Cái giá của tự do

1.Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi nói mong muốn “quản lý căng thẳng” với Mỹ để giảm áp lực những lệnh trừng phạt đang làm suy yếu nền kinh tế Iran.

Iran và Mỹ đã không có quan hệ ngoại giao kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1980. Ông Araghchi cũng chỉ trích EU đã áp dụng chính sách thù địch với Iran.

Có thể nói khi phát biểu như thế, ông Ngoại trưởng Iran dường như không chịu hiểu rằng chính cái đường lối ngoại giao cứng nhắc mà Tehran thi hành bao nhiêu năm qua mới là nguyên nhân chính gây ra căng thẳng giữa Iran với Mỹ và EU. Sự thù địch giữa Iran với Phương Tây chính là do Tehran luôn nuôi sự thù địch với Phương Tây. Điều này đặt quan hệ Iran-Phương Tây thường xuyên trong tình trạng căng thẳng.

Một điều nữa, ngày nào Iran còn xem Israel là kẻ thù không đội trời chung, cần phải tiêu diệt thì ngày đó, dù Iran có xởi lởi với Mỹ thế nào đi nữa, thì cũng khó có thể làm giảm sự căng thẳng với Mỹ bởi, trong một chừng mực nào đó, Israel chính là Mỹ. Còn thù địch với Israel thì Iran còn thù địch với Mỹ.

Ngoại trưởng Iran, khi tuyên bố muốn “quản lý căng thẳng” với Mỹ, cũng nói muốn thắt chặt quan hệ với Nga và Trung Quốc. Thì cứ việc thắt cho nó chặt. Nhưng Iran cần phải nhìn nhận sự thật rằng mối quan hệ nồng thắm với Nga và Trung Quốc chẳng giúp được bao nhiêu cho Iran. Bản thân Nga đang bị đè nén bởi hàng ngàn lệnh cấm vận từ Phương Tây thì có muốn giúp Iran cũng chẳng giúp được. Trung Quốc cũng thế, dẫu muốn giúp kinh tế Iran thoát khỏi cơn ngặt nghèo cũng không dám vì sợ trừng phạt của Phương Tây.

Trong mắt Phương Tây, Iran chỉ là kẻ lặn hụp trong sự trì trệ nhưng cứ thích vỗ ngực ta đây. Nếu Tehran thực lòng muốn cải thiện ngoại giao với Mỹ nói riêng và Phương Tây nói chung, thì dứt khoát Iran phải cởi bỏ chiếc áo thù địch với Phương Tây và Israel mà mình đang mặc. Dừng hỗ trợ Houthi, Hamas, Hezbollah…, chấm dứt mối thâm thù với Israel và đặc biệt là từ bỏ vĩnh viễn chương trình hạt nhân sẽ là bước đi khôn ngoan cho Tehran nếu muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Phương Tây hầu đưa đất nước ra khỏi sự trì trệ và vươn lên một tầm cao mới. Còn nếu chỉ dừng ở mức “quản lý căng thẳng” thì e rằng căng thẳng vẫn còn đó, khó mà quản lý được!

2.Tổng Thống Zelensky của Ukraine kêu gọi Ấn Độ ngừng nhập khẩu dầu của Nga.

Ông Zelensky cho rằng nếu Ấn Độ làm theo kêu gọi này, Nga sẽ phải đối mặt với khó khăn to lớn. Bởi Ấn hiện là nước nhập dầu Nga lớn nhất thế giới. Hiện Ấn nhập hơn hai triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga. Hàng tỷ đôla doanh thu từ dầu đang nuôi nền kinh tế Nga cũng như nuôi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Hẳn lời kêu gọi của ông Zelensky đối với Ấn chỉ là vô ích. Khó lòng Ấn chấp nhận lời kêu gọi này, bởi dầu giá rẻ mua từ Nga đang góp phần đáng kể nuôi sống nền kinh tế Ấn. Rất đúng khi nói rằng nếu Ấn không mua dầu Nga nữa thì sẽ gây khó khăn cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Nhưng cũng rất đúng là nếu Ấn không mua dầu giá rẻ của Nga nữa thì kinh tế Ấn sẽ lao đao. Giữa hai điều này mà phải chọn một thì tất nhiên Ấn sẽ chọn không bỏ dầu Nga. Ukraine hay Phương Tây không bằng lòng thì Ấn cũng mặc kệ. Làm gì nhau.

Con bò thường ăn cỏ nhưng con bò Ấn Độ sống khỏe nhờ uống dầu giá rẻ của Nga. Uống riết thành ghiền, không bỏ được. Việc thủ tướng Ấn thúc Kyiv đàm phán với Moscow chỉ là thúc cho vui miệng, ra vẻ Ấn có quan tâm tới hòa bình thế giới chứ chẳng thực bụng gì đâu. Ấn chưa bao giờ lên tiếng kêu gọi Nga rút quân ra khỏi lãnh thổ đã chiếm được của Ukraine. Tổng Thống Zelensky kêu gọi Ấn ngừng mua dầu Nga là vì muốn Ấn tỏ thái độ dứt khoát về cuộc xâm lược của Nga, chứ không ỡm ờ như bấy lâu nay.

Rốt cuộc, Ấn khuyên gì là chuyện của Ấn. Kyiv thích thì nghe, không thích thì thôi, chẳng chết bò!

3.Cựu Tổng Thống Donald Trump mới đây chia sẽ trên mạng xã hội Truth Social hình ảnh ông cưỡi sư tử, được cho là sản phẩm của AI.

Dưới bức hình có lời của ông Trump: “Chỉ có một tổng thống có thể làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.” Hình này xuất hiện trong bối cảnh ông Trump đang bị bà Harris ngày càng lấn lướt trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.

Khi dùng AI tạo bức hình này, có lẽ ông Trump muốn bắt chước hình ông Putin cởi trần cưỡi gấu. Nếu gấu không giúp được gì cho Putin trong tình cảnh khó khăn của cuộc xâm lược mà ông ta tiến hành vào Ukraine, thì sư tử có lẽ cũng khó mà giúp ông Trump vượt qua được khó khăn trong cuộc đua với bà Harris!

4.Giáo hoàng Francis hôm 25 Tháng Tám 2024 lên án lệnh cấm hoạt động đối với Giáo hội Chính thống Nga tại Ukraine của chính quyền Kyiv. Quyết định này vừa được Tổng Thống  Zelensky phê chuẩn sau khi được Quốc Hội Ukraine thông qua.

Giáo Hoàng Francis cho biết ông lo sợ cho quyền tự do tôn giáo bị xâm phạm, và kêu gọi Kyiv “không động đến các giáo hội.”

Có lẽ Giáo Hoàng Francis không hiểu rằng sở dĩ Kyiv ban hành lệnh cấm này là vì Giáo Hội Chính thống Nga tại Ukraine có liên hệ với Tòa Thượng phụ Chính thống Moscow, vốn bị Kyiv tố cáo là lợi dụng tôn giáo và tuyên truyền lập trường của Nga.

Khi lên án lệnh cấm này của Kyiv, Giáo Hoàng Francis vô tình phụ họa theo cái luận điệu dối trá của Moscow rằng “Kyiv bách hại các Chính thống Nga và vi phạm tự do tôn giáo.” Dường như Gia1o Hoàng Francis vẫn chưa rút ra được bài học nào sau sai lầm nói Ukraine “giương cờ trắng” trước Nga!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: