Tổng Thống Donald Trump làm rung chuyển thị trường toàn cầu khi ông công bố kế hoạch áp đặt hàng loạt mức thuế quan bổ sung lên nhiều quốc gia. Trong số các nước chịu ảnh hưởng, Việt Nam cũng đối mặt với mức thuế đề xuất đặc biệt cao, lên tới 46%, cộng dồn vào các thuế quan hiện hành.
Ông Trump cũng đã gọi đây là Liberation Day – “Ngày giải phóng kinh tế Mỹ”, khẳng định hành động này nhằm chấm dứt tình trạng bất bình đẳng thương mại. Đây có phải là giải pháp thực sự để vực dậy nền kinh tế Mỹ như khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”?
Bối cảnh nợ nần và áp lực ngân sách của Hoa Kỳ
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang vật lộn với gánh nặng nợ công khổng lồ. Tính đến ngày 5 Tháng Tư năm 2025, tổng nợ công của chính phủ Hoa Kỳ đã lên tới khoảng $36.6 nghìn tỷ. Tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng ở mức đáng báo động, khoảng 125%, một con số gần ngang bằng thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai.
Gánh nặng nợ này kéo theo chi phí lãi vay tăng vọt. Trong năm tài chính 2024, chính phủ liên bang ước tính đã chi khoảng $1.2 nghìn tỷ chỉ để trả lãi cho khoản nợ của mình, mức cao nhất trong lịch sử. Con số này thậm chí đã vượt qua cả chi tiêu cho quốc phòng và chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare trong cùng kỳ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo chi phí lãi vay sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể lên đến $1.6 nghìn tỷ (tương đương 3.9% GDP) vào năm 2034, so với mức $870 tỷ (3.1% GDP) của năm 2024. Thêm vào đó, tình trạng chi tiêu vượt thu ngân sách đã trở thành một vấn đề kinh niên. Trong năm tài chính 2024, chi tiêu liên bang đạt khoảng $6.75 nghìn tỷ, trong khi nguồn thu chỉ khoảng $4.92 nghìn tỷ, dẫn đến mức thâm hụt ngân sách lên tới $1.83 nghìn tỷ.
Chiến lược ‘đảo nợ’ của ông Trump
Các chính sách của ông Trump, đặc biệt là việc tăng cường áp thuế quan, dường như nhắm đến việc giải quyết các vấn đề cố hữu nêu trên. Tuy nhiên, cách tiếp cận và mục tiêu thực sự có thể phức tạp hơn những gì được tuyên bố công khai.
Đầu tiên, ông Trump chủ trương cắt giảm chi tiêu chính phủ. Các chiến dịch với khẩu hiệu như “tát cạn đầm lầy” (drain the swamp), việc chỉ trích và nhắm đến xóa sổ các chương trình Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DEI), phong trào “Anti-woke”, hay ý tưởng thành lập Bộ Hiệu Quả Chính Phủ (DOGE) để cắt giảm lãng phí, dù thiếu bằng chứng thuyết phục, có thể được xem là những động thái nhằm tạo cơ sở chính trị để hợp lý hóa việc cắt giảm ngân sách.
Thứ hai, mục tiêu được ông Trump tuyên bố khi áp thuế quan là nhằm phục hồi sản xuất trong nước với việc làm, nhưng tính khả thi không thấy đâu. Thay vào đó, một cách diễn giải khác, tập trung vào tác động tài chính, cho rằng mục tiêu thực tế hơn và có thể có chủ đích đằng sau các đòn thuế quan này là tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ Mỹ thực hiện “đảo nợ” với chi phí lãi vay thấp hơn.
Logic ở đây là việc áp thuế quan có thể làm gia tăng rủi ro lạm phát, kìm hãm tiêu dùng và đẩy nền kinh tế vào suy thoái hoặc ít nhất là làm gia tăng nỗi lo suy thoái. Trong môi trường bất ổn đó, các nhà đầu tư có xu hướng rút khỏi các tài sản rủi ro và tìm đến các kênh trú ẩn an toàn như vàng và đặc biệt là trái phiếu chính phủ Mỹ, nhất là các kỳ hạn dài. Khi nhiều người muốn mua trái phiếu chính phủ Mỹ vì coi đó là tài sản an toàn, nhu cầu tăng sẽ đẩy giá của các trái phiếu đang được giao dịch trên thị trường lên cao hơn.
Ở đây có một điểm quan trọng: mặc dù mỗi trái phiếu trả một khoản lãi cố định hàng năm (gọi là lãi suất coupon), nhưng lợi suất thực tế (gọi là yield) mà một người mua nhận được lại phụ thuộc vào giá họ đã trả để mua trái phiếu đó. Giá trái phiếu và lợi suất yield luôn biến động ngược chiều. Nếu bạn phải trả giá cao hơn để mua trái phiếu, thì dù vẫn nhận cùng một khoản lãi coupon cố định, tỷ lệ lợi nhuận thực tế (yield) của bạn so với số tiền bỏ ra sẽ thấp hơn.
Khi chính phủ Mỹ quan sát thấy rằng lợi suất yield của trái phiếu trên thị trường đang giảm xuống (do giá trái phiếu tăng), điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư đang chấp nhận một mức lợi nhuận thấp hơn cho các khoản đầu tư an toàn này. Tận dụng điều này, chính phủ có thể phát hành các đợt trái phiếu mới và đặt mức lãi suất coupon cố định thấp hơn so với các đợt phát hành trước đó.
Đây chính là cách chính phủ thực hiện việc “đảo nợ” với chi phí rẻ hơn: họ phát hành trái phiếu mới với lãi suất coupon thấp, và dùng tiền thu được để trả các khoản nợ cũ (trái phiếu cũ đến hạn) vốn có lãi suất coupon cao hơn. Việc này giúp giảm bớt gánh nặng trả lãi cho chính phủ trong tương lai. Vì thế, có thể lập luận rằng việc tạo ra bất ổn thị trường, khiến nhà đầu tư tìm đến trái phiếu và làm giảm lợi suất yield, là một chiến lược có chủ đích nhằm tạo điều kiện cho việc đảo nợ này, và đó là ý nghĩa của “nỗi đau tạm thời” mà ông Trump nhắc đến.
Vậy tại sao chiến lược thuế quan lại tập trung vào việc “đảo nợ” thực tế hơn thay vì mục tiêu được tuyên bố là đưa việc làm về Mỹ? Bởi vì mục tiêu đưa việc làm sản xuất quy mô lớn trở lại Mỹ thông qua tăng hàng rào thuế quan đối mặt với quá nhiều trở ngại và bị nghi ngờ về tính khả thi do thiếu hiểu biết đầy đủ về thực tế phức tạp của kinh doanh toàn cầu.
Thứ nhất, sự thiếu chắc chắn về tính ổn định của chính sách trong một nhiệm kỳ tổng thống cuối cùng của ông Trump cũng khiến các doanh nghiệp ngần ngại đưa ra các cam kết đầu tư dài hạn quy mô lớn vào sản xuất nội địa. Do đó, khả năng phục hồi sản xuất và giảm thâm hụt thương mại một cách đáng kể nhờ thuế quan vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Quyết định đặt nhà máy sản xuất ở đâu của các doanh nghiệp luôn dựa trên bài toán tối ưu hóa chi phí và hiệu quả tổng thể. Ngay cả khi đối mặt với thuế quan cao hơn hoặc đồng USD có yếu đi, chi phí lao động và vận hành tại Hoa Kỳ vẫn là một rào cản đáng kể so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Thậm chí, thuế quan không chỉ làm tăng giá hàng nhập khẩu mà còn gián tiếp đẩy giá của chính nguyên liệu sản xuất như thép và đồng tại Mỹ lên cao, do các nhà cung cấp nội địa không còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh về giá từ các nguồn nhập khẩu.
Vì thế, các doanh nghiệp Mỹ cần xem xét lợi ích lâu dài của việc chuyển dịch sản xuất về Mỹ, thay vì chỉ dựa vào sự tăng cao của thuế quan. Một ví dụ điển hình về những thất bại khi chuyển dịch sản xuất về Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump là nhà máy điện tử trị giá 10 tỷ USD của Foxconn ở Wisconsin, cuối cùng chỉ còn là những nhà xưởng bỏ hoang và bị thay thế thành trung tâm dữ liệu cho AI của Microsoft vào tháng 5 năm 2024.
Thứ hai, khi lựa chọn các giải pháp tối ưu chi phí hơn. Các doanh nghiệp Mỹ có chuỗi cung ứng sản xuất linh hoạt vẫn có thể lựa chọn chuyển dịch sản xuất gia công ở một nước có mức thuế quan thấp hơn thay vì đưa về Mỹ. Bản thân nhiều quốc gia phụ thuộc gia công xuất khẩu cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ cho các công ty Mỹ như giảm lãi suất cho vay, miễn thuế, giảm tiền thuê đất thậm chí là phá giá đồng nội tệ,… để cân bằng mức gia tăng do thuế quan và giữ chân nhà đầu tư.
Thêm vào đó, xu hướng tự động hóa ngày càng gia tăng như một giải pháp để tối ưu chi phí và tăng năng suất, nhất là trong những ngành công nghiệp, ví dụ như việc Tesla đầu tư phát triển robot hình người thay nhân công, hay Honda và BMW đang triển khai AI và robot trong nhà máy sản xuất xe hơi của mình, cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu về lao động sản xuất truyền thống đang giảm dần, ngay cả khi một phần sản xuất có quay trở lại.
Thực tế này được phản ánh trong quan điểm của chính những người trong ngành. Kip Eideberg, phó chủ tịch cấp cao của Hiệp hội Các nhà sản xuất Thiết bị, một tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất thiết bị sử dụng trong xây dựng, nông nghiệp, khai thác mỏ, tiện ích và lâm nghiệp của Hoa Kỳ, đã thẳng thắn chia sẻ: “Khi chúng tôi đồng ý mạnh mẽ rằng chúng ta nên theo đuổi bất kỳ chính sách nào giúp sản xuất tại Mỹ, thì ý tưởng có thể di chuyển toàn bộ quy trình sản xuất về Mỹ không phù hợp với thực tế.”
Tương tự, các nhà kinh tế cũng tỏ ra hoài nghi về một làn sóng di dời sản xuất quy mô lớn. Samuel Tombs, chuyên gia kinh tế trưởng Mỹ tại Pantheon Macroeconomics, nhận định trong một ghi chú gửi khách hàng: “Chúng tôi vẫn rất hoài nghi rằng thuế quan sẽ gây ra làn sóng dịch chuyển lớn, do tiết kiệm chi phí lao động lớn khi sản xuất hàng hóa ở nước ngoài, cũng như sự bất ổn về thời gian áp dụng các chính sách bảo hộ.” Những yếu tố này khiến các doanh nghiệp khó có thể đưa ra quyết định đầu tư dài hạn vào việc chuyển sản xuất về Mỹ chỉ dựa trên chính sách thuế quan.
Đồng đôla suy yếu có làm giảm thặng dư thương mại?
Một mục tiêu tiềm năng thứ hai, được một số nhà phân tích chỉ ra, là nỗ lực có chủ đích nhằm làm suy yếu đồng USD, qua đó hy vọng thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Mỹ. Chiến lược này có thể được thực hiện thông qua nhiều kênh.
Một mặt, việc áp đặt hoặc thậm chí chỉ đe dọa áp thuế lên các mặt hàng thiết yếu và nguyên liệu sản xuất như thép và đồng có thể kích hoạt hành vi đầu cơ, tích trữ. Ví dụ, những lo ngại về thuế quan 25% lên thép và đồng của ông Trump đã thúc đẩy các nhà sản xuất gom hàng phòng ngừa, làm tăng đột biến nhu cầu ngắn hạn và đẩy giá các kim loại này lên cao ngay tại thị trường nội địa Mỹ. Sự tăng giá của các nguyên liệu đầu vào quan trọng này không chỉ góp phần vào việc đẩy chi phí sản xuất lên cao, dẫn tới lạm phát trong nước, mà còn làm tăng thêm bất ổn kinh tế, có thể gián tiếp gây thêm áp lực giảm giá lên USD.
Mặt khác, sự bất ổn kinh tế do các đòn thuế quan tạo ra có thể khiến nhà đầu tư chuyển dịch dòng vốn. Họ có thể bán ra các tài sản rủi ro như cổ phiếu, tiền điện tử và tăng cường mua vào những kênh được xem là an toàn hơn như Vàng, các kim loại quý khác, trái phiếu chính phủ Mỹ hoặc các đồng tiền trú ẩn như Yên Nhật (JPY) hay Franc Thụy Sĩ (CHF). Chính hành động gia tăng mua các tài sản này và giảm nắm giữ USD làm tăng giá trị tương đối của chúng so với USD, đồng thời gây áp lực làm suy yếu giá trị chung của đồng USD, thể hiện qua sự sụt giảm của chỉ số Dollar Index (DXY), vốn đo lường sức mạnh của USD so với một rổ các đồng tiền chính khác.
Hơn nữa, việc lợi suất trái phiếu Mỹ (đặc biệt là dài hạn) bị ép xuống mức thấp hơn sẽ làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ USD để hưởng lãi suất. Nếu lãi suất ở các nền kinh tế lớn khác không giảm tương ứng, hoặc thậm chí tăng, dòng vốn có thể chảy ra khỏi USD, gây thêm áp lực giảm giá lên đồng bạc xanh. Kỳ vọng rằng FED sẽ phải cắt giảm lãi suất để đối phó với suy thoái kinh tế tiềm ẩn do thuế quan gây ra cũng góp phần vào kịch bản làm suy yếu USD.
Tuy nhiên, việc cố gắng làm suy yếu đồng USD một cách có chủ đích đối mặt với nhiều thách thức đáng kể.
Thứ nhất, sự thành công của chiến lược này phụ thuộc vào việc các quốc gia khác duy trì hoặc tăng lãi suất. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy nhiều nền kinh tế lớn như Khu vực đồng Euro, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang đối mặt với khó khăn và có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc duy trì lãi suất thấp. Trung Quốc đã cho phép đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá để đối phó với các mức thuế quan mới từ Hoa Kỳ. Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức 7.2038 NDT/USD vào ngày 8 tháng 4 năm 2025, đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2023 tỷ giá này vượt qua ngưỡng 7.20.
Hơn nữa, chính cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump lại giúp góp phần các đồng minh đối tác trước đây lại dần quay lưng và phải đa dạng hóa nguồn xuất khẩu. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố vào ngày 5 Tháng Tư: “Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là thị trường tiêu dùng lớn thứ hai, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa rộng hơn, bất kể bối cảnh quốc tế đang thay đổi như thế nào.”
Thứ hai, và quan trọng hơn, là tính độc lập với chính trị của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Dù lợi suất trái phiếu Mỹ có thể giảm do các yếu tố thị trường, lãi suất chính sách của FED (Fed funds rate) vẫn là một tham chiếu quan trọng. Lợi suất trái phiếu thường phải cao hơn lãi suất chính sách để thu hút nhà đầu tư so với việc gửi tiền tiết kiệm. Chính vì thế mà ông Trump nhiều lần phải công khai gây áp lực đòi FED hạ lãi suất. Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh cam kết đưa lạm phát về mục tiêu 2% và sẽ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu kinh tế. Gần đây, ông Powell lưu ý rằng thuế quan có thể gây thêm áp lực lạm phát. Lạm phát còn dai dẳng, việc hạ lãi suất có thể phản tác dụng.
Do đó, nhiều khả năng FED sẽ giữ nguyên lãi suất để đánh giá tác động thực sự của thuế quan, và không loại trừ khả năng tăng lãi suất nếu lạm phát tăng tốc trở lại. Điều này cho thấy ưu tiên hiện tại của FED nghiêng về kiểm soát lạm phát hơn là lo ngại về suy thoái tức thời.
Thứ ba, việc Tổng thống Donald Trump tạm hoãn áp thuế một tuần và tỏ ý sẵn sàng đàm phán về thuế quan song phương đã khiến một số nhà phân tích liên tưởng đến Hiệp định Plaza năm 1985. Họ cho rằng đây có thể là một nỗ lực nhằm tái hiện lại kịch bản đó, khi các cường quốc G5 gồm Mỹ, Nhật Bản, Tây Đức, Anh, Pháp đã phối hợp can thiệp để làm giảm giá trị của đồng đô la Mỹ so với đồng Yên Nhật và Mác Đức, với mục tiêu chính là điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại nghiêm trọng giữa Mỹ và các đối tác này, đặc biệt là Nhật Bản. Mục đích của một “Plaza 2.0” tiềm năng, theo lập luận này, là làm suy yếu đồng USD để hàng hóa Mỹ trở nên rẻ hơn, từ đó thúc đẩy xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại.
Tuy nhiên, kỳ vọng rằng việc làm suy yếu đồng USD có thể dễ dàng giải quyết được bài toán thâm hụt thương mại là một cái nhìn có phần đơn giản hóa. Việc một quốc gia nhập khẩu bao nhiêu hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp hơn là chỉ tỷ giá hay thuế suất. Nó liên quan mật thiết đến nhu cầu thực tế của thị trường nhập khẩu, cơ cấu kinh tế, và đặc biệt là khả năng cạnh tranh về giá và chất lượng của hàng hóa xuất khẩu.
Lấy ví dụ trong trường hợp xe hơi Mỹ được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào Việt Nam, vẫn phải đối mặt với thách thức lớn từ chi phí sản xuất và logistics vốn đã cao tại Mỹ. Điều này khiến chúng khó cạnh tranh về giá so với xe hơi được lắp ráp tại các trung tâm sản xuất khu vực như Thái Lan, Indonesia, nơi có chi phí tối ưu hơn.
Chiến tranh thương mại gây tệ hại hơn
Nhìn chung, chiến lược thuế quan của Tổng Thống Trump dường như là một nỗ lực sử dụng một công cụ tiềm ẩn nhiều rủi ro như chiến tranh thương mại, suy thoái để giải quyết một vấn đề kinh niên là nợ công và chi phí lãi vay cao. Lập luận về việc đưa việc làm sản xuất quy mô lớn trở lại Mỹ thông qua thuế quan cũng dường như bỏ qua các yếu tố căn bản về chi phí, tự động hóa và sự cần thiết của thâm hụt thương mại ở một mức độ nhất định để duy trì vai trò toàn cầu của đồng đôla, chính nguồn quyền lực mềm mà chính quyền Trump đang tận dụng để yêu sách, đàm phán.
Thay vào đó, lợi ích rõ ràng nhất có thể đạt được từ chính sách này là khả năng “đảo nợ” với lãi suất thấp hơn trong ngắn hạn, nhưng nó không giải quyết được gốc rễ của vấn đề nợ công khổng lồ. Mục tiêu làm suy yếu đồng đôla cũng đối mặt với quá nhiều yếu tố bất định và sự kháng cự từ chính sách tiền tệ độc lập của FED. Do đó, thay vì “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, cuộc chiến thương mại mới này có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế và làm suy yếu vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ trong dài hạn.