ở Hoa Kỳ đối với những gì liên quan làm ăn với Trung Quốc cũng có tác dụng.
Nghiên cứu của Altana, công ty công nghệ chuỗi cung ứng, cho thấy kể từ năm 2016, các quy định mới và chính sách thương mại của Washington đã gây tổn hại đáng kể cho xuất khẩu Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Tình trạng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ những năm gần đây đã khiến dòng vốn đầu tư từ hai bên đều chậm lại.
Thuế quan Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc do Tổng thống Donald Trump đưa ra và được Tổng thống Joe Biden duy trì đã khuyến khích các công ty Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất từ nội địa quốc gia họ sang các nước như Việt Nam, Campuchia và Mexico. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 khiến các nhà máy ở Trung Quốc phải dừng hoạt động và chi phí vận chuyển hàng hóa qua đại dương tăng mạnh càng đẩy nhanh xu hướng này.
Ngày càng có nhiều công ty quốc tế áp dụng mô hình “Trung Quốc cộng một” (“China plus one”) để đảm bảo nguồn hàng bổ sung ở một quốc gia khác trong trường hợp nguồn cung ở Trung Quốc bị gián đoạn. Trong 12 tháng kết thúc vào Tháng Tư 2023, tỷ trọng hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Trung Quốc đạt mức thấp nhất kể từ năm 2006. Ngoài thuế quan và lệnh cấm đối với các sản phẩm từ khu vực Tân Cương, Hoa Kỳ còn áp đặt các hạn chế mới đối với thương mại công nghệ. Washington cũng xem xét chặt chẽ những gì liên quan an ninh đối với những dự án đầu tư của Trung Quốc.
Isaac Stone Fish, giám đốc điều hành Strategy Risks, cho biết thêm, các công ty như Shein và TikTok phải vọt ra nước ngoài để vừa giảm rủi ro pháp lý và uy tín của họ ở Hoa Kỳ, vừa giảm nguy cơ những người sáng lập và nhân viên của họ bị Trung Quốc đe dọa hoặc bắt giữ.
Một cách tổng quát, người Mỹ nói chung ngày càng thận trọng hơn với Trung Quốc. Tháng Ba 2023, một nhóm có tên Shut Down Shein đã gây áp lực buộc Quốc hội Hoa Kỳ phải “xử” nhà bán lẻ Shein, ngày càng hoạt động rất mạnh ở Mỹ. Nhóm này đã thuê năm nhà vận động hành lang để mở chiến dịch tấn công Shein.
TikTok cũng liên tục bị sờ gáy. Trong phiên điều trần kéo dài 5 tiếng vào Tháng Ba 2023, các nhà lập pháp đã chất vấn giám đốc điều hành TikTok về việc họ có cung cấp dữ liệu người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc hay không. Trong khi đó, một số nhà lập pháp Mỹ nhấn mạnh rằng những tấm pin do JinkoSolar sản xuất tại Hoa Kỳ không đủ điều kiện nhận các khoản tín dụng thuế của chính phủ.
Mới đây, Tháng Năm 2023, chưa rõ lý do gì, nhà máy JinkoSolar ở Florida đã bị hải quan Mỹ đột kích kiểm tra. Chính quyền các tiểu bang, vốn thường chào đón đầu tư từ Trung Quốc, cũng ngày càng dè dặt hơn.
Tháng Giêng 2023, Glenn Youngkin, Thống đốc Virginia (Cộng hòa), đã chặn một thỏa thuận không cho phép Ford Motor thành lập một nhà máy sử dụng công nghệ từ một nhà sản xuất pin Trung Quốc (Contemporary Amperex Technology), khi cho rằng nước Mỹ không nên mở cửa thoải mái cho những con ngựa Thành Troy như thế lọt vào.