Iran chống dịch: Tự cao, Hoang tưởng, Bí mật và Hỗn loạn

H.C.

Chế độ độc tài ở đâu cũng giống nhau. Khi đại dịch covid-19 bùng phát, chính quyền Hồi giáo Iran đã phản ứng theo kiểu Trung Quốc: giấu giếm, đe dọa và dùng công an trấn áp, dẫn tới tình trạng “vỡ trận” khi dịch vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Hoang tưởng

Mới hai tuần trước, các nhà lãnh đạo Iran từng tự tin dự báo dịch coronavirus đang tàn phá Trung Quốc sẽ không phải là vấn đề ở đất nước họ. Họ khoe khoang sự giỏi giang về y tế cộng đồng của Iran; thậm chí họ còn huênh hoang xuất cảng khẩu trang cho các đối tác thương mại Trung Quốc.

Họ chế giễu việc cách ly kiểm dịch là “cổ lỗ” và đề cao Iran như một mẫu mực toàn cầu. Tổng thống Iran Hassan Rouhani mới tuần trước còn nói rằng, đến thứ Bảy (29-02) cuộc sống sẽ trở lại bình thường.

Thay vì vậy, tới thứ Ba (03-03), Iran thừa nhận đã có đến 77 người tử vong vì coronavirus và hơn 2.300 trường hợp nhiễm bệnh. Các chuyên gia y tế tính toán, với 77 người chết, theo tỷ lệ tử vong của dịch, thì số người bị nhiễm bệnh phải vào khoảng 4.000 người.

Giờ đây Iran có nhiều người chết vì coronavirus nhất ngoài Trung Quốc. Điều đặc biệt là con virus đã không chừa những quan chức cao cấp của chế độ thần quyền. Trong số những quan chức và cựu quan chức cao cấp bị nhiễm bệnh dịch có cả một phó tổng thống, thứ trưởng bộ y tế và 23 thành viên quốc hội. Hôm thứ Hai, truyền thông nhà nước Iran đưa tin ít nhất một quan chức cao cấp đã chết vì virus; đó là ông Mohammad Mirmohammadi, thành viên Hội đồng Tư vấn, cố vấn cho lãnh tụ tối cao Iran. Không rõ ông cố vấn này đã tiếp xúc với lãnh tụ tối cao, giáo chủ Ali Khamenei, gần đây nhất là khi nào.

Khi cả thế giới vật lộn với sự lây lan nhanh chóng của coronavirus, nạn dịch ở Iran là một bài học về chuyện gì sẽ xảy ra khi một nhà nước bí mật, với nguồn lực hạn chế, cố gắng coi nhẹ một nạn dịch để rồi nhận ra rất khó kiềm chế nó.

Bí mật và đàn áp

Nhân viên y tế Iran được lệnh phải im lặng về nạn dịch và hậu quả của nó. Ngành y tế Iran choáng váng vì số tử vong và số bệnh nhân của dịch tăng quá nhanh, nhưng thay vì nhận được sự giúp đỡ của chính phủ, các bác sĩ và y tá lại bị cơ quan công an cảnh báo phải giữ im lặng. Một số quan chức nhận định, guồng máy quan liêu của Tehran đang đánh giá thấp mức độ thật sự của nạn dịch – có lẽ vì họ sợ nạn dịch sẽ được coi là một thất bại mà kẻ thù có thể lợi dụng.

Theo những cuộc nói chuyện điện thoại và tin nhắn với gần một chục nhân viên y tế Iran, có vẻ như chính quyền Iran lo lắng chuyện che giấu thông tin cũng ngang với lo kiểm soát dịch. Công an được bố trí trong từng bệnh viện đã cấm tất cả nhân viên y tế tiết lộ thông tin về tình trạng thiếu thốn phương tiện, về bệnh nhân hoặc số tử vong liên quan tới coronavirus.

“Nhục nhã! Bằng cách biến dịch bệnh thành vấn đề an ninh quốc gia, họ gây thêm áp lực và căng thẳng lên các bác sĩ, các nhân viên y tế, tạo môi trường sợ hãi và hỗn loạn,”

– Một nhà bệnh học nổi tiếng ở Tehran

Một y tá ở một thành phố tây bắc Iran gửi tin nhắn riêng cho gia đình – mà báo The New York Times có được – miêu tả một văn thư của công an cảnh báo rằng chia sẻ thông tin về các bệnh nhân bị nhiễm virus là “đe dọa an ninh quốc gia” và “gây hoang mang cho công chúng”. Những hành vi vi phạm như vậy “sẽ nhanh chóng bị xử lý bởi ủy ban kỷ luật”!

Các bác sĩ và chuyên gia nói, sự bí mật và hoang tưởng phản ánh cái mà họ gọi chính quyền tập trung chú ý vào hình ảnh bề ngoài và uy tín của Iran trong khi hủy hoại niềm tin của công chúng và cản trở những bước đi thực tế nhằm kiềm chế nạn dịch.

Một nhà bệnh học nổi tiếng ở Tehran nói rằng các nhân viên phòng thí nghiệm xét nghiệm tìm coronavirus bị cảnh báo họ sẽ bị bắt giam hoặc bị thẩm vấn nếu họ cung cấp thông tin cho báo chí. “Nhục nhã! Bằng cách biến dịch bệnh thành vấn đề an ninh quốc gia, họ gây thêm áp lực và căng thẳng lên các bác sĩ, các nhân viên y tế, tạo môi trường sợ hãi và hỗn loạn,” nhà bệnh học ẩn danh này nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Bối rối và hỗn loạn

Dịch covid-19 bùng phát ở Iran đúng lúc giới lãnh đạo đất nước này đang điêu đứng vì những vụ khủng hoảng.

Nền kinh tế Iran đã chao đảo vì bị Mỹ cấm vận. Các lực lượng an ninh ra sức đàn áp những cuộc biểu tình phản kháng của dân chúng. Quân đội Iran thì rối trí sau khi tướng Soleimani, một chỉ huy quân đội được kính trọng, bị máy bay không người lái của Mỹ giết chết. Lòng tin của người dân với chính quyền đã rơi xuống mức thấp nhất sau khi Iran thú nhận – sau nhiều ngày chối bỏ – rằng hỏa tiễn phòng không của họ đã bắn nhầm một phi cơ dân dụng của Ukraine chở đầy các hành khách Iran.

“Họ đang lảo đảo đi từ khủng hoảng này tới khủng hoảng khác và cố gắng ‘băng bó’ từng vụ khủng hoảng. Họ đánh giá quá thấp tác động của con virus,” Sanam Vakil, nhà nghiên cứu về Iran tại Viện nghiên cứu Chatham House ở London nhận xét.

Trong cơn bối rối, chính quyền Iran ứng phó với dịch bằng một mớ lộn xộn những biện pháp mâu thuẫn nhau, trộn lẫn các yếu tố đàn áp với nỗ lực vớt vát thể diện.

Quan chức công tố cao cấp nhất của chế độ đe dọa sẽ xử tử tất cả những ai đầu cơ tích trữ khẩu trang và các trang bị khác – một sự thừa nhận tình trạng thiếu thốn trầm trọng.

Hôm thứ Ba chính quyền Iran thông báo tạm thời phóng thích 54.000 tù nhân được cho là không có triệu chứng bệnh, rvới hy vọng giảm thiểu sự lây nhiễm trong các nhà tù đông đúc của nước này. Nhưng thông báo của chính quyền không nói rõ có bao nhiêu tù nhân đã thực sự được xét nghiệm bởi vì đất nước này thiếu trầm trọng bộ dụng cụ xét nghiệm coronavirus.

Và cũng vì thiếu dụng cụ xét nghiệm nên thực tế là không ai biết được coronavirus đã phát tán rộng đến mức nào ở Iran. Một nghiên cứu của Canada tuần trước dự tính rằng, tổng số ca lây nhiễm thực sự có thể vào khoảng hơn 18.000 ca, theo lời Isaac Bogoch, một bác sĩ ở Toronto là một trong các tác giả của nghiên cứu.

Bộ trưởng Y tế Saeed Namaki hôm Chủ nhật công bố một kế hoạch cử 300.000 dân quân Basij mặc thường phục đi đến từng nhà để sàng lọc cư dân và khử trùng nhà cửa. Tuy nhiên các bác sĩ và chính trị gia Iran ngay lập tức phê phán kế hoạch đó, họ nói rằng những dân quân không được đào tạo sẽ có khả năng phát tán virus hơn là kiềm chế nó.

“Ranh giới giữa sự quản lý sai lầm và sự ngu dốt đang được Bộ Y tế vẽ lại. Tôi thấy buồn cho chúng ta bởi vì chúng ta ngồi trong một con thuyền đang chìm do những người đó chèo lái,” bác sĩ Omid Rezaie, một bác sĩ chuyên khoa ung thư nổi tiếng ở Tehran viết trên mạng xã hội Telegram.

Tôn giáo trên hết?

Đường phố ở thủ đô Tehran vắng vẻ vì cư dân cố thủ trong nhà do lo sợ bị nhiễm bệnh. Nhưng ở thành phố thánh địa Qom, nơi dịch bùng phát đầu tiên và trầm trọng nhất Iran, các giáo đường và đền thờ vẫn tổ chức nghi lễ thờ cúng đông người cho các giáo dân hành hương, bất chấp cảnh báo của chính quyền về phòng dịch.

“sự miễn cưỡng của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran hạn chế những cuộc viếng thăm quy mô lớn tới các đền thờ là một tội ác. Chính quyền đã đặt uy thế của tôn giáo và hình ảnh bề ngoài lên trên sự an toàn của dân chúng.”

– Bác sĩ Amir A. Afkhami

Bác sĩ Amir A. Afkhami, một bác sĩ y khoa và sử gia của trường Đại học George Washington, than thở: “Nói thật, sự miễn cưỡng của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran hạn chế những cuộc viếng thăm quy mô lớn tới các đền thờ này là một tội ác giữa cơn dịch bệnh”. “Chính quyền đã đặt uy thế của tôn giáo và hình ảnh bề ngoài lên trên sự an toàn của dân chúng. Đó là điều chưa có tiền lệ kể cả trong biên niên sử của nước Cộng hòa Hồi giáo,” ông Afkhami nói thêm.

Gian dối và giả mạo

Bác sĩ Mohsen Basiri, một bác sĩ người Iran đang ở Houston, Texas nói rằng trong một cuộc hội nghị truyền hình về cung cấp thiết bị khẩn cấp hôm Chủ nhật, các đồng nghiệp của ông ở Iran cho biết công an bắt buộc các bác sĩ phải điền các giấy chứng tử giả về nguyên nhân các ca tử vong. Bệnh nhân có thể chết vì coronavirus nhưng bác sĩ phải ghi chết do đau tim, đau phổi để tránh phải công nhận số tử vong liên quan tới dịch. “Họ không có phương tiện, thiết bị, tiền bạc, quản lý hoặc lòng tin của dân chúng để chiến đấu với nạn dịch quy mô lớn thế này,” bác sĩ Basiri nói.

Có ít nhất hai nghị sĩ của Iran đã công khai nêu lên những cảnh báo tương tự về việc chính quyền tìm cách che giấu số tử vong do coronavirus bằng cách ghi vào giấy chứng tử những nguyên nhân khác.

Gholamali Jaffarzadeh Imanabadi, nghị sĩ tỉnh Gilan gần Biển Caspi, nói với truyền thông Iran hôm thứ Hai rằng có 20 người trong khu vực cử tri của ông đã chết, các bệnh viện chật cứng còn các trung tâm y tế dành cho việc điều trị con virus này thì không còn tiếp nhận bệnh nhân nữa. Ông nói rằng trong một số trường hợp, chính quyền địa phương ghi nhận nạn nhân chết vì nguyên nhân khác. “Dựa vào các con số, các lời khai và bằng chứng mà chúng tôi nhận được, số người chết và số người nhiễm bệnh cao hơn rất nhiều so với những gì đã công bố,” ông nói và gọi những con số chính thức là “một trò đùa”. “Các quan chức của chúng ta đã không tiết lộ toàn bộ sự thật về tình hình.”

Ahmad Amirabadi Farahani, nghị sĩ khu vực Qom, tuần trước cũng đưa ra lời than phiền tương tự. Ông nói trên một tin Twitter rằng các nhân viên ở hai bệnh viện đã làm sai lệch giấy chứng tử để giảm nhẹ thiệt hại của dịch. “Các bác sĩ ở bệnh viện Kamkar và Goghaini viết rằng nguyên nhân tử vong là suy hô hấp, nhưng họ biết rất rõ những cái chết đó xảy ra trong khu kiểm dịch coronavirus”.

Kianoush Jahanpour, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran phản bác những lời tố cáo đó, và cho rằng sự khác nhau giữa con số ở địa phương và con số chính thức chỉ phản ánh độ trễ thời gian trong lúc chờ xác nhận kết quả xét nghiệm. Ông Jahanpour nói bộ phải kiểm chứng kết quả xét nghiệm trước khi đưa vào thống kê chính thức.

Những người khác than phiền rằng sự thiếu thốn trầm trọng các bộ dụng cụ xét nghiệm và các thiết bị khác có thể làm cho việc thống kê không đầy đủ. Bahram Parsaei, nghị sĩ từ Shiraz, viết trên Twitter hôm Chủ nhật: “Không có dụng cụ xét nghiệm, thuốc khử trùng và công cụ phòng ngừa có thể đáp ứng được sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh. Đó là lý do tại sao thực tế thì tệ hại hơn các con số chính thức.”

Phải dựa vào Trung Quốc như là đối tác thương mại quan trọng nhất để đương đầu với sự cấm vận của Mỹ nên Iran rất chậm chạp trong việc hạn chế đi lại với Trung Quốc sau khi có báo cáo đầu tiên về sự bùng phát dịch ở thành phố Vũ Hán miền trung nước này vào tháng 12 năm ngoái. Khi ấy Tehran còn huênh hoang cung cấp cho Trung Quốc khẩu trang y tế được sản xuất trong nước, làm cạn kiệt nguồn cung cấp của Iran vào lúc các quốc gia khác lặng lẽ tích cóp hàng dự trữ. Giờ đây, “tình trạng thiếu khẩu trang là do chính họ tự gây ra,” bác sĩ Afkhami nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: